Phân hóa vùng dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế trị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta đã thúc đẩy sự phân hóa về kinh tế, xã hội, văn hóa theo thành phần kinh tế, tầng lớp xã hội, mà rốt cuộc hội tụ ở sự phân hóa vùng. Do sự tác động đồng thời của nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, nên cho đến nay sự phân hóa kinh tế giữa các vùng chưa dẫn đến tình trạng phân cực lớn.
1 - Quan niệm về vùng
Xét về mặt từ nguyên, Vùng được hiểu là một khu vực địa lý, như vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gắn với một cấp hành chính nhà nước. Trong khi đó, thuật ngữ lãnh thổ được hiểu là một vùng hay khu vực địa lý thuộc một cấp quản lý hành chính nhà nước. Do đó trong một vùng có thể có nhiều lãnh thổ.
Thuật ngữ "khu vực" được hiểu, được sử dụng với những biến thái khác nhau: có thể nhỏ hơn vùng như khu tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng, khu vực Hồ Gươm, Hồ Tây ở Hà Nội..., hoặc tương đương vùng, ví dụ khu vực (hay vùng) Tây Bắc; cũng có thể lớn hơn vùng và tương đương miền, ví dụ khu vực (hay miền) Bắc, Trung, Nam. Thuật ngữ "miền" thì rõ ràng là lớn hơn "vùng".
Các lý thuyết về cơ bản đều dựa vào trình độ sản xuất các phương tiện sinh sống để phân chia các loại hình kinh tế - văn hóa; ngoài ra còn chú ý đến các yếu tố cảnh quan - lãnh thổ, quá trình cộng cư lâu dài, cùng chung vận mệnh lịch sử trong quá trình hình thành, tồn tại, phát triển của các vùng văn hóa. Nhưng cho đến nay ở Việt Nam, kết quả phân vùng văn hóa không phải vì thế mà giống nhau. Chẳng hạn có tác giả cho rằng ở nước ta có 7 vùng văn hóa là: Việt Bắc, Tây Bắc, Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, duyên hải Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung và Nam Trung Bộ, Trường Sơn - Tây Nguyên và Nam Bộ. Cũng có tác giả xác định nước ta có 10 vùng văn hóa: Việt Bắc, Tây Bắc, đồng bằng miền Bắc, vùng Nghệ - Tĩnh, Thuận Hóa - Phú Xuân, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng miền Nam, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội... Tuy nhiên, hiện nay quan niệm về 8 vùng kinh tế - văn hóa ở nước ta đang được thừa nhận rộng rãi.
Có thể quan niệm "vùng" là một thực thể kinh tế - văn hóa bao gồm những đặc điểm về cảnh quan - lãnh thổ, trình độ và cách thức hoạt động kinh tế, và các đặc điểm về văn hóa vật thể (nhà cửa, y phục, ăn uống...), về văn hóa phi vật thể (phong tục, tập quán, lối sống, tín ngưỡng - tôn giáo...); trong đó có một số đặc trưng điển hình so với các vùng khác.
Các vùng kinh tế - văn hóa dẫu sao cũng không phải là những "ốc đảo". Các đặc điểm, kể cả những đặc trưng điển hình của vùng, như thực tế trong và ngoài nước đều cho thấy, chủ yếu là kết quả tiếp biến từ hai, ba vùng khác nhau liền kề vùng đó. Trong quá trình phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sự tác động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, những đặc điểm, kể cả những đặc trưng điển hình, có thể đã và sẽ mai một ở mức độ nào đó. Tính thống nhất của các vùng kinh tế - văn hóa đã và sẽ được tăng cường và ngày càng bộc lộ rõ trên nhiều phương diện. Vì thế, vấn đề đặt ra hiện nay là phải tăng cường bảo tồn, phát triển những đặc điểm, đặc trưng điển hình với tính cách là những lợi thế so sánh, nhằm thúc đẩy các vùng phát triển nhanh, ổn định và có tính cạnh tranh nhất định trong nền kinh tế - văn hóa Việt Nam thống nhất mà đa dạng.
2 - Phân hóa vùng dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Ở nước ta, thực trạng phân hóa vùng được quan tâm xem xét, đánh giá từ Đại hội VIII của Đảng (1996), tức là từ khi nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội VIII đã thông qua "Chương trình phát triển các vùng lãnh thổ", nhằm kết hợp sự phát triển có trọng điểm với sự phát triển toàn diện các vùng lãnh thổ, giảm bớt chênh lệch và nhịp độ phát triển giữa các vùng.
Vào năm 1999 đã có sự đo lường tương đối toàn diện sự phân hóa vùng trên các phương diện kinh tế, giáo dục và bảo vệ sức khỏe, (đánh giá theo các chỉ số cơ bản của cách tính chỉ số phát triển con người (HDI) của Liên hợp quốc). Mặc dù xét về thu nhập quốc dân theo đầu người thì vùng Đông Nam Bộ cao gấp 5,5 lần so với vùng Tây Bắc ở thời điểm này; nhưng nhờ các thành tựu về giáo dục, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nên chỉ số HDI của Tây Bắc chỉ thấp hơn vùng Đông Nam Bộ có 1,3 lần. Thu nhập quốc dân tính theo đầu người của vùng Đông Nam Bộ so với vùng đồng bằng sông Hồng cao hơn 2,3 lần; song cũng nhờ các thành tựu về giáo dục, bảo vệ chăm sóc sức khỏe mà chỉ số HDI của vùng đồng bằng sông Hồng tương đương với vùng Đông Nam Bộ. So sánh mức sống và chỉ số HDI giữa vùng Tây Bắc với Tây Nguyên cũng đưa đến những nhận định tương tự. Vấn đề đặt ra hiện nay là sau hơn 10 năm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phân hóa về tốc độ phát triển kinh tế có làm doãng khoảng cách phát triển chung giữa các vùng không?
Cho đến những năm gần đây các vùng đồng bằng Bắc, Trung, Nam vẫn tiếp tục phát huy được các lợi thế so sánh, để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Giữa các vùng vẫn có sự khác biệt về tốc độ phát triển kinh tế như khi mới bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sau khoảng 10 năm bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tính bình quân trên phạm vi cả nước, thu nhập đầu người tăng 30% thì biên độ thu nhập đầu người của các vùng dao động từ 20% - 40%. Cụ thể là các vùng tăng thấp cũng được 20% như Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ. Các vùng có mức tăng cao 40% là Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, biên độ dao động mức tăng thu nhập đầu người vẫn như vậy.
Có thể nói mức chênh lệch đó là không lớn và tương đối ổn định. Khoảng cách thu nhập giữa các vùng không bị doãng ra một cách bất thường (đột biến) và cũng không doãng ra với tốc độ lớn. Trong 10 năm qua, khoảng cách về thu nhập thực tế giữa vùng có mức thu nhập cao nhất (Đông Nam Bộ) với vùng có thu nhập thấp nhất (Tây Bắc) tăng từ 2,1 lần lên 3,1 lần.
Giữa đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long mức thu nhập bình quân đầu người/tháng là tương đương nhau (488,2 nghìn đồng và 471,1 nghìn đồng). Mức chênh lệch giữa các vùng vào năm 2004 cao nhất là 3,1 lần (giữa Đông Nam Bộ và Tây Bắc). Đây là mức chênh lệch chưa quá lớn, kể cả khi xem xét trong khoảng thời gian 10 năm lại đây.
Khoảng cách thu nhập giữa nhóm nghèo nhất và nhóm giàu nhất diễn biến tương đối phức tạp từ năm 1994 - 2004, mức dao động là từ 6,5 lần đến 8,1 lần. Trong những năm gần đây mức chênh lệch theo ước đoán của chúng tôi cũng dừng ở khoảng 9 lần. Như vậy, do nhiều nguyên nhân nên khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất không chuyển hóa một cách tương ứng thành khoảng cách lớn về mức sống, điều kiện sống trên phạm vi vùng (nông thôn và đô thị, các vùng lãnh thổ).
Nguyên nhân cơ bản không làm doãng khoảng cách thu nhập thực tế giữa các vùng như một biểu hiện của phân cực vùng là tỷ lệ hộ nghèo, dù theo tiêu thức nào cũng giảm đáng kể. Tỷ lệ nghèo chung, tỷ lệ nghèo lương thực thực phẩm, xét trên phạm vi cả nước và từng vùng, đều giảm đáng kể, tất nhiên là diễn ra không cùng tốc độ ở các vùng. Có những vùng khắc phục nhanh chóng được nghèo đói về lương thực, thực phẩm; ví dụ vùng Đông Nam Bộ từ mức trên 10% năm 1995; còn 5,2% năm 1999; 3,2% năm 2002; và chỉ còn 1,8% năm 2004. Nhưng có những vùng không đạt được tốc độ nhanh như vậy. Vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Đông Bắc vẫn còn khoảng 30% hộ dân ở diện nghèo đói. Vùng Tây Bắc còn 58,6% hộ dân ở diện nghèo đói.
Mặc dù có sự phân hóa khá lớn về tỷ lệ nghèo chung và nghèo lương thực, thực phẩm, nhưng do sự phát triển khá đồng đều của kết cấu hạ tầng xã hội - văn hóa nên mức hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần không chênh lệch lớn giữa các vùng. Đây cũng là một nguyên nhân cơ bản khiến sự chênh lệch khá lớn về thu nhập không dẫn đến sự phân cực về mức sống, điều kiện sống giữa các vùng.
Hiện nay phổ cập giáo dục tiểu học đã được thực hiện trong toàn quốc. Điện, đường, trường, trạm, chợ, điện thoại... đã từng bước được phát triển. Sóng phát thanh và đài truyền hình đã phủ sóng hầu khắp cả nước. Nhờ những kết cấu hạ tầng này, việc hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của các vùng đều được cải thiện vượt lên trên việc cải thiện mức sống tính bằng tiền.
Đến năm 2005, ở Tây Bắc tỷ lệ số thuê bao điện thoại theo số dân là 1/20; ở Đông Bắc:1/9,4 dân; ở đồng bằng sông Hồng:1/6,9; ở Bắc Trung Bộ: 1/14,6; ở duyên hải Nam Trung Bộ: 1/14,6; ở Tây Nguyên: 1/14,5, ở Đông Nam Bộ: 1/4,3; ở đồng bằng sông Cửu Long: 1/10,9 dân. Số liệu này cho thấy, Tây Bắc vẫn là vùng có tỷ lệ thuê bao điện thoại theo số dân thấp nhất. Qua tỷ lệ thuê bao điện thoại phần nào có thể thấy được mức độ giao lưu thông tin sản xuất kinh doanh và về kinh tế, xã hội, văn hóa của vùng Tây Bắc còn chưa mạnh mẽ. Cũng năm 2005, nếu xét về số lượng trường phổ thông trên nghìn dân thì không phải Tây Bắc mà vùng Đông Nam Bộ, tiếp đó là các vùng đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng và duyên hải Nam Trung Bộ, rơi vào tỷ lệ thấp nhất. Cụ thể đến năm 2005 tỷ lệ trường phổ thông trên 1.000 dân ở: Tây Bắc là 1/1,9; Đông Bắc là 1/2,0; đồng bằng sông Hồng là 1/3,4; Bắc Trung Bộ là 1/2,4; duyên hải Nam Trung Bộ là 1/3,4; Tây Nguyên là 1/2,6; Đông Nam Bộ là 1/4,4 và đồng bằng sông Cửu Long là 1/3,5. ở đây còn phải chú ý đến tính hiệu quả của các trường học đối với việc bồi dưỡng, nâng cao dân trí, ví dụ số lượng, chất lượng học sinh của mỗi trường. Nhưng dẫu sao số lượng trường học cũng là một chỉ số góp phần đánh giá trình độ phát triển của vùng.
Sự phân tích về hai chỉ tiêu số thuê bao điện thoại và trường học cho thấy, tính không đồng đều giữa các chỉ tiêu: vùng này đạt tỷ lệ cao về một điều kiện kết cấu hạ tầng nào đó thì không nhất thiết ở các chỉ tiêu khác cũng đạt tỷ lệ cao như vậy. Nguyên nhân không chỉ là do thu nhập, mà còn do điều kiện tự nhiên và lối sống từng vùng. Một thí dụ rõ nhất là nhà ở. Hiện nay khoảng 70% hộ dân đã có nhà kiên cố và bán kiên cố. Nhưng giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể. ở vùng đồng bằng sông Hồng thu nhập hằng tháng của người dân không bằng thu nhập của người dân đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, song tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố hiện cao nhất cả nước.
Một nguyên nhân quan trọng góp phần hạn chế sự phân cực mức sống, điều kiện sống giữa các vùng là mức thu nhập bình quân hằng tháng của lao động khu vực nhà nước do địa phương quản lý không có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Thu nhập bình quân hằng tháng của lao động khu vực nhà nước đạt mức cao nhất là ở Đông Nam Bộ; và thấp nhất là ở đồng bằng sông Hồng; ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên mức thu nhập của lao động nhà nước đạt mức trung bình. Vai trò thu nhập của lao động khu vực nhà nước quan trọng không phải ở chỗ: tỷ lệ lao động ở khu vực này đông, mà ở vai trò điều tiết sự cân bằng về thu nhập và lối sống. Lao động khu vực nhà nước tương đối ổn định và có vị trí xã hội nhất định. Cách thức thu nhập, chi tiêu và lối sống nói chung là cân bằng cả về vật chất và tinh thần. Lao động khu vực nhà nước có trình độ học vấn, nghề nghiệp, tư tưởng, đạo đức, lối sống ở mức "trung lưu" trong xã hội. Với đặc điểm đó họ có thể góp phần cân bằng các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa nảy sinh trong quá trình phân hóa vùng dưới tác động của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
So với Trung Quốc, Việt Nam chưa đạt mức tăng trưởng "nóng" liên tục, để dẫn đến hậu quả là gây ra sự phân cực trong tăng trưởng kinh tế giữa các vùng. Nhưng sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế kết hợp với sự tác động của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, đã và sẽ dễ chuyển sự phân hóa kinh tế - xã hội giữa các vùng, dù là chưa quá lớn - thành phân hóa về dân tộc, tôn giáo, văn hóa, thậm chí cả về tư tưởng, chính trị.
Thực tế cho thấy, ở nước ta chưa có sự dãn cách lớn về trình độ phát triển kinh tế giữa các vùng, song không phải vì thế mà không phát sinh những vấn đề phức tạp vượt ra khỏi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tình trạng không ổn định và bạo loạn ở Tây Nguyên trong những năm 2001 - 2004 là sự bộc lộ của những vấn đề bức xúc không chỉ về lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trước tình hình ấy, Đảng và Nhà nước đã phải xây dựng các "Chương trình Tây Bắc", "Chương trình Tây Nguyên" và "Chương trình Tây Nam Bộ", để giải quyết một cách hệ thống những vấn đề nổi cộm đó.
Nguyên nhân duy trì phân hóa vùng và làm phát sinh các vấn đề từ phân hóa vùng, trước tiên là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tại các vùng. Tỷ lệ thất nghiệp cho đến nay vẫn ở mức khoảng 5% ở khu vực đô thị. ở khu vực nông thôn, tại tất cả các vùng, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động cũng chỉ dao động từ 76,45% đến 80,92%. Cũng như tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động của những người trong độ tuổi lao động ở các vùng nông thôn không có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Nhưng do tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm diễn ra phổ biến tại tất cả các vùng đô thị, nông thôn nên đã làm phát sinh rất nhiều vấn đề về thu nhập nói riêng, đời sống kinh tế dân tộc, tôn giáo, văn hóa và cả tư tưởng chính trị.
Thứ hai, công nghiệp hóa, hiện đại hóa không diễn ra đồng đều giữa các vùng. Tại những vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh chưa phát huy được lợi thế so sánh, để đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung ở Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng. Các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh cũng tập trung ở vùng đồng bằng. Nếu xem xét số lượng trang trại phân theo vùng cũng thấy tình hình tương tự, mặc dù các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên với quỹ đất thuận lợi có thể phát triển mạnh kinh tế trang trại. Thí dụ đến năm 2005 vùng Tây Bắc có 414 trang trại; Đông Bắc có: 5.502; đồng bằng sông Hồng có: 11.332; Bắc Trung Bộ có: 6.825; duyên hải Nam Trung Bộ có 7.070; Tây Nguyên có 8.458; Đông Nam Bộ có: 22.537; đồng bằng sông Cửu Long có: 57.448 trang trại.
Thứ ba, chưa xác lập được cách thức phát triển tổng hợp kinh tế, xã hội, văn hóa ở một số vùng, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do đó cũng chưa hình thành được sự phát triển liên thông trong nội bộ vùng và giữa các vùng, đặc biệt từ đó dễ làm phát sinh những vấn đề phức tạp về dân tộc, tôn giáo, văn hóa ở các vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc và cả Tây Trung Bộ.
Vấn đề này bộc lộ rất rõ ở đồng bằng sông Cửu Long. Vùng này đã phát huy được lợi thế nông nghiệp và rất năng động trong hoạt động kinh tế. Nhưng kết cấu hạ tầng xã hội - văn hóa là không tương xứng với sự năng động về kinh tế. Nhà ở, điện, đường, trường, trạm, tỷ lệ người đi học, trình độ học vấn... đều ở mức thấp. Có thể giải thích tỷ lệ cao của nhà không kiên cố ở đây cơ bản là do lối sống, song không thể nêu ra được những lý do chính đáng về trình độ dân trí thấp ở đây.
Ngoài ra cũng chưa thể xác lập được thể chế phát triển nội vùng, liên vùng. Tính manh mún, rời rạc và tự phát trong phát triển của các tỉnh miền núi, biên giới rất dễ bị thương tổn và biến động trước những vấn đề dân tộc, tôn giáo vốn có tiềm năng phát triển ở đây. Ngay tại vùng kinh tế động lực Bắc, Nam cho đến nay vẫn tồn tại phổ biến hình thức phát triển "mạnh ai nấy làm" giữa các tỉnh trong vùng. Tính tự phát trong quy hoạch dài hạn, mời gọi đầu tư,.. bộc lộ khá rõ trong các tỉnh, thành. Những quy hoạch vùng của Chính phủ ngay tại hai vùng kinh tế động lực này trên thực tế chưa được thể chế hóa thành quy hoạch của các tỉnh, thành. Nhiều chủ trương, biện pháp của cấp tỉnh, thành chưa hướng vào liên kết vùng trên các phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa.
3 - Giải pháp phát triển ổn định các vùng dưới sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Một là, về nhận thức, cần phải làm rõ sự thống nhất của nền kinh tế, văn hóa ngày nay không diễn ra đơn điệu, mà thông qua sự đa dạng của các vùng. Bởi lẽ, một mặt, xét từ truyền thống lịch sử - văn hóa, dân tộc (quốc gia) Việt Nam là một cộng đồng gồm nhiều dân tộc cư trú, sinh sống lâu dài tại những vùng cảnh quan lãnh thổ khác nhau. Ngày nay, di sản vùng lịch sử - văn hóa không mất đi, trái lại, còn được phục hồi, phát triển, phát huy ở không ít phương diện. Mặt khác, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế với sự tác động của toàn cầu hóa, đã và đang thúc đẩy sự phát triển một thị trường thống nhất quốc gia; nhưng thông qua quá trình đa dạng hóa các loại thị trường, mà rốt cuộc là ở mức độ này hay mức độ khác vẫn có những biểu hiện thị trường theo vùng lãnh thổ. Sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế với sự tác động của toàn cầu hóa, cũng tác động vào quá trình phát triển theo hướng thống nhất trong đa dạng và thông qua sự đa dạng. Sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa đã và sẽ diễn ra thông qua sự đa dạng, mà vùng là biểu hiện tổng hợp của nhiều sự đa dạng khác nhau.
Cần tiếp tục làm rõ những nhận thức này, để có cách thức hoạch định, triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, luật pháp, chính sách thích ứng với sự phát triển đa dạng của các vùng trong chỉnh thể kinh tế, xã hội, văn hóa của quốc gia.
Hai là, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, để thúc đẩy các vùng trong nước cùng phát triển, đồng thời tạo sự liên kết giữa các vùng và nội vùng (1). Hiện nay cần phải xúc tiến việc thể chế hóa chương trình phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (hay vùng kinh tế động lực) và các Chương trình Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, thành các bản quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp tỉnh, thành; đồng thời phải có sự chỉ đạo, quản lý nhất quán, sát sao từ trung ương đối với việc thực hiện nghiêm minh các quy hoạch, kế hoạch đó, nhằm đạt được những kết quả thực tế về liên kết nội vùng, liên vùng tại từng tỉnh, thành.
Cần xây dựng một số chủ trương, chính sách có tính đặc trưng cho mỗi vùng, và có khả năng kết nối liên vùng; đồng thời xác định quyền hạn, trách nhiệm cho một số tỉnh, thành có chức năng điều phối liên kết nội vùng. Thí dụ Hà Nội đang xây dựng chiến lược kinh tế - xã hội "vùng Hà Nội" bao quát cả vùng kinh tế động lực phía Bắc; tương tự là vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh đối với vùng kinh tế động lực phía Nam; vai trò của Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi với Dung Quất và Khánh Hòa với Nha Trang trong chuỗi hoặc dải kinh tế động lực miền Trung.
(1) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 92
Sản xuất và xuất khẩu gạo ở nước ta  (18/08/2007)
Nịnh  (15/08/2007)
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau  (15/08/2007)
Lạm phát không thể tăng tới mức 2 con số  (15/08/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm