Về vấn đề khủng hoảng kinh tế và phát triển đầu thế kỷ XXI
TCCS - Câu chuyện “Tái Ông thất mã” xem ra có thể biện minh thêm cho trường phái lạc quan và những hành động tích cực nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay. Nếu thừa nhận tính đúng đắn trong dự báo của Ni-cô-lai Kôn-đra-chép (Nikolai Kondratiev), nhà kinh tế Mỹ gốc Nga, về khả năng khủng hoảng chu kỳ kinh tế thế giới, thì cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu lần này âu cũng là điều khó tránh.
1 - Về cuộc khủng hoảng có tính chu kỳ của nền kinh tế toàn cầu
Cùng với quá trình tự do hóa các dòng thương mại, các dòng tài chính cũng được toàn cầu hóa với tốc độ mạnh mẽ trong một không gian kinh tế cấu trúc mạng, trong khi đó, các thể chế tài chính quốc tế dường như vẫn giữ nguyên kể từ khi được thành lập sau Thế chiến thứ hai, chưa có những thay đổi cơ bản để có đủ khả năng điều chỉnh và giám sát những hoạt động tài chính đa dạng và phức tạp ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Toàn cầu hóa không phải là thủ phạm mà trong một chừng mực nào đó còn là nạn nhân của khủng hoảng. Toàn cầu hóa chỉ làm tăng tốc độ ảnh hưởng do sự phụ thuộc lẫn nhau, nhưng cũng đòi hỏi các chính phủ phải tăng cường hợp tác và phản ứng nhanh hơn.
Cách tiếp cận và phản ứng đối với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này của Mỹ và Tây Âu cũng có sự khác biệt nhất định. Mỹ muốn tăng cường bơm thêm tiền cứu trợ, Đức và Pháp lại muốn tập trung vào cải cách thể chế tài chính quốc tế. Mỹ nhanh chóng tìm các giải pháp phản ứng nhanh, đặc biệt là “liệu pháp bơm ô-xy” khẩn cấp với những gói cứu trợ khổng lồ nhằm cứu vãn các ngân hàng và doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Một số nước Tây Âu thận trọng phân tích tình hình, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa và trực tiếp đưa ra các biện pháp giải cứu từ từ. Sự khác nhau này là điều dễ hiểu vì mỗi bên theo một chủ thuyết kinh tế riêng, bên này là kinh tế thị trường tự do, bên kia là kinh tế thị trường xã hội, bên này vẫn “vấn vương” với học thuyết Kên (Keynes), bên kia nghiêng về thuyết thể chế đa phương. Hơn nữa, khả năng kinh tế của các nước thành viên EU lại có hạn. Về nội bộ, khi Đức tập trung vào bầu cử Quốc hội Liên bang và lập Chính phủ mới, nên cẩn trọng nhằm giảm thiểu rủi ro. Pháp cũng phải đối mặt với không ít những vấn đề nội bộ gay cấn. Tuy nhiên, dù theo kiểu nào thì các nền kinh tế hai bờ Đại Tây Dương cũng không tránh khỏi sự suy thoái trầm trọng và hậu quả tất nhiên sẽ còn kéo dài.
Diễn biến tình hình thời gian qua cho thấy, dù “nước lụt đang dìm cả làng”, nhưng các giải pháp chung cho “làng toàn cầu” xem ra vẫn chưa cấp thiết và thỏa đáng, mỗi “nhà” đang tự cứu mình là chính. Đã có sự nhất trí chung của G20 là tăng vốn cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lên gấp đôi, khoảng 500 tỉ USD, nhưng lấy tiền ở đâu thì vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo là các nước đang phát triển sẽ phải cần tới khoảng 700 tỉ USD trong năm nay để khắc phục khủng hoảng. Khác với hành động cứu trợ khá “nhiệt tình” trong cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm ở Đông á, lần này chưa thấy IMF và WB ra tay mạnh mẽ. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Ma-lai-xi-a khi đó cho thấy nhận tiền cứu trợ không phải là dễ dàng. Cần phải bình tĩnh, cẩn trọng và tỉnh táo lắng nghe những lời khuyên từ bên ngoài, trên tất cả là phải nêu cao tinh thần độc lập tự chủ dựa trên trí thông minh, bản lĩnh chính trị vững vàng và thật linh hoạt trong sách lược cũng như giải pháp.
2 - Khủng hoảng sẽ tạo ra kiến trúc tài chính toàn cầu mới...
Theo Giô-dép Schăm-pít-tơ (Joseph Schumpeter), kinh tế gia của trường Đại học Ha-vớt (Harvard), khủng hoảng chu kỳ là một “sự phá hủy sáng tạo”, vì sau mỗi lần khủng hoảng lớn đều có bước phát triển đột phá của lực lượng sản xuất thế giới và cùng với đó là sự xuất hiện những thể chế kinh tế quốc tế mới. Đại suy thoái 1929 - 1933 đã dẫn tới sự ra đời của Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), tiền thân của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khủng hoảng dầu lửa những năm 1970 - 1973 đã thúc đẩy một làn sóng phát triển và tìm kiếm công nghệ mới (động lực cho toàn cầu hóa) và sự xuất hiện của G7. Còn cuộc khủng hoảng lần này đang làm cho nhu cầu xây dựng một cấu trúc tài chính toàn cầu mới trở thành chương trình nghị sự cấp bách. Những giải pháp đối phó với khủng hoảng của mỗi nước không giống nhau hoàn toàn, nhưng kinh nghiệm lịch sử cho thấy, những nước vươn lên được sau khủng hoảng đều không lấy giải pháp tình thế thay cho chính sách với định hướng lâu dài dựa trên một tầm nhìn khoa học về tương lai đang tới. ở Mỹ, ông Ph.Ru-dơ-ven đã được lịch sử đánh giá là một tổng thống thành công vì đã đưa ra được “Chính sách Mới” (New Deal) sau đại khủng hoảng 1929 - 1933, cho dù trong thời kỳ nắm quyền ông không thể thực hiện được tất cả những điều cơ bản mà ông mong muốn. Năm 1934, ông đã ký Đạo luật về an sinh xã hội đầu tiên ở Mỹ, như vậy, mô hình kinh tế thị trường tự do ở Mỹ không còn đúng theo nguyên nghĩa nữa và để khắc phục khủng hoảng kinh tế cần phải có các giải pháp tổng thể về cả kinh tế lẫn xã hội. Những thành quả kinh tế mà Tổng thống Bin Clin-tơn gặt hái được trong hai nhiệm kỳ nắm quyền có tiền đề trước đó là việc thực thi chính sách kinh tế của Tổng thống R.Ri-gân (Regannomics) sau khủng hoảng đầu những năm 70 thế kỷ XX, trong đó có việc đầu tư hàng nghìn tỉ USD xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin quốc gia và quốc tế. Kế hoạch cải tổ hệ thống y tế, một trong những ưu tiên phát triển xã hội trong chương trình nghị sự của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama), đã được Quốc hội Mỹ thông qua. Đó là thành công ban đầu rất quan trọng trong hệ các giải pháp nhằm phục hưng kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cả nước Mỹ và cộng đồng quốc tế vẫn đang hy vọng đợi chờ một “Obamanomics” sau cuộc khủng hoảng lần này.
Không phải chỉ trong thời kỳ khủng hoảng, nhà nước của các nền kinh tế thị trường mới tích cực ra tay điều tiết, cứu trợ. Nếu chính trị là sự phản ánh tập trung của kinh tế thì cần phải hiểu vai trò quan trọng của nhà nước trong quá trình tương tác với kinh tế thị trường một cách thấu đáo và đầy đủ hơn, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực hóa và toàn cầu hóa. Sau đại khủng hoảng 1929 - 1933 và sau Thế chiến thứ hai, IMF và WB, hệ thống Brét-tơn Ut (Bretton Woods), GATT ra đời. Đó là kết quả của ý chí chính trị của các nhà nước nhằm hợp tác, tạo dựng thêm những thể chế tài chính, thương mại quốc tế (bên cạnh hệ thống luật pháp trong nước) để điều tiết và quản lý nền kinh tế thị trường với xu thế phát triển tất yếu là vượt khỏi biên giới mỗi quốc gia. Sau khủng hoảng dầu lửa đầu những năm 70 thế kỷ XX, G7 ra đời (năm 1975) và 20 năm sau, khi Chiến tranh lạnh kết thúc, vào năm 1995, GATT được chuyển thành WTO. Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu lần này, G20 đang vào cuộc. Hiện tượng G20 cho thấy, G7 hay G8 không còn đáp ứng được những yêu cầu mới của nền kinh tế thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ cùng với những nền kinh tế mới đang nổi lên có vai trò ngày càng quan trọng hơn trên thế giới như Trung Quốc, ấn Độ, Bra-xin... Khu vực hóa và toàn cầu hóa đang đòi hỏi những thể chế quản lý khu vực và toàn cầu hóa tương xứng.
Ý tưởng về sự cần thiết phải có một kiểu Brét-tơn Ut II không phải là một giả thuyết không có cơ sở. Dù còn có sự khác biệt về quan điểm, nhưng việc cải tổ hệ thống tài chính quốc tế sớm hay muộn nhất định sẽ phải được đặt ra trong chương trình nghị sự toàn cầu. Vào tháng 5 năm 2008, Tổng thống CHLB Đức Hót Kô-e-lơ (Horst Koehler), cựu Chủ tịch IMF, đã cảnh báo rằng, hệ thống tài chính thế giới đang cận kề sự sụp đổ. Thực tế đã minh chứng điều đó. GATT đã chuyển thành WTO và vì vậy, khó có một sức mạnh nào có thể ngăn chặn việc tái cấu trúc một hệ thống tài chính toàn cầu trong tương lai cho tương thích với hiện thực mới của nền kinh tế toàn cầu hóa với cấu trúc đang thay đổi mạnh mẽ. Ngoài đồng USD, còn có các đồng tiền khác với vai trò không thể bỏ qua trên thị trường tiền tệ quốc tế như đồng ơ-rô của EU, đồng yên của Nhật Bản và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Và không phải chỉ có sự cần thiết phải đổi mới trong hệ thống tài chính, thương mại và kinh tế toàn cầu, cấu trúc an ninh khu vực và toàn cầu cũng đang cần cơ cấu lại cả trên hai bình diện song phương và đa phương. Ngày 25-9-2009, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã kết thúc sau hai ngày nhóm họp tại Pít-sơ-bớc (Mỹ) với Tuyên bố chung khả quan hơn, thể hiện sự thỏa hiệp nhất định giữa ba bên (chủ yếu là Mỹ, EU và các nền kinh tế mới nổi). Hội nghị đã đạt được một sự nhất trí là xem xét lại toàn bộ các quy định tài chính lỏng lẻo cũng như đưa ra một khuôn khổ hành động chung nhằm tái cân bằng sự tăng trưởng kinh tế và thiết lập các quy định nghiêm ngặt hơn vào trước thời điểm kết thúc năm 2012 để kiểm soát hệ thống các ngân hàng. Đó là một thành công lớn về ý chí chính trị chung, song vẫn còn phải chờ hành động thực tiễn kiểm nghiệm về sự đồng tâm, hiệp lực cùng xây dựng một cấu trúc tài chính thế giới mới có khả năng đối phó có hiệu quả và vượt qua những thách thức khó lường trong thế kỷ XXI đầy biến động. Chủ nghĩa tư bản đang tự phủ định và qua “các ô cửa sổ” của “chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn cầu hóa” có thể thấy nhiều hơn những tiền đề của chủ nghĩa xã hội.
3 - ... Và nhân văn hóa các quá trình phát triển
Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu lần này thêm một lần nữa khẳng định khuyết tật cố hữu của nền kinh tế thị trường tự do tư bản. Những kiến giải khoa học của Các Mác về chủ nghĩa tư bản vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự. Bên cạnh cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế, các dân tộc còn đang phải đối phó với hai cuộc khủng hoảng lớn kéo dài khác là khủng hoảng sinh thái do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là thiếu năng lượng và nước sinh hoạt. Cuộc khủng hoảng này vốn là hậu quả nhãn tiền của kiểu tự do kinh doanh và tiêu dùng vô độ, đang đặt nhân loại nói chung vào tình thế “tồn tại hay không tồn tại”. Ph.Ăng-ghen đã cảnh cáo về vấn đề này trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”. Chính vì vậy mà nhân văn hóa các quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã trở thành nhu cầu hiện thực của các dân tộc không kể lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo trong thế kỷ XXI. Nhân văn hóa có nội hàm bao quát và rộng lớn, có liên quan trực tiếp tới hai loại hình quan hệ cơ bản là quan hệ giữa con người với con người và quan hệ giữa con người với giới tự nhiên. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của mình, con người đã không ngừng cải tiến công cụ sản xuất, thúc đẩy tiến bộ khoa học - công nghệ, nhưng cũng trong ngay quá trình đó, cả hai kiểu quan hệ trên đều bị tha hóa, biến dạng. Các cuộc khủng hoảng với nhiều hình thức khác nhau chỉ là sự biểu hiện tột đỉnh của những mâu thuẫn nội tại.
Trong thời gian vừa rồi, ngay trong nội bộ các nước tư bản phát triển cũng đã diễn ra cuộc tranh luận rộng rãi về nguyên nhân và giải pháp khắc phục khủng hoảng. Có không ít những ý kiến, ngay cả trong chính giới của EU, đã phê phán cách thức vận hành của nền kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Đa-vốt (Thụy Sĩ) ngày 30-1-2009, Thủ tướng CHLB Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) đã khẳng định tính ưu việt của mô hình “kinh tế thị trường xã hội” với đặc trưng cơ bản là nhà nước có chức năng bảo vệ trật tự kinh tế và xã hội, cạnh tranh tự do tuy là vấn đề sống còn, nhưng cần phải đi đôi với điều tiết và trách nhiệm xã hội. Tự do cá nhân cần phải bị kiềm tỏa một khi nó làm phương hại tới tự do của những người khác và nhất là phương hại đến tương lai - sự phát triển bền vững. Cần phải gắn tự do với công bằng xã hội, tăng trưởng với bền vững. Bà cũng là tác giả của những ý tưởng về tạo dựng toàn cầu hóa có “bộ mặt nhân văn hơn” và xây dựng “trật tự nhân văn toàn cầu”.
Tương tác giữa các sự kiện lịch sử diễn ra thông qua vô số những biến cố ngẫu nhiên và tất nhiên với lô-gic của sự phát triển nội tại của nền kinh tế thế giới cho thấy, khủng hoảng lại có thể giúp các chủ thể kinh tế nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn những hạn chế và khuyết tật của hệ thống, đồng thời có thể biến “nguy cơ” thành “thời cơ” cho sự đột phá về tư duy lý luận, cùng những bước phát triển mới về chất trong tương lai. Rất khó có thể đoán định một cách chính xác về tương lai sắp tới, nhưng từ kinh nghiệm của lịch sử có thể mường tượng rằng, để theo kịp những đòi hỏi của phát triển kinh tế thời kỳ sau khủng hoảng lần này, bên cạnh những giải pháp tình thế cấp thiết, các nước (không kể lớn, nhỏ) đều đang phải điều chỉnh chiến lược phát triển theo hướng bền vững và nhân văn hơn. Toàn cầu hóa sẽ tiếp tục phát triển, tuy nhiên tốc độ chậm hơn. G8, G14 ở I-ta-li-a vừa qua đều nhất trí hoàn tất vòng đàm phán Đô-ha. Đó là về phương diện thương mại, còn về phương diện tài chính, như đã nêu ở trên, các nước đều nhận thấy sự cần thiết phải tái cấu trúc tài chính toàn cầu. Một động lực quan trọng của toàn cầu hóa là cách mạng khoa học - công nghệ với mũi nhọn là công nghệ thông tin. Cuộc cách mạng này vẫn đang phát triển mạnh mẽ, bất chấp khủng hoảng. Lịch sử kinh tế thế giới cho thấy, sau khủng hoảng thường có sự phát triển đột biến của khoa học, công nghệ. Các loại công nghệ tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường đang là những hướng ưu tiên của nhân loại.
Đối với Việt Nam, sự đổi mới về tư duy lý luận hướng tới phát triển bền vững và nhân văn trong bối cảnh toàn cầu hóa cần được tiếp tục với hiệu quả thiết thực hơn. Chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội cần được dự báo và hoạch định với tầm nhìn xa, trong đó phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải, hạ tầng thông tin quốc gia - quốc tế và hạ tầng giáo dục - đào tạo là rất quan trọng. Hệ thống quản lý đô thị và nông thôn trật tự, xanh và sạch, hệ thống văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam với sức sống hội nhập mạnh mẽ. Bộ ba về hệ thống tài chính - ngân hàng - doanh nghiệp cần phát huy tối đa tiềm năng và sức mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ thống pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt. Bản lĩnh và sức sống của mỗi dân tộc thể hiện tập trung ở khả năng tự phê phán, tự chọn lọc những cái tinh hoa, tinh tú và loại bỏ những cái hủ bại, lạc hậu để tự vươn lên phía trước cùng nhân loại, đặc biệt trong những lúc phải đối mặt với khủng hoảng lớn. Thêm một lần nữa cũng chưa hẳn đã đủ, vấn đề giáo dục lại được đặt ra trong ưu tiên nghị sự quốc gia cho dù đã tốn rất nhiều tiền của và thời gian của xã hội với hàng loạt các cải cách lớn nhỏ. Từ quan điểm nhân văn, có thể và cần phải đặt vấn đề giáo dục nói chung vào khuôn khổ an ninh toàn diện của quốc gia, trong đó có an ninh nòi giống Việt Nam, một vấn đề có mối liên hệ trực tiếp tới sự thịnh - suy của đất nước ngay trong tương lai gần./.
Thanh niên với việc chọn nghề để lập thân, lập nghiệp  (26/03/2010)
Kon Tum: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở  (26/03/2010)
Cuộc thi "Ðảng trong cuộc sống hôm nay".  (26/03/2010)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 108 (26-3-2010)  (25/03/2010)
Những phương pháp tiếp cận thời đại và nhận diện thời đại ngày nay  (25/03/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên