TCCSĐT - Sau hai năm xây dựng, ngày 9-7 vừa qua nhà máy sữa tươi sạch TH tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An đã chính thức khánh thành và đưa vào vận hành cụm dây chuyền sản xuất số 1 với công suất 200.000 tấn/năm. Giai đoạn tiếp theo sẽ được xây dựng trong thời gian 4 năm sắp tới. Khi hoàn thành vào năm 2017 siêu nhà máy Mê-ga Plan (Mega Plant) sẽ đạt tổng công suất 1.700 tấn/ngày, tương đương 500 triệu lít/năm. Đây sẽ là nhà máy chế biến sữa tươi lớn nhất và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
Con đường rộng mở phía trước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng CHDCND Lào Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông và đông đảo đại diện các ngành, các cấp liên quan mật thiết tới nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm đã tham dự lễ khánh thành. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn TH khi đầu tư quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh rằng với việc khánh thành và đưa vào vận hành nhà máy chế biến sữa tươi sạch lớn nhất Đông Nam Á, Tập đoàn TH đã góp phần nâng cao vị thế của ngành công nghiệp sữa Việt Nam, ổn định thị trường sữa trong nước, tạo cơ hội để người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm sữa chất lượng quốc tế, với giá cả hợp lý.

Các dây chuyền chế biến và đóng gói được quản trị theo công nghệ đo lường và điều khiển hiện đại bậc nhất, nhập khẩu từ nhóm các nước G7 và châu Âu như: Xi-ê-men (Siemens), Đan-phót (Danfoss), Grun-phót (Grundfoss). Các sản phẩm của nhà máy được sản xuất và quản lý hoàn toàn theo tiêu chuẩn ISO 22000, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe nhất. Tổng thể các dây chuyền sản xuất được kiểm soát bởi các phần mềm hiện đại nhất hiện nay trong ngành chế biến sữa là TPM, TQM...

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CHDCND Lào Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông và bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cắt băng khánh thành nhà máy chế biễn sữa Nghĩa Đàn, Nghệ An

Theo những đánh giá khái quát, năm 2012 sữa tươi sạch TH chiếm khoảng hơn 30% thị trường sữa tươi của nước ta. Doanh thu thuần đạt mức 1.000 tỷ đồng vào năm 2011; năm 2012 là hơn 2.000 tỷ đồng; năm nay, ước tính sẽ đạt 3.700 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2015 sẽ đạt 15.000 tỷ đồng và năm 2017 sẽ tăng lên 23.000 tỷ đồng.

Những người lãnh đạo Tập đoàn TH luôn cho rằng, ngoài lúa, gạo thì sữa cũng là sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống con người ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước và là nguồn lực chính của xã hội. Vì vậy, nếu sản xuất được những dòng sữa tươi ngon và bổ dưỡng ngay trong nước và bằng quy chuẩn quốc tế sẽ có ý nghĩa to lớn, góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu cho ngành sữa và cũng là cách thiết thực nâng cao tầm vóc, trí tuệ và thể lực cho người Việt Nam. Đầu tư sản xuất sữa chính là đầu tư phát triển nông nghiệp và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Lý giải về nguồn đất đai thổ nhưỡng và nguồn nước ở Việt Nam so với I-xra-en, chúng ta thuận lợi hơn bạn bội phần. I-xra-en có diện tích hơn 20.000 km2 chỉ nhỉnh hơn tỉnh Nghệ An một chút, khí hậu rất khắc nghiệt, thậm chí nhiều vùng còn như hoang mạc. Dân số chưa đến 8 triệu người, trong đó chỉ có 2,5% làm nông nghiệp, tức là khoảng 200 nghìn người. Nếu năm 1950, một nông dân I-xra-en cung cấp thực phẩm đủ cho 17 người, thì con số này hiện đã là 90 người. Một héc-ta đất đai của xứ sở này mỗi năm cho 3 triệu bông hồng, hay 500 tấn cà chua/vụ. Một con bò sữa cho ra 11 tấn sữa/năm (khoảng 55 lít sữa/ngày). Không phải chỉ cung cấp thức ăn, đồ uống cho nhân dân trong nước, mà nông dân I-xra-en còn góp phần tích cực xuất khẩu sản phẩm ra nhiều nước trên thế giới, mỗi năm thu về hơn 3 tỷ USD. Như vậy, nếu chỉ tính riêng khối lượng nông sản xuất khẩu, thu nhập bình quân của nông dân I-xra-en đã đạt hơn 100.000 USD/người/năm. Bởi thế, không có gì là ngoa ngoắt, khi người ta mệnh danh I-xra-en là “Thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một ví dụ khác là Hà Lan, quốc gia có diện tích lãnh thổ không lớn lắm, khoảng 42.847km2 (chỉ bằng 1/8 lãnh thổ nước ta), với dân số 16,7 triệu người (năm 2011), nhưng có tới 1/4 diện tích lãnh thổ thấp hơn mực nước biển cộng với khoảng 1/6 lãnh thổ chỉ cao hơn mực nước biển chưa đến 1m, vì thế 1/3 diện tích đất nước này chịu uy hiếp thường xuyên của khả năng bị nước mặn xâm nhập và nước sông gây ngập úng. Bởi vậy, Hà Lan rất hiếm đất nông nghiệp, chỉ có khoảng 910.000ha có thể canh tác, cùng với 1.020.000ha cánh đồng trồng cỏ. Diện tích đất canh tác hạn chế chỉ đạt 0,058 ha/người. Đây là mức thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, hiệu suất sản xuất của nông nghiệp Hà Lan lại đứng đầu thế giới. Vì thiếu đất canh tác, Hà Lan thực thi chiến lược “đầu tư cao - sản xuất nhiều” với việc phát triển thủy lợi và hệ thống nhà kính. Diện tích nhà kính của Hà Lan đã lên đến gần 11.000ha, chiếm 25% tổng diện tích nhà kính trên toàn thế giới, năng suất trong nhà kính gấp 5-6 lần sản xuất ngoài trời. Kết quả, Hà Lan đứng đầu thế giới về kim ngạch xuất khẩu nhiều loại nông sản như: hoa tươi đạt 2,127 tỷ USD (chiếm 48,1% của cả thế giới); cây cảnh trong chậu đạt 1,091 tỷ USD (chiếm 33,2% của cả thế giới); cà chua đạt 677 triệu USD (chiếm 23,1% của cả thế giới); khoai tây đạt 346 triệu USD (chiếm 21,6% của cả thế giới); hành tây đạt 455 triệu USD (14,8% của cả thế giới); trứng gà nguyên vỏ đạt 320 triệu USD (chiếm 29,4% của cả thế giới); pho-ma khô và sữa đặc đạt 1,717 tỷ USD (chiếm 6,2% của cả thế giới) và thịt lợn đạt 1,117 USD (chiếm 11,9% của cả thế giới) và đứng thứ hai thế giới.

Đến nước bạn học tập, thực sự cầu thị, không thể không nghĩ đến những điều kiện và hoàn cảnh của nước nhà. Bà Thái Hương đã suy nghĩ rất đúng, muốn đưa nông nghiệp nước ta bứt phá đi lên, phát triển mạnh, không thể cứ mãi làm ăn theo kiểu manh mún, phải mạnh dạn đầu tư vào những dự án lớn, tập trung, chọn công nghệ cao, kỹ thuật hàng đầu; không tiếc công tiếc của cử cán bộ, công nhân đi đào tạo ở những nơi có trình độ tiên tiến nhất, tùy theo từng ngành, từng lĩnh vực.

Khi đã chọn “những ông thầy” I-xra-en, bà Thái Hương khẳng định quyết tâm của Tập đoàn TH là sẽ thực hiện bằng được những gì thầy đã dạy. Chiến lược của TH là không theo “lối mòn” của những người đi trước, không nhập nguyên liệu sữa bột để hoàn nguyên thành sữa nước. Tập đoàn TH sẽ kiên trì chỉ một con đường thênh thang đã rộng mở, đó là vận dụng kỹ thuật công nghệ cao vào việc phát triển đàn bò, sản xuất nhiều sữa tươi hoàn toàn nguyên chất từ đàn bò của chính mình, góp phần tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng cho người Việt, nhất là cho các thế hệ trẻ, đúng như cố nhà thơ Tố Hữu đã mơ ước và hứa với Bác, khi Bác “ra đi”: “Sữa để em thơ, lụa tặng già” (trong bài thơ “Bác ơi!” của Tố Hữu).

 
 Trại bò tại xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn, Nghệ An

Cũng phải nói ngay rằng, Tập đoàn TH với hàng nghìn cán bộ, nhân viên, công nhân, trong đó đông đảo là những người con sinh ra và lớn lên trên quê hương xứ Nghệ, là con cháu trên quê hương Bác Hồ, luôn thấm nhuần sâu sắc tư tưởng nhân ái của dân tộc ta mà sinh thời Bác thường nhắc nhở: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”! Ngay từ những ngày đầu xuất hiện dòng sữa TH, Tập đoàn TH đã bắt đầu dành cho trẻ em nghèo một phần sản phẩm. Tính đến nay, trẻ em các huyện miền núi Nghệ An, cũng như các tỉnh còn nhiều khó khăn đã được Tập đoàn TH tặng hàng chục triệu ly sữa TH. Trong Lễ khánh thành nhà máy chế biến sữa Nghĩa Đàn (9-7-2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Tập đoàn TH Thái Hương đã trao tượng trưng 1,5 triệu ly sữa đầu tiên của nhà máy (trị giá 10,5 tỷ đồng) cho các em thiếu niên, nhi đồng trên toàn quốc. Ngoài ra, nhà máy còn trao tặng 300.000 ly sữa cho các trẻ em Lào.

Người tiêu dùng được thụ hưởng hằng ngày các sản phẩn sữa TH chắc rằng cũng muốn biết ý nghĩa của từ này. Khi nghe danh “Tập đoàn chuỗi thực phẩm TH” và được biết bà Thái Hương là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, thì mọi người nghĩ ngay rằng đây là “Tập đoàn Thái Hương”. Nhưng khi được biết “Tập đoàn TH” xây dựng “Đại bản doanh” ở huyện Nghĩa Đàn, mà trung tâm hành chính của huyện này đặt tại thị trấn “Thái Hòa”, thì có người lại gọi đây là “Tập đoàn Thái Hòa”.

Mọi suy luận trên đều không đúng. Như mọi người đều biết, thương hiệu là dấu hiệu đặc biệt để nhận biết sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, doanh nghiệp… khẳng định bản chất đẳng cấp doanh nghiệp đó. Thương hiệu cũng chính là phẩm chất con người. Mà con người ai cũng muốn mình đẹp, sống lâu, có tiếng thơm trong đời. Thương hiệu và doanh nghiệp cũng vậy, phải nhằm có ích cho đời, cho sự phát triển bền vững.

Tập đoàn mang tên TH, viết tắt của hai từ tiếng Anh “True Happiness” có nghĩa là “Hạnh phúc đích thực”. Nói về thương hiệu của tập đoàn, bà Thái Hương đã khẳng định: “Đó chính là tâm nguyện của chúng tôi mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những dòng sản phẩm "thật" từ thiên nhiên, bảo toàn nguyên vẹn tinh túy của thiên nhiên, “True” - “Thật”, “Happiness” - “Hạnh phúc”. “Tươi” và “Sạch” luôn là những thành tố quan trọng trong tất cả các sản phẩm của TH. Đây cũng là lời cam kết bình dị của chúng tôi vì giá trị đích thực góp phần xây dựng hạnh phúc thật sự của con người”.

Trải qua 3 năm giữ cương vị Tổng Giám đốc TH Nghĩa Đàn, Nghệ An, ông Gi In-ba (Gil Inbar) khẳng định, trang trại bò sữa TH ở Việt Nam là dự án chăn nuôi bò sữa lớn nhất và hiện đại nhất mà I-xra-en tham gia xây dựng trên thế giới. Cán bộ kỹ thuật và công nhân Việt Nam được đào tạo về kỹ thuật công nghệ cao trong chăn nuôi, mặc dù chỉ ngắn hạn trong vòng 6 tháng, dù ở I-xra-en, Ấn Độ hay Việt Nam, họ vẫn nhanh chóng làm chủ máy móc hiện đại một cách rất thành thạo, từ khâu trồng cỏ, chăm sóc đàn bò, vắt sữa, đến khâu cuối trong toàn bộ quy trình sản xuất sữa bò tươi, tiệt trùng. Ông Gi In-ba bày tỏ những tình cảm rất trân trọng và quý mến nhân dân Việt Nam rằng: Tôi chỉ mong mỗi người đến thăm trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa ở Nghĩa Đàn sẽ là một “đại sứ” của ngành chăn nuôi bò sữa. Các chuyên gia chăn nuôi I-xra-en đến đây tham gia cùng với các đồng nghiệp tập đoàn TH phát triển ngành bò sữa “không phải vì doanh nghiệp, mà góp phần phát triển nông nghiệp Việt Nam”.

Nhân dịp chuyến thăm chính thức Việt Nam vào cuối tháng 11-2011, theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống I-xra-en, ông Si-môn Pê-rét (Shimon Peres), đã rất cảm kích trước những thành công bước đầu của trang trại bò sữa TH ở Nghĩa Đàn, nhất là sự nhiệt thành của bà Thái Hương với sự nghiệp phát triển bò sữa ở Việt Nam. Tổng thống Si-môn Pê-rét cho rằng, trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa Nghĩa Đàn sẽ trở thành một cuộc cách mạng về sữa tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Nhân dịp này Tổng thống Si-môn Pê-rét đã ký Văn bản bổ sung Nghị định thư Hợp tác Tài chính giữa Chính phủ I-xra-en và Chính phủ Việt Nam với phần vốn tăng thêm 100 triệu USD dành cho Dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp, do Tập đoàn TH làm chủ đầu tư.

Sản phẩm TH True Milk đứng vững trên thị trường


Khi dòng sữa TH mới xuất hiện trên thị trường vào cuối năm 2010, không phải người tiêu dùng đã hồ hởi đón nhận. Đã có những băn khoăn về nguồn gốc và chất lượng sữa của Tập đoàn TH, thậm chí có những dư luận gièm pha, cạnh tranh không lành mạnh, cho rằng đây cũng chỉ là “một loại sữa hoàn nguyên, nguồn gốc từ sữa bột nhập khẩu không rõ từ đâu”.

Đương nhiên, thực tế đã chứng minh tất cả. Giờ đây, “câu chuyện sữa tươi nguyên chất của Tập đoàn TH” đã được mọi người hiểu rõ. Không phải chỉ người dân trong huyện Nghĩa Đàn hay trong tỉnh Nghệ An, mà người dân cả nước đã được thưởng thức hương vị, chất lượng của nguồn sữa sạch. Sau 3 năm kiên trì con đường của mình, bà Thái Hương cùng tập thể hàng nghìn cán bộ, nhân viên, công nhân Tập đoàn TH đã chứng minh một phương hướng phát triển đúng đắn của nông nghiệp Việt Nam - đó là vận dụng công nghệ cao, những máy móc hiện đại nhất của thế giới vào ngành trồng trọt và chăn nuôi của nước nhà, chọn những giống bò sữa phả hệ rõ ràng và ưu tú nhất, tuyệt đối thực hiện quy trình công nghệ tiên tiến nhất.

Cho đến những ngày đầu tháng 7, các sản phẩm sữa tươi tiệt trùng, sữa chua với những hương vị khác nhau đã có mặt tại hàng chục nghìn cửa hàng của hệ thống TH True mart trên khắp đất nước, giá cả phải chăng, tương đương với các mặt hàng cùng loại của các hãng sữa nội khác. Chúng tôi cho rằng, trong cuộc cạnh tranh giữa các hãng sữa nội, TH đã góp phần tích cực thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa và công nghiệp chế biến sữa. Đây sẽ là một yếu tố quan trọng trên con đường phát triển nông nghiệp Việt Nam, góp phần không nhỏ công nghiệp hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

PGS, TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam, khi đến thăm trang trại và chứng kiến toàn bộ quy trình tạo ra nguồn sữa TH đã nhận xét: Sữa TH được sản sinh từ giống bò có phả hệ thượng đẳng HF, được nuôi dưỡng bằng những thứ cỏ sạch ủ chua đặc biệt, uống và tắm mát hằng ngày bằng nguồn nước thanh lọc tinh khiết. Sữa được vắt từ bò, trải qua tất cả các khâu lọc tạp chất, xử lý tiệt trùng, gom vào bồn chứa, làm giảm nhiệt độ xuống 4 độ C và vận chuyển bằng xe bồn - bảo ôn tới nhà máy chế biến, đóng gói. Toàn bộ quá trình đó, dòng sữa không hề tiếp xúc với không khí bên ngoài. Điều đó bảo đảm sữa tươi sạch hoàn toàn, giữ nguyên hương vị và toàn bộ các chất dinh dưỡng.

GS, TS. Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học - Kỹ thuật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, ở Việt Nam đã từng tồn tại nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa, từ hợp tác xã chăn nuôi bò sữa, công ty bò sữa giao bò cho các gia đình chăn nuôi, trang trại nông trường bò sữa. Nhưng kiểu trang trại tập trung, quản lý và điều hành bằng công nghệ cao, trên quy mô lớn của TH, thì đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam và trên thế giới cũng chưa có nhiều. TH đã nhặt nhạnh và tập hợp tất cả những cái hay, cái mạnh của cả ngành bò sữa trên toàn thế giới. Điều đó mở ra con đường phát triển tốt đẹp và bảo đảm thành công cho Tập đoàn TH nói riêng và ngành chăn nuôi bò nước ta nói chung. Từ những bài học ở TH, Nhà nước nên nghiên cứu và đề ra các chính sách phù hợp để vận dụng vào các nơi khác, địa phương khác, nhằm tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp phát triển nông nghiệp nước nhà.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An và hiện là Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng cho rằng: nghĩ đúng đã khó, làm hay lại càng khó. Tập đoàn TH nhìn xa, trông rộng, thể hiện rõ quyết tâm và ý thức trách nhiệm cao, đã mạnh dạn đầu tư lớn vào ngành chăn nuôi bò sữa. Muốn thực hiện thành công dự án Nghĩa Đàn và phát triển bền vững sản xuất sữa tươi nguyên chất, ngoài việc vận dụng khoa học tiên tiến, hiện đại và những yếu tố nội lực quan trọng khác, cũng cần phải tranh thủ bằng mọi cách sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương.

Suốt 3 năm qua, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta, cũng như các nhà kinh tế, các chuyên gia nông nghiệp, thực phẩm dinh dưỡng, những người quan tâm phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đã đến thăm, mục sở thị những gì mà Tập đoàn TH đã làm được ở Nghĩa Đàn, Nghệ An. Đó chính là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn, thể hiện sự ủng hộ vô cùng quan trọng và quý báu cho một phương hướng phát triển đầy triển vọng của nông nghiệp Việt Nam mà TH đang khai phá, tiên phong mở đường./.