Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 24-12 đến 30-12-2012)
1. Hội thảo xây dựng Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị
Ngày 24-12, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bộ, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại biểu đại diện 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam về Dự thảo Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Mục tiêu, yêu cầu xây dựng bộ máy chính quyền đô thị phải tinh gọn, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cơ quan trong chính quyền đô thị, giữa tập thể và người đứng đầu cơ quan hành chính; phải được chuẩn bị kỹ lưỡng và có bước đi phù hợp với quy mô, tính chất của từng loại hình đô thị, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước. Đổi mới chính quyền đô thị bảo đảm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong Nhà nước đơn nhất, quyền lực Nhà nước là thống nhất; bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với bộ máy Nhà nước nói chung, chính quyền đô thị các cấp nói riêng; cải cách toàn diện các lĩnh vực, nhưng ưu tiên trong giai đoạn này là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và tăng cường tự quản cho địa phương, tập trung cho các đô thị là thành phố trực thuộc Trung ương và các đô thị trực thuộc tỉnh, tạo động lực phát triển cho mỗi địa phương, mỗi vùng, miền và cả nước.
Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Đề án, cùng chia sẻ thông tin, đề xuất cách làm và giải pháp thực hiện Đề án. Hội thảo tập trung thảo luận sâu, kỹ lưỡng các phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, làm rõ nội dung của từng phương án, đánh giá các ưu điểm, hạn chế của từng phương án và đề xuất lựa chọn phương án phù hợp với hệ thống chính trị nước ta.
2. Nhiều hoạt động mừng Giáng sinh 2012
Ngày 24-12, các tỉnh Bạc Liêu, Thanh Hóa, Bình Dương, Gia Lai, Hòa Bình, Long An và Đắk Nông đã thành lập nhiều đoàn đến thăm, chúc mừng và tặng quà các vị Linh mục, Hội đồng giáo xứ các nhà thờ, giáo dân trên địa bàn nhân dịp Giáng sinh 2012.
* Bạc Liêu: có hơn 30.000 giáo dân, sinh hoạt tín ngưỡng ở 18 nhà thờ. Để đồng bào giáo dân đón mừng Giáng sinh trong niềm vui trọn vẹn, cấp ủy và chính quyền đã có kế hoạch phối hợp với Hội đồng đại diện giáo xứ thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình chính sách, cán bộ đảng viên, người già neo đơn là người có đạo… Linh mục Nguyễn Tấn Lợi, Quản hạt Bạc Liêu, cảm ơn sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận, Đoàn thể trong tỉnh đối với bà con giáo dân. Đồng thời, khẳng định sẽ cố gắng hết mình để động viên giáo dân thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của công dân đối với Đảng, Nhà nước, luôn phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc.
* Thanh Hóa: có trên 13 vạn giáo dân thuộc 51 xứ đạo, 324 họ đạo. Mừng Giáng sinh 2012, các địa phương ở Thanh Hóa đã tạo mọi điều kiện để đồng bào giáo dân trên địa bàn tổ chức đón mùa Thiên Chúa Giáng sinh vui vẻ, an lành. Tại Nhà thờ Chính tòa Thanh Hóa tổ chức các sự kiện như: hội thi thánh ca, ca vũ nhạc, diễu hành xe hoa, rước Chúa Hài Đồng...phục vụ bà con giáo dân và khách thăm quan. Giám mục Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với các hoạt động của giáo phận trong thời gian qua.
* Bình Dương: lãnh đạo Đảng, Chính quyền, MTTQ tỉnh đã ân cần thăm hỏi, chúc mừng các linh mục, mục sư và giáo dân được nhiều an vui trong mùa Giáng sinh. Giám mục Chánh Tòa - Toà Giám mục Phú Cường Nguyễn Tấn Tước, Linh mục Cao Đình Phương - Chánh xứ Nhà thờ Chánh Tòa, Linh mục Nguyễn Văn Minh - Giáo xứ Búng, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Bình Dương và Mục sư Trần Văn Hiền - Quản nhiệm Chi hội Hội Thánh Tin Lành Bình Dương đã bày tỏ niềm vinh dự trước sự quan tâm chu đáo của lãnh đạo tỉnh đến chúc mừng trong dịp Giáng Sinh, bày tỏ phấn khởi trước sự phát triển nhanh và bền vững về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà làm cho đời sống của nhân dân được cải thiện trong đó có giáo dân.
* Đắc Nông: lãnh đạo chính quyền địa phương rất vui mừng thấy đời sống vật chất, tinh thần của bà con Công giáo, cũng như bà con tín hữu Tin lành ngày càng ấm no, hạnh phúc, sống "tốt đời, đẹp đạo", "kính chúa yêu nước"; đánh giá cao vai trò của các vị chức sắc tôn giáo trong việc vận động bà con tích cực tham gia các phong trào yêu nước như đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên, xây dựng thôn, buôn văn hóa, giữ vững an ninh chính trị nông thôn, hoạt động từ thiện, giúp đỡ người già cô đơn và trẻ mồ côi...
* Gia Lai: Giữa tiết trời se lạnh, không khí Noel đang len lỏi qua từng ngó ngách của phố núi Pleiku. Từng đoàn người đổ về các nhà thờ lung linh ánh đèn, những em bé được ba mẹ dẫn đi chơi cười tươi trong bộ đồ ông già Noel hay những bộ đầm trắng muốt như tuyết. Tất cả đang tạo nên một đêm giáng sinh an lành nơi phố Núi Pleiku hoa lệ. Tại địa điểm hai nhà thờ chính là Nhà thờ Thăng Thiên (đường Lê Lợi, TP Pleiku), Nhà thờ Đức An (đường Wừu, TP Pleiku) dù đến 20h mới bắt đầu tổ chức làm lễ nhưng mới hơn 19 giờ đã đông nghịt người tới vui chơi. Hàng ngàn người đổ về đây đã làm cho không khí ở đây “nóng” lên, người già thì tìm cho mình một chỗ ngồi trước, còn các bạn trẻ thì cùng nhau lưu giữ cho mình những hình ảnh của mùa Giáng sinh 2012.
* Hoà Bình: hơn 4.000 giáo dân ở giáo xứ Hoà Bình cùng hàng nghìn người dân trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận đã tập trung về Nhà thờ giáo xứ Hoà Bình (Hòa Bình) để đón chào lễ Giáng sinh năm 2012. Trao đổi với chúng tôi về không khí đón lễ Giáng sinh năm nay, ông Ngô Văn Nhân, Trưởng ban giáo xứ Hòa Bình cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, năm 2012, Nhà thờ giáo xứ Hoà Bình được chuyển lên địa điểm mới (thuộc tổ 23, phường Đồng Tiến, thành phố Hoà Bình), với diện tích rộng hơn 10.000m2 nên bà con giáo dân cũng phấn khởi chuẩn bị các công việc như trang trí đèn màu, cây thông, hang đá…tất cả được hoàn tất từ 17-12, sớm hơn mọi năm.
* Long An: Tối 24-12, đoàn lãnh đạo tỉnh Long An do đồng chí Mai Văn Chính, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Giáng sinh tại Giáo xứ Tân An, Giáo xứ Bình Quân thuộc TP.Tân An (Long An); chúc các linh mục, tu sĩ, bà con giáo dân có một mùa Giáng sinh vui tươi - an lành - hạnh phúc; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp tích cực cũng như những đóng góp của các chức sắc, giáo dân trong việc chung tay xây dựng địa phương ngày càng phát triển giàu mạnh.
3. Quyết tâm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2013
Ngày 25-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp trực tuyến với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. Một trong những giải pháp được các thành viên Chính phủ và địa phương đề xuất trong năm 2013 là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.
* Kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực: Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, năm 2012 với sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, của doanh nghiệp và toàn dân, việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bước đầu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các mục tiêu về an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân…Nổi bật là lạm phát được kiềm chế, bảo đảm ổn định thị trường trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn ở mức thấp trong những tháng đầu năm, trong đó có trị số âm (-) trong 2 tháng liên tiếp là tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29%). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2012 tăng 6,81% so với tháng 12/2011, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước, đạt mục tiêu đề ra.
* Quyết tâm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2013: lãnh đạo các địa phương tập trung thảo luận nội dung của Dự thảo Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách 2013; Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Thống nhất cao với nội dung dự thảo 2 Nghị quyết của Chính phủ, lãnh đạo các địa phương cho rằng Chính phủ đã xác định chính xác vướng mắc lớn nhất hiện nay để tập trung tháo gỡ. Ngay sau phiên họp này, Chính phủ sẽ ban hành riêng một nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu.
* Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu: Trình bày nội dung dự thảo Nghị quyết tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, dự thảo Nghị quyết có 3 nội dung lớn là: giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; về giải quyết nợ xấu và tổ chức thực hiện. Trong giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tập trung vào 4 nhóm công việc là: giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư; giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm; vốn tín dụng và cuối cùng là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
*Dành ưu tiên cao cho công tác đảm bảo an sinh xã hội: Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho rằng, trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, bên cạnh thực hiện các giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; kiềm chế lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu;… cần tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên cao cho công tác đảm bảo an sinh xã hội với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả. Lãnh đạo của nhiều địa phương như Quảng Nam, An Giang, Lào Cai, Hà Tĩnh… đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, nhất là các hộ dân khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa… phát triển sản xuất, đảm bảo cuộc sống; ban hành đồng bộ các chính sách về giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững cũng như có cơ chế, chính sách phát triển dạy nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn, những vùng kinh tế trọng điểm.
4. Hội nghị cấp cao lần thứ 16 các tỉnh sử dụng đường 8 và đường 12 của ba nước Việt Nam - Lào - Thái Lan
Ngày 26-12, tại thành phố Vinh (Nghệ An) đã diễn ra Hội nghị cấp cao lần thứ 16 (gọi tắt là APOTC) các tỉnh sử dụng đường 8 và đường 12 của 3 nước, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình của Việt Nam; Buli Khăm Xay, Khăm Muộn của Lào; Na Khon Pha Nôm, Sa Kon Na Khon, Noọng Khai và Bưng Càn của Thái Lan. Đây là sự kiện mang ý nghĩa chính trị to lớn, góp phần quan trọng nâng cao mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực tiểu vùng sông Mêkông và Hành lang kinh tế Đông Tây.
Tại hội nghị lần này, 9 tỉnh của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan cũng đánh giá tình hình thực hiện các nội dung Biên bản Hội nghị APOTC lần thứ 15, nhấn mạnh tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh và đề ra phương hướng hợp tác phù hợp nhằm đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các tỉnh trong Hiệp hội APOTC đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn. Để triển khai hợp tác trong thời gian tới, các tỉnh thống nhất cần tiếp tục thực hiện các nội dung hợp tác trên các lĩnh vực; thúc đẩy hợp tác hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thương mại, phát triển du lịch, trao đổi văn hoá, giao lưu thể thao nhằm tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị phát triển; quan tâm hơn nữa đến xây dựng, nâng cấp các cơ sở khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ khác nhằm phục vụ du khách tốt hơn, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá về các tour, tuyến, điểm du lịch trong khuôn khổ hợp tác đường 8 và đường 12 thường xuyên hơn, hình thức phong phú hơn.
5. Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 ( khóa XI)
Từ ngày 26 đến 27-12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 ( khóa XI). Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tại Hội nghị này, các đại biểu sẽ nghe giới thiệu Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai; Nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ; Kết luận của Trung ương về tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, tại Hội này, các đại biểu không nghiên cứu Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013. Đồng chí Lê Hồng Anh yêu cầu các đảng bộ, địa phương phải tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc, trên cơ sở đó, xây dựng, thảo luận và ban hành chương trình hành động cụ thể thực hiện Kết luận của Trung ương và quyết định của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách năm 2013.
Kết luận Hội nghị, Đồng chí Lê Hồng Anh nêu rõ: Tại Hội nghị Trung ương 6, ngoài việc thảo luận các đề án và ban hành 5 nghị quyết và kết luận nêu trên, Ban Chấp hành Trung ương còn thảo luận và quyết định một số vấn đề về xây dựng Đảng. Các vấn đề này đã được phổ biến tại các hội nghị báo cáo nhanh ngay sau Hội nghị Trung ương 6 kết thúc. Riêng về kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Hội nghị Trung ương 4, sau Hội nghị Trung ương 6 đã xuất hiện một số dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, cả mặt thuận và không thuận. Ban Bí thư đã giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo tuyên truyền, giải thích để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng về vấn đề này. Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục thực hiện thật tốt, nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung của Hội nghị Trung ương 4; đồng thời, cần tiếp tục tuyên truyền, giải thích để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, tạo sự đồng thuận cao trong Đảng và xã hội; thực hiện tốt các công việc tiếp theo mà Nghị quyết đã đề ra.
6. Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012 thành công tốt đẹp
Ngày 26-12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn đã cùng chủ trì họp báo công bố thành công năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2012.
Trước đông đảo đại diện các cơ quan thông tấn báo chí hai nước và quốc tế, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trân trọng công bố nhấn mạnh năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào- Việt Nam 2012 đã thành công tốt đẹp. Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong năm qua, hai nước anh em đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức nhiều hoạt động phong phú đa dạng, thu hút sự tham gia sâu rộng của các cấp, các ngành, đông đảo các tầng lớp nhân dân hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn nhấn mạnh Năm Đoàn kết Hữu nghị sắp khép lại, nhưng mối quan hệ truyền thống, tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước không bao giờ phai nhạt, tiếp tục sống mãi trong hai dân tộc. Dù tình hình thế giới và khu vực có biến đổi, nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào sẽ tiếp tục cùng các đồng chí Việt Nam gìn giữ tình đoàn kết đặc biệt như bảo vệ con ngươi của mắt mình và coi đó là tài sản vô giá, là quy luật tồn tại và phát triển của hai nước, là nguồn động lực không bao giờ cạn kiệt trên con đường đi lên. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn chúc nhân dân Việt Nam anh em dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giành được thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới đưa đất nước vững bước tiến lên, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XI; chúc tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
7. Hội thảo khoa học: Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay
Ngày 27-12, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo: Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ, hơn 90 báo cáo, tham luận gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo tập trung vào ba nhóm vấn đề chủ yếu: Nhóm vấn đề thứ nhất, nhận diện và cắt nghĩa khái niệm công cụ làm cơ sở cho việc nghiên cứu lý luận và từng bước tổng kết thực tiễn; 14 tham luận góp phần làm rõ nội hàm khái niệm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các khái niệm liên quan “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa”,... ; Nhóm vấn đề thứ hai, có ý nghĩa quan trọng nhất là sự tiếp cận đánh giá bước đầu một cách tổng thể, hệ thống, đa diện, nhiều góc cạnh, nhận diện rõ những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý, đạo đức; trên tất cả các khu vực, với tư cách là một thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ ta. Đồng thời, bình luận những hạn chế, những bất cập trong thực tiễn; kiến giải những nguyên nhân của tình trạng ‘tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gồm hai nguyên nhân khách quan và chủ quan, bên trong và bên ngoài và xác định nguyên nhân chủ quan là quyết định,...; Nhóm vấn đề thứ ba, có tới 45 tham luận, ở mức độ này hay khác tập trung luận giải, đề xuất và kiến nghị tiếp tục giải quyết vấn đề không chỉ về mặt phương pháp luận, nhận thức luận mà cả những khuyến nghị, kiến nghị một cách cụ thể ở từng khía cạnh, với từng lĩnh vực, trên từng đối tượng,... nhằm nâng cao khả năng thực thi hiệu quả việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong từng cấp ủy, mỗi cấp chính quyền trong mối quan hệ với từng đảng viên,...
Kết luận Hội nghị, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết: Hội thảo đã làm rõ nội hàm và hình thức biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; mối quan hệ giữa “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” cũng như mối quan hệ giữa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với diễn biến hòa bình và ngược lại…; Phân tích bước đầu tình hình thực trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên hiện nay; phân tích “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên các lĩnh vực; nguyên nhân của thực trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Kiến nghị một số giải pháp phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách chủ động, tích cực.
8. Khai trương Trang tiếng Lào trên Tạp chí Cộng sản điện tử
Ngày 28-12, Tạp chí Cộng sản tổ chức khai trương Trang tiếng Lào trên Tạp chí Cộng sản điện tử và phát bài trên trang SolidNet- Trang thông tin điện tử của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế.
Trang tiếng Lào Tạp chí Cộng sản điện tử chính thức ra mắt bạn đọc là một sự kiện quan trọng trong chuỗi rất nhiều hoạt động mà hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã tiến hành trong năm 2012 - Năm đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Trang tiếng Lào Tạp chí Cộng sản điện tử ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong các lĩnh vực đối nội, đối ngoại; các vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trang tiếng Lào Tạp chí Cộng sản điện tử là cầu nối tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt, mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Trang tiếng Lào trên Tạp chí Cộng sản điện tử có các chuyên mục: Thời sự - Chính trị; Tiêu điểm; Việt Nam trên đường đổi mới; Nghiên cứu - Trao đổi; Kinh tế - xã hội; Việt Nam - Lào , Lào - Việt Nam;.... Nhân dịp này, Tạp chí Cộng sản công bố việc tổ chức dịch, biên tập tin, bài để phát trên Trang SolidNet- Trang thông tin điện tử của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế. Tạp chí Cộng sản được giao nhiệm vụ làm đầu mối của Đảng ta trong việc cung cấp các thông tin, tài liệu về Đảng ta, về Việt Nam cho Trang SolidNet.
9. Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Ngày 29-12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 – 12-2012). Đây là sự kiện lịch sử trọng đại và kỳ tích có một không hai - biểu tượng chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến thắng mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX, viết tiếp những trang sử vàng chiến công chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm, giữ nước của dân tộc ta. Chiến thắng đó đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng; tạo ra cục diện mới để quân và dân ta thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ kính yêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chứng minh hùng hồn cho chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Một nước đất không rộng, người không đông nhưng biết đoàn kết đấu tranh cho độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của một Đảng mácxít chân chính với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới thì có thể chiến thắng mọi kẻ thù, dù chúng có các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của phong trào cách mạng thế giới; củng cố niềm tin chiến thắng cho các lực lượng tiến bộ đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chủ tịch nước cho rằng, ngày nay, đất nước ta hòa bình, thống nhất, đang thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp theo.
10. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2012
Ngày 29-12, Chính phủ đã Ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2012 về một số vấn đề liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; hỗ trợ cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Đề án định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020 theo hướng làm rõ các cơ chế, chính sách gắn với những tiêu chí cụ thể để thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có chọn lọc...; phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020; trong đó quy định rõ những cơ chế, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, phân công các Bộ, cơ quan liên quan chủ trì nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đó nhằm tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng, bảo đảm môi trường đầu tư của nước ta không kém hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi trình Bộ Chính trị.
Đối với Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, cần làm rõ phạm vi xử lý nợ xấu, nêu rõ và phân tích các phương án xử lý có tính khả thi, phù hợp với tình hình trực tế trong nước và có tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới; xác định rõ những nguyên tắc, chủ trương cần xin ý kiến; cơ chế, chính sách cần triển khai thực hiện và thẩm quyền quyết định. Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xây dựng Nghị định về Công ty quản lý tải sản, trình Chính phủ xem xét ban hành.
Chính phủ thông qua chủ trương thực hiện cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao với định mức mỗi huyện bằng 70% mức bình quân của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.
Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai nghiêm Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, đặc biệt là việc bảo đảm cung - cầu hàng hóa, không để thiếu hàng sốt giá; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra tại các cửa khẩu ngăn chặn tình trạng buôn lậu; bảo đảm điều kiện đi lại thuận tiện, an toàn cho nhân dân, giảm thiểu tai nạn giao thông; ngăn chặn sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo nổ; quan tâm chăm lo vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là người có công và đối tượng chính sách; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tỷ lệ lạm phát của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp  (31/12/2012)
OPEC đạt mức kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ kỷ lục  (31/12/2012)
"Nền kinh tế Đức sẽ khó khăn hơn trong năm 2013"  (31/12/2012)
Tuần tin cải cách hành chính từ 24 đến 30-12-2012  (31/12/2012)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp xúc cử tri đồng bào dân tộc thiểu số tại Bắc Kạn  (30/12/2012)
Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hoá chất Việt Nam  (30/12/2012)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên