Sự ổn định và phát triển bền vững là nền tảng vững chắc bảo đảm chủ quyền quốc gia và độc lập, tự chủ*
Thưa các đồng chí và các bạn,
Chúng tôi xin gửi lời chào đoàn kết, đồng chí anh em tới tất cả những người cộng sản cũng như các đại biểu tham dự Cuộc gặp này. Xin chúc Cuộc gặp Quốc tế các đảng cộng sản và công nhân lần thứ 14 tổ chức tại thủ đô Bây-rút, Li-băng thành công tốt đẹp.
Thưa các đồng chí,
Trong thế kỷ XX, Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã mở ra một thời kỳ phát triển mới trong phong trào giải phóng dân tộc với việc nhiều nước thuộc địa và nửa thuộc địa vùng lên giành độc lập dân tộc từ các nước thực dân và chế độ phong kiến. Sau khi giành được độc lập, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, song các nước độc lập dân tộc đã có những sự phát triển hết sức to lớn trên các mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, những thập niên cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày phát triển mạnh mẽ, các quan hệ kinh tế ngày càng mở rộng vượt qua biên giới quốc gia và vươn tới nhiều lĩnh vực khác nhau, một mặt đã và đang mang đến những điều kiện cho các quốc gia đi sau thực hiện các bước phát triển rút ngắn qua việc tận dụng những thành quả phát triển của nhân loại; mặt khác, quá trình này cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, đe dọa đến an ninh, chủ quyền của các quốc gia dân tộc và cuộc sống của chính con người.
Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản và các nước đế quốc nắm được ưu thế sức mạnh công nghệ, tiềm lực kinh tế, đang đẩy mạnh tiến công về tư tưởng, chính trị, thực hiện diễn biến hoà bình, kết hợp gây bạo loạn, lật đổ, bao vây, cấm vận, trừng phạt kinh tế, tăng cường gây sức ép về dân chủ, nhân quyền đối với các lực lượng cách mạng, tiến bộ. Nếu trong thế kỷ XX, cuộc đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn giữa các dân tộc và chủ nghĩa đế quốc thể hiện cụ thể ở việc đấu tranh giải phóng dân tộc, phá bỏ ách thống trị thực dân, xoá bỏ hệ thống thuộc địa, thì ở giai đoạn hiện nay là đấu tranh để củng cố độc lập về chính trị, giành độc lập về kinh tế, phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống sự áp đặt các giá trị của các nước tư bản phát triển, xây dựng một thế giới mới công bằng hơn, dân chủ hơn.
Chính vì vậy, trong bối toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, chủ quyền quốc gia đang trở thành vấn đề nóng bỏng, cần được thảo luận nhằm xác định cách xử sự đúng đắn và tìm cơ chế mới để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chúng tôi cho rằng, toàn cầu hoá là một xu thế khách quan, lôi kéo ngày càng nhiều các quốc gia tham gia; mở cửa, hội nhập, tham gia vào các tổ chức, liên kết kinh tế đối với mỗi quốc gia trở thành một đòi hỏi tất yếu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể tận dụng một cách có hiệu quả và phát huy những lợi thế của mình mà vẫn bảo đảm giữ gìn bản sắc, bảo đảm chủ quyền quốc gia, độc lập, tự chủ. Cho phép tôi chia sẻ một số khía cạnh của vấn đề này như sau:
Chủ quyền quốc gia là quyền làm chủ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của một quốc gia độc lập. Ngày nay, chủ quyền và an ninh quốc gia không chỉ là an ninh về chính trị, quân sự như quan niệm truyền thống trước đây, mà còn bao gồm trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao và được bảo đảm toàn vẹn, đầy đủ về mọi mặt, cả lập pháp, hành pháp và tư pháp của một quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó.
Việt Nam chúng tôi đã phải qua một giai đoạn lịch sử đấu tranh lâu dài, gian khổ để giành độc lập, thống nhất tổ quốc nên đối với chúng tôi, giữ vững chủ quyền quốc gia và độc lập, tự chủ là luôn là vấn đề thiêng liêng, là lợi ích cao nhất của đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân chúng tôi đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp và các thế lực thù địch đang tăng cường tiến công về chính trị - tư tưởng, đẩy mạnh diễn biến hoà bình, can thiệp vào các vấn đề nội bộ của đất nước; phá hoại cách mạng Việt Nam.
Trước hết, chúng tôi luôn kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền quốc gia gắn với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.
Thứ hai, bám sát quan điểm sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc bảo đảm chủ quyền quốc gia và độc lập, tự chủ, chúng tôi chủ trương phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của nhân dân, tăng cường quốc phòng và an ninh...
Thứ ba, giữ vững độc lập tự chủ, tự lực tự cường, lấy nội lực làm chính; đồng thời, trên cơ sở tự lực tự cường, chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, khai thác nguồn lực bên ngoài tăng thêm sức mạnh cho đất nước. Trong mở rộng hợp tác quốc tế, chúng tôi đề cao tính chủ động, tích cực, độc lập từ trong quan điểm phát triển, trong xây dựng và thực thi chính sách để bảo vệ lợi ích dân tộc; đồng thời hội nhập quốc tế luôn dựa trên nguyên tắc vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Thứ tư, không ngừng củng cố, tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc; giữ vững và phát huy truyền thống và bản sắc dân tộc, cảnh giác đối với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Thưa các đồng chí và các bạn
Sau 26 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ quốc tế, đất nước chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng.
Nhân dịp này, chúng tôi xin bày tỏ sự biết ơn chân thành và sâu sắc tới các đảng cộng sản và công nhân, tới tất cả các đồng chí, bạn bè và nhân dân trên thế giới đã ủng hộ, đoàn kết và giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay. Sự đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ to lớn đó là một trong những nguyên nhân tạo nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Chúng tôi xin khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; kiên định con đường phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội; tiếp tục xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hoá làm nền tảng tinh thần xã hội; phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển và từng chính sách phát triển, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội… Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên tinh thần “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”; trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại; hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới.
Ngày 7-11-2012, nhân kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, được sự ủy quyền của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Cộng sản – Cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tham gia phát bài trên mạng Solid Net bài đầu tiên với tiêu đề “Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội – nhìn từ thực tiễn Việt Nam” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xin chúc tất cả các đồng chí, các bạn sức khỏe và thành công./.
----------------------------------------------
* Đầu đề do TCCSĐT đặt
Tổng Bí thư về thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp  (25/11/2012)
Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh  (25/11/2012)
Chủ tịch Liên minh Phật giáo Lào viếng Lăng Bác  (25/11/2012)
Ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020  (25/11/2012)
Việt Nam dự Hội nghị toàn thể các đảng chính trị châu Á  (25/11/2012)
Triển lãm “Biên giới và biển đảo Việt Nam” tại Huế  (25/11/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay