Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 16-9 đến ngày 22-9-2013)
TCCSĐT - Chiều 20-9-2013, Hội thảo Khu vực về ASEAN và Biển Đông: Thành tựu, Thách thức và Định hướng tương lai, do Viện Hợp tác và Hòa bình Cam-pu-chia cùng Quỹ Văn hóa và Nghệ thuật quốc tế Nhật Bản phối hợp tổ chức tại Phnôm Pênh đã bế mạc sau 2 ngày làm việc.
1. Ngân hàng Thế giới đề ra chiến lược phát triển mới
WB sẽ chủ yếu tập trung vào các nước kém phát triển. Ảnh: thetimes.co.uk
Ngày 16-9-2013, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Dự thảo Báo cáo chiến lược phát triển, trong đó đưa ra định hướng: ngân sách eo hẹp và cạnh tranh ngày càng lớn trong việc tìm kiếm các nguồn quỹ phát triển đã buộc WB phải thay đổi chiến lược hoạt động theo hướng cho vay có chọn lọc hơn, chủ yếu tập trung vào các nước kém phát triển, khu vực Nam Xa-ha-ra, Đông Nam Á và một số khu vực khác chịu tác động lớn từ tình trạng đói nghèo. Nhằm thực hiện 2 mục tiêu chính là xóa bỏ tình trạng khổ cùng cực vào năm 2030 và tăng thu nhập của 40% dân số ở mỗi nước tính từ dưới lên, WB sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động thành một ngân hàng “giải pháp”, không chỉ cung cấp nguồn lực tài chính mà cả những kiến thức và kinh nghiệm đối phó với những thách thức phát triển chung. Ngoài ra, trong chiến lược mới, WB cũng lên kế hoạch sử dụng các dự án và khả năng hiện diện toàn cầu của mình để thúc đẩy chia sẻ thông tin và thực thi các chính sách hữu hiệu trong các lĩnh vực chung như ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, WB sẽ cắt giảm ngân sách hoạt động thông qua việc tiết giảm các chi phí hành chính trong hoạt động thu thập số liệu, đánh giá tiến trình phát triển của các nước và duy trì đội ngũ nhân viên trên toàn cầu. Bên cạnh đó, WB cũng sẽ thu hẹp khoản vay dành cho các nước có thu nhập trung bình, đồng nghĩa với việc lợi nhuận thu được của thể chế tài chính này cũng sẽ bị co hẹp phần nào do giảm tiền lãi thu về từ các khoản cho vay. Theo kế hoạch, ngân sách mới của WB sẽ được áp dụng từ năm tài chính tới, bắt đầu từ tháng 7-2014. Dự thảo còn phải được chính phủ các nước thành viên thông qua trước khi được trình lên hội nghị thường niên của WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào đầu tháng tới.
2. Khóa họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên hợp quốc
Ngày 17-9-2013, dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Giôn Át-xơ (John W. Ashe), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của các đại diện đến từ 193 quốc gia thành viên và nhiều tổ chức quốc tế, khu vực. Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Gi. Át-xơ, nguyên Đại sứ quốc đảo Antigua và Barbuda, Chủ tịch Đại hội đồng khóa 68 nhấn mạnh nhu cầu phải đặt nền móng cho phát triển bền vững toàn cầu những năm tới khi mục tiêu phát triển hiện tại sẽ kết thúc vào năm 2015. Chủ tịch Gi. Át-xơ cho biết, năm tới sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với Đại hội đồng vì cộng đồng quốc tế phải xác định cho được phạm vi của Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015. Điều này đòi hỏi tất cả các nước cần có hành động kiên quyết và hợp tác ở mức cao nhất. Năm 2015 là thời hạn cuối cùng đạt các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) với 8 mục tiêu đã được các nhà lãnh đạo thế giới nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc năm 2000. Với tinh thần trên, ông Gi. Át-xơ tuyên bố chủ đề của Đại hội đồng khóa 68 là “Chương trình phát triển sau năm 2015 - Hiện thực hóa”. Để theo đuổi chương trình nghị sự sau năm 2015, ông Gi. Át-xơ cho biết sẽ có kế hoạch tổ chức 3 sự kiện cấp cao với 3 cuộc thảo luận theo chủ đề, từ vai trò của phụ nữ, thanh niên và xã hội dân sự, những đóng góp về quyền con người đến vấn đề hợp tác đối tác Nam - Nam.
3. Tình trạng trợ giá nông nghiệp gia tăng tại các nước phát triển
Trong báo cáo thường niên công bố ngày 18-9-2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo bất chấp ngân sách hạn hẹp và giá lương thực cao, trợ giá nông nghiệp tại các nước phát triển và mới nổi trên thế giới vẫn gia tăng trong năm 2012. Theo báo cáo trên, chính phủ các nước phát triển đã đổ tiền nhiều hơn cho ngành nông nghiệp bất chấp những quy định quốc tế kêu gọi giảm hình thức trợ giá có thể đẩy các nước rơi vào cuộc chiến tranh thương mại. Theo đánh giá của OECD, trợ giá nông nghiệp trung bình tại 47 nước được khảo sát chiếm tới 1/6 tổng doanh thu nông nghiệp, tương đương 17% tổng doanh thu nông nghiệp trong năm 2012, cao hơn so với mức 15% trong năm 2011. Riêng mức trợ giá nông nghiệp tại Liên minh châu Âu (EU) chiếm 19% tổng doanh thu nông nghiệp, trong khi con số này ở Mỹ chiếm 7%. OECD cho rằng sự gia tăng này là không cần thiết, vì trên thực tế giá lương thực cao là thời điểm thích hợp để chính phủ các nước cắt giảm trợ giá, vốn là yếu tố luôn gây biến động giá cả cho mặt hàng thiết yếu này. Giám đốc phụ trách Nông nghiệp và Thương mại của OECD, ông Ken A-sơ (Ken Ash) cho rằng với việc thị trường lương thực và giá hàng hóa thế giới được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng có thể sẽ là thời điểm tốt để các chính phủ đưa ra cam kết cải cách hình thức trợ giá nông nghiệp. OECD đã đề xuất một số bước quan trọng nhằm cải tổ chương trình trợ giá “hào phóng”, gọi là Chính sách Nông nghiệp chung (CAP), theo đó giảm trợ cấp nông nghiệp. Tuy nhiên, kế hoạch này hiện chưa được thực hiện do không đưa ra định hướng phát triển cho giai đoạn hiện nay cũng như mô hình trợ giá nông nghiệp tại 28 nước thành viên EU.
4. Báo động tình hình sử dụng thuốc lá không khói ở Đông Nam Á và Nam Á
11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á đứng đầu thế giới về số người nghiện thuốc lá không khói. Ảnh: TTXVN
Tại cuộc họp báo ở Gia-các-ta, Giám đốc khu vực Đông Nam Á - Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Xam-li Pli-an-bang-chang (Samlee Plianbangchang) cho biết, 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á đứng đầu thế giới về số người nghiện thuốc lá không khói (sử dụng thuốc lá dưới hình thức nhai chứ không hút) với khoảng 250 triệu người, chiếm 90% số người nghiện thuốc lá không khói trên thế giới. Trong số 11 nước trên, tình trạng tồi tệ nhất ở các nước Ấn Độ, Băng-la-đét, Xri Lan-ca, In-đô-nê-xi-a và Thái Lan. Ông X. Pli-an-bang-chang cho rằng sự thiếu kiến thức và nhận thức không đầy đủ về các tác hại của thuốc lá không khói là những trở ngại lớn để xây dựng các chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả. Thuốc lá không khói gây bệnh ung thư miệng và liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, tỷ lệ tử vong trong khi sinh, thai chết lưu, trẻ sơ sinh nhẹ cân, cũng như một số vấn đề sức khỏe khác như sâu răng, tụt nướu răng, huyết áp cao và suy giảm tính năng tuyến nước bọt. Theo thống kê của WHO, khu vực Đông Nam Á và Nam Á có tới trên 95.000 ca bị ung thư miệng mỗi năm, trong đó hầu hết là người nghèo. Cuộc khảo sát do WHO tiến hành tại Băng-la-đét, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Xri Lan-ca và Thái Lan cho thấy thuốc lá không khói được sử dụng chủ yếu trong các cộng đồng ít học và mù chữ. WHO khuyến cáo chính phủ các nước trong khu vực cần chú trọng hơn nữa đến vấn đề chống thuốc lá không khói, trong đó cần khuyến khích sự tham gia nhiều nhất của các tổ chức quần chúng xã hội để có thể đạt mục tiêu cắt giảm 30% số người nghiện thuốc lá không khói từ 15 tuổi trở lên.
5. Nhiều nước ủng hộ kế hoạch Nga - Mỹ tiêu hủy kho vũ khí hóa học ở Xy-ri
Ngày 19-9-2013, Tổng thống Nga V. Pu-tin (V. Putin) tuyên bố không thể chắc chắn 100% kế hoạch của Nga - Mỹ nhằm tiêu hủy kho vũ khí hóa học tại Xy-ri có thể được thực thi một cách thành công, tuy nhiên ông khẳng định có lý do để hy vọng điều này. Cùng chung những nhận định tích cực về kế hoạch trên, Đại sứ Nga Vi-ta-li Chu-kin (Vitaly Churkin) và Đại sứ Anh Mác Li-ôn (Mark Lyall) tại Liên hợp quốc, sau cuộc họp 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) để thảo luận về dự thảo nghị quyết nhằm thực thi kế hoạch, đều khẳng định các cuộc thảo luận liên quan đang diễn ra trên tinh thần xây dựng. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong chuyến thăm tới Mỹ, khẳng định Bắc Kinh ủng hộ kế hoạch trên, và sẵn sàng đóng vai trò xây dựng nhằm thực hiện kế hoạch này. Theo ông, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cần nhanh chóng thông qua quyết định liên quan tới đề xuất kiểm soát và thủ tiêu kho vũ khí hóa học ở Xy-ri, trong khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng cần ủng hộ quyết định này. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) ngày 19-9 lần đầu tiên đưa ra gợi ý rằng Pa-ri có thể cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập Quân đội Xy-ri Tự do (FSA), nhưng chỉ với điều kiện “trong một môi trường có kiểm soát và cùng với một số quốc gia”. Ông cho rằng Pháp không thể chấp nhận tình huống vũ khí cuối cùng lại rơi vào tay các phần tử cực đoan Hồi giáo.
6. Hội thảo Khu vực về ASEAN và Biển Đông
Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang trở thành động lực giúp ASEAN và Trung Quốc nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp tục phát huy những thành tựu hợp tác thời gian qua. Ảnh: vov.vn
Chiều 20-9-2013, Hội thảo Khu vực về ASEAN và Biển Đông: Thành tựu, Thách thức và Định hướng tương lai, do Viện Hợp tác và Hòa bình Cam-pu-chia cùng Quỹ Văn hóa và Nghệ thuật quốc tế Nhật Bản phối hợp tổ chức tại Phnôm Pênh đã bế mạc sau 2 ngày làm việc. Các học giả và chuyên gia của ASEAN, Trung Quốc và các nước trong khu vực tham dự Hội thảo đã trao đổi các quan điểm thực chất về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định lâu dài tại Biển Đông, thông qua việc thúc đẩy đàm phán tiến tới Bộ Quy tắc Ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc. Các đại biểu tập trung đánh giá các thành tựu, hạn chế của hợp tác ASEAN, cũng như hợp tác ASEAN với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông; tìm kiếm giải pháp để ASEAN và Trung Quốc tiếp tục hợp tác giải quyết vấn đề Biển Đông trong thời gian tới và tìm cách xây dựng quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc về Biển Đông (COC). Các tham luận trình bày tại Hội thảo thẳng thắn thừa nhận, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang đặt ra những thách thức lớn đối với quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Trung Quốc, tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định và đe dọa hòa bình trong khu vực. Tuy nhiên, chính những thách thức này lại trở thành động lực giúp ASEAN và Trung Quốc nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp tục phát huy những thành tựu hợp tác thời gian qua, hướng tới một tương lai hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Tại Hội thảo, các đại biểu Trung Quốc không còn đặt ra câu hỏi là Biển Đông có phải là vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc hay không nữa, mà tập trung đánh giá về hệ lụy ảnh hưởng đối với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc, nếu ASEAN và Trung Quốc không kiểm soát được tình hình Biển Đông. Đại biểu Trung Quốc cũng không còn thảo luận việc ASEAN và Trung Quốc có cần thiết có Bộ Quy tắc ứng xử về Biển Đông hay không, mà tập trung vào việc tìm giải pháp để xây dựng được một Bộ Quy tắc ứng xử như vậy. Các đại biểu tham dự Hội thảo hy vọng rằng, những kết quả đạt được qua quá trình thảo luận sẽ đóng góp vào thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 16 tại Bru-nây trong tháng 10 tới, nhất là các vấn đề liên quan đến hợp tác ASEAN - Trung Quốc tại Biển Đông.
7. I-ran khẳng định không rời bỏ bàn đàm phán hạt nhân
Ngày 21-9-2013, Hãng thông tấn chính thức IRNA dẫn lời Chủ tịch Quốc hội I-ran A-li La-ri-gia-ni (Ali Larijani) cho biết nước này sẽ “không bao giờ rời bỏ bàn đàm phán”; Chính phủ mới của I-ran sẽ kiên trì đối thoại về chương trình hạt nhân và Tê-hê-ran vẫn giữ nguyên chiến lược ngoại giao song có thể thay đổi chiến thuật. Chủ tịch Quốc hội I-ran lên tiếng cáo buộc Mỹ đang hỗ trợ cho chủ nghĩa cực đoan và khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc và Xy-ri, đồng thời chỉ trích Oa-sinh-tơn đang theo đuổi chính sách “tiêu chuẩn kép” qua việc Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma (B. Obama) một mặt tuyên bố để ngỏ cơ hội đàm phán song mặt khác lại khẳng định vẫn duy trì lựa chọn chiến tranh. Theo ông A. La-ri-gia-ni, tuy ký kết các thỏa thuận cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho các trung tâm y học của I-ran nhưng Chính phủ Mỹ cũng như chính phủ các nước châu Âu đã không giữ cam kết, tiếp đó áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhằm tước quyền phát triển công nghệ hạt nhân dân sự của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
8. Đại hội đồng AIPA lần thứ 34
Ngày 22-9-2013, Đại hội đồng liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 34 tại Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan (Bru-nây) đã thông qua nhiều nội dung quan trọng phù hợp với chủ đề “Vai trò của AIPA trong hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN”. Trong phiên họp toàn thể thứ hai, Đại hội đồng AIPA 34 thông qua báo cáo kết quả cuộc họp các Ủy ban chuyên đề của AIPA, bao gồm Ủy ban Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Tổ chức, Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA), Đối thoại các nước Quan sát viên, Ủy ban Thông cáo chung. Đại hội đồng AIPA 34 đã nhất trí với những nghị quyết các ủy ban đưa ra và đánh giá cao nhiều nội dung có tầm quan trọng trong quá trình thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN. Cũng trong phiên họp, Đại hội đồng AIPA lần thứ 34 thống nhất trao quy chế Quan sát viên cho Nghị viện Ti-mo Le-xtê. Tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 34, Trưởng các đoàn thành viên AIPA đã ký Thông cáo chung, trong đó nhấn mạnh AIPA sẽ tiếp tục góp phần hỗ trợ, thúc đẩy, chia sẻ mục tiêu, tiến trình để hiện thực hóa mục tiêu tầm nhìn của ASEAN, Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đại hội đồng AIPA lần thứ 34 đã công bố Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tiếp nhận vai trò Chủ tịch AIPA và là nước chủ nhà của Đại hội đồng AIPA lần thứ 35. Địa điểm và thời gian Đại hội đồng AIPA lần thứ 35 sẽ tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn vào ngày 14-9 - 20-9-2014./.
Chậu hoa, cây cảnh  (24/09/2013)
Tăng cường hợp tác hai Đảng Cộng sản Việt - Nhật  (23/09/2013)
Việt Nam - Đức: Đối tác chiến lược vì tương lai  (23/09/2013)
Điện mừng Thủ tướng Campuchia được bổ nhiệm  (23/09/2013)
Nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam  (23/09/2013)
Tổng Tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ thăm Ấn Độ  (23/09/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển