Cử tri gửi tới Quốc hội 5 vấn đề trọng tâm
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết có 1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, tập trung vào 5 vấn đề trọng tâm.
Cụ thể, 5 vấn đề trọng tâm cử tri kiến nghị gồm: việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; về sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; về lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo và dạy nghề; về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo và cuối cùng là việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Góp ý Hiến pháp có nơi còn hình thức
Cử tri đánh giá việc Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa qua thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, rộng khắp trong toàn xã hội, thu hút được sự quan tâm và sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, kể cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Tuy nhiên, cử tri cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở một số nơi, nhất là ở cấp cơ sở còn hình thức, lúng túng, bị động, chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan; một số nơi in, phát Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới từng hộ gia đình nhưng việc hướng dẫn nhân dân thảo luận góp ý và tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân chưa tốt.
Cử tri và nhân dân kiến nghị các cơ quan hữu quan tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác những ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc; đồng thời giải trình rõ những nội dung không tiếp thu để hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo, phản ánh đúng và đầy đủ ý nguyện của nhân dân tới Quốc hội. Cử tri kiến nghị Quốc hội phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ để xây dựng bản Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Cần chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân
Cử tri cho rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh còn rất khó khăn, hàng hóa tồn kho lớn… Giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới hiện nay dẫn đến sự băn khoăn, thiếu tin tưởng của cử tri và nhân dân về năng lực của cơ quan nhà nước hữu quan trong việc quản lý điều hành thị trường vàng. Do vậy, Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, có những giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên; đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế nhà nước; tái cấu trúc các doanh nghiệp, kiên quyết giải thể các doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh thua lỗ làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Về đảm bảo môi trường, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp, làng nghề, nông thôn nhằm phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ sức khỏe và đảm bảo đời sống nhân dân.
Đối với sản xuất nông nghiệp, cử tri và nhân dân kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, ngư dân, diêm dân, để người dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ vùng biển của Tổ quốc, giữ ổn định xã hội ở địa bàn nông thôn; đồng thời có các giải pháp kiên quyết, hữu hiệu xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu.
Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã có các quyết định sửa đổi một số tiêu chí của Chương trình cho phù hợp với các địa phương. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí “Ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần” để xây dựng cơ sở hạ tầng; kiến nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa đối với các địa phương nghèo trong việc thực hiện Chương trình nông thôn mới vì việc huy động vốn trong nhân dân rất khó khăn; quy định rõ vấn đề huy động mức đóng góp, tham gia của nhân dân, của doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng… để chương trình này được thực hiện có hiệu quả.
Bệnh viện vẫn quá tải, dạy thêm còn tràn lan
Báo cáo cho biết cử tri tiếp tục phản ánh, mặc dù viện phí đã tăng nhưng tình trạng xuống cấp, quá tải ở các bệnh viện, nhất là các bệnh viện ở Trung ương vẫn không giảm. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến huyện; xây dựng thêm các bệnh viện khu vực để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ y, bác sĩ; quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở y tế của người nước ngoài nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi cho người dân.
Về giáo dục, đào tạo, việc học thêm, dạy thêm vẫn diễn ra tràn lan, nhất là ở khu vực đô thị; bệnh thành tích không giảm; nhiều trường đại học thiếu các điều kiện cơ bản cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên chất lượng đào tạo thấp. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; chấn chỉnh, xử lý các cơ sở giáo dục, đào tạo không đảm bảo chất lượng.
Đối với hoạt động dạy nghề, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề cho hợp lý; rà soát nhu cầu đào tạo nghề của nhân dân, nhu cầu về lao động theo ngành nghề của các doanh nghiệp và khả năng đào tạo của các cơ sở dạy nghề, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của hoạt động dạy nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Xử lý kịp thời các vụ án tham nhũng, lãng phí
Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết công tác phòng, chống tham nhũng chưa thực hiện được mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng. Do đó, các cơ quan chức năng của nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát và xử lý kịp thời, nghiêm túc các vụ việc tham nhũng, lãng phí, nhất là những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện và tuân theo pháp luật đối với những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công…
Đồng thời, cử tri và nhân dân hết sức quan tâm và hoan nghênh việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư đứng đầu cùng với việc thành lập lại Ban Nội chính ở Trung ương và các tỉnh, thành phố. Cử tri hy vọng trong thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có những chuyển biến rõ rệt, đáp ứng niềm tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Để giải quyết những phức tạp của tình hình khiếu nại, tố cáo có liên quan đến vấn đề đất đai, cử tri kiến nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật Đất đai cần có những quy định cụ thể; mục đích thu hồi đất khác nhau thì cần có cơ chế thu hồi khác nhau để tránh tiêu cực, đồng thời phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất; kiến nghị thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân cần dài hạn hơn hiện nay; việc thu hồi đất cần phải đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Đối với Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; ưu tiên xây dựng thể chế về giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là sớm trình Quốc hội xem xét thông qua Luật tiếp công dân; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, vì vậy cử tri và nhân dân kiến nghị các đại biểu Quốc hội nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Để làm tốt việc này, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát; yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trách nhiệm trong quản lý ngành, lĩnh vực; tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội./.
Bác Hồ với trí thức trẻ trong phong trào giải phóng dân tộc  (19/05/2013)
Bác Hồ với trí thức trẻ trong phong trào giải phóng dân tộc  (19/05/2013)
Khởi công xây dựng Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi  (19/05/2013)
Báu vật Hoàng Sa trong dòng chảy văn hóa của làng Mỹ Lợi  (19/05/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên