Về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Đồng thời, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; chiến lược đã đưa ra 11 nhóm định hướng, trong đó nhóm thứ 6 là: “phát triển hài hòa, bền vững các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới”.
Bài viết tập trung làm rõ nhóm định hướng này và chỉ đi vào khía cạnh phát triển hài hòa nông thôn mới.
Nhìn lại hơn một năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020
a - Những kết quả đạt được
Thứ nhất, như nhận xét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Hội Nông dân Việt Nam vào trung tuần tháng 10-2011: Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã được đưa vào nghị quyết tại đại hội Đảng các cấp từ chi bộ đến xã - huyện - tỉnh - Trung ương và đã trở thành phong trào của toàn Đảng, toàn dân. Đây là cái được lớn nhất sau hơn một năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQG XDNTM).
Thứ hai, hệ thống văn bản về chính sách, những quy định và hướng dẫn thực hiện XDNTM được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan ban hành đồng bộ. Nhất là cơ chế phân cấp đầu tư cho chính quyền cơ sở (xã), cơ chế tài chính, chính sách đào tạo nghề cho nông dân…
Thứ ba, hệ thống tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ vận hành chương trình từ Trung ương xuống xã được hoàn thiện và ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Thứ tư, một số kết quả ban đầu đạt được trong XDNTM, như công tác tuyên truyền vận động, quy hoạch lại nông thôn... Sau 3 năm chỉ đạo xây dựng 11 mô hình xã điểm của Ban Bí thư, đã cho chúng ta kinh nghiệm bước đầu về cách tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực và “hình hài” nông thôn mới đang hiện rõ dần ở nước ta.
b - Những tồn tại lớn nhất hiện nay
Công tác tuyên truyền về Chương trình MTQG XDNTM mới đang nặng về hình thức, chưa phù hợp với đối tượng chủ yếu là cư dân nông thôn, chưa làm rõ vai trò chủ thể của người dân.
- Nhận thức trong cán bộ, đảng viên còn chưa thống nhất, kể cả đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách vận hành chương trình. Một số bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đang thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thiếu lòng tin vào chương trình.
- Các văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành nhiều chỗ chưa thống nhất, thậm chí không phù hợp với quy định của Thủ tướng Chính phủ và chậm được khắc phục.
- Doanh nghiệp, doanh nhân chưa “mặn mà” với việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, vẫn chủ yếu là cách làm cũ, như tài trợ, “nối vòng tay lớn”…
c - Những khó khăn và khuynh hướng không lành mạnh đang xuất hiện
Qua thực tiễn 3 năm chỉ đạo 11 xã điểm của Ban Bí thư và hơn một năm triển khai Chương trình MTQG XDNTM, tất cả các địa phương đều phản ánh 4 khó khăn lớn nhất:
- Vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
- Chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, theo đó là cơ cấu kinh tế theo hướng giảm lao động và tỷ trọng GDP trong nông nghiệp. Nhất là những tỉnh thuần nông, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Bắc.
- Tổ chức lại sản xuất gắn với xác lập các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện trong liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hướng sản xuất hàng hóa công nghệ cao, nâng giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp.
Những khuynh hướng không lành mạnh đang xuất hiện:
- Khuynh hướng lớn nhất bao trùm là tư tưởng nóng vội, do áp lực của người dân và nhận thức chưa đầy đủ khó khăn của quá trình XDNTM; đối lập khuynh hướng này là tư tưởng chần chừ, chờ đợi, không tin tưởng.
- Khuynh hướng thứ hai là trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực từ trên xuống, nhất là các địa phương thu ngân sách chưa đủ chi.
- Khuynh hướng thứ ba là coi XDNTM là một dự án, tập trung chủ yếu vào xây dựng kết cấu hạ tầng là chính, thậm chí không ít cán bộ địa phương còn tư duy theo hướng có “A” có “B” mà chưa nhận thức đầy đủ đây là cuộc vận động, là sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và nhân dân ta.
Cần thống nhất nhận thức về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Thực tiễn trong quá trình chỉ đạo đã bộc lộ nhiều vấn đề chưa thống nhất trong cách hiểu và cách làm, gây chậm chạp, thậm chí những tranh luận không cần thiết. Vì vậy, cần phải định hướng rõ nhận thức trước hết là ở bộ phận cán bộ.
a - Hiện nay, trên địa bàn nông thôn đang triển khai nhiều chương trình MTQG, như Chương trình MTQG về giảm nghèo, việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường, văn hóa, giáo dục đào tạo... và nhiều chương trình hỗ trợ có mục tiêu, như hỗ trợ trụ sở xã, đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học; phát triển giao thông nông thôn... Nghị quyết số 13/2011/QH13 ngày 9-11-2011 của Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ hai đã thông qua 16 Chương trình MTQG thì cả 16 Chương trình (100%) đều được triển khai trên địa bàn nông thôn. Vì vậy, nếu hiểu không đúng sẽ rất phức tạp khi tổ chức thực hiện.
Chương trình MTQG XDNTM không phải là một chương trình “trùm lên” các chương trình khác, mà các chương trình MTQG khác phải được điều chỉnh các quy chuẩn cho phù hợp với tiêu chí quốc gia đã quy định tại Quyết định số 491/QĐ/TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, Chương trình MTQG XDNTM là một chương trình khung, trong đó bao hàm nhiều chương trình khác liên quan đến địa bàn nông thôn. Xã là đơn vị xây dựng đề án theo hướng dẫn của cấp trên và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Các bộ, ngành trung ương theo chức năng của mình hướng dẫn và đôn đốc kiểm tra thực hiện các tiêu chí theo phân công của Chính phủ.
Khi thiết kế Chương trình MTQG XDNTM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hình dung rõ và thiết kế theo hướng là một chương trình khung. Trong đó, mục tiêu cụ thể theo 2 giai đoạn như sau:
- Từ năm 2012 đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới;
- Từ năm 2015 đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
(Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-04-2009 của Thủ tướng Chính phủ).
Còn mục tiêu cụ thể của các tiêu chí cao hơn nhiều, ví dụ: đến năm 2015 có 30% số xã có nhà văn hóa xã, thôn và 45% số xã có bưu điện và điểm in-tơ-net đạt chuẩn. Năm 2020, có 75% số xã có nhà văn hóa xã, thôn và 70% có bưu điện và điểm in-tơ-net đạt chuẩn…
Chương trình MTQG XDNTM đã được Chính phủ quyết định thời gian thực hiện là 10 năm, tầm nhìn 20 năm; đối tượng là xã, phạm vi trên địa bàn nông thôn cả nước. Như vậy, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG XDNTM bắt đầu từ năm 2010 và diễn ra trên 9.121 xã (100%) không phải chỉ triển khai ở các xã điểm của huyện, tỉnh hay quốc gia, hoặc chỉ làm ở 20% số xã.
b - Việc hướng dẫn, xây dựng và hưởng thụ thành quả nông thôn mới
Nghị quyết số 26 Hội nghị Trung ương 7 khóa X ghi rõ: “trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển...”.
Để người dân thực sự là chủ thể, phải thực hiện triệt để nguyên tắc: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ; XDNTM không ai khác ngoài người dân, Đảng, chính quyền các cấp không thể làm thay được.
Cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần tập trung hướng dẫn cho nhân dân, bảo đảm đơn giản, dễ hiểu, tránh lòng vòng và phù hợp với trình độ của người dân. Thậm chí, nhiều việc “phải cầm tay chỉ việc”, đưa ra những mô hình cụ thể để người dân học tập và hướng dẫn, đào tạo họ…
Chính quyền các cấp phải tổ chức, tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội (đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi…), tổ chức nghề nghiệp, hội làm vườn, cây cảnh, hội làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên gia và các doanh nghiệp cùng làm với dân. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, vừa tạo mối liên kết, vừa hướng dẫn kỹ thuật, vừa là “đầu vào, đầu ra” cho dân.
Thực tiễn trong chỉ đạo cho thấy, địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mục đích của XDNTM, để họ tự lựa chọn, tự quyết định việc cần làm thì ở đó thành công và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
c - Nguồn lực để xây dựng nông thôn mới
- Xuất phát điểm hiện nay của nông thôn quá thấp so với đô thị và so với Bộ tiêu chí nông thôn mới, do vậy nhu cầu đầu tư cho nông thôn là rất lớn. Nhưng XDNTM không phải việc gì cũng cần tiền và không phải việc gì cũng đòi hỏi Nhà nước đầu tư, ví dụ: sửa sang nhà cửa, xây dựng các công trình vệ sinh, cải tạo vườn tược, chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư cho phát triển sản xuất nâng cao thu nhập là việc của người dân, Nhà nước hỗ trợ theo nguyên tắc “cho cần câu không cho con cá”… Những khoản đầu tư này nếu tính ra tiền cũng không nhỏ.
Cần vận động nhân dân tham gia góp ngày công lao động, hiến đất để mở mang kết cấu hạ tầng, chỉnh trang làng xóm, đồng ruộng, hạn chế yêu cầu người dân góp tiền mặt.
- Nguồn lực thứ hai là các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn đã có, nếu chưa đủ sức hấp dẫn thì bổ sung. Người Việt Nam khi đã thành danh không mấy ai không nghĩ đến quê hương, hoạt động từ thiện của họ rất quý, nhưng quan trọng hơn là kêu gọi họ đầu tư về nông thôn nhằm giải quyết việc làm, ổn định “đầu vào, đầu ra”, đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập. Đây là hướng đi cơ bản và hiệu quả nhất.
- Nguồn lực thứ ba là ngân sách nhà nước các cấp, nhất là đối với đầu tư các công trình phúc lợi công cộng, công trình phục vụ cho hệ thống hành chính của Nhà nước, với vai trò “bà đỡ”, nguồn lực này vô cùng quan trọng. Với nguồn tín dụng, nếu vay với lãi suất thương mại thì hầu hết nông dân không chịu nổi, ngay cả doanh nghiệp đầu tư về nông thôn cũng cần nhiều lãi suất ưu đãi.
Tuy nhiên, nguồn lực từ ngân sách nhà nước cần hướng về những vùng khó khăn, vùng nghèo khổ, cần phải có một khoản thưởng nhất định và khuyến khích những địa phương làm tốt, không cào bằng. Nguồn hỗ trợ qua tín dụng nên tập trung cho vùng sản xuất hàng hóa lớn và khuyến khích đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ mới.
Chủ trương XDNTM của Đảng ta là huy động nội lực từ trong nhân dân đến doanh nghiệp, từ địa phương đến Trung ương, từ cơ chế tạo nguồn lực đến hình thức vinh danh, ghi công…
d - Quan điểm phát triển xây dựng nông thôn mới
Trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa đất nước - những năm 60, 70 của thế kỷ trước, chúng ta đã từng lấy nông nghiệp để công nghiệp hóa, cả nước “thắt lưng buộc bụng” để công nghiệp hóa. Nhưng vài chục năm gần đây, đô thị và khu công nghiệp phát triển quá nhanh còn nông thôn lại phát triển quá chậm và chưa được quan tâm đầu tư trở lại.
Vì vậy, quan điểm phát triển nông thôn mới: Thứ nhất, phải đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là phát triển hài hòa, bền vững các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới.
Với tinh thần đó, nông thôn và đô thị cùng đi lên hiện đại hóa. Bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn sẽ bảo đảm hơn sự công bằng xã hội. Cũng không quá nếu nói là sự đền ơn trả nghĩa cho nông dân.
Thứ hai, hài hòa và bền vững giữa các vùng nông thôn
Một thực tế là, nông thôn nước ta có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, kể cả kết cấu hạ tầng, điều kiện và đời sống vật chất, tinh thần (khi xây dựng và ban hành tiêu chí đã tính đến yếu tố này).
Vì vậy, mục tiêu cả nước năm 2015 đạt 20% số xã nông thôn mới không đồng nghĩa với tỉnh, huyện nào cũng đạt 20%. Đồng thời, trong quá trình triển khai cần lựa chọn những tiêu chí vừa hợp với sức mình, vừa phù hợp với hướng ưu tiên của Chính phủ, như các tiêu chí quy hoạch, sản xuất, giáo dục, y tế, nước sạch, điện..., cần vượt xa con số 20% phải phấn đấu thực hiện.
Những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định 7 giải pháp chủ yếu để thực hiện 11 nội dung Chương trình MTQG XDNTM nhằm đạt mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn và đến năm 2020 là 50% số xã đạt chuẩn.
Những nhiệm vụ trước mắt cần được quan tâm là:
a - Phát triển sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu và cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới
Thực trạng nông thôn nước ta đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc: đất đai manh mún, hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, việc làm, môi trường, tệ nạn xã hội... Trong khi đó, nguồn lực vật chất có hạn, vì vậy giải quyết được vấn đề nâng cao thu nhập, để đời sống cư dân ấm no, phồn thịnh là vấn đề mang tính “gốc, rễ” trong XDNTM. Mặt khác, đầu tư cho sản xuất không đòi hỏi nhiều tiền nếu so với tổng nguồn vốn cần cho chương trình này.
Nhiệm vụ này do người dân thực hiện là chính. Các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và doanh nghiệp cùng làm với họ. Nhà nước và các ngành, các cấp đóng vai trò “bà đỡ” giải quyết các vấn đề, như bảo hiểm, hỗ trợ lãi suất cho đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, giống… và một ít cho hạ tầng đồng ruộng như chúng ta đã từng làm. Như vậy, Nhà nước “bỏ một đồng”, người dân và các thành phần khác “bỏ mười đồng”. Đây vừa là công việc trước mắt, thường xuyên, vừa là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong suốt quá trình XDNTM.
b - Xây dựng làng, xã văn minh, sạch đẹp
Văn minh làng, xã là truyền thống lâu đời của người Việt. Không làng nào không có hương ước, nay mất đi đâu? Tình làng, nghĩa xóm là những truyền thống tốt đẹp chúng ta phải gìn giữ, trân trọng. Đồng thời, nông thôn mới phải là nông thôn sạch từ trong nhà ra ngoài đường, ngoài ruộng. Những công việc này không ai làm thay người dân được.
Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục vận động dân “sạch làng, tốt ruộng”, “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”.
c - Phát triển giáo dục và y tế
Phát triển con người toàn diện là chiến lược quan trọng của Đảng ta. Trong Chương trình XDNTM, đây là nhóm tiêu chí cần được ưu tiên hoàn thành trước, cụ thể: đến năm 2015 giáo dục - đào tạo ở nông thôn (tiêu chí số 5 và 14) có 45% số xã đạt chuẩn. Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn (tiêu chí 15) có 50% xã đạt chuẩn. Tương tự như vậy, đến năm 2020 giáo dục có 80%; y tế có 75% xã đạt chuẩn.
Ngân sách nhà nước các cấp và kêu gọi sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, cư dân, tổ chức quốc tế ưu tiên triển khai đạt kế hoạch để hai nhóm tiêu chí này về đích sớm hơn.
d - Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Do yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, nhiều công trình thủy lợi, thủy điện lớn, khu đô thị, khu công nghiệp lớn mở ra đòi hỏi phải bố trí lại khu dân cư, không ít nơi phải di dời cả làng, cả xã. Nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể bị mất, bị xáo trộn, bị bỏ rơi, cần kiên trì và có cách lựa chọn hợp lý để phục hồi phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu của cư dân, tránh bệnh hình thức, phong trào.
Nhưng cũng không nên “nhà nước hóa” nội dung này, thậm chí còn lợi dụng tạo dựng những trào lưu phục hồi văn hóa, truyền bá, khuếch trương quá tốn kém. Từng gia đình, dòng họ, thôn xóm, xã phải biết nâng niu trân trọng truyền thống văn hóa của chính mình.
e - Củng cố nâng cao hệ thống chính trị cơ sở - cấp xã
Thực tiễn cách mạng nước ta đã tổng kết: cán bộ thế nào phong trào thế ấy. Một tập thể lãnh đạo có năng lực, mà trước hết là người đứng đầu (bí thư, cấp ủy, chủ tịch) có năng lực và tâm huyết với sự nghiệp của dân là điều kiện quyết định sự thành công. Thứ đến là các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở, các đoàn thể, hội nghề nghiệp của người dân.
Đảng, Nhà nước vừa tăng cường bồi dưỡng đào tạo, vừa tạo ra cơ chế dân chủ để người dân tự lựa chọn người lãnh đạo của họ theo tiêu chuẩn mà Đảng đề ra. Những tiêu chí khác tùy vào khả năng nguồn lực của địa phương, sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước các cấp, sự tham gia của các thành phần kinh tế, từ nhu cầu thực tiễn của từng xã mà có sự lựa chọn triển khai cho phù hợp.
Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và nhân dân ta, là một trong những định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không nóng vội, không chờ đợi, hãy tin tưởng và cùng nhau chung sức xây dựng nông thôn mới thì nhất định thành công./.
Tăng cường công tác đào tạo nghề cho thanh niên miền núi Thanh Hóa  (08/05/2012)
V.Putin - Con người thay đổi nước Nga (phần VI)  (08/05/2012)
Hạ lãi suất vẫn chờ tín hiệu từ thị trường  (08/05/2012)
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức  (07/05/2012)
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI  (07/05/2012)
Lãnh đạo nhiều nước chúc mừng Tổng thống đắc cử Pháp Francois Hollande  (07/05/2012)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên