Trả giá mới cho cơ hội mới

Phan Lang
07:04, ngày 25-02-2012

TCCSĐT - Gói cứu trợ tài chính mới được Bộ trưởng tài chính các nước thành viên EU sử dụng đồng tiền chung euro (Nhóm Euro) nhất trí thông qua đã giúp Hy Lạp trước mắt không bị vỡ nợ. Với khoản tiền mới có được là 130 tỉ euro, Hy lạp có được cơ hội mới để thóat ra khỏi khủng hoảng và gượng dậy sau khủng hoảng. Nhưng liệu có được như vậy không thì lại là chuyện khác vì hiện chưa ai trù liệu hết được tác động của cái giá mà Hy lạp đã phải trả để đổi lấy cơ hội này.

Lần đầu tiên trong lịch sử liên kết tiền tệ của EU có chuyện các thành viên phải bỏ ra nhiều tiền đến vậy để cứu thành viên khác không bị phá sản và đồng thời các chủ nợ của một thành viên Nhóm Euro xóa một phần nợ cho thành viên ấy. Mục tiêu được đề ra là giúp Hy Lạp lành mạnh hóa được nền tài chính ngân sách cho tới năm 2020 và từ năm 2014 lại tự có thể vay tiền được từ thị trường tài chính.

Vậy là gói cứu trợ mới này bao gồm hai phần: phần được các chủ nợ xóa nợ và phần viện trợ tài chính từ EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Hiện tại, Hy Lạp vay nợ khoảng 200 tỉ euro ở các nhà đầu tư và tài chính tư nhân dưới dạng trái phiếu nhà nước của Hy Lạp như các ngân hàng, hãng bảo hiểm, công ty đầu tư tài chính, chính phủ các nước khác.... Theo thỏa thuận trong gói cứu trợ này, các chủ nợ sẽ xóa 53,5% số nợ, phần còn lại được chuyển thành trái phiếu của Hy lạp và của Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) với lãi suất mới và thời hạn mới. Xóa một phần nợ như thế và viện trợ tài chính từ EU, ECB và IMF sẽ giúp Hy Lạp trang trải được mọi khoản nợ cần trang trải trong thời gian tới.

Kế hoạch là như vậy. Và cơ hội cho Hy lạp khởi đầu mới về tài chính đã được mở ra nhưng tính khả thi của gói cứu trợ hiện là cái quyết định mà lại chưa được đảm bảo. Chưa biết liệu tất cả các chủ nợ của Hy lạp có chấp nhận xóa bớt nợ cho Hy lạp hay không và chưa biết liệu chính phủ Hy Lạp có thực hiện đầy đủ những điều kiện được đặt ra cho Hy lạp hay không nhưng những điều kiện đó là tăng thu thuế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải tổ hệ thống lương hưu, giảm lương và giá cả, tiếp tục tư nhân hóa tài sản của nhà nước (cho tới năm 2015 phải thu về được ít nhất 19 tỉ euro), cắt bỏ 150.000 biên chế nhà nước, giảm 15% lương và thu nhập...

Tất cả những điều kiện ấy liên quan tới giới kinh tế và người dân, là chuyện đồng thuận hay phân cực trên chính trường, gắn kết hay phân hóa trong nội bộ xã hội. Thêm vào đó, Hy lạp sẽ mất chủ quyền trên thực tế cho EU về phương diện chính sách tài chính và ngân sách. Đó là cái giá rất đắt về mọi phương diện đối với Chính phủ và người dân ở Hy lạp. Không phải họ không biết điều đó nhưng họ đâu còn sự lựa chọn nào khác. Không chỉ có thuốc đắng mới dã tật mà còn có một thực tế là làm gì có ai được giúp mà chẳng phải làm gì./.