TCCS - Tuổi trẻ hướng niềm tin vào một tương lai tốt đẹp, hy vọng vào sự thành công trong những hành động sáng tạo, sự thành đạt trong lập thân, lập nghiệp. Với tư duy lành mạnh và động cơ trong sáng, thanh niên luôn đặc trưng cho tính năng động, cho sự tìm tòi cái mới và do đó, thanh niên hăng hái nhập cuộc với đổi mới, nhạy cảm và thích ứng nhanh chóng với những đổi mới, cải cách mà thời cuộc và xã hội đặt ra.

1 - Đổi mới - cơ hội ngàn vàng cho sự phát triển của thanh niên

Thanh niên là người có tuổi đời còn trẻ, thường bắt đầu từ tuổi 15 đến tuổi 30. Quy ước xã hội có tính tương đối. Cũng có quan niệm cho rằng, phải 17-18 hoặc 20 tuổi mới thực sự là thanh niên, bởi đã tốt nghiệp phổ thông trung học, đã có thể lao động để tự nuôi sống mình, hoặc đang tiếp tục trau dồi học vấn ở bậc cao đẳng, đại học và các trường dạy nghề. Ở lứa tuổi này, thanh niên đã định hình về nhân cách, đã trở thành công dân, có tư cách cử tri đi bầu cử, có đủ năng lực pháp lý để chịu trách nhiệm về hành vi theo luật định. Lại cũng có quan niệm cho rằng, tuổi thanh niên trong đời người có thể tới 35 tuổi. Dù có những khác nhau trong quan niệm cụ thể về tuổi thanh niên như đã nêu trên, nhưng một cách phổ biến, ai cũng thừa nhận, nói tới thanh niên là nói tới tuổi trẻ, sinh lực dồi dào, nhiều mơ ước và khát vọng, có ý chí và hoài bão làm việc lớn.

Vào cuối năm 1986, cách đây 23 năm, tại Đại hội VI của Đảng, Đảng ta đã khởi xướng đường lối đổi mới. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, tạo ra bước ngoặt phát triển của nước ta. Nhờ có đổi mới mà nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng lúc bấy giờ, đưa nền kinh tế nước ta phát triển năng động và từng bước hội nhập vào nền kinh tế thế giới như hiện nay. Chúng ta đang phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Cũng nhờ có đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, đã bước vào thời kỳ phát triển mới, phấn đấu trở thành một nước công nghiệp, đạt tới mặt bằng phát triển chung của các nước trong khu vực và trên thế giới vào những thập niên tới. Đảng ta đã đánh giá những thành tựu mà nhân dân ta đạt được sau 20 năm đổi mới là to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Đổi mới là một thời cơ lớn, được gọi là cơ hội ngàn vàng cho sự phát triển của đất nước ta, cho cả cộng đồng dân tộc, đặc biệt là sự phát triển của thanh niên.

Trước hết, đổi mới đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới tư duy, nhận thức của xã hội, của toàn Đảng và toàn dân. Hơn nữa, chính thực tiễn đổi mới cũng tạo ra môi trường và hoàn cảnh thuận lợi để thúc đẩy đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm để phát triển, khích lệ và cổ vũ mọi người phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, tìm tòi sáng kiến để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả công tác.

Đổi mới ở Việt Nam được triển khai trên mọi lĩnh vực của đời sống, có quy mô to lớn và ngày càng đi vào chiều sâu, nổi bật nhất là đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị. Đó là hai lĩnh vực then chốt của đời sống xã hội.

Trong đổi mới kinh tế, nước ta đã thay đổi mô hình phát triển và cơ chế quản lý. Từ kinh tế hiện vật, kế hoạch hóa tập trung quan liêu, quản lý theo phương thức hành chính - mệnh lệnh với cơ chế bao cấp, bình quân chuyển sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, áp dụng cơ chế thị trường, xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp và bình quân. Từ cơ chế thị trường nước ta hiện nay đang phát triển mạnh mẽ kinh tế tri thức, mở rộng thị trường trong nước, liên kết với thị trường khu vực và thế giới. Đây là sức mạnh giải phóng, từ giải phóng sức sản xuất đến giải phóng mọi tiềm năng của xã hội. Trong nền kinh tế thị trường có cạnh tranh và phân hóa, ai ai cũng có điều kiện để phát triển, bộc lộ mọi khả năng, sáng kiến để phát triển, những rào cản trói buộc kiểu "ngăn sông cấm chợ" trước đây đã được xóa bỏ. Mọi công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Mọi người đều có quyền làm giàu bằng sức lao động của mình, miễn là không trái với quy định của pháp luật, gọi là làm giàu hợp pháp. Lợi ích cá nhân được tôn trọng, coi đó là động lực trực tiếp để thực hiện lợi ích xã hội. Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển. Cùng với kinh tế thị trường, nước ta còn đẩy mạnh dân chủ hóa toàn diện mọi lĩnh vực, bảo đảm tự do tư tưởng, thực hiện dân chủ và quyền làm chủ của người dân. Cùng với cơ chế thị trường, ta còn áp dụng cơ chế dân chủ, quy chế dân chủ, pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Công bằng không chỉ trong phân phối lợi ích mà sâu xa hơn còn là công bằng, bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, trong đó có thanh niên. Tất cả mọi thành viên trong cộng đồng xã hội đều được hưởng cơ hội phát triển đó. Cả một thế hệ mới sinh thành trong đổi mới, là thanh niên thời đổi mới. Đó là tiềm năng xã hội lớn nhất của phát triển ở nước ta - tiềm năng thanh niên.

2 - Chọn nghề khi vào đời để lập thân, lập nghiệp của thanh niên

Bước vào tuổi thanh niên, mỗi người phải tự đặt cho mình việc chọn nghề để chuẩn bị cuộc sống tự lập. Đây là vấn đề hệ trọng khi vào đời, lập thân lập nghiệp, là cả một bước ngoặt trong cuộc sống đối với tuổi trẻ. Gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó có tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Thanh niên sẽ hỗ trợ cho tuổi trẻ phát triển. Song, điều căn bản là ở chỗ, mỗi người phải tự ý thức trách nhiệm về cuộc sống, về tương lai, hạnh phúc của mình gắn liền với trách nhiệm của một thành viên trong gia đình và trách nhiệm công dân đối với Nhà nước và xã hội. Tuổi thanh niên đến độ trưởng thành, có nghề, có nghiệp là tuổi lập gia đình, có cuộc sống riêng và mỗi người phải tự chăm lo cho tổ ấm của mình. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Phát triển bản thân, phát triển cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp trong mỗi gia đình là góp phần vào xây dựng và phát triển cộng đồng xã hội. Các gia đình trẻ, vợ chồng ở tuổi thanh niên đang là gia đình hạt nhân, chiếm một tỷ lệ lớn và có vai trò rất quan trọng trong 18 triệu hộ gia đình ở nước ta hiện nay, trong đó có tới trên 10 triệu hộ gia đình ở nông thôn.

Vậy bạn trẻ bắt đầu ý thức chọn nghề để học nghề, làm nghề (hay hành nghề), bước vào đời, lập thân lập nghiệp từ lúc nào và như thế nào? Phải chuẩn bị và nỗ lực sáng tạo như thế nào cho sự thành đạt và hạnh phúc của mình? Những câu hỏi như thế luôn đặt ra và có tính thời sự đối với tất cả nam nữ thanh niên. Các tổ chức Đoàn và Hội cần phải coi đây là nội dung hoạt động, là chương trình hành động đầy trách nhiệm đối với các đoàn viên, hội viên của mình.

Thông thường, việc chọn nghề là một hoạt động định hướng về giá trị, định hướng cuộc sống khi con người đã thực sự có ý thức về bản thân mình. Đó là dấu hiệu của sự trưởng thành qua giáo dục và tự giáo dục. Gia đình, nhà trường cũng như dư luận xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến việc chọn nghề của thanh niên. Các nhóm bạn bè, các tập thể trong trường, trong lớp của học sinh, sinh viên cũng có tác động không nhỏ tới quyết định chọn nghề của tuổi trẻ.

Nó thường gắn liền với một trạng thái tâm lý nhất định và biến đổi năng động theo thời gian, theo năng lực, nguyện vọng, sở thích của mỗi người. Nó cũng có cả sự điều chỉnh và thay đổi, tùy theo hoàn cảnh. Ngay khi còn nhỏ tuổi, thiếu niên cũng đã thường có những mơ ước, tự mình đã mong muốn sau này lớn lên sẽ làm gì, sẽ trở thành một người như thế nào? làm kỹ sư, thợ máy, phi công có được không hay làm bác sĩ, luật sư, nhà văn, nhà báo? Đó là cả một dãy ước mơ, mong muốn, tưởng tượng. Có em muốn làm nghệ sĩ, ca sĩ, làm thầy giáo, cô giáo, lại có em muốn theo nghề thời trang, biểu diễn nghệ thuật hay thử sức mình trong kinh doanh trên thương trường như một doanh nhân thành đạt. Xã hội thời đổi mới và đi vào kinh tế thị trường mở ra cho tuổi trẻ biết bao cơ hội để tự biểu hiện mình. Những ước mơ, mong muốn đó là rất nhiều và rất khác nhau ở mỗi người, lúc đầu thường mang đậm sắc thái cảm tính, giàu trí tưởng tượng, chịu ảnh hưởng từ những người thân trong gia đình - cha mẹ và các anh chị. Tuổi trẻ thường hướng về những thần tượng của mình, muốn trở thành những người mà họ ngưỡng mộ, yêu mến, tin cậy. Song việc chọn nghề của thanh niên khi đã lớn khôn lại đòi hỏi một sự cân nhắc, thận trọng, ngày càng có sự tham dự nhiều hơn của lý trí. Phải chọn nghề nào phù hợp chẳng những với sở thích mà còn với năng lực, trình độ của mình cũng như điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của gia đình cho phép thỏa mãn được. Đó là chưa kể đến yếu tố xã hội, phải tùy thuộc vào yêu cầu của xã hội, nhu cầu của thị trường và của đời sống. Do vậy, không phải mọi ước mơ, dù đẹp đều có thể thực hiện được, không phải mọi nguyện vọng chủ quan đều trở thành hiện thực khi tuổi trẻ vào đời. Hướng dẫn chọn nghề là một vấn đề nghiêm túc mà gia đình, nhà trường, đoàn thể, xã hội phải cùng chia xẻ trách nhiệm trong việc hướng dẫn tuổi trẻ vào đời.

Nền tảng căn bản của việc chọn nghề là lao động, đặc biệt là tình cảm và thái độ lao động của mỗi người. Chọn nghề gì và làm nghề gì cũng phải lao động tận tụy và tự nguyện tự giác. Không thể có thái độ tích cực trong việc chọn nghề nếu người đó không có tình yêu lao động, không chăm chỉ cần mẫn để có thể lao động hết mình, có sự say mê và đầu óc sáng tạo.

Do đó, đối với thanh niên, việc giáo dục hướng nghiệp về thực chất là giáo dục thái độ lao động. Đó là một việc đòi hỏi nhiều công phu, trách nhiệm, tỷ mỷ và chu đáo của các nhà giáo dục đối với con người. Phải giáo dục đạo đức, trau dồi tri thức, huấn luyện về phương pháp và rèn luyện các kỹ năng lao động, để khi bước vào cuộc sống tự lập, con người phải lao động trung thực, có kỷ luật, có chí tiến thủ, biết quý trọng con người lao động và sản phẩm lao động làm ra, không gây lãng phí thời gian, của cải, sức lực, làm thiệt hại tới lợi ích chung của xã hội và lợi ích của chính mình. Phải tìm thấy giá trị và ý nghĩa cuộc sống trong lao động cho mình và cho xã hội. Đó là lao động có ích. Người có thái độ lao động tốt bao giờ cũng là người có đạo đức, có lòng tự trọng. Đó là tiền đề, là cơ sở để trong lao động, trong học tập và tham gia bất cứ hoạt động nào, con người cũng luôn có ý thức vươn tới sự tốt đẹp, sự trong sáng đạo đức, biết tôn trọng người khác, xung quanh mình, biết quý trọng thành quả lao động của người khác như quý trọng thành quả của chính mình.

Không có tình yêu đối với lao động, với nghề nghiệp, con người ta không thể đạt tới nhu cầu lao động trung thực và sáng tạo, không nảy nở niềm vui trong lao động mà chỉ thấy lao động như một gánh nặng nhọc nhằn, một công việc nhàm chán và đơn điệu. Trung thực và sáng tạo là phẩm chất hàng đầu của nhân cách, là những giá trị cốt yếu như những tiêu chí đánh giá quan trọng nhất về đạo đức và nhân cách của mọi người nói chung và của thanh niên nói riêng.

Đổi mới với cơ chế thị trường và kinh tế thị trường đã giúp cho sự hình thành nhận thức mới về lao động xã hội có ích. Đó là lao động đem lại lợi ích cho mình và cho xã hội; làm bất cứ việc gì mà xã hội có nhu cầu và đúng với khuôn khổ luật pháp cho phép, tạo ra sản phẩm và giá trị, tự lập được cuộc sống của bản thân và có đóng góp cho xã hội dưới mọi hình thức... đó là lao động xã hội có ích. Thanh niên cần phải xác định rõ, mọi lao động xã hội có ích đều là vẻ vang, không có bất cứ sự đánh giá thiên lệch và thành kiến nào, trọng nghề này, người này, khinh nghề khác, người khác.

Chọn nghề trở thành tiền đề điều kiện cho việc tiếp tục học nghề, làm nghề, sống với nghề, gắn nghề với nghiệp, nghề phải phát triển, kết tinh trong nghiệp, trở thành sự nghiệp của mỗi người, biết theo đuổi sự nghiệp suốt đời. Trong nền kinh tế thị trường, mỗi người cũng phải rèn luyện cho mình kỹ năng và thói quen phản ứng linh hoạt theo diễn biến của thị trường, biết thích nghi, thích ứng với việc di chuyển nghề khi cần thiết. Vì vậy phải giỏi một nghề, biết nhiều nghề. Song, sự tận tâm với nghề vẫn là phẩm chất không thể thiếu đối với người lao động có lương tâm, có đạo đức. Thái độ lao động, thái độ nghề nghiệp là thái độ đối với con người, với cuộc sống, không thể sống hời hợt, nông nổi, vô trách nhiệm với mình và với cộng đồng cho nên không thể lười biếng trong lao động và cẩu thả với công việc. Sơ xuất này trong nghề nghiệp nếu mắc phải có thể gây tổn hại và lỗi lầm mà trong nhiều trường hợp là không sao sửa chữa được. Ví dụ: bác sĩ, y tá, hộ lý có thể làm chết người bệnh, thầy giáo, cô giáo làm hỏng nhân cách học trò chỉ vì cẩu thả, vô trách nhiệm trong ứng xử với người, với việc. Người làm nghề buôn bán kinh doanh có thể chỉ vì hám lợi mà làm hàng giả, gian lận, lừa đảo gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cho khách hàng. Thói vô đạo đức trong nghề nghiệp do đó phải bị lên án và nếu gây ra tội ác thì phải bị trừng trị theo luật pháp.

Trong một môi trường xã hội nhờ có đổi mới mà trở nên cởi mở, dân chủ hơn, con người có điều kiện mở mang hiểu biết, tiếp cận thông tin đa chiều, học vấn được nâng cao nên con người nhìn nhận, đánh giá kết quả lao động và cống hiến xã hội của mình, của người khác, của tập thể một cách khách quan, công bằng hơn. Con người hướng tới kết quả thực tế nhiều hơn là mù quáng chạy theo những hư danh, những giả giá trị. Thanh niên phải đặc biệt nhận rõ điều đó để tự phê phán, tự điều chỉnh mình, sao cho nghĩ thật, làm thật, sống thật chứ không giả dối, không đem cái giả dối ấy mà lừa dối người khác, lừa dối xã hội, lừa dối cả chính mình.

3 - Những vấn đề cần suy nghĩ nghiêm túc và hành động cho xứng đáng với thế hệ trẻ anh hùng của một dân tộc anh hùng

Thứ nhất, ra sức trau dồi học vấn, không chỉ trong thời gian đi học mà cả khi đã rời ghế nhà trường. Phải có thói quen học suốt đời, tự học, tự đào tạo, tự giáo dục bản thân mình. Hãy ghi nhớ lời Bác Hồ dạy, tuổi trẻ phải tránh xa như tránh lửa những thứ cám dỗ nguy hiểm: tiền bạc, danh vọng, quyền lực. Những cái đó nếu không làm chủ được sẽ rất dễ làm hư hỏng con người. Thanh niên phải ham học, ham làm, ham tiến bộ. Xã hội hiện đại đòi hỏi mỗi người làm nghề gì cũng phải có học thức. Không phải là nhồi nhét trí nhớ trong đầu óc mà là bồi đắp trí tuệ, thông minh, sáng tạo. Phải rất chú trọng thực hành trong các công việc thực tế làm cho kiến thức trở nên sống động, biến tri thức thành tư tưởng, phương pháp. Học đi đôi với hành. Lý luận gắn chặt với thực tiễn. Học để làm việc, làm người, phục vụ xã hội, tổ quốc, nhân dân, học để cùng chung sống, cùng hợp tác, cùng phát triển.

Thứ hai, thường xuyên trau dồi đạo đức, lối sống và nhân cách. Đức là gốc, tài là quan trọng. Có đức mới có bảo đảm đạo đức cho tài năng phát triển. Có tài thì đức mới trở nên hữu ích, hữu dụng, không trở thành vô dụng. Phải noi theo, làm theo đạo đức cách mạng trong sáng của Bác Hồ: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Khiêm tốn, giản dị, trung thực, quên mình vì lợi ích chung, sự nghiệp chung. Phải phấn đấu cho một nhân cách trung thực, sáng tạo. Đó là gốc rễ sâu xa của sự phát triển, hoàn thiện con người, để sống có ích cho xã hội, sống xứng đáng với dân tộc và nhân dân, với Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại.

Thứ ba, chú trọng rèn luyện sức khỏe. Đó là điều kiện để cống hiến được nhiều, được lâu dài cho Tổ quốc và nhân dân, để có cuộc sống hạnh phúc. Tựu trung, đó là trau dồi những yếu tố của chất lượng nhân lực cao: Trí lực - Tâm lực - Thể lực. Nước ta đang thiếu rất nhiều nhân lực chất lượng cao, không được đào tạo nghề, không đáp ứng tiêu chuẩn nhân lực thì việc phát triển kinh tế, văn hóa, hội nhập quốc tế sẽ rất khó khăn. Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, một phần lớn lao động chưa qua đào tạo - đó là thực trạng yếu kém hiện nay, thách thức lớn nhất trong phát triển đối với nước ta. Thanh niên phải vượt lên chính mình, tạo ra sự phát triển cả lượng và chất của mình, của cả thế hệ trẻ - đó là đòi hỏi bức xúc hiện nay, là hối thúc mạnh mẽ từ cuộc sống đối với thanh niên, trong đó có thanh niên nông thôn.

Thứ tư, phải tự mình đổi mới, từ nhận thức đến hành động, trở thành người tiên phong trong đổi mới, cách tân, sáng tạo, chứ không trì trệ, bảo thủ; phải chủ động, tích cực chứ không thụ động, bị động; phải có nghị lực và bản lĩnh chứ không an phận, nhụt chí; vượt lên hoàn cảnh chứ không đầu hàng hoàn cảnh. Bài toán chọn nghề, học nghề, làm nghề để lập thân, lập nghiệp là một bài toán xã hội phức tạp. Lời giải đúng đắn, tích cực nhất phải cất lên từ tiếng nói và hành động của chính thanh niên. Phải chủ động đề phòng một nguy cơ, tuổi còn trẻ nhưng đã sớm bạc nhược về tinh thần và ý chí, đã sớm cằn cỗi trong tư duy, đã lão hóa về tư tưởng, do đó mà yếu ớt trong hành động, không có sức đề kháng và tự đề kháng trước những thoái hóa, lệch lạc và suy đồi.

Thứ năm, thanh niên Việt Nam vào đời, lập thân, lập nghiệp vào lúc này, khi đất nước và dân tộc đang vừa có thời cơ lớn để phát triển vừa đứng trước không ít thách thức và nguy cơ, thậm chí là nghiệt ngã... phải hết sức chủ động, tích cực, sáng tạo để phát triển mình và phát triển xã hội, không ỷ lại, không chờ đợi, không lảng tránh trách nhiệm mà đón nhận lấy trách nhiệm và nỗ lực thực hiện một cách tốt nhất vì độc lập - tự do - hạnh phúc của dân tộc và nhân dân. Đó là tính tích cực chính trị, là văn hóa chính trị của thanh niên thời đại Hồ Chí Minh.

Trong đổi mới, tuổi trẻ Việt Nam đã đóng góp xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân, của Đảng, đã ra sức thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ. Có biết bao tấm gương điển hình tiên tiến của thanh niên nước ta vào đời, lập thân, lập nghiệp. Đó là tuổi trẻ giàu ý chí và nghị lực, vượt qua mọi khó khăn để rèn đức luyện tài, đã có biết bao tấm gương trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu, thành đạt trên mọi lĩnh vực. Cần tổng kết phong trào thanh niên, nhân rộng những điển hình từ những gương mặt tiêu biểu hằng năm trong thế hệ trẻ nước ta, ở mọi lĩnh vực, mọi vùng, miền. Xã hội tin cậy ở thanh niên. Tổ chức Đoàn và Hội đang ra sức đổi mới, tìm tòi các mô hình và phương thức vận động, phát triển tài năng, đức hạnh của thanh niên. Đảng ta đã ra nghị quyết về thế hệ trẻ trong thời kỳ mới. Vận dụng các quan điểm của Đảng vào thực tiễn, các đoàn thể, tổ chức trong hệ thống chính trị và trong xã hội, trong đó có Hội dạy nghề Việt Nam đang phối hợp hành động, tạo ra sức mạnh tổng hợp hỗ trợ phát triển cho thanh niên nước ta./.