Tập trung thực hiện những quyết sách của Đảng về bảo vệ tài nguyên và môi trường trong tình hình hiện nay

Nguyễn Minh Quang Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
23:37, ngày 24-02-2012
TCCS - Đại hội XI của Đảng đã bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và nhiều văn kiện quan trọng khác. Với chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, những quyết sách mang tính chiến lược của Đảng về tài nguyên và môi trường mở ra cơ hội to lớn để ngành tài nguyên và môi trường nâng tầm đóng góp, tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Những quyết sách của Đảng về tài nguyên và môi trường 

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, tài nguyên và môi trường luôn được coi là nguồn nội lực đặc biệt quan trọng, là điều kiện cần để phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, Đảng ta nhấn mạnh, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch. Coi trọng nghiên cứu, dự báo và thực hiện tốt các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên. Quản lý, bảo vệ, tái tạo và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia. Đặc biệt chú trọng phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đảng ta đề ra những quyết sách gắn nhiệm vụ bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm lộ trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. Khắc phục suy thoái, khôi phục và nâng cao chất lượng môi trường. Thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng; tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên. Khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm môi trường và cân bằng sinh thái. Đảng ta nhấn mạnh, công tác bảo vệ môi trường phải là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Trong tình hình hiện nay, tình trạng khan hiếm các loại nguyên liệu, năng lượng do sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo được, đòi hỏi con người phải tìm kiếm các dạng nguyên liệu, năng lượng mới, bảo đảm phát triển bền vững. Do đó, quan điểm của Đảng ta là hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, tiêu hao nhiều năng lượng; không chấp nhận những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Coi phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

Giữ gìn tài nguyên và môi trường là một tiêu chí quan trọng trong sản phẩm kinh tế, nhất là sản phẩm xuất khẩu; một yếu tố của hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành, an toàn. An ninh sinh thái là một bộ phận của an ninh quốc gia. Bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh sinh thái là góp phần giữ vững và tăng cường an ninh quốc gia. Vì vậy, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, khó khăn mang tính toàn cầu; là yếu tố bảo đảm ổn định chính trị và an ninh quốc gia, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ, đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ: Thành công của công tác bảo vệ môi trường là giải quyết tốt hàng loạt mâu thuẫn giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, cục bộ và tổng thể. Công tác này đòi hỏi phải tập trung, kiên trì giải quyết một cách hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, tiến hành đồng bộ các biện pháp một cách thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao nhất. Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đòi hỏi phải thay đổi từ thói quen, nếp nghĩ, tâm lý đến hành động của từng người, cộng đồng, của từng quốc gia và toàn thế giới. Chính những điều đó hình thành nên đạo đức và nhân văn môi trường và là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh trong thời đại mới.

Kết quả và mục tiêu phấn đấu

Nhận thức sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, thời gian qua, ngành tài nguyên và môi trường đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường. Thực tế cho thấy, môi trường luôn được quan tâm bảo vệ và gìn giữ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tài nguyên đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần xóa đói, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu về mặt bằng, không gian, nguồn lực đầu vào cho các ngành kinh tế, tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước để tái đầu tư phát triển. 

Nhận thức về bảo vệ môi trường trong các cấp, các ngành và nhân dân đã được nâng lên. Việc phòng ngừa, khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường được quan tâm và đạt một số kết quả tích cực. Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có tiến bộ. Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu bước đầu được triển khai và đạt kết quả nhất định. Chúng ta đã có nhiều cố gắng để ngăn chặn nạn phá rừng, tăng độ che phủ rừng lên 39% diện tích lãnh thổ. Những thành tựu đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng phải thừa nhận một thực tế là, việc xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn chậm, thực hiện chưa nghiêm, hiệu lực, hiệu quả thấp. Môi trường ở nhiều nơi tiếp tục bị xuống cấp, ở một số nơi đã đến mức báo động. Chưa chủ động nghiên cứu, dự báo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; hậu quả của thiên tai còn nặng nề. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác tràn lan, quá mức, thiếu sự kiểm soát. Công tác bảo vệ môi trường đang đứng trước nhiều thách thức mới. Những vấn đề bức xúc về môi trường là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vẫn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tư duy coi trọng tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ trách nhiệm bảo vệ môi trường vẫn còn phổ biến. Đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Thể chế và hệ thống tổ chức quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, thiếu nhân lực, nhất là ở các địa phương. Khâu tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém. 

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nêu rõ mục tiêu chiến lược 2011 - 2020 là: Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược. Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt bình quân 7% - 8%/năm. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 - 3.200 USD. Đến năm 2020, có một số lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; cải thiện chất lượng môi trường; chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng… Đảng ta cũng đề ra những mục tiêu cụ thể: Đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt 45% (kể cả diện tích cây công nghiệp lâu năm); hầu hết dân cư thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị xử lý chất thải; trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường. Các đô thị loại 4 trở lên và tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn; cải thiện và phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm nặng. Chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, trước tiên đối với các vùng dễ bị ảnh hưởng, các vùng ven biển.

Giải pháp thực hiện

Ngành tài nguyên và môi trường là ngành kinh tế - kỹ thuật đa lĩnh vực, đang giúp Chính phủ thống nhất thực hiện các nhóm nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Để thực hiện thành công các quyết sách của Đảng trong tình hình mới, cần tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ chính sau: 

Một là, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nâng cao năng lực dự báo thời tiết, thiên tai đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các ngành, các cấp và toàn xã hội. Xác định điều tra cơ bản phải đi trước một bước để cung cấp hạ tầng thông tin kỹ thuật về tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Nhà nước đã ưu tiên đầu tư đẩy mạnh công tác điều tra địa chất khoáng sản, đo đạc địa hình, địa chính, hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, môi trường, nâng cao năng lực dự báo thời tiết, thiên tai, v.v.. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại, trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế. Vì vậy, cần có hướng tiếp cận phù hợp trong từng giai đoạn phát triển, lựa chọn ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm để thực hiện. Trước hết tập trung điều tra, đo đạc, quan trắc hoàn thiện hạ tầng thông tin kỹ thuật nền, tiếp đến ưu tiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu bức thiết của cuộc sống. Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần đổi mới toàn diện cách thức tổ chức thực hiện, công nghệ, thiết bị theo hướng đi thẳng vào ứng dụng công nghệ tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin. Đồng thời chuẩn hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, đồng bộ theo hướng hội nhập, phát huy nội lực và tranh thủ hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế.

Hai là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên, bảo đảm các nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản được khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung hoàn thiện thể chế, tạo lập thị trường đất đai lành mạnh trên nguyên tắc đất đai là công thổ quốc gia và là tư liệu sản xuất chủ yếu của nông dân. Nhà nước và người giao lại quyền sử dụng ruộng đất phải là những đối tượng hưởng lợi chủ yếu từ việc chuyển giao quyền sử dụng đất. Đây là nguyên tắc cơ bản để hình thành chính sách và thị trường đất đai. Sớm đánh giá đầy đủ, toàn diện tiềm năng thực tế của các nguồn nước mặt, nước ngầm, kết hợp dự báo sớm diễn biến nguồn nước. Đồng thời với việc thực hiện quản lý nhu cầu, cần hạn chế dần tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả. Chuyển mạnh sang cơ chế quản lý tổng hợp theo lưu vực, khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, giải quyết các vấn đề về nước trên cơ sở xem xét tổng thể trên toàn lưu vực. Thực hiện nguyên tắc khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải trả tiền, kết hợp đổi mới cơ chế cấp phép, giám sát, kiểm tra bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Nâng cao chất lượng quy hoạch khai khoáng, điều chỉnh phân cấp quản lý, thực hiện cơ chế đấu giá trong khai thác khoáng sản, hạn chế xuất khẩu thô, tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong khai thác, chế biến, thúc đẩy chế biến sâu, tăng cường dự trữ đối với một số loại khoáng sản chiến lược, đẩy mạnh áp dụng các cơ chế, công cụ kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường trong quản lý hoạt động khoáng sản, tăng thu ngân sách,... 

Ba là, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước hết, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường phải thực chất, không để phát sinh thêm các nguồn gây ô nhiễm mới. Xử lý nghiêm, triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là các cơ sở gây ô nhiễm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học để gìn giữ các giá trị của thiên nhiên, bảo đảm cân bằng sinh thái ở mức ổn định là một trong những nội dung quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Các hệ sinh thái tự nhiên có tính đặc thù, đại diện, các loài quý, hiếm có giá trị phải được bảo vệ, đặc biệt là các loài bị đe dọa tuyệt chủng, các nguồn gen quý phải được bảo tồn theo quy định của Luật Đa dạng sinh học. Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực trên nhiều mặt, đặt ra yêu cầu phải có sự chủ động ứng phó với tầm nhìn bao quát và dài hạn. Cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, cụ thể hóa kịch bản theo vùng, miền, kết hợp quan trắc, dự báo các tác động của biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu. Chú ý lồng ghép, cân nhắc yếu tố biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, vùng, miền.

Bốn là, hoàn thiện, vận hành thông suốt cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất biển, hải đảo. Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, các hoạt động khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế biển ngày càng được đẩy mạnh đặt ra yêu cầu quản lý tổng hợp và thống nhất biển, đảo. Đây là nhiệm vụ phát sinh trong tình hình mới nên còn nhiều thách thức, lúng túng trong tiếp cận và tổ chức thực hiện. Vì vậy, cần sớm hoàn thiện cơ chế quản lý trên cơ sở xác định rõ đối tượng, biện pháp, công cụ quản lý và vận hành thông suốt trên thực tế. Điều tra, thu thập thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của biển theo hướng tổng hợp và thống nhất. Quy hoạch không gian phát triển theo hướng mở ra biển, dựa trên các đặc tính sinh thái của các vùng biển, kết nối các hoạt động trên biển với không gian phát triển vùng ven biển và vùng nội địa, liên kết trong tầm nhìn khu vực và toàn cầu. Phục hồi, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên ven biển, bảo vệ các thảm cỏ biển, rạn san hô, các khu vực có đa dạng sinh học cao. Thiết lập hệ thống các khu bảo tồn biển, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát nguồn ô nhiễm từ đất liền và nguồn ô nhiễm phát sinh trên biển theo hướng tiếp cận tổng hợp và thống nhất.

Năm là, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường. Xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội thông qua các dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường; xây dựng mới theo hướng thiết lập cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, luật hóa các chủ trương, chính sách mới của Đảng, mở ra khả năng để đưa quản lý tổng hợp vào các lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Làm rõ phạm vi điều chỉnh, khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật trên các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, giữa các lĩnh vực tài nguyên và môi trường với các lĩnh vực khác. Kiện toàn, nâng cao năng lực thực hiện của các cơ quan tham mưu cho chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, bảo đảm các quy phạm pháp luật trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường được tôn trọng và thực hiện.

Sáu là, đẩy mạnh cơ chế phát huy nguồn lực tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Từng bước hình thành các yếu tố thị trường, quan hệ thị trường, môi trường pháp lý thuận lợi cho việc vận dụng các nguyên tắc, quy luật, cơ chế, công cụ dựa trên thị trường trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trước hết là đổi mới cách làm, khắc phục lối tư duy không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thiết lập cơ chế định giá, lượng giá, hạch toán tài nguyên và các giá trị của môi trường theo cơ chế thị trường. Áp dụng các công cụ kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách trên nguyên tắc “hưởng lợi từ tài nguyên và môi trường phải chi trả”, “gây ô nhiễm phải khắc phục, cải tạo”. Hình thành và vận hành thông suốt các loại thị trường trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường;...

Bảy là, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính công minh bạch, hiệu quả. Rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp. Giảm bớt quy trình, đơn giản hóa các thủ tục, cải tiến phương pháp, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thường xuyên tổ chức tọa đàm, trao đổi, giao lưu trực tuyến, gặp mặt trực tiếp để nắm bắt tình hình và giải quyết các vướng mắc, thắc mắc của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế cung cấp dịch vụ công, cải tiến hoạt động của các văn phòng “một cửa”; áp dụng rộng rãi hình thức đăng ký, chứng nhận, cấp giấy phép qua mạng thông tin điện tử. Hình thành các cơ chế phối hợp, tổ công tác theo nhóm nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính. Thực hiện điều tra, thăm dò thường xuyên về các vấn đề xã hội, những bức xúc trong nhân dân để có các biện pháp xử lý, giải tỏa kịp thời và hiệu quả.

Với quan điểm liên kết các lĩnh vực để tạo nên sức mạnh tổng hợp, tập trung nguồn lực cho các đột phá, khai thông các điểm nghẽn nhằm nối đà phát triển trên cơ sở đẩy mạnh cơ chế phát huy nguồn lực tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quản lý tổng hợp, ứng dụng công nghệ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngành tài nguyên và môi trường quyết tâm thực hiện thành công các chủ trương, quyết sách của Đảng trong tình hình mới, phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước./.