Đối thoại với các doanh nghiệp du lịch

Theo: chinhphu.vn
20:08, ngày 05-12-2012
Ngày 5-12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp du lịch khu vực phía Bắc, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.


Đây là hội nghị thứ 3 được tổ chức sau các cuộc đối thoại tại miền Trung và phía Nam, nhằm tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động du lịch.

Các doanh nghiệp đã thẳng thắn phân tích những vấn đề tồn tại, rào cản với sự phát triển của ngành du lịch. Cụ thể, việc cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch còn nhiều bất cập; nạn lừa đảo, chèo kéo, gây rối trật tự thậm chí cướp giật đồ của khách du lịch nước ngoài diễn ra thường xuyên tại các thành phố và trung tâm du lịch lớn; việc cấp phép lữ hành quốc tế dễ dãi, không đặt yêu cầu về kinh doanh có điều kiện…

Có ý kiến cho rằng ngành du lịch vẫn chưa nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các địa phương, nhất là việc ban hành một số chính sách gây khó khăn cho hoạt động du lịch và chủ trương kích cầu du lịch. Ví dụ, một số địa phương tăng giá vé tham quan trong khi các tour đã được mua từ trước đó, khiến doanh nghiệp phải bù lỗ…

Nhiều doanh nghiệp đề nghị không nên tăng phí visa, nếu tăng phải có lộ trình; cho rằng quy định xe chở khách du lịch không dùng quá 10 năm là bất cập…

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, trong bối cảnh khó khăn, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, du lịch được đánh giá là điểm sáng về kinh tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, ngành du lịch Việt Nam phát triển chưa bền vững, còn nhiều vấn đề bất cập, hạn chế. Trong đó, có nhiều vấn đề bức xúc được các doanh nghiệp đã nêu ra tại Hội nghị này, nếu không tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao các ý kiến của các doanh nghiệp, đề nghị trong năm 2013, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung rà soát lại và công bố các các tiêu chí cấp phép hoạt động du lịch cho các doanh nghiệp; tập hợp, bàn bạc với các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu sửa đổi các quy định để đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước của từng ngành, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách.

Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo trong giải quyết vấn đề nhân lực, nhất là thông qua cơ chế đặt hàng.

Về vấn đề quảng bá du lịch, Phó Thủ tướng cho biết các cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quảng bá thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp du lịch sẽ tự chịu trách nhiệm quảng bá thương hiệu của mình; đồng thời nhấn mạnh việc tổ chức liên kết đa ngành, Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm trong xúc tiến du lịch.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm thống nhất cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm quảng bá thương hiệu quốc gia, sớm tổ chức hội thảo định vị thương hiệu của du lịch Việt Nam theo kiến nghị của các doanh nghiệp. Ngành du lịch sớm xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam, chọn lối đi riêng dựa trên những thế mạnh về văn hóa, con người, ẩm thực, biển đảo…

Sau khi đề án Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tổ chức cuộc họp cùng các địa phương, đẩy mạnh liên kết các vùng du lịch, tăng cường các loại hình du lịch hấp dẫn...

Phó Thủ tướng giao cho Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Kết luận 179-CT/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trong tình hình mới và chuẩn bị Nghị quyết của Chính phủ về phát triển du lịch trong 3 năm tới, báo cáo Chính phủ trong quý I-2013.

Sau cuộc họp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình phối hợp với các bộ, ngành địa phương liên quan giải quyết ngay các vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời chuẩn bị báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch về các vấn đề cấp bách, quan trọng./.