Các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri đã gửi tới Quốc hội nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng, tâm huyết và trách nhiệm. Đa số cử tri nhất trí với nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; cho rằng hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, cải tiến, Quốc hội ngày càng gần dân hơn, làm tốt hơn vai trò, chức năng của mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Hoàn Kiếm. Ảnh: TTXVN |
Trăn trở trước nhiều vấn đề của thực tiễn cuộc sống, cử tri đề nghị trong các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội cần quan tâm hơn vấn đề xây dựng con người. Cử tri bày tỏ lo lắng trước tình trạng học sinh lớp 1 oằn lưng cõng sách, giáo dục hiện nay còn nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, tình trạng chạy trường chạy lớp chưa được ngăn chặn, đối tượng tội phạm và tệ nạn xã hội ngày càng trẻ hóa. Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu chưa được điều chỉnh theo giá thị trường, gây khó khăn cho cuộc sống người dân... Hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu tràn lan, các cơ quan chức năng đã vào cuộc tích cực, nhưng biện pháp chế tài không đủ răn đe. Tình trạng bệnh viện quá tải vẫn tiếp diễn, không bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân...
Bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cử tri cho rằng vừa qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với nhân dân vùng biển, hải đảo và đã phát huy được tính tích cực, tạo thuận lợi cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, cử tri đề nghị cần ưu tiên hơn nữa cho nhân dân vùng biển, đảo, nhất là các chính sách đầu tư về y tế, giáo dục, hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất.
Cử tri cũng đề cập nhiều vấn đề khác như: Thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường; bảo đảm tính thực thi khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp... Cần có quy chế phối hợp giữa đại biểu Quốc hội với đại biểu Hội đồng nhân dân theo đơn vị bầu cử, nhằm tạo sự liên thông, theo dõi có hệ thống các ý kiến, kiến nghị của cử tri...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng của cử tri, đề cập những vấn đề thiết thân, liên quan đến đời sống hằng ngày và đóng góp vào công việc chung của đất nước. Tổng Bí thư cũng đã dành thời gian trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề cử tri nêu.
Về việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, Tổng Bí thư cho biết, hiện còn hai loại ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, nên chăng không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, làm sao giảm bớt biên chế, gọn đầu mối, tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng, cần thiết phải có Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, đâu có chính quyền thì ở đó cần có sự giám sát của nhân dân thông qua cơ quan do mình bầu ra là Hội đồng nhân dân. Chính vì thế, Quốc hội chủ trương cho phép thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và bây giờ đến giai đoạn tổng kết. Hiện trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 còn ghi theo hướng mở, giao cho luật quy định về chính quyền địa phương. Sắp tới, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Bên cạnh đó, Trung ương cũng đã cho phép thí điểm xây dựng chính quyền đô thị, trước hết là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; thí điểm mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên, việc này nếu chọn được cán bộ tốt, dân chủ, trách nhiệm, thực sự vì dân, thì kết quả rất tốt, vừa bảo đảm đoàn kết, công việc chạy nhanh, đỡ phải họp hành, nhiều tầng nấc. Nhưng nếu lựa chọn cán bộ không đúng, thì kết quả sẽ ngược lại. Vì vậy, những việc này cần phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn, cụ thể là Kỳ họp thứ 5 sắp tới, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư nêu rõ: Chủ trương này lâu nay đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, nhưng chưa thực hiện, chưa có hướng dẫn cụ thể. Lần này, sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Trung ương cũng quyết định lấy phiếu tín nhiệm, không phải chỉ đối với Quốc hội, mà với các cơ quan Đảng, các đoàn thể trong hệ thống chính trị. Đây là vấn đề lớn, chúng ta chưa từng làm, lần này làm là thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới, dân chủ, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Nhưng việc này đụng chạm đến vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, nên phải hết sức thận trọng, chuẩn bị cho kỹ, tính toán làm sao để đạt được kết quả tốt.
Trước sự băn khoăn của nhiều cử tri, liệu việc lấy phiếu tín nhiệm có mang lại kết quả chính xác, có phản ánh đúng thực tế, nếu không cẩn thận người có tín nhiệm thật thì phiếu thấp, người khéo chạy chọt có khi lại nhiều phiếu; nếu kết quả lấy phiếu tín nhiệm không phản ánh đúng thực tế, sẽ dẫn đến việc sử dụng cán bộ không đúng, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Điều quan trọng là thực hiện đúng quyền của đại biểu Quốc hội, phải làm cho chắc chắn, cẩn thận, đòi hỏi các đại biểu phải rất sáng suốt, công tâm, khách quan, bản lĩnh, trí tuệ và nắm đúng thông tin. Đôi khi không biết đầy đủ thông tin, dù mình tốt nhưng lại nghe dư luận, nhất là những thông tin xấu, độc hại, bên ngoài tung ra để cố tình bôi nhọ người này người khác, nếu căn cứ vào những thông tin ấy để bỏ phiếu tín nhiệm thì rất nguy hiểm. Tổng Bí thư mong cử tri tiếp tục quan tâm, đóng góp ý kiến với Quốc hội, vì qua lắng nghe dân, đại biểu Quốc hội sẽ biết được tín nhiệm thật ở trong dân.
Về việc chăm lo đời sống nhân dân vùng biển đảo, Tổng Bí thư chỉ rõ: Nước ta là quốc gia ven biển, có bờ biển dài, diện tích biển rộng, nhiều đảo và quần đảo. Đảng ta đã có nghị quyết về chiến lược biển, phát triển kinh tế biển, Quốc hội đã có Luật Biển Việt Nam, phải làm sao giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, giữ được ổn định, hòa bình để phát triển, chăm lo bảo vệ dân, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm vấn đề này, từ việc đánh cá thế nào, giá cả xăng dầu ra sao, tàu bè, thuyền, tổ hợp tác giúp nhau đánh bắt cá, khai thác tài nguyên, đưa điện, nước ngọt ra đảo, mở trường học, xây bệnh viện, xây chùa, gắn với thực hiện chiến lược biển, bảo vệ độc lập chủ quyền, bảo vệ dân, giữ cho được mối quan hệ hòa hiếu, ổn định để phát triển đất nước.
Tổng Bí thư đồng tình với ý kiến của nhiều cử tri, cho rằng các cơ quan chính quyền cần tăng cường công tác dân vận, cán bộ nhà nước cần được nâng cao kiến thức về công tác dân vận, tăng cường trao đổi, đối thoại trực tiếp với dân, không coi công tác dân vận chỉ là việc của các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể. Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thống nhất thông qua nghị quyết về tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Tổng Bí thư cũng ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhiều cử tri về việc tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, cụ thể là vấn đề bô-xít ở Tây Nguyên, quy hoạch "treo", dự án "treo", giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng ban hành rồi nhưng khó thực hiện trong thực tế cuộc sống...
* Cùng ngày 14-5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội - Phạm Quang Nghị đã tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng.
Tại buổi tiếp xúc cử tri Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý đất đai, nhất là những khu đất chưa có kế hoạch, không cho thuê, mượn để tránh phát sinh những phức tạp về sau.
Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, chậm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, sử dụng đất sai mục đích, quy hoạch treo, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm… đó là những vấn đề bức xúc mà cử tri đơn vị số 2, quận Hai Bà Trưng nêu ra tại cuộc tiếp xúc với đoàn đại biểu Quốc Hội thành phố Hà Nội. Một vấn đề được nhiều cử tri phản ánh là tình trạng thiếu trường, lớp công lập.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, hiện tỷ lệ trường công lập của Hà Nội đang dẫn đầu cả nước, hầu hết các phường đều có trường công lập. Tuy nhiên, với sự gia tăng dân số như hiện nay, tỷ lệ học sinh trên đầu lớp là rất cao, chưa đáp ứng được các tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước tiên, với các quận nội thành, thành phố sẽ rà soát lại quỹ đất trên địa bàn, ưu tiên dùng những quỹ đất di chuyển địa điểm cơ quan, xí nghiệp để xây trường, nâng tầng các tòa nhà của các trường có đủ điều kiện. Với các huyện ngoại thành, do thực tế đang thừa trường nên phải rà soát lại, bố trí hợp lý với quy mô dân số và sử dụng hiệu quả.
Nhất trí với các ý kiến cử tri về xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là chênh lệch giàu-nghèo; việc chậm triển khai một số dự án trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý đất đai, nhất là những khu đất chưa có kế hoạch, không cho thuê, mượn để tránh phát sinh những phức tạp về sau. Đặc biệt, cần cân nhắc kỹ khi quyết định giao quyền sử dụng đất để tránh lãng phí, tốn kém.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị lưu ý: “Tôi đề nghị các vấn đề mà cử tri còn tiếp tục có ý kiến thì quận và các cơ quan có liên quan phải tiếp tục xem xét lại. Nếu như quyết định đó chưa thỏa đáng thì chúng ta có thể thay đổi quyết định đó. Nếu như không thay đổi được thì phải giải thích cho nhân dân ở khu vực ấy được hiểu”.
* Trước đó, sáng 13-5-2013, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIII đơn vị tỉnh Bình Định đã có buổi tiếp xúc với cử tri xã đảo Nhơn Châu, TP. Quy Nhơn.
Đồng chí Vương Đình Huệ thăm hỏi đời sống người dân xã đảo Nhơn Châu. Ảnh: baobinhdinh.com.vn |
Cùng tham dự buổi tiếp xúc cử tri, có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc; Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thanh Thụy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Bình Định và TP. Quy Nhơn.
Tại buổi tiếp xúc, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã thông báo với cử tri về dự kiến nội dung, chương trình của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, dự kiến khai mạc vào ngày 20-5 tới đây và những hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh từ sau Kỳ họp thứ 4 đến nay.
Cử tri xã Nhơn Châu đã đề nghị Trung ương và tỉnh tiếp tục có các chính sách quan tâm đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho xã đảo Nhơn Châu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm sớm đầu tư kéo điện lưới quốc gia ra đảo phục vụ sinh hoạt, sản xuất nhằm giúp cho nhân dân an tâm sinh sống, không bỏ đảo vào đất đất liền.
Cử tri đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ cho bà con ngư dân đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ; phát triển các nghề nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản; có chính sách hỗ trợ cho học sinh của xã đảo vào học trung học phổ thông tại nội thành Quy Nhơn được hưởng chính sách như học sinh dân tộc thiểu số ở miền núi để tạo điều kiện cho con em có điều kiện đi học...
Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị của bà con cử tri, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bình Định và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giải trình cụ thể đối với các nội dung liên quan đến các kiến nghị thuộc tầm giải quyết của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cam kết với cử tri sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ xã đảo Nhơn Châu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống và sản xuất.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, cảm ơn các ý kiến kiến nghị tâm huyết, đầy trách nhiệm của bà con cử tri xã đảo Nhơn Châu. Các ý kiến này sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp, trình lên Quốc hội, Chính phủ vào kỳ họp sắp tới để có hướng giải quyết.
Đại biểu Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Bình Định trong việc quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của xã đảo Nhơn Châu; đồng thời, tiếp thu, giải trình một số vấn đề được cử tri quan tâm xung quanh việc công nhận Nhơn Châu là xã đảo, đầu tư đưa lưới điện ra đảo; chính sách tín dụng hỗ trợ đóng mới tàu đánh bắt xa bờ; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo…
ĐBQH Vương Đình Huệ đề nghị UBND tỉnh Bình Định và TP. Quy Nhơn xem xét lập Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho xã đảo Nhơn Châu và ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri để trình Quốc hội và Chính phủ xem xét giải quyết trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 13 sắp tới.
Cùng ngày 13-5, đại biểu Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Nhơn Châu và Đại đội hỗn hợp D30.
Nhân dịp này, Ngân hàng thương mại và cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bình Định cùng Công ty Cổ phần khoáng sản Miền Trung đã trao tặng 300 triệu đồng để xây dựng 10 căn nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình chính sách và hộ nghèo; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Bình Định trao tặng 2 căn nhà đại đoàn kết trị giá 60 triệu đồng, 1 xe-máy trị giá 49 triệu đồng và 1 máy pho-to-cop-py trị giá hơn 47 triệu đồng cho xã đảo Nhơn Châu./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư nhân 50 năm "Nghìn việc tốt"  (14/05/2013)
Khai mạc phiên 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII  (14/05/2013)
Kịch bản “sẵn có” cho sự can thiệp quân sự vào Xy-ri  (14/05/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay