Khắc phục sự không công bằng trong y tế là vấn đề then chốt giúp đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế tại Việt Nam
TCCSĐT - Ngày 26-11-2012, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc gia Đánh giá tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế tại Việt Nam. Đến dự có PGS, TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Pra-ti-bha Mê-ta (Pratibha Mehta) - điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới, đại diện của UNFPA, đại diện các bộ, ban, ngành và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Năm 2012, Việt Nam chính thức được công nhận là quốc gia có thu nhập trung bình. Bên cạnh các thành tựu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,… Việt Nam đã đạt được một số thành tựu ấn tượng trong tiến trình thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về Y tế trước năm 2015. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến khẳng định: “Cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam đã đặc biệt quan tâm và chú trọng phân bổ nguồn lực trong xóa đói giảm nghèo, phát triển xã hội và nâng cao sức khỏe. Với sự nỗ lực và đầu tư, trải qua hơn hai phần ba chặng đường đến năm 2015, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu của người dân, hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế”.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sự khác biệt và không công bằng giữa các vùng, miền và các nhóm cư dân. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn cao (32%). Tỷ suất chết mẹ trong sinh sản ở 62 huyện nghèo nhất (62 huyện trong Chương trình 30a của Chính phủ) cao gấp năm lần tỷ suất trung bình của quốc gia. Tỷ suất chết trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh ở một số tỉnh cao gấp từ 5-6 lần so với một số tỉnh, thành phát triển hơn. Nhu cầu về các phương tiện và dịch vụ tránh thai, chăm sóc sức khỏe chưa được đáp ứng vẫn còn cao, đặc biệt trong nhóm thanh niên chưa kết hôn. Tỷ lệ nhiễm HIV hiện vẫn đang là mối quan ngại lớn đối với Việt Nam.
Hội nghị đã đánh giá tiến độ đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trên thế giới, trong đó có Việt Nam và hiệu quả kinh tế các can thiệp y tế dựa trên kinh nghiệm trong khu vực và trên thế giới giúp phân bổ nguồn lực trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển. Tại Hội nghị, các chuyên gia cũng trình bày một số phát hiện chính từ báo cáo phân tích quốc gia về tính công bằng trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Điều này giúp thảo luận sâu hơn về các cơ hội, thách thức và các nguy cơ tiềm tàng trong việc đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về y tế vào năm 2015 và những năm sau đó. Một số khuyến nghị chính để đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 và tiếp theo là tăng cường tính bình đẳng, cải thiện chất lượng dịch vụ, củng cố hệ thống y tế, đặc biệt ở các cấp địa phương và cải thiện kiểm soát độ chính xác và tin cậy của số liệu cũng như việc theo dõi quá trình đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Các phần trình bày và thảo luận tại Hội nghị cho thấy cần phải có nhiều hành động và nỗ lực phối hợp hơn nữa giúp xây dựng các hoạt động can thiệt cụ thể cho mỗi khu vực và nhóm dân cư dễ bị tổn thương, nhằm giúp bảo đảm được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ở mỗi thôn, xóm và mỗi hộ gia đình Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Pra-ti-bha Mê-ta, điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam về sự cam kết cao, vai trò lãnh đạo và nỗ lực trong việc cải thiện chăm sóc y tế cho người dân. Để giảm bớt sự không công bằng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, bà P. Mê-ta khuyến nghị: “Tiếp cận phổ cập gói dịch vụ thiết yếu về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em có lồng ghép can thiệp dinh dưỡng và phòng, chống HIV nên tập trung đặc biệt vào đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số và các nhóm dễ tổn thương khác, bao gồm nhóm thanh thiếu niên dễ bị tổn thương. Cần phải xóa bỏ các rào cản về mặt địa lý và tài chính bằng việc nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cộng đồng để có thể cung cấp chăm sóc y tế cơ bản, phát triển hệ thống bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người và các sáng kiến hỗ trợ tài chính khác”.
Tại Hội nghị, Bộ Y tế và Liên Hợp quốc tại Việt Nam cam kết bảo đảm giảm tiến tới khắc phục sự không công bằng trong tiếp cận phổ cập các dịch vụ chăm sóc y tế vào năm 2015, đặc biệt trong nhóm dân số dễ bị tổn thương. Để thực hiện thành công cam kết này, Bộ Y tế, đại diện tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam, các bộ, ban, ngành, các tổ chức và cả từng cá nhân cần phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ để duy trì thành tựu đã có và tính bền vững của hệ thống y tế ở Việt Nam; hợp tác đa ngành là vô cùng cần thiết giúp giảm khoảng trống về sự không công bằng và đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về y tế cho tất cả mọi người./.
Từ độc lập, tự do đến chủ nghĩa xã hội và nhiệm vụ đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo  (26/11/2012)
Thành phố Hồ Chí Minh: Làm rõ nguyên nhân hạn chế để đề ra giải pháp đồng bộ nhằm phát triển Thành phố nhanh và bền vững  (26/11/2012)
Đoàn đại biểu Đảng ta tham dự Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân lần thứ 14  (26/11/2012)
Sự ổn định và phát triển bền vững là nền tảng vững chắc bảo đảm chủ quyền quốc gia và độc lập, tự chủ*  (26/11/2012)
Tổng Bí thư về thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp  (25/11/2012)
Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh  (25/11/2012)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên