TCCSĐT - Diễn ra trong 2 ngày 18 và 19-5-2012 tại Trại David thuộc bang Maryland (Mỹ), Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển G8 nỗ lực thu hẹp bất đồng, hóa giải mâu thuẫn và đạt được sự thống nhất chung về một số vấn đề quốc tế, nhưng không đề ra được những giải pháp cụ thể.
Chương trình nghị sự phong phú

Tại Hội nghị kéo dài 2 ngày, nguyên thủ các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Anh, Canađa, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Nga đã thảo luận về nhiều vấn đề như cuộc khủng hoảng kinh tế tại Khu vực đồng euro (Eurozone); vấn đề hạt nhân của Iran đang lâm vào bế tắc; tình hình Syria chưa có lối thoát; triển vọng ổn định tình hình ở Afghanistan; chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu và một số vấn đề khác. Sự vắng mặt của Tổng thống Nga V. Putin khiến Hội nghị khó đạt được tiến bộ trong vấn đề Iran và Syria bởi Nga có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề chính trị quốc tế.

Cuộc khủng hoảng tại Eurozone chiếm vị trí nổi bật trong chương trình nghị sự vì nó có thể đưa thế giới lâm vào cuộc suy thoái lần thứ hai sau cuộc khủng hoảng bùng phát từ Mỹ năm 2008, trong đó các nhà lãnh đạo G8 khó xác định sự lựa chọn giữa kích thích tăng trưởng kinh tế hay chính sách “thắt lưng buộc bụng” về tài chính do bất đồng giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và tân Tổng thống Pháp Francois Hollande. Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định, sự ổn định trong việc phát triển kinh tế châu Âu là lợi ích tốt nhất của tất cả các nước, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, theo ông B.Obama, các biện pháp đúng đắn không phải đều giống nhau ở mỗi quốc gia.

 
 Các nhà lãnh đạo G8 năm 2012 chụp chung ảnh lưu niệm tại Trại David (Ảnh AP)

Trong chủ đề cuộc khủng hoảng tại Eurozone, Hội nghị thượng đỉnh G8 năm nay phải đối mặt với bài toán khó giải nhất liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp có thể khiến quốc gia này vỡ nợ do cuộc bầu cử vừa qua đã không cho phép các chính đảng tìm được tiếng nói chung có thể lập ra một chính phủ liên hiệp nhằm giải quyết tình hình. Trong khi đó, Hy Lạp đang phải đối mặt với 2 khả năng xấu như nhau. Đó là rút khỏi Eurozone hoặc tiếp tục thực hiện chính sách “thắt lượng buộc bụng”.


Về vấn đề Afghanistan, trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ B.Obama và Thủ tướng Anh David Cameron bên lề Hội nghị G8, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định, ông sẽ thực hiện cam kết rút các lực lượng chiến đấu của Pháp khỏi Afghanistan vào cuối năm 2012, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch của NATO, nhưng sẽ vẫn giúp nước này huấn luyện các lực lượng an ninh và tổ chức thu hồi thiết bị quân sự của Pháp cùng với Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF).

Thu hẹp bất đồng, hóa giải mâu thuẫn để đi tới Tuyên bố chung


Trong bối cảnh hiện nay, các thành viên G8 vừa phải tìm giải pháp cho những khó khăn trong nước, lại vừa đứng trước nhiều vấn đề gai góc của thế giới, đặc biệt là Hội nghị lần này diễn ra đứng trước 3 thách thức gây chia rẽ. Một là, mâu thuẫn giữa Pháp và Đức trong cách thức giải quyết vấn đề nợ công trong EU. Hai là, cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng ở Hy Lạp. Ba là, một số thành viên G8 đã có ý can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Nga vừa qua, cũng như bất đồng với Nga trong kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu, trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria cũng như trong vấn đề hạt nhân của Iran.

Do đó, các thành viên tham dự Hội nghị G8 đã phải thảo luận để thu hẹp bất đồng, hóa giải mâu thuẫn để đi tới thống nhất về Tuyên bố chung, trong đó đưa ra cam kết vai trò của các nước thành viên trong việc bảo đảm nguồn cung năng lượng đầy đủ để phát triển kinh tế của các nước thành viên không bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ nhằm vào Iran; bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng cho các nước châu Phi; thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân chủ ở Trung Đông và hỗ trợ chuyển đổi chính trị ở Syria; tỏ ý quan ngại về chương trình hạt nhân Iran.

Để hóa giải nợ công ở châu Âu, trong Tuyên bố chung, lãnh đạo các nước G8 cam kết sẽ áp dụng các giải pháp dung hòa, vừa thắt chặt chi tiêu để giảm nợ công, vừa đầu tư để kích thích tăng trưởng và tạo công ăn việc làm. Đây là giải pháp khả dĩ trong tình hình hiện nay, là nỗ lực cân bằng giữa chính sách thắt lưng buộc bụng ở châu Âu theo cách tiếp cận được Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trương thực thi và biện pháp kích thích kinh tế mới theo kiểu Mỹ đang được tân Tổng thống Pháp Francois Hollande và đông đảo người dân châu Âu ủng hộ. Theo ông F.Hollande, các biện pháp kích thích kinh tế là con đường đã giúp nước Mỹ nhanh chóng thoát khỏi tâm bão khủng hoảng cho dù Mỹ là nước rơi vào khủng hoảng đầu tiên từ năm 2008.

Tại Hội nghị, các thành viên G8 đã phải thảo luận căng thẳng để đi tới quyết định chính trị cuối cùng về việc giúp Hy Lạp vượt qua cuộc khủng hoảng để tiếp tục ở lại Eurozone. Các thành viên G8 khẳng định, việc Eurozone lấy lại đà phát triển và gắn kết có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do đó, các nhà lãnh đạo G8 nhất trí cam kết áp dụng mọi biện pháp cần thiết để vừa ổn định, vừa kích thích tăng trưởng, ngăn chặn tình trạng rối loạn về tài chính và thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Về các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, Hội nghị G8 khẳng định, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần có hành động đáp trả động thái được coi là “khiêu khích" như các vụ phóng vệ tinh và thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, gây bất ổn định khu vực. Về tình hình Iran, tuyên bố chung nhấn mạnh, các bên có liên quan sẽ tìm kiếm một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán nhằm giải tỏa những quan ngại xuất phát từ chương trình hạt nhân của Tehran. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G8 còn hối thúc Iran nắm bắt cơ hội để chứng tỏ chương trình hạt nhân của họ thực sự là vì mục đích hòa bình tại cuộc đàm phán với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) sẽ diễn ra tại Baghdad, thủ đô Iraq vào ngày 23-5-2012.

Tuyên bố chung của Hội nghị G8 cũng hoan nghênh những nỗ lực đáng kể của Tổng thống Myanmar, ông U Thein Sein và thủ lĩnh Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi trong việc cải cách dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này, đồng thời cam kết ủng hộ những sáng kiến tại Myanmar, đặc biệt là các sáng kiến hòa bình, hòa giải dân tộc, phát triển kinh tế và củng cố nền dân chủ.

Về tình hình Syria, Tuyên bố chung của G8 kêu gọi Chính phủ Syria và các phe phái tại quốc gia Trung Đông này lập tức thực thi đầy đủ kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Kofi Annan, Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab. Các nhà lãnh đạo hối thúc Syria chấm dứt mọi hình thức bạo lực, mở đường cho một quá trình chuyển giao chính trị toàn diện do chính người Syria làm chủ.

Về vấn đề an ninh lương thực và dinh dưỡng ở châu Phi, Tuyên bố G8 đưa ra cam kết các nước thành viên đóng góp nỗ lực nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng, đối phó với biến đổi khí hậu, cung cấp an ninh lương thực và dinh dưỡng cho châu Phi, đồng thời tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân chủ ở Trung Đông.

Có thể thấy, tuy Hội nghị G8 lần này đưa ra được Tuyên bố chung thể hiện sự thống nhất tương đối về một số vấn đề nhưng trong từng vấn đề cụ thể, do giữa các nước và các nhóm nước còn tồn tại quan điểm khác biệt, nên mới chỉ dừng lại ở sự thống nhất quan điểm mà chưa đề xuất được các biện pháp cụ thể.

Mọi hy vọng đang hướng từ G8 sang G20


Kết quả đạt được tại Hội nghị G8 lần này một lần nữa khẳng định thêm một thực tế, các nước công nghiệp phát triển khó có thể đóng vai trò lãnh đạo thế giới bởi chính một số thành viên chủ chốt của G8 như Mỹ, Pháp, Đức, Italia Anh cũng chưa tự giải quyết xong vấn đề của chính mình. Thế giới lúc này phải trông cậy và hy vọng vào một Hội nghị G8 mở rộng, hoặc Hội nghị G20, trong đó có các nước đóng vai trò là những đầu tàu của nền kinh toàn cầu như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và nhiều nước có nền kinh tế mới nổi khác. Các nước thành viên G20 khác, ngoài các nước đồng thời là thành viên G8, không những có thực lực mà còn có thực tâm và ý chí sẵn sàng góp phần mình đưa thế giới vượt qua khủng hoảng và đói nghèo.

Rõ ràng, trọng tâm của nền chính trị thế giới đang chuyển dịch từ G8 sang G20 và đây là một xu thế tất yếu trong một trật tự thế giới đang hướng tới đa cực, trước hết là đa cực về kinh tế./.