Kết quả bước đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Gia Lai
Những năm qua, ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khá toàn diện, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn được chú trọng theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề; khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và những lợi thế của từng vùng. Lĩnh vực trồng trọt được chú trọng đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thị trường tiêu thụ và có lợi thế cạnh tranh. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường; công tác nghiên cứu và triển khai chọn lọc một số giống mới bổ sung vào danh mục giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Thực hiện có hiệu quả các dự án: Chuyển đổi cơ cấu giống lúa ở Ayun Pa, Đăk Đoa, Pleiku, dự án trồng chè cành mới ở Biển Hồ, Bàu Cạn giai đoạn 2002 - 2010, dự án trồng điều ở Kông Chro; các dự án chăn nuôi lợn nạc, lai cải tạo đàn bò, đàn dê,… Phát triển chăn nuôi theo hướng tăng tổng đàn, nâng thể trọng, chất lượng và tỷ lệ bò thịt, bò sữa, lợn lai, từng bước tạo cơ sở cho công nghiệp chế biến phát triển. Việc phát triển giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật thâm canh để giải quyết vấn đề an toàn lương thực và phát triển các loại cây công nghiệp được quan tâm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc cải tạo giống, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiến bộ được chú trọng đúng mức. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào các khâu sản xuất, chăm sóc nên năng suất các loại cây trồng, vật nuôi của tỉnh tăng đáng kể; năng suất lúa cả năm tăng từ 32,7 tạ/ha (năm 2001) lên 46 tạ/ha (năm 2011); năng suất ngô tăng từ 30 tạ/ha lên 40,9 tạ/ha; năng suất sắn (củ tươi) từ 99 tạ/ha lên 160,5 tạ/ha; năng suất cà-phê (nhân) từ 13,6 tạ/ha lên 19,6 tạ/ha... Với mục tiêu từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, ngành nông nghiệp hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn các cây công nghiệp, nông nghiệp mũi nhọn có giá trị kinh tế cao, như cao-su, cà-phê, chè, hồ tiêu, mía, lúa nước, sắn, ngô lai... Công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản của tỉnh được chú trọng; thành công của thương hiệu hồ tiêu Chư Sê đã mở rộng cánh cửa cho ngành nông nghiệp Gia Lai tiếp tục xây dựng thương hiệu đối với một số mặt hàng có chất lượng, mang tích chất đặc trưng vùng miền của tỉnh, như khoai lang Lệ Cần, gạo tám thơm Pờ Tó...
Cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh và chiếm tỷ lệ ngày càng cao, đặc biệt tại các vùng cây công nghiệp tập trung, như cao-su, cà-phê, chè, thuốc lá, mía, lúa nước hai vụ. Tỷ trọng cơ giới ngày càng lớn trong các khâu làm đất, tưới tiêu, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển… Các ngành cơ khí được chú trọng, nhất là cơ khí sửa chữa nông cụ phục vụ cho cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất chế biến nông sản. Việc nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài, công nghiệp cơ khí được quan tâm đầu tư. Từ năm 2003 đến nay tỉnh đã nhập khẩu 19 máy gặt lúa, 43 máy làm đất các loại (trong đó có 25 máy làm đất mía), 3 máy gặt đập liên hợp và nhiều máy chế biến cà-phê, mủ cao-su, tiêu, điều... Đồng thời, tỉnh cũng đẩy nhanh các hình thức hợp tác để tăng tỷ trọng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giảm tỷ trọng lao động phổ thông, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại. Kinh phí đầu tư cho sự nghiệp khoa học và công nghệ từ ngân sách tỉnh và của các tổ chức cá nhân tăng dần qua từng năm. Tổng kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2001 - 2010 hơn 45.230 triệu đồng (trong đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ trung ương là 5.300 triệu đồng). Hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến xã được củng cố, phát triển, các trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, các trạm nghiên cứu, trung tâm ứng dụng chuyển giao công nghệ được đầu tư và là cầu nối gắn kết khoa học với sản xuất, trực tiếp thực hiện chức năng chuyển giao khoa học, công nghệ đến tận tay người nông dân. Đến nay, toàn tỉnh có 243 cán bộ kỹ thuật, cán bộ làm công tác khuyến nông từ tỉnh đến xã thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc”, từ đó đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, qua đó, đời sống của nông dân đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, từng bước thoát nghèo bền vững.
Phát triển công nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn với vùng nguyên liệu theo quy hoạch được chú trọng, công nghệ chế biến sau thu hoạch, chế biến sâu được quan tâm, trước hết là công nghiệp chế biến nông, lâm sản, giảm tình trạng xuất, bán sản phẩm sơ chế, tăng hàng hóa nông sản đã qua chế biến có giá trị cao. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 nhà máy và cơ sở chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, như các nhà máy chế biến mủ cao su, đường, cà-phê, tinh bột sắn, hạt điều, tiêu… Phần lớn sản phẩm có sản lượng tăng hằng năm do nâng công suất hoạt động hoặc do nhu cầu thị trường (nhà máy đường kết tinh năm 2011 tăng gấp 2 lần năm 2010, nhà máy chế biến tinh bột sắn tăng 89,4%, chế biến tiêu trắng và tiêu đỏ ở huyện Chư Sê theo quy trình chế biến mới, nâng cao giá trị xuất khẩu so với hạt tiêu đen). Công tác khuyến công đã đem lại hiệu quả tích cực trong đào tạo nghề, truyền nghề, khôi phục và đào tạo nghề truyền thống gắn với nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, làng nghề cho người dân, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số, như làng nghề nhạc cụ truyền thống, dệt thổ cẩm, mây tre đan, hàng thủ công mỹ nghệ… góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân khu vực nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng ở nông thôn được quan tâm đúng mức. Bằng nhiều nguồn vốn đã đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, vốn ngân sách địa phương cùng nguồn vốn hàng tỉ đồng và hàng chục vạn ngày công của nhân dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Hệ thống giao thông nông thôn được coi trọng, trong 3 năm đã xây dựng mới 124km và nâng cấp 938,36 km đường giao thông, xây dựng 10 cầu bê-tông cốt thép, với tổng kinh phí là 783,61 tỉ đồng. Đến nay, 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã vào mùa khô. Hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp; trong 3 năm qua, đã đầu tư xây dựng mới 43 công trình, nâng tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh lên 313 công trình (trong đó có 98 hồ chứa, 176 đập dâng, 39 trạm bơm), đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho 48.400 ha cây trồng các loại (26.000 ha lúa, 14.000 ha rau, màu và cây công nghiệp), góp phần hạn chế được thiệt hại do hạn hán gây ra. Thực hiện dự án cấp điện cho 326 thôn, buôn chưa có điện giai đoạn I thuộc 113 xã của 15 huyện, thị xã, thành phố, đến cuối năm 2010, 100% số thôn, buôn đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Mạng lưới chợ nông thôn ngày càng phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đều tăng qua các năm. Dịch vụ nông thôn phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nông dân.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đặc biệt quan tâm. Các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới ở tỉnh được thể hiện rõ trong nghị quyết đại hội đảng bộ 3 cấp (từ tỉnh đến xã). Sau gần 2 năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới, mô hình nông thôn mới của tỉnh đang dần được hình thành. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có 45 xã và đến năm 2020 có 100 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đổi mới và xây dựng các hình thức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả quan trọng ở các vùng nông thôn.
Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện, công tác giảm nghèo đã đạt nhiều tiến bộ, thu nhập của nông dân, nhất là những hộ nông dân nghèo ngày càng được nâng cao. GDP bình quân đầu người đạt 19,5 triệu đồng/năm (tương đương 928 USD, tăng 19,8% so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) của tỉnh giảm nhanh, từ 18,12% năm 2008 xuống 10,82% năm 2010 (theo tiêu chí mới là 27,56%); năm 2011, có trên 10.000 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 24,06% (theo tiêu chí mới); các chỉ tiêu giáo dục, đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở, nước sạch... được nâng cao.
Mặc dù đạt được nhiều thành quả quan trọng, nhưng trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn hạn chế, như nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về vai trò của nông nghiệp, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ chế, chính sách đã ban hành còn thiếu đồng bộ nên chậm đi vào cuộc sống. Chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp chưa cao. Kết cấu hạ tầng nông thôn (đặc biệt là đường giao thông) chưa đáp ứng được yêu cầu, việc xã hội hóa, huy động các nguồn vốn còn thấp. Việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả triển khai chậm, nhất là đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, đổi mới quản lý các nông, lâm trường quốc doanh, thu hút đầu tư tư nhân. Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn. Các hợp tác xã hoạt động còn yếu, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp.
Phát huy những thành quả đã đạt được, trong giai đoạn tới, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp đoàn kết, nỗ lực hơn nữa đưa nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển, góp phần tạo thế và lực mới để Gia Lai đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước mắt tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Một là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục triển khai thực hiện một cách đồng bộ những chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với khoa học - công nghệ; phát hiện, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; phát động phong trào sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trong toàn tỉnh, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu cùng với cả nước tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Hai là, đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện xã hội hóa hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, cá nhân tham gia nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là trên các lĩnh vực giống, công nghệ chế biến sau thu hoạch, chế biến sâu một số sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh, như: cao su, cà-phê, hạt tiêu... Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nâng cao dân trí; đa dạng hóa các hình thức đào tạo. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công từ tỉnh đến xã. Có chính sách đưa cán bộ khoa học - kỹ thuật về cơ sở, giúp người dân hiểu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất, thực hiện các chương trình, dự án ở nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, tăng cường cải thiện điều kiện học tập, nâng cao trình độ sản xuất, tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đổi mới, nâng cao hiệu quả của các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là phát triển hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai của các nông, lâm trường.
Bốn là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn; tăng cường quản lý và xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch; hình thành các vùng kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, gắn với nhu cầu của thị trường. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giảm dần lao động phổ thông.
Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Bổ sung nhân lực và tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội ở nông thôn./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Lắng nghe ý kiến cử tri để hoạt động phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn  (03/05/2012)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm và làm việc tại Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh  (03/05/2012)
Kinh tế châu Á vẫn phụ thuộc vào các nền kinh tế bên ngoài châu lục  (03/05/2012)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay