I. Khái quát chung

Tên chính thức :Bru-nây Đa-rút-xa-lam (BruneiDarussalam, nghĩa là Xứ sở Hoà bình: The Abode of Peace)

Thủ đô : Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan (Bandar Seri Begawan)

Vị trí địa lý : Phía Bắc giáp biển Đông, ba mặt còn lại có chung biên giới với Đông Ma-lai-xi-a

Diện tích : 5.769 km2, trong đó 70% là rừng, bờ biển dài 160km, diện tích đất liền là 5,269 km2

Khí hậu : Nhiệt đới, nóng, ẩm, chỉ có hai mùa mưa và khô. Nhiệt độ trung bình từ 24 - 320C.

Tài nguyên : dầu mỏ, khí tự nhiên, gỗ

Dân số : 374.000 người (năm 2005), trong đó người Mã chiếm 67%, người Hoa 15%, người bản xứ 6%, các thành phần khác 12%

Ngôn ngữ : Tiếng Ma-lay (chính thức), tiếng Anh và tiếng Trung Quốc

Tôn giáo chính : Hồi giáo (chính thức) 67%, Phật giáo 13%, Thiên chúa giáo 10%, tôn giáo khác 10%

II. Các nhà lãnh đạo chủ chốt

- Nguyên thủ quốc gia: Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a (Sultan Haji Hassanal Bolkiah) lên ngôi từ 05-10-1967 (Quốc vương thứ 29); là Nguyên thủ quốc gia, kiêm Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, đồng thời là thủ lĩnh Hồi giáo; từ năm 1998 kiêm Bộ trưởng Tài chính.

- Thái tử là Hoàng tử Ha-gi An-Mu-ta-đi Bi-la (Haji Al-Muhtadee Billah), được tấn phong ngày 10-8-1998. Ngày 23-5-2005, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Cao cấp Văn phòng Thủ tướng (Senior Minister in the Prime Minister’s Office).

- Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại (Minister of Foreign Affairs and Trade): Hoàng thân Mô-ha-mét Bôn-ki-a (Mohamed Bolkiah).

- Hội đồng Lập pháp (Quốc hội) ngày 02-9-2005, Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a chỉ định 29 thành viên Hội đồng Lập pháp mới. Theo Công bố sửa đổi Hiến pháp Bru-nây năm 2004, số thành viên Hội đồng được phép tăng lên 45 người, trong đó 15 thành viên được lựa chọn qua bầu cử.

III. Thể chế chính trị

- Ngày quốc khánh: 23-2-1984

- Ngày tuyên bố độc lập: 1-1-1984

- Thể chế: Quân chủ chuyên chế

Bru-nây theo chế độ quân chủ chuyên chế thế truyền do Quốc Vương đứng đầu. Quốc vương có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp và sửa đổi luật pháp, kể cả Hiến pháp.

Giúp đỡ Quốc vương cai quản đất nước có 5 Hội đồng do Quốc vương chỉ định:

1. Hội đồng Bộ trưởng Nội các (the Council of Cabinet Ministers)

2. Hội đồng Tôn giáo (the Religious Council);

3. Hội đồng Cơ mật (the Privy Council);

4. Hội đồng Lập pháp (the Legislative Council):

5. Hội đồng Truyền ngôi (the Council of Succession);

IV. Kinh tế - xã hôi

Bru-nây nhỏ nhưng nền kinh tế khá thịnh vượng, dựa chủ yếu vào xuất khẩu dầu khí. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người của Bru-nây cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (khoảng gần 25.000 đô-la Mỹ). Với nguồn thu nhập lớn từ dầu lửa và do dân số rất ít, Chính phủ Bru-nây đã thực hiện một số phúc lợi xã hội như công dân không phải đóng thuế thu nhập; giáo dục, chữa bệnh, ma chay không mất tiền; cấp học bổng cho học sinh giỏi được đi học ở nước ngoài; cho nhân dân vay tiền với lãi suất thấp để kinh doanh, sản xuất hay mua nhà ở với giá rẻ.

Trước năm 1929, Bru-nây còn rất nghèo nàn, kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn cao su nhỏ bé với sản lượng thấp. Từ năm 1929, việc phát hiện ra dầu mỏ và khí đốt đã đem lại sự giàu có cho đất nước này. Khai thác dầu ngoài khơi bắt đầu từ 1963. Hiện nay dầu hoả và khí đốt chiếm 80% tổng thu nhập trong nước và 90% thu nhập về xuất khẩu. Với sản lượng khoảng 200.000 thùng dầu/ngày, Bru-nây là nước sản xuất dầu mở lớn thứ ba ở Đông Nam Á, sau In-đô-nê-xi-a và Ma-lay-xi-a. Bru-nây còn là nước sản xuất khí đốt hóa lỏng lớn thứ tư thế giới.

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 6 (1991 – 1995), Bru-nây đề ra nhiệm vụ cấp bách là đa dạng hoá nền kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp mới hướng vào xuất khẩu nhằm tránh quá phụ thuộc vào dầu mỏ; tăng cường phát triển dịch vụ du lịch, tài chính, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Bru-nây đã hoàn thành Kế hoạch phát triển quốc gia 5 năm lần thứ 8 (2001-2005).

Bộ Phát triển Kinh tế Bru-nây đang đưa ra một chiến lược thu hút 4,5 tỉ đô-la Mỹ đầu tư vào năm 2008 như một phần trong tiến trình đa dạng hóa nền kinh tế, bao gồm việc phát triển các ngành chế tạo và hóa dầu và xây dựng một cảng công-ten-nơ lớn.

Bru-nây được chọn làm trụ sở Ban Thư ký BIMP – EAGA (khu vực phát triển Đông ASEAN, gồm Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Phi-líp-pin).

V. Chính sách đối ngoại

Trước độc lập, chính sách đối ngoại của Bru-nây phụ thuộc vào Anh. Từ khi giành được độc lập năm 1984, ngoài việc là thành viên khối Thịnh vượng chung và Tổ chức Hồi giáo, Bru-nây đã trở thành thành viên Liên hợp quốc, ASEAN và APEC. Từ 1993, Bru-nây tham gia Phong trào Không Liên kết.

Chính sách đối ngoại của Bru-nây dựa trên các nguyên tắc sau:

- Quan hệ hữu nghị với tất cả các nước.

- Không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

- Tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của nhau.

- Duy trì và thúc đẩy hoà bình ổn định ở khu vực.

VI. Quan hệ với Việt Nam

-Về chính trị:

Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29-02-1992. Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bru-nây phát triển tốt đẹp.
Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và các cấp khác:

-Phía Việt Nam:

+ Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Bru-nây (từ 12 đến 14-11-2001); (với tư cách Phó Thủ tướng) sang thăm và dự đám cưới con gái đầu của Quốc vương Bru-nây (8-1996);

+ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thăm chính thức nhân dịp hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (từ 28-2 đến 01-03-1992);

+ Thủ tướng Phan Văn Khải dự Cấp cao ASEAN 7 tại Bru-nây (từ mồng 5 đến 6-11-2001);

+ Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thăm chính thức (từ 25 đến 28-3-2007).

- Phía Bru-nây:

+ Quốc vương Bru-nây Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a thăm chính thức Việt Nam (từ 25 đến 27-5-1998); dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 6 tại Hà Nội (12-1998); dự Hội nghị Cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội (10-2004); dự Hội nghị Cấp cao APEC 14 tại Hà Nội (từ 18 đến 19-11-2006)

+ Thái tử Ha-gi An-Mu-ta-đi Bi-la, Bộ trưởng Cao cấp Văn phòng Thủ tướng Bru-nây thăm chính thức (từ 20 đến 22-03-2006).

+ Quốc vương sang Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao APEC 14 (11-2006).

Về hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, khoa học – kỹ thuật, văn hoá:

Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước còn ở mức thấp. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 1,5 – 2 triệu đô-la Mỹ/năm, đến năm 2005 mới đạt 4,5 triệu USD.

Hằng năm, Bru-nây cấp cho ta một số học bổng đào tạo về dầu khí, tiếng Anh và bảo dưỡng máy bay.

Các cơ chế hợp tác và hiệp định ký kết giữa hai nước:

- Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Bru-nây: Nhân dịp chuyến thăm Bru-nây của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (từ 13 đến 15-6-2000), hai Bộ trưởng Ngoại giao đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về lập Uỷ ban hỗn hợp (UBHH); thoả thuận hai bên tích cực chuẩn bị để ký thêm các Hiệp định về Thương mại; Tránh đánh thuế trùng; Khuyến khích và bảo hộ đầu tư và Hàng hải. Tuy nhiên, cho đến nay UBHH vẫn chưa nhóm họp được phiên đầu tiên.

- Hiệp định hợp tác Hàng không (8-11-1991): Tháng 5-2006, Hàng không Hoàng gia Bru-nây đã mở đường bay trực tiếp tới TP Hồ Chí Minh.

- Nhân dịp chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới Bru-nây (từ 12 đến 14-11-2001), hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại, Hiệp định hợp tác hàng hải, Bản ghi nhớ về hợp tác Du lịch, và Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Bru-nây.

- Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng được ký kết (11-2005) nhân dịp Thứ trưởng Quốc phòng Bru-nây thăm Việt Nam.