TCCSĐT - Ngày 18-9-2013, trong Chương trình Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng.

Trong phiên họp buối sáng, hầu hết các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc đều cho rằng, mặc dù việc phát hiện và xử lý được tăng cường nhưng tình hình tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực gây bức xúc, bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay.

Theo Báo cáo của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại buổi làm việc cho biết, trong năm 2013 đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý hình sự, 28 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý về hành vi có dấu hiệu tham nhũng. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính trong năm 2012 đối với niên độ ngân sách 2011 là 14.710,8 tỷ đồng, kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm để xử lý theo quy định của pháp luật đối với 27 cá nhân; chuyển hồ sơ 6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra. Trong những tháng đầu năm 2013, ngành Thanh tra phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 115 tỷ đồng; đã thu 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 04 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng. Lực lượng Cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội tham nhũng. Trong đó, khởi tố mới 223 vụ, 568 bị can (tăng 11 vụ, 97 bị can so với cùng kỳ); thiệt hại khoảng 9,260 tỷ đồng.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Báo cáo vẫn chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương đã làm tốt và chưa làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng hoặc những nơi để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng để khen thưởng, động viên kịp thời ở những nơi làm tốt hoặc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức ở những đơn vị làm chưa tốt.

Hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, một số biện pháp còn chậm được triển khai hoặc hiệu quả thấp. Ở một số nơi, cán bộ, công chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính rườm rà để nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân để vụ lợi. Việc củng cố, tăng cường phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, nhất là tổ chức nhân sự, chế độ trách nhiệm công vụ, chế độ khen thưởng, kỷ luật.

Có những vụ đủ căn cứ để khởi tố, xử lý hình sự những vẫn xử lý hành chính. Việc xử lý hình sự thường bị kéo dài, trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về xác định tội danh, hình phạt. Việc đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự còn nhiều bất cập. Thực trạng xử lý một số vụ tham nhũng chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Buổi làm việc ghi nhận nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần bổ sung đánh giá tình hình công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng để có cái nhìn tổng thể, thống nhất về nội dung này, trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

Góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần có báo cáo đánh giá tình hình công tác phòng, chống tham nhũng của các ngành: Các cơ quan báo chí, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức quốc tế. Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần có đánh giá cụ thể chất lượng, hiệu quả công tác của lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, cần làm rõ liệu hay không có tình trạng bao che, bỏ sót hoặc thậm chí là tham nhũng trong công tác? Cần tổng hợp đánh giá thực chất công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của các ngành có liên quan; làm rõ trách nhiệm trong phòng ngừa tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị thống kê số lượng tin báo tố giác hành vi tham nhũng gửi đến các cơ quan tư pháp Trung ương, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Kiểm toán Nhà nước và tình hình xử lý, giải quyết những đơn thư tố giác này. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đề nghị bổ sung nguyên nhân kéo dài đối với các vụ án tham nhũng gây suy giảm lòng tin trong nhân dân; Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương cần duy trì thường xuyên việc công bố thông tin giải quyết các vụ án lớn để nhân dân được biết, tránh gây hiểu nhầm, hoài nghi.

Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị cần có đánh giá vai trò, hiệu quả của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng bởi hầu hết các vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý từ kênh thông tin báo chí.

Báo cáo thêm tại phiên họp, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong chỉ rõ, việc tồn tại “khoảng trống” quyền lực trong giám sát, xử lý hành vi vi phạm hành chính là một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng dẫn đến bỏ lọt tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng. Ông Phong kiến nghị cần nghiên cứu thành lập mới hoặc trao cho một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng này. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu mô hình thành lập một cơ quan chuyên trách, độc lập về điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng theo mô hình của nhiều nước trên thế giới, để công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng mới thực sự có hiệu quả.

Trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2014.

** Tiếp tục phiên họp thứ 21, buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng Luật Công chứng được Quốc hội ban hành năm 2006 đã tạo điều kiện cho việc phát triển hoạt động công chứng và các tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, việc quản lý và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực này vẫn còn nảy sinh nhiều bất cập. Việc sửa đổi, bổ sung Luật công chứng là hết sức cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật công chứng hiện hành, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với các luật khác.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật dự kiến sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi công chứng, theo đó cùng với việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác, công chứng viên được giao thẩm quyền chứng nhận tính xác thực của bản dịch; đồng thời, quy định công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và tính xác thực của giấy tờ được dịch, về tư cách pháp lý của người dịch và trình tự, thủ tục công chứng bản dịch, còn người dịch chịu trách nhiệm về tính xác thực của nội dung bản dịch. Việc giao lại cho công chứng viên nhiệm vụ công chứng bản dịch và chịu trách nhiệm hoàn toàn hoặc liên đới cùng với người dịch như quy định trong dự thảo Luật sẽ nâng cao chất lượng bản dịch.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật và ý kiến một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn thể hiện sự băn khoăn về tính khả thi của quy định này. Theo nhiều ý kiến, dịch thuật là công việc mang tính chuyên môn cao, nội dung được dịch thuật cũng như các ngôn ngữ có thể có yêu cầu dịch rất đa dạng, phong phú. Do đó, yêu cầu công chứng viên phải kiểm tra các tài liệu cần dịch và chịu trách nhiệm hoàn toàn hoặc liên đới cùng với người dịch về tính hợp pháp, tính xác thực của các giấy tờ, nội dung được dịch là bất hợp lý, đôi khi vượt quá khả năng của công chứng viên (tiêu chuẩn của công chứng viên tại Điều 13 của Luật cũng không đòi hỏi công chứng viên phải biết ngoại ngữ).

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với chủ trương cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng với các giải pháp được đề ra trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chủ trương này cần được nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể. Xung quanh việc nâng cao chất lượng của đội ngũ công chứng viên, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm sự phát triển bền vững của đội ngũ công chứng viên. Cụ thể là xác định rõ địa vị pháp lý của công chứng viên; trách nhiệm của công chứng viên về hoạt động hành nghề của mình; nâng cao yêu cầu đối với tiêu chuẩn công chứng viên; sửa đổi quy định về đào tạo và tập sự hành nghề công chứng; làm rõ hơn trách nhiệm của công chứng viên, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên... Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ thêm về cơ sở để sửa đổi, bổ sung những quy định này cũng như tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Việc bổ sung quy định về việc thành lập tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên cũng được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian thảo luận. Theo Tờ trình của Chính phủ, một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế của hoạt động công chứng thời gian qua là do chưa có quy định bắt buộc công chứng viên tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp và chưa có các quy định về tổ chức, hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên. Bên cạnh các ý kiến tán thành với chủ trương thành lập các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này. Bởi, việc thành lập và quản lý hội hiện chủ yếu đang được điều chỉnh bởi Nghị định 45 Chính phủ. Nếu luật chuyên ngành nào cũng quy định về việc thành lập tổ chức xã hội – nghề nghiệp sẽ có khả năng gây ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về hội nói chung. Mặt khác, Tờ trình Chính phủ chưa làm rõ tính đặc thù nghề nghiệp và yêu cầu cần quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp này trong Luật công chứng...

Các đại biểu cũng đề nghị các cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án luật sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện các báo cáo và các căn cứ để trình Quốc hội khóa XIII thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10 và tháng 11-2013)./.