Đây là tên cuốn sách của TS. Daniel Yergin (Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu năng lượng Cambridge, thành viên của Trung tâm Doanh nghiệp và Chính phủ thuộc trường Kennedy, Đại học Harvard) và TS. Joseph Stanilaw (đồng Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu năng lượng Cambridge, một người được coi là cố vấn hàng đầu cho nhiều công ty và quốc gia về chiến lược xử lý rủi ro cũng như các cơ hội trên các thị trường mới phát triển). Cuốn sách có tên nguyên văn bằng tiếng Anh là: Commanding Heights: The Battle for the World Economy, được xuất bản lần đầu tiên tại Anh, năm 1998, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng và nhận được sự đánh giá cao của nhiều chuyên gia kinh tế có tầm cỡ thế giới. Bản dịch tiếng Việt được Nhà xuất bản Tri thức phát hành cuối năm 2006. Với 830 trang (khổ giấy 16x24cm), sau phần mở đầu, cuốn sách được sắp xếp theo 14 chương, đề cập và phân tích các vấn đề: Nền kinh tế hỗn hợp ở châu Âu; Chủ nghĩa tư bản tự điều chỉnh kiểu Mỹ; Sự nổi lên của thế giới thứ ba; Cuộc cách mạng thị trường của nước Anh; Khủng hoảng niềm tin khi bức tường Berlin sụp đổ; Sự nổi lên của châu Á; Công cuộc cải cách của Trung Quốc; Sự thức tỉnh của Ấn Độ; Trò chơi mới ở Mỹ La-tinh; Hành trình tiếp sau chủ nghĩa cộng sản; Châu Âu tìm kiếm một khế ước xã hội mới; Thế cân bằng mới của nước Mỹ; Cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới; Niềm tin trở lại – Luật chơi mới.

Xuyên suốt những vấn đề nêu trên, các tác giả muốn làm rõ những câu hỏi lớn của lịch sử hiện đại: “Tại sao phải chuyển sang kinh tế thị trường? Tại sao và như thế nào mà sự chuyển đổi từ kỷ nguyên, trong đó, chính phủ các quốc gia luôn tìm cách nắm giữ và kiểm soát nền kinh tế nhà nước sang kỷ nguyên với những ý tưởng về cạnh tranh, mở cửa, tư nhân hóa và bãi bỏ các phép tắc đã và đang thống trị tư tưởng kinh tế thế giới: liệu những thay đổi này có phải là không thể đảo ngược?

Chúng có phải là một phần của quá trình phát triển và tiến hóa liên tục? Hơn thế nữa, kết quả và viễn cảnh chính trị, xã hội, kinh tế của sự thay đổi căn bản này trong mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường là gì?”.

Theo các tác giả, “ranh giới giữa chính phủ và thị trường không thể được phân định dứt khoát bởi một số cuộc hội thảo ôn hòa. Đây là chủ đề của các cuộc chiến lớn nhỏ về trí tuệ và chính trị trong suốt một thế kỷ. Các cuộc chiến nói chung đã tạo nên một trong những vở kịch lớn định hình thế kỷ XX. Ngày nay, mâu thuẫn giữa thị trường và sự kiểm soát của chính phủ đã trở nên sâu rộng đến mức đang làm thay đổi cả thế giới và làm nền cho thế kỷ XXI”.

Qua cuộc khảo sát lại lịch sử tiến triển và thăng trầm của các “đỉnh cao chỉ huy” trong sự giằng co giữa nhà nước và thị trường, các tác giả đã góp phần làm rõ thực chất của quá trình này bằng những luận giải có sức thuyết phục. Qua các chương của cuốn sách, người đọc sẽ tìm thấy những diện mạo khác nhau của nhà nước và thị trường. Đó là những diện mạo khác nhau trong các giai đoạn phát triển của lịch sử, giữa các hệ chính trị - xã hội, giữa các châu lục với các nền văn hóa và truyền thống khác nhau, giữa các trường phái khác nhau. Chân dung lịch sử của nhà nước cũng như của thị trường, được các tác giả vẽ lại và phân tích từ nhiều chiều, cạnh, góc độ và trong mối tương quan so sánh.

Cuốn sách cho người đọc thấy rằng, nhờ nắm được “những đỉnh cao chỉ huy”, nhà nước đã từng đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của các quốc gia. Vai trò này không chỉ thể hiện ở các nước xã hội chủ nghĩa – kế hoạch hóa tập trung trước đây, mà còn đặc biệt rõ ràng trong các nền kinh tế thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, từ các nước phát triển nhất cho đến các nước kém phát triển. Theo các tác giả, ngay cả ở những nước tư bản phát triển nhất, tức là nơi có nhiều thị trường nhất, thì nhà nước cũng đã từng – và hiện vẫn đang đóng vai trò to lớn, không chỉ là vai trò quan trọng mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển, trong những giai đoạn lịch sử xác định. Trong sự biện chứng của lịch sử, các chứng cứ thực tiễn được cuốn sách nêu ra khẳng định một điều không ai có thể bác bỏ: “bàn tay vô hình” của thị trường chỉ thật sự hữu ích khi nó kết hợp với “bàn tay hữu hình” của nhà nước nhằm phục vụ sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Nhưng, từ những tư tưởng cốt lõi thể thiện trong cuốn sách, các tác giả không nhằm mục đích tụng ca nhà nước. Bên cạnh việc khẳng định vai trò to lớn của nhà nước đối với quá trình phát triển, các tác giả cũng đã phân tích những sai lầm của nhà nước hiện diện trong tất cả các hệ thống kinh tế, ở khắp các châu lục, trong mọi giai đoạn phát triển và có nguồn gốc lý luận từ các quan niệm khác nhau về vai trò của nhà nước và vai trò của thị trường.