Các mô hình liên kết sản xuất lúa - Nền tảng phát triển “Cánh đồng mẫu lớn” ở An Giang
Từ việc xây dựng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất lúa...
Nhằm triển khai Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24-6-2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, tỉnh An Giang đã có nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua mô hình “Liên kết 4 nhà”. Nhu cầu liên kết ngày càng trở nên bức thiết do nhu cầu cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, tại địa phương đã hình thành một số mô hình liên kết điển hình như sau:
1. Mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật
Công ty Liên doanh Angimex-Kitoku đã xây dựng nhà máy và bắt đầu ký hợp đồng sản xuất lúa Nhật với giá cố định ngay từ đầu vụ với nông dân từ năm 1996. Công ty cung ứng lúa giống và 3 năm gần đây liên kết với công ty Bảo vệ thực vật An Giang cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, đến cuối vụ trừ vào tiền mua lúa. Diện tích ký hợp đồng với nông dân đến nay đã đạt gần 2.000ha, công ty thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân.
Để hỗ trợ mô hình, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh giao cho Hội Nông dân Tỉnh làm công tác vận động và tổ chức nông dân vào tổ hợp tác, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp cho công ty trong việc thử nghiệm giống lúa Nhật, phòng trừ rầy nâu, phổ biến công nghệ giảm thất thoát trong và sau thu hoạch. Trong vụ đông xuân 2010 - 2011, công ty liên doanh Angimex - Kitoku thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ 750ha lúa Nhật của nông dân với mức giá giao động từ 6.500 - 7500 đ/kg (tùy loại giống). Trong vụ hè thu, công ty ký kết hợp đồng sản xuất với nông dân với quy mô 443ha.
Khi triển khai mô hình này có ưu điểm là: Nông dân tránh được rủi ro biến động giá cả của thị trường nhờ hợp đồng ký với giá cố định ngay từ đầu vụ. Bên cạnh đó, mô hình này cũng có khó khăn là: Lúa Nhật yếu cây dễ đổ ngã, nhiễm rầy, năng suất trung bình vụ đông xuân khoảng 5-6 tấn/ha, thấp hơn lúa cao sản nên nông dân còn nhiều băn khoăn khi thực hiện. Do đó, diện tích hợp đồng phân bố rải rác và phát triển chậm.
2. Mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu của Công ty xuất nhập khẩu An Giang (Angimex)
Công ty Angimex bắt đầu thực hiện ký hợp đồng sản xuất lúa chất lượng cao và lúa thơm Jasmine 85 từ năm 2007, diện tích ký hợp đồng tăng dần và đạt 1.000ha trong vụ đông xuân 2010 - 2011, địa bàn chủ yếu là huyện Thoại Sơn và Châu Thành do công ty có cụm kho - nhà máy ở Thoại Sơn. Công ty cung ứng giống, phân bón cho nông dân và mua lại sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 200-300đ/kg. Sản phẩm chế biến của công ty là gạo “Jasmine Châu Phú” loại 5kg được tiêu thụ rộng rãi ở hệ thống siêu thị Coop. Mart. Mới đây, công ty vừa khởi công xây dựng thêm một cụm kho - nhà máy ở Xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn để mở rộng mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu trong huyện và mở rộng sang tỉnh Kiên Giang.
Mô hình này có ưu điểm là: Nông dân được cung ứng phân bón, giống lúa chất lượng tốt; cán bộ công ty đến kiểm tra chất lượng lúa trước khi nông dân mang tới nhà máy nên nông dân không lo ngại khâu kiểm phẩm. Song, khi triển khai mô hình liên kết này cũng gặp khó khăn như: Công ty kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng lúa, nông dân phải đầu tư nhiều trong khâu chăm sóc nhưng giá mua chưa thỏa đáng nên mô hình phát triển chậm.
3. Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP
Vụ đông xuân 2009 - 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn cho 12 nông dân, với diện tích 37ha thuộc Tổ hợp tác sản xuất lúa Jamine 85, ấp Bình Chơn, xã Bình Chánh, huyện Châu Phú và 8 nông dân, với diện tích 33ha thuộc Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp Tân Tiến, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP. Hai Tổ hợp tác này được Công ty TNHH SGS Việt Nam đánh giá và được cấp giấy chứng nhận. Công ty ADC cung ứng giống lúa xác nhận, thuốc bảo vệ thực vật và ký hợp đồng tiêu thụ năm 2010 với giá mua cao hơn giá thị trường tại thời điểm 20%, sản lượng tiêu thụ 550 tấn lúa.
Năm 2011, mô hình mở rộng thêm 24ha ở xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên và được Công ty TNHH TUV SUD PSB Vietnam đánh giá và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GLOBAL GAP. Sản phẩm được các công ty trong tỉnh hợp đồng tiêu thụ với giá cao hơn giá thị trường 200đ/kg trong vụ đông xuân.
Từ vụ đông xuân 2011 - 2012, Công ty TNHH ADC sẽ thu mua toàn bộ lúa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GLOBAL GAP, thu mua cao hơn giá thị trường tại thời điểm 10% và thực hiện hợp đồng lâu dài với Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp là đơn vị đại diện cho các tổ hợp tác nông dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP.
Ưu điểm của mô hình liên kết này là nguyên liệu lúa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, thuận lợi cho công ty xây dựng thương hiệu sản phẩm; Giá bán cao hơn lúa thường nên trừ chi phí tập huấn, chứng nhận nông dân vẫn có lợi hơn sản xuất theo tập quán. Tuy nhiên, mô hình này cũng gặp khó khăn khi triển khai thực hiện là: Các yêu cầu về vệ sinh môi trường rất nghiêm ngặt; nông dân rất ngại khâu ghi chép sổ sách, nhật ký đồng ruộng.
4. Mô hình liên kết của Công ty bảo vệ thực vật
Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và nhà máy chế biến gạo Vĩnh Bình thực hiện xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm ở huyện Châu Thành và Thoại Sơn với quy mô 1.100ha trong vụ đông xuân 2010 - 2011. Trong đó thực hiện cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân với lãi suất 0% và trừ lại khi nông dân bán lúa cho công ty. Trong quá trình canh tác, nông dân được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn kỹ thuật. Sau khi thu hoạch, nông dân được hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí sấy và lưu kho trong vòng 30 ngày và mua theo giá trị trường.
Qua kết quả điều tra vụ đông xuân 2010 -2011, nông dân tham gia mô hình có chi phí sản xuất thấp hơn nông dân không tham gia mô hình này cụ thể như sau: giá thành sản xuất lúa của nông dân tham gia mô hình là 2.581đ/kg, trong khi đó giá thành sản xuất lúa của nông dân ngoài mô hình là 3.302đ/kg. Trong vụ hè thu 2011, công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang phát triển vùng nguyên liệu sản xuất lên đến 1.600ha (tập trung ở Châu Thành, Châu Phú và Thoại Sơn) và mở rộng lên đến 2.000ha trong vụ thu đông 2011.
Sau thời gian triển khai mô hình này, có một số ưu điểm sau: Nông dân được cung ứng đầu vào như lúa giống xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được tư vấn kỹ thuật nông nghiệp; nông dân giảm được chi phí phơi sấy, vận chuyển; lúa tươi được sấy đúng kỹ thuật nên giảm được thất thoát trong khâu xay xát. Bên cạnh đó, mô hình liên kết này cũng gặp khó khăn là công suất hệ thống sấy chưa đáp ứng nhu cầu vào cao điểm thu hoạch.
… đến xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn
Trên cơ sở các mô hình liên kết, tỉnh An Giang đã phát triển mô hình Cánh đồng mẫu lớn với sự đồng thuận của các doanh nghiệp và nông dân, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong vụ đông xuân 2010 - 2011, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn tạo vùng nguyên liệu với diện tích 1.073ha trên địa bàn 4 huyện Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn. Công ty đã đầu tư nhà máy Vĩnh Bình với năng lực chế biến 100.000 tấn lúa/năm, có hệ thống kho chứa, máy sấy lúa bảo đảm năng lực phục vụ cho vùng nguyên liệu. Công ty ứng trước giống, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân. Khi thu hoạch lúa, công ty vận chuyển lúa đến nhà máy, đưa vào sấy đạt tiêu chuẩn không tính chi phí. Nếu thời điểm thu hoạch lúa giá lúa chưa tốt, công ty cho nông dân đưa lúa vào kho tạm trữ trong 1 tháng không tính phí, chỉ thu tiền vận chuyển ban đầu. Cách làm này đã giúp nông dân trong vùng nguyên liệu giảm chi phí và đạt lợi nhuận cao từ 30 đến 40 triệu đồng 1ha, mở ra hướng làm ăn mới trong hợp đồng đầu tư vật tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở An Giang đã đạt năng suất lúa rất cao, cụ thể: trong vụ đông xuân 2010 - 2011 đã cho năng suất từ 7,5 - 8 tấn/ha, đặc biệt có hộ đạt tới 9 tấn/ha. Nông dân có lãi hơn 150% so với phương thức canh tác trên cánh đồng nhỏ. Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cho biết: Ngay từ nhiều năm trước khi đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật đã tính đến việc làm sao mua luôn lúa của nông dân. Sau đó mới thực hiện thí điểm cánh đồng mẫu lớn theo hình thức cung cấp dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật, khi thu hoạch lúa công ty sẽ mời các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh lúa gạo đến thu mua với nông dân. Cách làm này có nhược điểm là phụ thuộc nhiều vào nhu cầu và giá cả thị trường, khi thị trường gặp khó khăn và giá lúa giảm, các doanh nghiệp thu mua lúa “bội tín” - không mua lúa cho nông dân, xem như mô hình bị phá sản. Từ thực trạng đó, công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã đầu tư nhà máy chế biến, kho chứa và thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn theo hình thức khép kín, từ cung ứng giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất trong suốt mùa vụ, trong vùng nguyên liệu đầu tư nhà máy chế biến, tổ chức lực lượng vận chuyển lúa của nông dân đến nhà máy không thu phí, đưa vào phơi sấy, nhà máy công bố giá thu mua cao hơn giá thị trường giúp nông dân có lợi hơn. Lần đầu tiên lợi ích của người sản xuất được xem trọng, lợi nhuận thu được cao hơn rất nhiều so với cách làm ăn nhỏ lẻ.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng mô hình cánh đồng mẫu lớn do công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã giải đáp được bài toán về mô hình liên kết 4 nhà. Việc thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc và đúng nghĩa hơn. Từ mô hình cánh đầu mẫu lớn áp dụng cho vụ đông xuân, công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang tiếp tục đầu tư cho vụ sản xuất vụ hè thu. Bên cạnh công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, công ty Angimex đã đầu tư cánh đồng mẫu lớn 1.000ha ở xã An Bình, huyện Thoại Sơn trong vụ hè thu năm 2013.
Ghi nhận bước đầu mô hình cánh đồng mẫu lớn đã cho kết quả tốt. Cái hay của cánh đồng mẫu lớn là lợi ích nông dân và doanh nghiệp đều được quan tâm và cùng nhau chăm lo, nên hiệu quả mang lại rất cao. Đây được xem là xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, xu hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả. Tuy nhiên bên cạnh đó, khi triển khai thực hiện mô hình cũng gặp một số khó khăn, đó là phần lớn các hộ nông dân trồng lúa có diện tích trồng lúa chưa đủ lớn, chưa có hướng sản xuất lúa hàng hóa theo quy mô lớn; việc áp dụng kỹ thuật gặp không ít khó khăn do trình độ của người nông dân còn hạn chế, từ đó việc mở rộng diên tích vẫn còn chậm...
Giải pháp tăng cường liên kết và phát triển cánh đồng mẫu lớn trong thời gian tới
Để tăng cường liên kết và phát triển cánh đồng mẫu lớn, trong thời gian tới An Giang cần tập trung một số giải pháp sau đây:
Một là, đẩy nhanh tiến độ đề án phát triển 4 triệu tấn kho đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Chủ yếu là xây dựng cụm kho - sấy - xay xát. Đây là điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu lúa cho chế biến xuất khẩu.
Hai là, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật kết hợp xây dựng mô hình trình diễn “Một phải năm giảm”, công nghệ sinh thái (ruộng lúa bờ hoa), sản xuất nấm xanh trừ rầy.
Ba là, tập huấn các nguyên tắc cơ bản VietGAP và hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng để làm nền tảng cho việc chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP khi thị trường có yêu cầu.
Bốn là, tổ chức nông dân vào các tổ hợp tác sản xuất và tập huấn quản lý tổ nhóm, phát triển chuỗi giá trị.
Năm là, tiếp tục hoàn thiện mô hình liên kết để phát huy ưu điểm và hạn chế các khó khăn của từng mô hình.
Sáu là, hoàn chỉnh thủy lợi giao thông nội đồng ở các cánh đồng mẫu lớn để giúp phát huy tối đa hiệu quả của các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp và tạo điều kiện cho máy nông nghiệp, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp đi vào đồng ruộng hoạt động./.
Tái cấu trúc kinh tế: Thực tiễn châu Âu và hàm ý cho Việt Nam  (19/09/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Cộng hòa Pháp  (19/09/2013)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII: Xử lý hành vi tham nhũng chưa tương xứng với tình hình và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật công chứng  (19/09/2013)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rời Hung-ga-ry, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Đan Mạch  (19/09/2013)
Hội nghị ASEAN+3 đẩy mạnh hợp tác phòng chống tội phạm  (19/09/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển