1. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước dường như vẫn chưa chịu áp lực cạnh tranh mạnh hơn từ các doanh nghiệp nước ngoài

Mặc dù từ khi gia nhập WTO (1-2007) đến nay, Việt Nam đã phải cắt giảm ngay 1.800 dòng thuế từ 10 đến 63%, ví dụ: dệt may: cắt giảm 63%; rau quả: từ 25 đến 40%, bia; bánh mứt kẹo: giảm 20 đến 40%..., nhưng các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước dường như vẫn chưa chịu sức ép cạnh tranh thị trường lớn hơn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc phải cắt giảm ngay thuế nhập khẩu 1.800 mặt hàng, đặc biệt là hàng dệt may, thủy sản, hàng chế tạo và máy móc thiết bị thông dụng, ô tô và linh kiện ô v.v.. sẽ khiến thu thuế nhập khẩu giảm khoảng 100 đến 200 tỉ đồng, nhưng thu ngân sách vẫn khả quan do được bù lại từ nguồn thu thuế nội địa tăng. Như vậy, dường như việc gia nhập WTO chưa có tác động rõ rệt đến thị trường trong nước. Điều này hoàn toàn có cơ sở:

- Lộ trình thực hiện các cam kết mở cửa và cắt giảm thuế gia nhập WTO đã được Việt Nam chủ động thương lượng, thiết kế sao cho tránh “sốc” đối với các ngành sản xuất trong nước.

- Việc thực hiện một dự án đầu tư, thậm chí chỉ đơn thuần là nhập khẩu, cũng cần có thời gian nhất định để việc lập phương án, triển khai trên thực tế. Tiến độ thực hiện những công đoạn đó không chỉ phụ thuộc vào mong muốn của nhà đầu tư, mà còn phụ thuộc vào thủ tục hành chính và các tham số thị trường khác. Vì thế, 6 tháng là khoảng thời gian quá ngắn để có thể hiện thực hóa một cách rõ rệt sức ép cạnh tranh gia tăng trên thị trường.

- Các ngành mở cửa, thực hiện cắt giảm thuế đang là sở trường của Việt Nam, có sức cạnh tranh khá cao nên chưa bị tổn thương. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của các ngành này ở thị trường Việt Nam chưa phải lớn, chưa đủ tạo làn sóng đầu tư ồ ạt vào các ngành sản xuất này, thậm chí ngay cả khi hàng hóa trong nước có đắt hơn một chút so với bên ngoài.

- Việc chúng ta mở cửa thị trường tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam được hưởng các thuận lợi tương tự khi xâm nhập vào thị trường nước ngoài. Vì vậy, nhiều ngành sản xuất có thể được hưởng lợi và thêm động lực phát triển trước các cơ hội mở rộng, khai thác thị trường mới, từ đó làm giảm sức ép tiêu cực do mở cửa.

2. Áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước kinh doanh các dịch vụ tài chính - ngân hàng gia tăng

Trong quá trình mở cửa, thực hiện cam kết WTO, các dịch vụ tài chính ngân hàng đang và sẽ là tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhiều phía và nhiều giới: quản lý và doanh nghiệp, trong nước và nước ngoài, nhà cung cấp và nhà thụ hưởng dịch vụ, thậm chí cả các nhà đầu tư tư nhân nhỏ, lẻ tiềm năng. Về hình thức và trước mắt, có thể chưa có nhiều biến động lớn trong lĩnh vực này, đặc biệt là dịch vụ bảo hiểm, bởi hiện tại, ít nhiều các nhà đầu tư nước ngoài còn bị hạn chế về mức độ tự do hóa tham gia các dịch vụ tài chính - ngân hàng. Chẳng hạn như: quy định tỷ lệ tham gia các liên doanh tài chính - ngân hàng; chưa được thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoặc mức độ tổ chức kinh doanh bằng VNĐ…Tuy nhiên, sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, trên thực tế đang gia tăng và hoàn toàn có thể cảm nhận thấy điều đó qua ảnh hưởng của họ trên thị trường chứng khoán, sự vượt trội của họ trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ bảo hiểm và các dịch vụ tài chính đối ngoại khác. Có nhiều cơ sở thực tế cho thấy, chẳng bao lâu nữa sẽ có những chuyển động đáng kể theo chiều hướng tăng áp lực cạnh tranh khá gay gắt cho các doanh nghiệp trong nước kinh doanh loại hình dịch vụ này. Tình hình đó đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần sớm xây dựng, triển khai quyết liệt hơn các đối sách thích hợp, hiệu quả cả về liên doanh, liên kết với nhau và với các đối tác nước ngoài để tăng vốn, mở rộng danh mục và nâng cao chất lượng cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng, trong đó có dịch vụ bảo hiểm và tài chính đối ngoại, tư vấn tài chính.

3. Nhập siêu lớn tới mức khó có thể cân bằng cán cân thương mại

Về nguyên tắc, giữa việc cắt giảm thuế và tăng tự do hóa kinh doanh với việc nhập siêu có sự liên hệ trực tiếp. 6 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đạt 22,4 tỉ USD, nhưng nhập khẩu lại lên đến 27,2 tỉ USD, nhập siêu gần 5 tỉ USD - một con số khá lớn để có thể cân bằng cán cân thương mại. Thực tế cho thấy, việc cắt giảm thuế khiến sức cạnh tranh về giá cả của hàng ngoại nhập tăng. Cùng với việc “mở cửa” rộng hơn và tâm lý sùng bái hàng ngoại sẵn có trong một bộ phận người tiêu dùng cấu thành hợp lực trực tiếp làm tăng lượng hàng nhập vào nước ta thời gian gần đây. Ngoài ra, việc dòng FDI đổ vào Việt Nam tăng cả về vốn cam kết và mức độ thực hiện cũng làm kích thích nhu cầu nhập thiết bị, máy móc và nguyên vật liệu đầu vào cần thiết cho việc triển khai và hoạt động của các dự án này.

Tuy nhiên, về tổng thể, cần nhận thấy rằng việc nhập siêu lớn như vậy ở nước ta không phải là hiện tượng đột biến, mà nhập siêu gần như là “bệnh mãn tính” của nền kinh tế suốt nhiều thập niên vừa qua. Điều này gắn với nhiều nguyên nhân liên quan đến năng lực sản xuất, nhu cầu nhập vật tư, thiết bị, đặc điểm tiêu dùng trong nước và đặc biệt là chính sách tỷ giá của Chính phủ được chỉ đạo bởi quan điểm định giá cao đồng nội tệ. Kinh nghiệm thế giới, nhất là Trung Quốc và Mỹ cho thấy, một khi đồng nội tệ còn bị định giá cao hơn giá trị thực của nó thì nhập siêu là điều khó tránh khỏi. Thời gian gần đây, đồng USD đang có xu hướng tăng giá và điều này càng thúc đẩy nhập siêu nếu chính sách tỷ giá không thay đổi.

4. Bùng nổ làn sóng đầu tư nước ngoài, cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp

Có thể nói một trong những thành công tiếp nối của những năm gần đây là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng tăng mạnh. Cả vốn bổ sung và cấp mới thực là 5,2 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng giống như năm ngoái, chắc chắn là việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO có tác động rất tích cực đến sự khai thông và gia tăng dòng FDI cũng như dòng đầu tư trong nước ở Việt Nam. Chúng ta đang và sẽ còn chứng kiến sự bùng nổ làn sóng đầu tư nước ngoài cả FDI lẫn FPI (tức đầu tư gián tiếp) vào Việt Nam. Điều này thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài về phương diện pháp lý, môi trường đầu tư, cũng như các cơ hội và triển vọng mới, to lớn của thị trường Việt Nam và khu vực ở thời kỳ “hậu WTO” của Việt Nam. Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia WTO và hưởng Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ kể từ năm 2007 sẽ tạo thêm động lực mới, mạnh mẽ thúc đẩy dòng FDI, FPI từ Mỹ và kéo theo nó là các dòng vốn khác từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới.

Cải cách hành chính đã và đang có những tác động tích cực đến sự gia tăng dòng vốn đầu tư. Chẳng hạn, chỉ riêng việc 3 cơ quan là Sở Kế hoạch Đầu tư, Cục Thuế và Công an cùng ngồi tại một nơi, thực hiện cơ chế “một cửa” trong cấp đăng ký kinh doanh, cấp mã thuế và con dấu cho doanh nghiệp ở Việt Nam từ 01-11-2007 sẽ giúp giảm ít nhất 1/3 thời gian mà doanh nghiệp phải làm khi đăng ký thành lập doanh nghiệp mới ở Hà Nội. Những cải cách hành chính mạnh mẽ về thể chế và thủ tục, cũng như nhân sự sẽ còn được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

5. Chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh đã và đang gây sức ép tiêu cực ngày càng lớn đến người tiêu dùng cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Việc tăng giá quá cao, quá nhanh sẽ gây tổn thương chung cho cả hai nhóm là doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hơn nữa, sức ép tiêu cực từ việc tăng giá sẽ không loại trừ hoàn toàn cho bất kỳ đối tượng nào trong xã hội, ngay cả những doanh nghiệp được lợi trực tiếp từ việc tăng giá bán hàng của mình (như ngành điện, xăng dầu) vì họ sẽ phải chịu sự gia tăng tiền công và những chi phí đầu vào cần thiết khác cho việc triển khai, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình trong hiện tại, cũng như trong tương lai. Đến lượt mình, khi tăng giá vượt quá sức chịu đựng của cả hai nhóm này thì nền kinh tế sẽ đứng trước nguy cơ: các điều kiện và sự liên kết ổn định cần thiết bảo đảm cho hoạt động bình thường của nền kinh tế bị phá vỡ.

Việc phân tích động thái tăng giá và các chính sách điều chỉnh giá trong nửa đầu năm qua cho thấy:

- Nhập siêu tăng nhưng giá cả trong nước không giảm. Đây thực ra không phải là nghịch lý, bởi việc tăng nhập hàng hóa có thể dẫn đến giảm giá hàng không phải là một quy luật luôn đúng, vì còn phụ thuộc vào tính chất, loại tăng giá và cơ cấu hàng nhập khẩu. Việc tăng nhập hàng hóa sẽ làm giảm giá hàng trong nước chỉ khi hàng nhập về có tác dụng làm tăng lượng cung hàng hóa đang khan hiếm trong nước. Còn thực tế ở Việt Nam cho thấy, việc giá hàng hiện nay tăng không chỉ thuần túy do quan hệ cung – cầu hàng hóa, mà do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do tăng chi phí đẩy, xuất phát từ việc giải phóng giá cả khỏi sự kiểm soát hành chính về giá đối với một số mặt hàng đầu vào chủ lực của nền kinh tế, như: điện, xăng, dầu. Thêm vào đó, sự gia tăng đột ngột tổng phương tiện thanh toán so với năm trước gắn với sự bùng nổ thị trường chứng khoán và dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài và lượng kiều hối (lượng ngoại tệ đổ vào Việt Nam tăng 12% so với 6 tháng cùng kỳ năm trước; riêng 5 tháng đầu năm 2007, Ngân hàng nhà nước đã mua vào lượng ngoại tệ tới 7 tỉ USD) làm tăng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng nhà nước từ 12 tuần lên 20 tuần nhập khẩu, tương ứng với thời điểm tháng 12-2006 và tháng 6-2007. Giá trị hàng nhập khẩu 27,2 tỉ USD của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng 30,4% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhập ô tô, sắt thép, xăng dầu (riêng nhập máy bay đã chiếm 1 tỉ USD). Đây là những mặt hàng có giá đang tăng tùy thuộc vào thị trường thế giới, nên việc nhập siêu 6 tháng qua dù đạt mức kỷ lục (5 tỉ USD) song không trực tiếp giúp giảm giá hàng hóa trong nước.

Một điểm mới nữa là, khác với trước đây, có lẽ đã bắt đầu một giai đoạn mà tăng giá do tăng lương không còn là yếu tố đáng lo ngại trong năm 2007. Sự cộng hưởng của nhiều nhân tố mới, mạnh và gây sốc tăng giá như phân tích ở trên, đã làm cho tăng lương không còn là yếu tố trực tiếp kích động làn sóng tăng giá, nhất là giá các mặt hàng tiêu dùng như những năm trước. Hơn nữa, quy mô và lộ trình tăng lương năm 2007 đã được điều chỉnh nên sức ép tăng giá từ tăng lương năm 2007 cũng nhẹ đi.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh, nhu cầu đầu tư trong nước cũng tăng theo là một nguyên nhân kéo theo giá đầu vào tăng và chỉ số giá tăng. Về lý thuyết lạm phát thì hiện tượng lạm phát từ việc gia tăng FDI và dòng đầu tư trong nước được gọi là loại lạm phát cầu kéo và chi phí đẩy. Nếu giả định các yếu tố khác không có biến động lớn, thì việc gia tăng dòng FDI và vốn đầu tư trong nước sẽ làm tăng lượng tiền và phương tiện thanh toán cần thiết trong lưu thông, cũng như tăng nhu cầu và sự cạnh tranh về nguồn vốn đối ứng, nguồn nhân lực, vật lực để triển khai các dự án đầu tư, tức dễ làm tăng giá tiền lương và các chi phí đầu tư vào khác, từ đó tạo áp lực tăng lạm phát.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, lạm phát do tăng trưởng kinh tế nóng từ khu vực kinh tế tư nhân dù sao cũng dễ kiểm soát và “dễ chịu” hơn lạm phát do đi kèm suy thoái hoặc đình trệ như ở Việt Nam và các nước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường trong những năm 80-90 của thế kỷ XX, hoặc lạm phát do tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, trong đó chủ yếu là từ vốn vay nước ngoài hay do phát hành thêm tiền bằng biện pháp hành chính.

Những tín hiệu này đã được các nhà quản lý có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý đúng đắn để giữ ổn định chung cho đời sống kinh tế - xã hội - một điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước. Chính sách điều hành giá của Chính phủ đã mang tính thị trường và “sốc” hơn thông qua việc hạn chế kiểm soát hành chính một loạt giá “đầu vào” quan trọng của nền kinh tế, như giá điện, xăng dầu; đồng thời sử dụng công cụ thuế nhập khẩu các mặt hàng như xăng, dầu một cách chủ động và linh hoạt, bám sát biến động thị trường trong nước và ngoài nước hơn. Ngoài ra, Chính phủ đã có sự chỉ đạo tập trung, nhất quán và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành trong quá trình điều hành giá 6 tháng qua. Tuy nhiên, vẫn còn có sự bất cập nhất định trong hoạt động của Tổ điều hành giá cả, mà biểu hiện rõ nét và tập trung nhất là ở quan điểm và cách thức “bắt mạch”, dự báo xu hướng biến động giá, cũng như ở mức độ sẵn sàng và hiệu quả của những “đơn thuốc” được kê cho các tình huống giá cả phát sinh. Thứ nhất, dường như Tổ điều hành giá của Chính phủ vẫn còn đôi chút ngại ngần, thậm chí hơi lạc quan khi đưa ra mức dự báo CPI, nhất là đánh đồng giữa yêu cầu dự báo giá cả khách quan với mục tiêu mà Quốc hội đề ra: lạm phát ở Việt Nam không thể cao hơn mức tăng GDP. Vì thế, phân tích số liệu CPI thực với số liệu CPI do Tổ điều hành giá đưa ra luôn có sự cách biệt lớn, tới 20-30%. Rõ ràng là khi dự báo không hết, không đúng với các tình huống và mức độ chính xác không cao sẽ trực tiếp và gián tiếp làm giảm sự chủ động và kéo theo là hiệu quả của chính sách điều hành giá cả trong nước. Thứ hai, sự bất cập trong điều hành giá của Chính phủ còn thể hiện ít nhiều ở sự lúng túng, thậm chí chưa rõ ràng trong việc thiết lập cơ chế thị trường cạnh tranh đầy đủ có sự kiểm soát của Chính phủ một cách hiệu quả đối với một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chưa thực hiện tự do hóa cao như ngành than, kinh doanh xăng dầu và một số mặt hàng khác.

6. Không có lạm phát phi mã tiêu cực hoặc lạm phát đột biến, làm ngưng trệ nền kinh tế. Đó là dự báo cho 6 tháng cuối năm sau khi phân tích thực trạng phát triển kinh tế trong nửa năm đầu. Thể hiện ở một số nét nổi bật sau:

- Về giá cả, sẽ tiếp tục có sự giảm giá các hàng trong diện cắt giảm thuế trong khuôn khổ WTO; sẽ có sự tăng giá ở những mặt hàng thuộc diện được “giải phóng” khỏi sự kiểm soát giá cả từ phía Nhà nước, như: điện, xăng dầu, thuốc và sắt thép v.v… Giá những mặt hàng gắn với thị trường và cạnh tranh đầy đủ sẽ được điều chỉnh theo nhu cầu thị trường và có xu hướng giảm. Tổng bình quân giá xã hội, tức chỉ số CPI sẽ tăng liên tục, đạt tới ngưỡng xấp xỉ 2 con số và vượt khá xa tới 40-60% mức dự báo đầu năm của Tổ điều hành giá chính phủ là 6,5% so với tháng 12-2006 (mức tăng giá trong 6 tháng đầu 2007 đã là 5,2%). Những mặt hàng có nguy cơ tăng giá tiêu cực theo kiểu “té nước theo mưa” sẽ bao gồm:

+ Nhóm các sản phẩm do doanh nghiệp định giá và vẫn chưa chịu sức ép cạnh tranh thị trường đầy đủ.

+ Nhóm những mặt hàng có đầu vào là các mặt hàng có giá tăng theo giá thế giới hoặc vừa được bãi bỏ, giảm kiểm soát của Chính phủ (ví dụ ngành vận tải sử dụng xăng, dầu; ngành chế biến dùng điện mua từ ngành điện).

+ Nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các dịch vụ dân sinh, nhất là các dịch vụ đô thị…

Tuy nhiên, xét về tổng thể, sẽ không có lạm phát phi mã tiêu cực hoặc lạm phát đột biến làm ngưng trệ nền kinh tế.

- Sự cạnh tranh kinh tế sẽ ngày càng gay gắt hơn, nhiều động thái kinh tế trái chiều sẽ diễn ra cả trong kinh tế đối nội và kinh tế đối ngoại. Về tổng thể, nền kinh tế tiếp tục nhận được những xung lực mới, mạnh mẽ, tích cực để có thể phát triển mạnh mẽ hơn.

- Trong bối cảnh tăng giá “đầu vào, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do đội giá đầu vào và nguy cơ điều chỉnh, đổ vỡ các hợp đồng đã ký, thậm chí, có khả năng phá sản nếu không kịp thời thích ứng. Xử lý như thế nào là tùy thuộc hoàn cảnh, năng lực cụ thể của từng doanh nghiệp. Tuy vậy, các điều kiện và môi trường kinh doanh của Việt Nam và thế giới về cơ bản vẫn là thuận lợi và sẽ ngày càng tốt hơn trong thời gian trung hạn.

- Yêu cầu về tổ chức lại nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước sẽ cấp thiết hơn nhằm tăng sự hợp tác, gắn kết, sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp, cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Để bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh giá tăng, nhất là tăng không theo quy luật, sự điều tiết của Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng, thông qua chính sách tiền lương mềm dẻo hơn, chính sách quản lý thị trường nghiêm khắc và hiệu quả hơn, chính sách an sinh xã hội đầy đủ, đa dạng và thiết thực hơn; đồng thời, có chính sách về thông tin thị trường và quản lý nhà nước minh bạch đầy đủ, cập nhật và thuận lợi hơn. Ngoài ra, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, cũng như bản thân người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức và chủ động khi đưa ra các quyết định nhằm bảo vệ và nâng cao khả năng tự vệ của mình trước các thông tin và hành vi phi thị trường của nhà kinh doanh, nhất là những kẻ lợi dụng tình hình để đầu cơ trục lợi.