TCCSĐT - Theo chương trình, buổi chiều ngày 21-5, Quốc hội làm việc tại hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Mở đầu phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Đề án tái cơ cấu kinh tế bao gồm các nội dung, định hướng cơ bản: Một là, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là quá trình phân bố lại các nguồn lực trên phạm vi quốc gia và toàn bộ nền kinh tế, trên cơ sở đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; nâng trình độ của các ngành kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung lên mức phát triển cao hơn. Hai là, tái cơ cấu ưu tiên trước mắt và tái cơ cấu trọng tâm, lâu dài. Ba là, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đã xác định trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế là “cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng, thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế”.

Đề án cũng kiến nghị 12 nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế, bao gồm: Nâng cao chất lượng các quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch và kế hoạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển; Tái cơ cấu thị trường tài chính, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững; Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội của đầu tư nhà nước; Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời, nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài; Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư; Đổi mới chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cơ chế quản lý đầu tư nhằm thu hút và định hướng đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển các ngành, nghề ưu tiên phát triển; Xây dựng và thực hiện các chương trình đồng bộ phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển nhằm tăng nhanh hàm lượng khoa học, nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa và năng lực cạnh tranh; Phát huy lợi thế của từng vùng, chuyển đổi và hình thành cơ cấu vùng kinh tế hợp lý, đa dạng về ngành, nghề và trình độ phát triển; Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung chuyên canh, áp dụng quy trình và kỹ thuật sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sống ở khu vực nông thôn; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế; Phát triển khoa học, công nghệ; có cơ chế, chính sách để khoa học công nghệ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Giải quyết tốt các vấn đề môi trường và xã hội.

Theo Đề án, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, phải thực hiện trong nhiều năm liền với không ít khó khăn và thách thức. Và có thể phải hi sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng.

Báo cáo thẩm tra, các thành viên Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với 4 mục tiêu nêu trong Đề án, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu chung của việc tái cơ cấu là thay đổi thể chế, cơ chế, công cụ phân bố, quản lý và sử dụng nguồn lực quốc gia theo mô hình tăng trưởng mới, với cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, hiệu quả hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa.

Tại báo cáo một số ý kiến về đề án, Ủy ban Kinh tế đề xuất xây dựng Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế như một hệ thống chính sách để tập trung thực hiện 3 đột phá: về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. một số ý kiến đề nghị định hướng nội dung Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế phải xác định bao gồm tất cả các đề án thành phần và đánh giá tác động toàn diện nền kinh tế trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Cụ thể, Đảng và Quốc hội đã xác định trong 5 năm tới tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm nhất bao gồm: (1) Tái cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; (2) Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; (3) Tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đối với những Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành do yêu cầu cấp thiết của quá trình tái cơ cấu, cần tiếp tục thực hiện và sẽ được điều chỉnh cần thiết sau khi Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được thông qua để bảo đảm sự hài hòa, thống nhất trong khuôn khổ chung.

Tờ trình về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2010. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Quốc hội cho phép mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 là 119.700 tỉ đồng, bằng 6,2% GDP, quyết toán số bội chi 109.191 tỉ đồng, bằng 5,5% GDP, giảm 0,7% GDP (10.509 tỉ đồng) là nhờ có tăng thu ngân sách Nhà nước. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách từ vay trong nước là 68.967 tỉ đồng; vay ngoài nước 40.224 tỉ đồng. Tính đến 31-12-2010, dư nợ Chính phủ bằng 44,6% GDP, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 42,2% GDP; trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ ra một số tồn tại trong việc thu, chi ngân sách. Thu ngân sách vượt 27,5% dự toán, sau khi loại trừ yếu tố tích cực, yếu tố của sự biến động giá cả tăng cao, tỷ giá hối đoái thay đổi thì vẫn bộc lộ chất lượng công tác lập dự toán chưa cao, chưa tích cực, công tác dự báo thu chưa sát thực tế. Trong đó, không ít địa phương đã xây dựng dự toán thu ngân sách không tích cực để hưởng chế độ thưởng vượt thu, giảm số điều tiết về ngân sách Trung ương hoặc tăng số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương. Trong năm 2010, tình trạng khai man, trốn thuế diễn ra khá phổ biến, thất thu thuế còn nhiều, hầu hết các đơn vị được kiểm toán, thanh tra đều kê khai chưa đầy đủ các khoản phải nộp ngân sách mà chủ yếu là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Công tác quản lý chi ngân sách năm 2010 cũng còn một số tồn tại như việc giao dự toán, chấp hành dự toán chi ngân sách ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa tuân thủ Nghị quyết của Quốc hội và quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, nhiều công trình dở dang, thời gian thi công kéo dài, hiệu quả không cao, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều và khắc phục chậm, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản lớn; chi cho chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả chưa cao; chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách…

Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày có 7 nội dung chính: Hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tổ chức các kỳ họp của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp xúc cử tri và công tác bảo đảm phục vụ các hoạt động của Quốc hội.

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, không đưa vào dự kiến chương trình các dự án luật không đủ điều kiện. Đối với các báo cáo thẩm tra, cần tập trung phân tích, phản biện và đưa ra các kiến nghị thể hiện rõ chính kiến của mình về các chính sách được đề xuất trong dự án. Phải nêu rõ quan điểm tán thành, không tán thành, vấn đề cần bổ sung, hoàn chỉnh và lý do cụ thể. Đồng thời, đề xuất những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trình Quốc hội xem xét, thảo luận. Đề án cũng cho rằng cần tăng cường tổ chức các hội nghị trực tuyến với sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội hoặc hội nghị trực tuyến các đại biểu Quốc hội chuyên trách để xin ý kiến về các dự án luật trong thời gian giữa hai kỳ họp. Và trong các hội nghị có thể mời các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc lĩnh vực của dự án.

Một trong những điểm mới được đề xuất trong Đề án là tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2012.

Báo cáo thẩm tra Đề án này do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong Đề án. Trong công tác xây dựng vẫn còn tình trạng việc thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa nghiêm, tính khả thi của một số luật, pháp lệnh đã được ban hành chưa cao nên phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, Đề án xác định đại biểu phải tăng cường thâm nhập đời sống nhân dân, nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri địa bàn ứng cử; phân  định trách nhiệm giải quyết kiến nghị của từng cấp, từng cơ quan, tổ chức; tiếp nhận, xử  lý các kiến nghị hoặc kịp thời chuyển các kiến nghị đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết; thông báo công khai, kịp thời kết quả tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

Cũng trong buổi chiều, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013./.