Tổng thống V. Pu-tin trong chuyến thăm Ấn Độ (ảnh trái);
Thủ tướng Ấn Độ tiếp thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc
tại Niu Đê-li về vấn đề biên giới 2 nước (ảnh phải)
 
Những quan niệm khác nhau

Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1998, cựu Thủ tướng Nga E. Pri-ma-cốp nêu kiến nghị xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược Nga - Trung - Ấn như là một mô hình trật tự chính trị quốc tế đa cực nhằm kiềm chế ý đồ của Mỹ muốn thiết lập trật tự thế giới đơn cực. Nhưng do nhiều nguyên nhân, nhất là do quan hệ Trung - Ấn lúc đó đang căng thẳng, nên hai nước này không tỏ ra mặn mà với ý tưởng đó. Mười năm qua tình hình đã khác trước, và người ta đặt câu hỏi: Ý tưởng thành lập trục Nga - Trung - Ấn có cơ sở hiện thực hay không. Có mấy cách nhìn nhận về tam giác chiến lược Nga - Trung - Ấn như sau:

1. Tam giác này là có thể và cần thiết để thúc đẩy hệ thống thế giới đa cực, tạo nên một đối trọng địa - chính trị thực sự với “thế giới đơn cực” của Mỹ.

2. Tam giác này không thực tế, bởi mỗi thành viên của nó cả về kinh tế lẫn chính trị đều gắn bó với Mỹ, coi quan hệ với Mỹ quan trọng hơn các mối quan hệ trong tam giác.

3. Sự hiệp đồng, nếu có, chỉ có thể diễn ra trên cơ sở song phương, mà động lực chủ yếu là nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ về vũ khí và dầu mỏ của Nga; nhu cầu của Nga về công nghệ phần mềm của Ấn Độ và hàng tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc.

4. Tam giác có thể được thành lập, nhưng chỉ trên cơ sở hợp tác kinh tế, văn hoá - xã hội, phi chính trị, không nhằm chống lại nước thứ ba.

Những cơ sở thuận lợi cho liên kết ba bên

Có thể thấy Nga, Trung Quốc và Ấn Độ có khá nhiều những điểm tương đồng về lợi ích quốc gia. Thứ nhất, ba nước đều có mục tiêu quốc gia trọng đại là phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng và xác lập vị thế nước lớn trên trường quốc tế. Việc thiết lập trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm nằm trong lợi ích của cả ba nước. Thứ hai, ba nước đều đang đứng trước những nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Liên kết để xây dựng một môi trường quốc tế hoà bình, hữu nghị, láng giềng tin cậy lẫn nhau là đáp ứng lợi ích quốc gia quan trọng sống còn của ba nước. Thứ ba, các cặp quan hệ song phương trong tam giác đang phát triển tốt và cả ba đều tìm thấy lợi ích lớn trong hợp tác với nhau. Thứ tư, nếu Nga và Trung Quốc là những thành viên sáng lập Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), thì Ấn Độ đã tham gia SCO với tư cách quan sát viên. Thứ năm, bất kể một tổ chức hợp tác đa phương nào cũng cần có một nước đóng vai trò đi đầu, là mắt xích gắn kết các mối quan hệ, giúp hoá giải những bất hoà. Trong trường hợp này, nước đó chính là Nga.

Tam giác chiến lược” Nga - Trung - Ấn đã được hiện thực hoá ?

Để hình thành “tam giác chiến lược”, trước hết phải có các quan hệ song phương ổn định và phát triển. Các quan hệ song phương trong tam giác Nga - Trung - Ấn những năm gần đây trên thực tế đã được cải thiện về chất. Quan hệ Nga - Trung được coi là cạnh nổi bật nhất, bền vững nhất của tam giác, và chính mối quan hệ đó đang và sẽ tác động tích cực đến chính sách của Ấn Độ với các nước này. Quan hệ Nga - Ấn vốn có truyền thống hợp tác từ thời Liên Xô gần đây đã có thêm những bước tiến mới về chất. Đặc biệt, quan hệ Trung - Ấn vốn phức tạp nhất trong tam giác, thì giờ đây cũng đã được cải thiện rất nhiều trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại và chính trị - ngoại giao. Đây là điều kiện và tiền đề quan trọng cho hợp tác ba bên.

Về những cuộc tiếp xúc ba bên, sự kiện có ý nghĩa đầu tiên là các cuộc gặp giữa học giả ba nước để thăm dò khả năng hợp tác, nhất là tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau. Các cuộc hội thảo khoa học ba bên đã được tổ chức lần lượt ở thủ đô của mỗi nước để thảo luận về các vấn đề ba nước cùng quan tâm. Có thể nói, đây là một kênh tiếp xúc khá quan trọng, được giới lãnh đạo ba nước coi là “đột phá khẩu” thúc đẩy ba nước xích lại gần nhau.

Những sự kiện quan trọng tiếp theo là các cuộc gặp của Ngoại trưởng ba nước những năm gần đây. Từ cuối năm 2001, bên lề các cuộc họp quốc tế quan trọng đã diễn ra các cuộc gặp gỡ và làm việc của Ngoại trưởng ba nước. Đáng chú ý nhất là cuộc gặp lần thứ tư của Ngoại trưởng ba nước diễn ra vào tháng 6-2005 tại Vla-đi-vô-xtốc (Nga). Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng và chưa từng có trong quan hệ ba nước, bởi đó là cuộc gặp được tổ chức riêng chứ không phải bên lề một hội nghị quốc tế như các cuộc gặp trước.

Nguyên thủ quốc gia ba nước cũng đã thường có các cuộc gặp riêng với nhau bên lề các hội nghị quốc tế quan trọng. Tổng thống Nga V. Pu-tin thường sắp xếp các chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc và Ấn Độ liền kề nhau, và trong mỗi chuyến thăm, chương trình nghị sự luôn có chủ đề quan hệ ba bên Nga - Trung - Ấn. Trong năm 2005, Nga vừa có cuộc tập trận chung lớn với Trung Quốc mang tên “Sứ mệnh hoà bình” (tháng 8), vừa có cuộc tập chung với Ấn Độ mang tên “Indra - 2005” (tháng 10).

Những tiến triển của các mối quan hệ trong tam giác Nga - Trung - Ấn những năm gần đây là không thể phủ nhận, song, trên thực tế chưa có một “tam giác chiến lược” Nga - Trung - Ấn hoạt động như một tổ chức.

Nguyên nhân vì sao ?

Thứ nhất, là nước lớn muốn mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế, nên rõ ràng giữa Nga -Trung - Ấn khó tránh khỏi cạnh tranh, thậm chí va chạm về lợi ích quốc gia. Trên thực tế, trong các cặp quan hệ song phương của tam giác này, kể cả quan hệ Nga - Trung cũng đang tồn tại nhiều bất đồng trong các lĩnh vực khác nhau. Hơn nữa, Ấn Độ và Trung Quốc chưa hẳn đã thật sự mong muốn sự ra đời một “tam giác chiến lược”. Trung Quốc chú trọng các quan hệ song phương hơn và rất thận trọng khi tham gia các liên minh đa phương, nhất là nếu liên minh đó có mục đích chống Mỹ. Ấn Độ càng không muốn vì các mối quan hệ chặt chẽ với Nga và Trung Quốc mà làm tổn hại đến quan hệ với Mỹ. Tất cả những điều này cản trở sự hình thành một liên minh ba bên.

Thứ hai, nhân tố Mỹ đóng vai trò đặc biệt trong quan hệ ba bên Nga - Trung - Ấn và trong tính toán chiến lược của mỗi nước. Trên thực tế, Mỹ có lợi ích lớn trong hợp tác trên mọi phương diện với cả ba nước. Những nước này ổn định, hoà bình và phát triển nằm trong lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ. Nhưng Mỹ không muốn ba nước này phát triển mạnh đến mức đe doạ vị thế siêu cường duy nhất của Mỹ, nhất là nếu họ thành lập một liên minh chống Mỹ. Tuy quan hệ Mỹ - Ấn có nhiều điểm đồng, nhưng những bất đồng trong quan hệ Mỹ - Trung, nhất là Mỹ - Nga không dễ dung hoà một sớm, một chiều. Những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Nga hiện nay có thể khiến Nga sử dụng triệt để các công cụ, các lợi thế của mình để thúc đẩy sự ra đời trục Mát-xcơ-va - Bắc Kinh – Niu Đê-li mang tính chống Mỹ rõ rệt. Mặt khác, cũng có thể thấy cả ba nước Nga, Trung, Ấn đều đang thực hiện một chính sách đối ngoại rất thực dụng, về tổng thể đều rất coi trọng quan hệ với Mỹ. Chính vì vậy, tác động của nhân tố Mỹ đến Nga, Trung Quốc, Ấn Độ mang tính hai mặt: vừa thúc đẩy sự xích lại gần nhau, vừa cản trở sự ra đời của một liên minh chiến lược giữa ba nước này.

Như vậy, còn quá sớm để nói rằng đã hình thành một “tam giác chiến lược” Nga - Trung - Ấn, nhưng sự xích lại gần nhau của họ là điều rất rõ. Hiện tại tam giác Nga - Trung - Ấn không phải là một khối hay một liên minh quân sự - chính trị, mà là một hệ thống đối tác mềm dẻo, thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu là hợp tác đấu tranh chống các thách thức toàn cầu - chủ nghĩa khủng bố và cực đoan quốc tế; các chính sách đối ngoại cường quyền; thúc đẩy hợp tác kinh tế trong điều kiện toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng. Bản thân sự hợp tác ngày càng chặt chẽ của họ trong các công việc quốc tế cũng sẽ tác động mạnh đến cục diện và tính chất các quan hệ quốc tế hiện đại, kiềm chế tham vọng thống trị thế giới của Mỹ, thúc đẩy sự hình thành trên thực tế một trật tự thế giới đa cực và dân chủ hơn.