Công điện khẩn về phòng, chống cháy rừng

Thanh An tổng hợp
23:16, ngày 03-05-2012

TCCSĐT - Theo Công điện, mấy ngày qua, nắng nóng, khô hạn gay gắt, nguy cơ cháy rừng cao trên diện rộng, ở nhiều địa phương đã xảy ra cháy rừng như Hà Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi… gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời gian tới nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao.

Theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), do nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, nắng nóng đang diễn ra trên diện rộng nên tính đến ngày 3-5 đã có một số khu rừng xảy ra cháy và có nhiều khu rừng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung đang có nguy cơ xảy ra cháy cao.

Những khu rừng tại khu vực Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai và khu vực Quế Phong, Quỳ Châu, Anh Sơn, Con Cuông, tỉnh Nghệ An đang có nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V). Nếu cháy rừng xảy ra, hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh.

Các khu vực có nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm (cấp IV) gồm: Rừng toàn tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hoà Bình, Phú Yên và Thái Nguyên; khu vực Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, tỉnh Bắc Giang; khu vực Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; khu vực Kim Bảng, Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; khu vực Khánh Sơn, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; khu vực Mường Tè, tỉnh Lai Châu; khu vực Kỳ Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, tỉnh Nghệ An; khu vực thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình; khu vực Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi; khu vực Quỳnh Nhai, Yên Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên, tỉnh Sơn La; khu vực Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá.

* Ngày 3-5-2012, với tinh thần dũng cảm và trách nhiệm, các lực lượng chức năng đã tập trung nhân lực và phương tiện để chữa cháy tại rừng đặc dụng phía Nam đèo Hải Vân.

Suốt đêm ngày 2 đến rạng sáng ngày 3-5; đám cháy rừng ở Nam đèo Hải Vân thuộc đồi 300, tiểu khu 11 địa phận phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã được các lực lượng chức năng dập tắt. Theo ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng Ban phòng chống cháy rừng quận Liên Chiểu thì thống kê sơ bộ tổng diện tích rừng bị cháy là khoảng 100 ha, trong đó rừng trồng chiếm 4 ha còn lại là rừng lau lách. Khoảng 7 giờ 30 ngày 3-5, các lực lượng chữa cháy gồm hơn 1.000 người đã được lệnh rút xuống núi, chỉ để lại một đại đội bộ đội và lực lượng kiểm lâm ở lại để thường trực.

Theo ông Phan Phạm Văn Rộng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu, nguyên nhân gây cháy ban đầu được xác định có thể do bom mìn sót lại trong chiến tranh phát nổ bởi vào khoảng 14 giờ ngày 2-5 đã có một tiếng nổ lớn phát ra trong rừng, sau đó ngọn lửa đã bùng phát. Trong quá trình khống chế đám cháy cũng đã xảy ra 3 vụ nổ khác song không gây thương tích cho lực lượng chữa cháy rừng. Do đám cháy xảy ra trên địa hình đồi núi cao nên các lực lượng đã tiến hành phát quang tạo thành các đường băng ngăn lửa lây lan ra các vùng khác.

** Trước đó, ngày 2-5-2012, tại Bắc Giang cũng đã xảy ra 1 vụ cháy rừng trên địa bàn 2 thôn cùng có tên là Hàm Long, xã Yên Lư và Tiền Phong thuộc huyện Yên Dũng, ước khoảng từ 4-6 ha rừng trồng, chủ yếu là các cây thông, keo, bạch đàn… có tuổi chừng 10 năm và đường kính từ 10 – 20 cm mỗi cây. Ngay sau khi phát hiện ra đám cháy, các lực lượng chức năng và chính quyền, nhân dân các xã đã tích cực triển khai các biện pháp dập lửa, ngăn chặn, chữa cháy rừng. Vụ cháy rừng đã làm ông Dương Văn Tuấn, sinh năm 1962 ở thôn Hàm Long, xã Tiền Phong thiệt mạng khi đang tham gia chữa cháy.

Cùng ngày 2-5, một ngọn lửa bất ngờ bùng lên và nhanh chóng lan tràn trên các đồi núi đã thiêu rụi khoảng 60 ha bạch đàn, thông, keo tại cánh rừng thộc địa bàn thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc khiến người dân địa bàn lân cận hoang mang hoảng sợ. Đây là một vụ cháy lớn nhất ở xã Ngọc Thanh. Theo bà con nơi đây, khoảng hơn 11 giờ, bà con đã phát hiện thấy ngọn lửa bùng cháy, nhanh chóng lan tỏa sang các đồi, núi lân cận tàn phá khu rừng. Người dân ở các triền đồi, núi đang sống trong cái nắng nóng gay gắt khi thấy ngọn lửa như bủa vây đã khá hoảng sợ bởi có thể ảnh hưởng đến sinh mạng, cửa nhà... Họ đã nhanh chóng thông báo cho chính quyền địa phương để cứu rừng, chữa cháy cho rừng.

Ngay sau khi nhận được tin, Vĩnh Phúc đã điều động hàng trăm người có mặt tại hiện trường và ra sức dập lửa, khống chế ngọn lửa. Do thời tiết nắng nóng lại có gió lớn, xe chữa cháy, phương tiện hiện đại không vào được nơi cháy do đó công tác dập đám cháy khá khó khăn, đến hơn 21 giờ vụ cháy cơ bản đã được dập tắt. Tuy vậy lửa vẫn còn ở các gốc cây, thân cây gỗ lớn, đặc biệt lửa cũng lan sang khu rừng thuộc phía huyện Sóc Sơn (Giáp với xã Ngọc Thanh- Phúc Yên- Vĩnh Phúc) và tàn phá hàng chục ha rừng ở địa phương này. Như vậy, cả Vĩnh Phúc và Hà Nội đã bị cháy cả trăm ha rừng trong vụ hoả hoạn này. Hiện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, làm tốt công tác bảo vệ rừng. Đồng thời điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ cháy rừng nêu trên.

*** Tại Bắc Kạn, chỉ trong vòng một tuần qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ cháy rừng. Đặc biệt, chỉ trong ba ngày 1 đến ngày 3-5 đã có 16 vụ cháy, số diện tích rừng cháy trong hai ngày 2 và 3-5 chưa thống kê được số liệu. Ước tính của Chi cục kiểm lâm Bắc Kạn, số rừng trồng, rừng tự nhiên bị cháy phải hàng chục hecta, số còn lại chủ yếu là rừng lau lách. Theo ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn), đây là thời kỳ người dân đang tập trung đốt thực bì để chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới, gặp thời tiết nắng to, hanh khô nên lửa bốc to đã lan sang các cánh rừng lân cận. Năm nay, toàn tỉnh Bắc Kạn sẽ trồng gần 14.000 ha rừng, nhưng nếu tình trạng cháy rừng cứ diễn ra phức tạp như hiện nay, thì việc đốt thực bì để trồng rừng mới, đốt luôn cả những cánh rừng tự nhiên, những cánh rừng đã trồng được 3-7 năm tuổi quả là rất đáng tiếc.

**** Trước tình trạng nắng nóng, khô hạn gay gắt những ngày qua, ngày 3-5-2012, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã có Công điện khẩn số 08/CĐ-BNN yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có rừng chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Theo Công điện, mấy ngày qua, nắng nóng, khô hạn gay gắt, nguy cơ cháy rừng cao trên diện rộng, ở nhiều địa phương đã xảy ra cháy rừng như Hà Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi… gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời gian tới nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao. Do vậy, các tỉnh, thành phố có rừng cần đôn đốc, kiểm tra các chủ rừng thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo Chỉ thị số 270/2010/CT-TTg ngày 12/10/2010 về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng và Công điện số 300/CĐ-TTg ngày 6/3/2012 về việc phòng cháy, chữa cháy rừng của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức kiểm tra, rà soát phương án và các biện pháp triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức thường trực 24/24h; bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm; không để phát sinh nguồn lửa; phát hiện sớm điểm cháy và chỉ đạo quyết liệt huy động các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời.

Các địa phương cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Tổng cục Lâm nghiệp tại địa chỉ Website: kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng; báo cáo ngay khi phát sinh cháy rừng về Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo số điện thoại 098 666 8 333 để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cháy lớn.

Theo thống kê sơ bộ của Cục Kiểm lâm, trong quý I năm 2012, cả nước có hơn 310 ha rừng bị cháy, trong đó các tỉnh, thành có diện tích rừng bị cháy cao gồm: Lào Cai với gần 87,6 ha rừng bị cháy; Sơn La (62,13 ha); Hà Giang (83,1 ha); Điện Biên (19,32 ha)../.