Đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc trong các lễ hội mừng xuân Nhâm Thìn
* Đêm 5-2 (tức 14 tháng Giêng năm Nhâm Thìn), Lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) năm 2012 đã chính thức khai mạc. Tham dự có Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và hàng nghìn du khách thập phương. Đây là năm đầu tiên lễ hội này được tổ chức theo kịch bản mới do Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT-DL, UBND thành phố xây dựng và được Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt.
Đúng 22h00, kiệu ấn được các cụ cao niên, đại diện các tầng lớp nhân dân phường Lộc Vượng rước từ đền Cố Trạch thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sang đền Thiên Trường, nơi đặt bài vị của 14 vị vua Trần. Sau bài diễn văn ngắn gọn của lãnh đạo UBND thành phố ca ngợi công lao to lớn của vương triều Trần và nhấn mạng ý nghĩa của tục lệ khai ấn xưa, nghi lễ khai ấn được thực hiện gọn nhẹ nhưng hết sức trang nghiêm vào đúng giờ Tý (23 giờ) tại nội cung đền Thiên Trường theo đúng nghi thức truyền thống.
Năm 2012, thời gian phát ấn (thống nhất một loại bằng giấy) cho du khách thập phương, kể cả các quan khách, đại biểu khách mời được ấn định từ 7 giờ sáng ngày 15 đến hết tháng Giêng. Trong các ngày 15 và 16 tháng Giêng, Ban tổ chức sẽ tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật truyền thống như múa lân, rồng, sư tử, hát chèo, chầu văn, thi kéo cờ, đấu võ, đấu vật bên ngoài cổng Ngũ Môn đền Trần.
* Ngày 5-2, lễ hội đền Thượng, đền Trung, đền Hạ tưởng nhớ công đức của Thánh Tản Viên (Sơn Tinh) - vị thánh đứng đầu trong "Tứ bất tử" theo quan niệm dân gian của người Việt đã được khai hội tại đền Hạ, xã Minh Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội) với sự tham dự của đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương.
Lễ hội diễn ra trong không khí linh thiêng và trang trọng; đảm bảo gần như nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống. Ngoài phần lễ Thánh; lễ hội còn khơi dậy những nét văn hóa bản địa đặc trưng như màn biểu diễn cồng chiêng của các chàng trai, cô gái bản Mường; các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy...
* Ngày 5-2 (tức 14 tháng giêng Âm lịch - năm Nhâm Thìn) tại thành phố mới Bình Dương đã diễn ra Đại hội Lân Sư Rồng Becamex lần thứ VI do Tổng công ty Becamex IDC tổ chức. Đại hội qui tụ 400 con Lân, Sư, Rồng của gần 50 đoàn Lân Sư Rồng của các tỉnh, thành trong cả nước tham gia với khoảng 3.000 vận động viên biểu diễn các tiết mục đặc sắc, hấp dẫn và ngoạn mục.
Đây là Đại Hội múa Lân Sư Rồng lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Bình Dương. Các tiết mục đồng loạt được biễu diễn trên các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Hoàn, Chùa Bà và Chùa Hội An tại trung tâm thành phố mới Bình Dương phục vụ hàng chục ngàn người dân địa phương và khách thập phương thăm viếng Chùa Bà, Chùa Hội An trong dịp xuân Nhâm Thìn.
Trước đó, từ ngày 31-1 đến ngày 5-2 (tức mùng 9 đến 14 tháng Giêng, năm Nhâm Thìn), mỗi ngày từ 18 giờ đến 20 giờ tại thành phố Bình Dương cũng đã diễn ra các hoạt động biểu diễn Lân Sư Rồng mừng xuân mới.
* Ngày 5-2 (tức ngày 14 tháng Giêng), tại xóm Đồng Chùa, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) tưng bừng tổ chức khai mạc Lễ hội xuân Chùa Hang. Đây là lễ hội xuân độc đáo của đồng bào các dân tộc Định Hoá từng được tổ chức từ những năm 1950 của thế kỷ trước nhưng do nhiều lý do khác nhau đã bị gián đoạn, mai một dần. Lễ hội xuân Chùa Hang - Định Hoá năm nay được tổ chức quy mô và hoành tráng nhất từ trước đến nay với ý nghĩa tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng ấm no, hạnh phúc, cây cối tốt tươi, đâm chồi nẩy lộc...
Lễ hội mở đầu bằng nghi lễ dâng hương, hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với đó là màn trống hội rộn rã và rước kiệu từ chùa Hang ra đình Quan đế. Trong phần Lễ, người dân địa phương đã dâng lên những mâm lễ mặn để tạ ơn các vị thần đất, thần sông, thần suối... Phần Hội diễn ra với các trò chơi dân gian đặc sắc mang bản sắc các dân tộc địa phương như: đi khà kheo, ném còn, chọi gà, tung vòng cổ vịt, bắt chạch trong chum, múa sạp... Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia leo núi, khám phá hang sâu và chiêm ngưỡng nhiều thắng cảnh đẹp trong quần thể di tích.
Chùa Hang là một quần thể kiến trúc gồm: Hang Trên, miếu Mẫu, nhà Tam quan, Hang Dưới. Trong hang có nhiều nhũ đá với hình dáng đa dạng. Điểm độc đáo của hang là bên trong có nhiều điểm nước chảy lâu ngày tạo nên những "ruộng cô tiên", có bàn thờ Phật, một tấm bia cổ thời Nguyễn và một quả chuông cổ. Di tích Chùa Hang còn gắn với sự kiện lịch sử, là nơi Bác Hồ từng ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
* Ngày 4-2 (tức 13 tháng Giêng năm Nhâm Thìn) tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, hàng nghìn thanh niên trai tráng không kể trong xã, ngoài làng và cả du khách thập phương trong cả nước đã cùng nhau tranh cướp phết sôi nổi và quyết liệt trong Hội Phết Hiền Quan 2012. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Du lịch về cội nguồn” năm 2012 giữa ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.
Hội Phết Hiền Quan là lễ hội truyền thống hàng năm của xã Hiền Quan, huyện Tam Nông nhằm tưởng nhớ Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng đã có công đánh đuổi giặc xâm lược.
Lễ hội Phết Hiền Quan gồm 4 phần: rước kiệu, tế lễ, kéo quân và đánh phết. Lễ rước kiệu được tiến hành từ chiều ngày 12 tháng Giêng. Trên kiệu là các sắc phong, bài vị, quả phết và quả chúi, được cất giữ trong cung cấm của đình làng từ ngày 10 tháng 10 âm lịch. Sau lễ rước kiệu là phần tế được diễn rất trang trọng tại đình làng Hiền Quan. Sau hết ba tuần rượu tế là đến lễ kéo quân, một nghi lễ tái hiện cảnh nữ tướng Thiều Hoa cổ động tinh thần binh sỹ trước khi xung trận. Sau khi tế lễ tại đền thờ Thiều Hoa công chúa, quả phết được các cụ cao tuổi đưa ra ngoài bãi phết là cánh đồng ngay trước cửa đình (nhiều năm trước, bãi phết là bãi đất trống bên bờ hữu sông Hồng).
Tục truyền của làng Hiền, nếu chẳng may ai đó bị quả phết, quả chúi rơi vào đầu thì chỉ cần đưa người đó vào cung cấm cầu cúng là tai qua, nạn khỏi. Còn ai đó may mắn cướp được quả phết, quả chúi thì cả năm đó, họ và cả gia đình sẽ gặp nhiều may mắn. Còn đối với những thửa ruộng bị quần nát trong những ngày diễn ra Hội Phết thì chủ nhân cũng không cần chăm sóc, cây lúa vẫn phát triển tốt, thu hoạch cao hơn các thửa ruộng xung quanh.
Hội Phết Hiền Quan 2012 đã thu hút khoảng hơn 4 nghìn người dân xã Hiền Quan và vùng lân cận về dự hội và tham gia cướp phết.
* Sáng 3-2 (tức 12 tháng Giêng âm lịch), không ngại thời tiết giá buốt, mưa phùn, hàng nghìn người trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh đã nô nức kéo về Hội Lim (thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) trẩy hội.
Theo Ban tổ chức lễ hội, tại các đình, đền, chùa các làng thuộc các xã: Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim đã tổ chức lễ tế, dâng hương. Tại trung tâm đồi Lim, có 7 chòi hát cùng một sân khấu lớn với hàng trăm "liền anh" khăn xếp áo the, "liền chị" áo mớ ba, mớ bẩy, nón thúng quai thao “đến hẹn lại lên” gặp gỡ đón tiếp khách một cách thân tình, nồng hậu, tinh tế và lịch lãm theo lề lối của người quan họ bằng những lời ca đối đáp trong nhà, trên sân đình, trước cửa chùa hay bồng bềnh trên những thuyền rồng giữa dòng Tiêu Tương hoài cổ và trên các ao, hồ tại các làng vùng Quan họ Lim. Ngoài ra, tại đồi Lim còn diễn ra các trò chơi dân gian như: đu tiên, đập niêu, vật truyền thống, bình thơ, thư pháp, tổ tôm điếm… Bên cạnh đó, tại 12 gia đình nghệ nhân ở làng Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông, thị trấn Lim, Hoài Thị, Hoài Trung, Bái Uyên xã Liên Bão còn diễn ra các canh hát Quan họ.
Sáng 4-2 (tức ngày 13 tháng Giêng âm lịch), tại trung tâm hội Lim diễn ra khai mạc chương trình xác lập kỷ lục hội Lim “Nhiều người mặc trang phục Quan họ và cùng hát dân ca Quan họ Bắc Ninh” với sự tham gia của hơn 3000 liền anh, liền chị.
* Trong hai ngày 1 và 2- 2 (tức mùng 10 và 11 tháng Giêng) tại bến Pá Uôn, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã diễn ra Lễ hội đua thuyền truyền thống vượt sông Đà lần thứ 2 và các môn thể thao dân tộc. Tham gia thi đấu và đua thuyền có 11 đội (trên 527 vận động viên) của các xã trong huyện Quỳnh Nhai và huyện Thuận Châu.
Lễ hội đua thuyền diễn ra sôi nổi ngay bên cầu Pá Uôn (QL 279), cầu vượt hồ Sông Đà có trụ cao nhất Việt Nam (cao 98m, dài 923m). Lễ hội không chỉ thu hút hàng ngàn đồng bào các dân tộc trong huyện, bà con các bản tái định cư trong tỉnh, mà còn có đông đảo nhân dân ở các huyện giáp ranh như Tuần Giáo, Tủa Chùa (huyện Điện Biên), Tân Uyên, Than Uyên (tỉnh Lai Châu) đến xem hội.
Đối với người dân sống hai bên dòng sông Đà thuộc huyện Quỳnh Nhai, chèo thuyền là hoạt động tiêu biểu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vừa thể hiện tinh thần chịu khó trong lao động sản xuất cũng như sự kiên cường, linh hoạt khi đối mặt với thiên nhiên. Nhằm khôi phục, duy trì và phát huy những nét đặc sắc của người dân nơi đây, huyện Quỳnh Nhai đã khôi phục lễ hội đua thuyền truyền thống và tổ chức hàng năm.
Trước khi phần hội chính thức diễn ra, Ban tổ chức lễ hội cùng bà con các dân tộc đã thực hiện nghi lễ dâng hương tại miếu thờ Thần linh và miếu thờ Nàng Han được bà con “đón rước” từ bến Mường Chiên (huyện lỵ Quỳnh Nhai cũ) về. Đây là những vị thần linh thiêng đối với bà con dân tộc Thái vùng thượng nguồn sông Đà.
Bên cạnh lễ hội đua thuyền, các trò chơi mang bản sắc của đồng bào dân tộc nơi đây cũng được tổ chức. Các trò chơi truyền thống như ném còn, thi bắn nỏ, kéo co đã thực sự thu hút người dân. Không chỉ là nơi để bà con vui chơi trong dịp đầu xuân, lễ hội đua thuyền truyền thống năm 2012 tại huyện Quỳnh Nhai còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhân dân các dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó. Đồng thời cổ vũ nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, rèn luyện thể dục thể thao và quảng bá những nét đặc sặc trong văn hóa của người dân nơi đây.
* Sáng 1-2 (tức ngày 10 tháng Giêng), Hội xuân Yên Tử năm 2012 đã chính thức khai mạc tại lễ trường của danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh). Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng đông đảo tăng ni, phật tử, các du khách trong và ngoài nước tham dự. Phó chủ tịch nước đã làm lễ khai ấn, đóng những ấn cầu may đầu tiên của mùa Lễ hội xuân Yên Tử năm 2012.
Lễ khai mạc được mở đầu bằng nghi thức rước lễ long trọng của đoàn hơn 100 phật tử. Tiếp đó là phần biểu diễn nghệ thuật với màn trống hội hoành tráng, đội múa rồng, lân sôi nổi, màn hát múa vui hội đầu xuân do hơn 100 diễn viên địa phương biểu diễn và màn hát kịch “Hào khí non thiêng” của đoàn Chèo Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Văn Long, Bí thư Thành ủy Uông Bí cho biết: Chương trình biểu diễn nghệ thuật và thể thao mang đậm chất dân tộc chính là nét đặc sắc nhất và khác biệt nhất so với nhiều năm trước của Lễ hội xuân Yên Tử năm 2012.
Trước đó, Khu di tích Yên Tử đã được trùng tu, tôn tạo tại các điểm như: chùa Suối Tắm, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng toàn bộ tuyến đường hành hương từ chùa Giải Oan qua các điểm chùa lên đến Chùa Đồng. Ngoài ra, hệ thống cáp treo cũng tiếp tục được nâng cao công suất và số lượng ca bin, đảm bảo vận chuyển khách an toàn, nhanh, thuận tiện.
* Nằm trong khuôn khổ chuỗi lễ hội văn hoá - du lịch xứ Lạng năm 2012, ngày 1-2 (tức ngày mùng 10 tháng Giêng năm Nhâm Thìn), tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức khai mạc lễ hội Xuân Xứ Lạng 2012. Lễ hội đã thu hút sự tham gia của đông đảo lãnh đạo và nhân dân tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo thành phố Sùng Tả, các huyện Ninh Minh, Long Châu, thị trấn Bằng Tường (Quảng Tây - Trung Quốc).
Lễ khai mạc diễn ra trong không khí sôi nổi, ấm tình hữu nghị với các tiết mục văn nghệ đặc sắc của Đoàn nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Đoàn nghệ thuật thị trấn Bằng Tường (Quảng Tây - Trung Quốc), góp phần ca ngợi truyền thống lịch sử, nét đẹp văn hoá của nhân dân hai nước. Qua đó, Lạng Sơn muốn giới thiệu cho khách thập phương, bạn bè trong và ngoài nước về một vùng đất giàu truyền thống cách mạng; nhiều di sản văn hoá, danh lam thắng cảnh và các lễ hội dân tộc. Đây cũng là dịp tỉnh Lạng Sơn thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch bằng nhiều hình thức để tăng cường giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, phát triển ngành thương mại, du lịch và cơ hội đầu tư vào Lạng Sơn.
Từ nay đến hết tháng hai, nhiều địa phương trong tỉnh sẽ tổ chức nhiều lễ hội độc đáo như: Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), Lễ hội Đầu Pháo (thành phố Lạng Sơn), Lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng)...
* Ngày 1-2 ,tại bản Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Lễ hội Lồng Tồng (Hội xuống đồng) thu hút hàng nghìn du khách thập phương từ các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn... tham gia.
Sau màn trống hội tưng bừng và rộn rã, phần lễ quan trọng nhất trong mỗi lễ hội Lồng Tồng được bắt đầu trang trọng với những nghi lễ truyền thống có từ lâu đời như: Lễ cầu mùa, cầu phúc của các dân tộc Tày, Dao, Sán Chay để cầu các thần ban cho nhân dân trong vùng một năm mới mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, bản làng yên vui, no ấm... Kết thúc phần lễ là phần hội với nhiều cuộc thi như: thi giã bánh giày, thi đấu thể thao, thi hát dân ca các dân tộc, thi trang phục dân tộc truyền thống. Ngoài ra, khi đến lễ hội nhân dân và du khách còn được tham gia hoà mình vào các trò hội dân gian như: hội múa lân, hội tung còn, cờ tướng, bịt mắt bắt dê, bắn nỏ, đi cầu thăng bằng, được thưởng thức những điệu then, điệu ví, màn múa rối Tày Thẩm Rộc đặc sắc của các nghệ nhân múa rối xóm Thẩm Rộc, xã Bình Yên.
Ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch huyện Định Hóa - Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: hội Lồng Tồng không chỉ là hoạt động văn hoá tinh thần của nhân dân địa phương mà còn mở rộng giao lưu với các địa phương bạn. Qua đó, khơi dậy bản sắc văn hoá dân gian của đồng bào dân tộc Tày, cũng là dịp để du khách hiểu thêm về ATK Định Hoá - "Ðại bản doanh" cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Vì vậy, việc tổ chức lễ hội còn mang ý nghĩa quảng bá, giới thiệu, đánh thức tiềm năng du lịch lịch sử - sinh thái, một thế mạnh của Ðịnh Hóa nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.
* Ngày 1-2, tại cánh đồng xã Nam Mẫu tưng bừng không khí ngày hội Lồng Tồng. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Ba Bể (Bắc Kạn) cầu mong quanh năm mưa thuận gió hoà, phong đăng hoá cốc, mùa màng tươi tốt... Lễ hội năm nay được tổ chức trong tiết trời se lạnh, không mưa nên thu hút hàng ngàn người từ các huyện, thị trong và ngoài tỉnh đến dự.
Phần lễ được tổ chức long trọng với màn múa lân, rước cỗ, thắp hương, khấn lễ, đánh trống khai hội và hạ cỗ. Phần hội được tổ chức linh đình với màn múa hát chào mừng, tung còn khai hội, thi đấu thể dục thể thao, các trò chơi dân gian như đi cà kheo, bịt mắt đánh trống, ném còn, bắn cung, thi đấu bóng chuyền giữa các xã, thi văn nghệ với nhiều tiết mục đặc biệt của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày Nùng, Sán Chỉ, Hoa, Kinh... Ngoài ra còn có các trò chơi như chọi bò, đua thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể.
Hội xuân Ba Bể kết thúc vào tối ngày 11 Tết với những chương trình văn nghệ, múa hát tập thể giữa thanh niên các dân tộc quanh những đống lửa trại bập bùng với hy vọng mùa màng bội thu, đất trời yên ả, mưa thuận gió hoà.
* Trong 3 ngày 30, 31-1 và 1-2 (tức ngày 8 - 10 tháng Giêng), tại Lăng Ông Duyên Hải (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) lễ hội Nghinh Ông lần thứ I - năm 2012 diễn ra long trọng, thu hút hơn 10 ngàn lượt ngư dân từ khắp nơi về dự lễ.
Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội văn hóa tâm linh của người dân vùng biển. Đây là lễ hội truyền thống của ngư dân ở những nơi có lăng thờ cúng cá Ông. Họ xem cá Ông là ân nhân của mình, là đấng thiêng liêng che chở giúp ngư dân trong những ngày đi biển vì vậy ngay từ ngày đầu khai hội, lễ hội Nghinh Ông Duyên Hải đã thu hút rất đông người dân từ khắp nơi đổ về dự lễ. Trong lễ hội lần đầu tiên được tổ chức tại đây, bên cạnh nghi lễ chính thức, rước vong linh cá Ông từ biển vào lăng để cầu quốc thái dân an, người đi biển có cuộc sống ấm no hạnh phúc còn có các hoạt động ca múa nhạc, sân khấu cải lương, trò chơi dân gian, góp phần làm phong phú thêm cho lễ hội.
Ông Lê Huy Hoàng, Trưởng Ban trị sự lăng Ông Duyên Hải cho biết: Trong ngày thứ hai diễn ra những nghi thức chính thức của lễ hội, từ mờ sáng đông đảo người dân đã tập hợp thành đoàn với cờ, lọng, trống, kèn kéo lên hàng chục chiếc tàu nổ máy tiến thẳng ra biển để làm lễ rước Ông. Tại nơi giao nhau giữa cửa sông và biển, nghi lễ chính thức rước Ông đã được tiến hành, khi tiếng trống hòa với kèn vang lên cũng là lúc tất cả mọi người cùng hướng ra biển để cầu thỉnh vong linh cá Ông về an ngự tại lăng thờ, giúp cho dân chúng miền biển trong năm mới luôn gặp trời yên biển lặng, an tâm lao động sản xuất, cuộc sống ngày thêm trù phú./.
Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria  (06/02/2012)
Nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất  (06/02/2012)
Nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất  (06/02/2012)
Ngày hội thơ diễn ra sôi nổi tại các địa phương  (06/02/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên