Tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, ngày 31-10, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ những lo lắng cho “sức khỏe” của doanh nghiệp hiện nay và nêu ra những đề xuất để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) bày tỏ, nhìn lại bức tranh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, trong 10 tháng đầu năm nay, đã có trên 60.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký đã tăng lên.

Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cũng tăng vốn để mở rộng quy mô. 13.000 doanh nghiệp sau một thời gian do khó khăn buộc phải ngừng hoạt động nay đã trở lại hoạt động - tăng so với cùng kỳ năm trước và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đã có tín hiệu cải thiện, tỷ lệ các doanh nghiệp làm ăn có lãi tăng lên. Nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. 10 tháng đầu năm đã có thêm gần 54.000 doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Trong tổng số trên 485.000 doanh nghiệp đang hoạt động chỉ có trên 30% doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Vì vậy, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thực sự là một thách thức to lớn với cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, đối với các doanh nghiệp, không có cách nào khác là phải định vị lại mình, tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, tăng cường quản trị, công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phải dựa trên lợi thế của Việt Nam và vươn tới chuẩn mực quốc tế, tránh “ăn xổi, ở thì”. Để có được những nỗ lực kinh doanh đúng hướng, doanh nghiệp cần có sự mở đường và hậu thuẫn của Nhà nước.

Sự mở đường và hậu thuẫn lớn nhất là tạo lập được môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi và an toàn, một nền hành chính công chuyên nghiệp. Đồng thời, trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay cũng cần những giải pháp trợ giúp đủ liều lượng để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vượt qua khó khăn, trụ vững và phát triển.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thanh (đoàn Ninh Bình) cho hay, những doanh nghiệp phải phá sản là đương nhiên vì không đủ điều kiện tồn tại ngay từ khi thành lập. Thời gian qua Chính phủ trực tiếp là Bộ Tài chính đã nỗ lực sửa đổi một số loại thuế một mặt là để cải cách hành chính mặt khác là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thu hút đầu tư và dần từng bước cơ cấu lại đầu tư và huy động nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, các chính sách đó chỉ phù hợp với doanh nghiệp lớn, việc tiếp cận chính sách ưu đãi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất khó khăn như thủ tục vay tài sản thế chấp, điều kiện vay vốn. Do vậy theo đại biểu cần có phương pháp phân loại doanh nghiệp để có chính sách tháo gỡ khó khăn cho phù hợp, nhất là nhưng doanh nghiệp có điều kiện để phát triển kinh doanh.

Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, mặc dù báo cáo của Chính phủ đã nêu các giải pháp khá đồng bộ nhưng đại biểu Vũ Tiến Lộc đề xuất: cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh; trong đó chú trọng các biện pháp ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp tục nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc giảm thấp lãi suất. Đặc biệt là cho vay trung và dài hạn, trong bối cảnh lạm phát đã được kiểm soát tốt như hiện nay.

Chính phủ cũng nên nghiên cứu áp dụng trần lãi suất cho vay và đơn giản hóa các thủ tục cho vay, phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng và các hình thức cho vay tín chấp, cho vay theo dự án... để các doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng cho phát triển.

Việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ (đường sá, điện nước, hệ thống xử lý nước thải, nhà xưởng,…) sẵn sàng cho đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần phải được làm theo cách làm mới. Hiện nay đã có một số kinh nghiệm tốt ở một số địa phương về các mô hình này nhưng rất tiếc là chưa được tổng kết nhân rộng.

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề đầu ra cho các doanh nghiệp, bên cạnh việc triển khai sâu rộng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cũng cần đặc biệt quan tâm xây dựng và vận hành tốt hệ thống hàng rào kỹ thuật, thu hẹp và tiến tới xóa bỏ mậu dịch tiểu ngạch, kiểm soát chặt chẽ xuất, nhập khẩu qua biên giới, chống gian lận thương mại có hiệu quả để bảo vệ lợi ích hợp pháp và cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thanh kiến nghị, Chính phủ ban hành chính sách quan tâm đến doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm 98% số doanh nghiệp trong nước đóng góp trên 40% GDP thu hút hơn 50% tổng số lao động xã hội, nhất là doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn giúp duy trì việc làm cho người lao động bảo đảm an sinh xã hội cho lực lượng dân cư nông thôn chiếm tới 70% dân số./.