TCCSĐT - Sáng 5-12-2012, tại Hà Nội, Bộ Y tế phát động Tháng hành động quốc gia về dân số hướng tới Ngày Dân số Việt Nam (26-12) với chủ đề “Kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.

Đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng với lãnh đạo và chuyên viên các vụ, đơn vị thuộc Bộ Y tế và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã tham dự. Sau khi nêu rõ chủ đề của Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26-12) đồng chí Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã báo cáo những kết quả quan trọng mà công tác DS-KHHGĐ năm 2012 đạt được và nhấn mạnh nội dung trọng tâm của công tác DS-KHHGĐ năm 2013 là cần tập trung giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. 

Những năm qua, sự gia tăng bất thường về tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Việt Nam đang là mối quan tâm hàng đầu của việc hoạch định chính sách dân số trên lộ trình phát triển đất nước. Kết quả điều tra về biến động dân số thời điểm 1-4-2011 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh hằng năm đang có dấu hiệu tăng đáng kể, tạo nên sự mất cân bằng giới tính cao, từ 109,8 bé trai/100 bé gái (năm 2006) lên 111,9 bé trai/100 bé gái (năm 2011), trong khi tỷ số này từ 1999 đến 2005 vẫn ở mức 104-109 bé trai/100 bé gái. Xu hướng này xuất hiện ở cả thành thị và nông thôn. Ở thành thị, sự lựa chọn giới tính khi sinh xảy ra ngay ở lần sinh đầu tiên. Khu vực nông thôn, việc lựa chọn giới tính khi sinh chỉ xuất hiện từ lần sinh thứ hai. TSGTKS của lần sinh thứ ba càng cao hơn đối với cả khu vực thành thị và nông thôn.

Việc khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS đã đạt kết quả bước đầu: giai đoạn 2006 - 2008 TSGTKS tăng bình quân 1,15 điểm phần trăm/năm; giai đoạn 2009 đến nay tăng bình quân 0,6 điểm phần trăm/năm. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn cao và cần tiếp tục giảm mạnh để đạt chỉ số dưới mức 113 vào năm 2015. 

Ngành Y tế đang quyết liệt triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu là: ban hành, hoàn thiện văn bản quản lý ‎Nhà nước và quy định chặt chẽ việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi, đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới, tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động để người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giữ cân bằng giới tính khi sinh, đẩy mạnh việc thực thi chính sách như: ưu tiên nữ giới, triển khai các can thiệp, hoạt động lồng ghép tại cộng đồng, tăng cường hoạt động nghiên cứu và hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm. 

Bộ Y tế cũng đang đề nghị Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với việc giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mô hình tổ chức hoạt động của công tác DS-KHHGĐ và Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2012-2020; đồng thời tiếp tục triển khai Chương trình Mục tiêu DS-KHHGĐ, có cơ chế khắc phục những rào cản về tài chính đầu tư cho công tác truyền thông, vận động chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ trong Chương trình Mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ năm 2013 và các năm tiếp theo. 

Trong năm 2013, mục tiêu chủ yếu được đặt ra là: giảm tỷ lệ sinh là 0,1%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,02%; tốc độ tăng TSGTKS đạt 0,4 điểm phần trăm; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại 69,4%; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh 7% và tỷ lệ trẻ mới sinh được sàng lọc sơ sinh là 16%; tỷ lệ thanh niên, cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là 4%./.