Ngày hội thơ diễn ra sôi nổi tại các địa phương
* Tối 5-2, tại Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Ngày hội Thơ Việt Nam lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức. Ngày thơ năm nay với chủ đề “Thành phố 10 mùa thơ”, là dịp để các nhà thơ, người yêu thơ tại thành phố cùng nhau thỏa niềm đam mê thơ ca nước nhà.
Ngày hội thơ diễn ra trong không khí rộn ràng, sôi nổi với sự tham dự của 11 câu lạc bộ thơ trên địa bàn các quận, huyện, các đơn vị thuộc Nhà văn hóa Thanh niên, Cung Văn hóa Lao động, trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và người yêu thơ đến từ các trang web: vanthoviet.com và lucbat.com. Các đơn vị đã dựng và trang trí khu vực trưng bày thơ của từng cá nhân, tập thể với nhiều nét độc đáo và đặc sắc. Đặc biệt, tại Ngày hội thơ còn có thêm một gian thư pháp của Chùa Lá, là nơi trưng bày các tác phẩm thơ được trình bày qua thư pháp cùng một số tiết mục ngâm thơ ca đặc sắc.
Các đơn vị còn tham dự biểu diễn sân khấu hóa thơ, múa quạt ngâm thơ, chuyển thể các điệu chèo từ thơ, đọc thơ trên nền võ dân tộc do võ sư Mã Vĩnh Trinh đảm nhiệm. Ngoài ra, trong Ngày hội thơ, các du học sinh đến từ Anh, Canada đã cùng nhau giao lưu và đọc thơ Việt.
* Tối ngày 5-2 (ngày 14-1 âm lịch), đêm thơ “Nguyên Tiêu nhớ Bác Hồ” do Hội Văn học Nghệ thuật phối hợp Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch và Thư viện tỉnh An Giang tổ chức đã qui tụ 11 tác giả với 11 bài thơ cùng 7 diễn viên tham gia. Nhân dịp này, “Tao đàn An Giang” với 23 thành viên Ban chủ nhiệm và 112 thành viên Tao đàn cũng ra mắt và trình làng tập san Chuyên đề Tao đàn An Giang số đầu tiên do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp thực hiện.
Đêm thơ Nguyên Tiêu ấm áp nhớ Bác Hồ là hoạt động được tổ chức hàng năm vào dịp ngày rằm Nguyên Tiêu ở An Giang, nhằm phục vụ nhân dân và khuyến khích những người yêu thơ ca Việt Nam cùng hưởng ứng tham gia và thưởng thức nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Vào ngày 6-2, đêm thơ cũng được tổ chức tại trường đại học An Giang dành cho sinh viên, học sinh và giới trẻ yêu thơ.
* Sáng 5-2, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 đã diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, 10 tỉnh, thành phố phía Bắc cùng đông đảo người yêu thơ, nhà thơ, nhà văn trong nước và gần 70 nhà thơ đến từ 27 quốc gia vùng lãnh thổ tới dự.
Những người yêu thơ đã vượt không gian, thời gian, ngăn cách địa lý vì một nền thơ văn và hòa bình nhân loại. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Ngày Thơ Việt Nam qua 10 năm tổ chức đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Qua mỗi lần đã có nhiều tác phẩm đặc sắc, chất lượng ngày càng cao và nhanh chóng đi vào đời sống tinh thần người Việt. Ngày thơ năm nay được làm giàu thêm bởi sự tham gia của nhiều nhà thơ đến từ các nước bạn, nhà thơ Việt kiều đã cho chúng ta chứng kiến và thấy rằng đời sống tâm hồn và tinh thần của nhân dân ngày càng được chăm lo và quan tâm. Thơ như một chất kết dính con người, cộng đồng và các quốc gia lại với nhau.
Nhiều bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng cũng như của những nhà thơ trẻ đầy triển vọng ở trong nước và quốc tế cũng lần lượt được thể hiện, quyến rũ và mê hoặc người yêu thơ. Trong khuôn khổ Ngày thơ, hàng chục câu lạc bộ thơ ở Hà Nội và các tỉnh cắm trại để giới thiệu, trưng bày các tác phẩm và giao lưu thơ với du khách thập phương.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 đã thu hút hàng vạn người yêu thơ và quý trọng người làm thơ tham dự.
* Sáng 5-2, tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp cùng Đài Phát thanh – Truyền hình và Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9 tại Quảng Ngãi với chủ đề “Trường lũy biển Đông”.
Ngày Thơ Quảng Ngãi năm nay lấy tên “Trường lũy biển Đông” là nhằm biểu dương, kết nối sức mạnh, lòng yêu nước của người dân Quảng Ngãi nói chung, của ngư dân Quảng Ngãi nói riêng trong suốt hành trình bảo vệ và giữ yên từng tấc đất, tấc biển, từng rạn san hô, từng bãi cát vàng trên những quần đảo cùng vô vàn tài nguyên trong lòng biển của Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi khai mạc, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh: Ngày hội Thơ lần này ở Quảng Ngãi với chủ để “Trường lũy biển Đông” đã bao quát được những ý nghĩa sâu sắc về sức mạnh lòng yêu nước của người dân Quảng Ngãi. Từ bao đời nay, những ngư dân Quảng Ngãi, đặc biệt là ngư dân đảo Lý Sơn chính là “Trường lũy hòa bình” trên biển đông. Ngư dân ra khơi là để đánh cá, nhưng khi họ đánh bắt hải sản trên những ngư trường truyền thống nằm trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam, thì những ngư dân đã mạnh mẽ khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.
Ngày Thơ Việt Nam tại Quảng Ngãi năm nay những người yêu thơ đã được thưởng thức những bài thơ, những ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, chủ quyền biển đảo.
* Ngày 5-2 (14 tháng Giêng), tại Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 với chủ đề "Mùa xuân - đất nước - tình yêu", thu hút đông đảo công chúng yêu thơ Thành Nam.
Sự kiện này bao gồm nhiều hoạt động sôi nổi và hấp dẫn như: chương trình ca múa nhạc mừng Đảng - mừng Xuân do các nghệ sỹ Nhà văn hóa 3-2 biểu diễn, đánh trống khai hội, ngâm bài thơ "Nguyên tiêu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngâm và bình các tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng người Nam Định, thi viết thư pháp, thả thơ, đố thơ, cho chữ (lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Định), trưng bày các áng thơ hay về vùng đất Thiên Trường - Nam Định của các nhà thơ nổi tiếng như Trần Nhân Tông, Tú Xương, Nguyễn Bính... Đặc biệt, cuộc thi sáng tác thơ nhanh tiếp tục là điểm nhấn của Ngày thơ, là nơi trổ tài cho những người yêu thơ Thành Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc bảo tàng Nam Định, thông qua những hoạt động tổ chức tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10, Bảo tàng sẽ rút kinh nghiệm để tái hiện các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống, biến nơi đây thành một trung tâm vui chơi, giải trí và giáo dục những giá trị văn hoá truyền thống đích thực của dân tộc cho các học sinh, sinh viên. Những năm gần đây, phong trào sáng tác, thưởng thức thơ phát triển khá mạnh mẽ tại khắp các địa phương trong tỉnh. Chỉ riêng 5 năm qua, các hội viên bộ môn thơ thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã cho ra mắt 45 tập thơ in riêng.
* Tối 4-2, tại khu vực Đền Thượng (thành phố Lào Cai), Hội Nhà báo, Hội Văn học Nghệ thuật, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tổ chức khai mạc Hội báo Xuân Nhâm Thìn - 2012 và Đêm thơ Nguyên Tiêu 2012.
Hội báo Xuân là hoạt động được tỉnh Lào Cai tổ chức nằm trong chuỗi các hoạt động tại lễ hội xuân Đền Thượng khai mạc vào Rằm tháng Giêng hàng năm, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới. Hội báo Xuân năm nay có sự góp mặt của các cơ quan báo chí Trung ương như Thông tấn xã Việt Nam, các báo ngành, các tỉnh Yên Bái và Lai Châu, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho Hội báo Xuân và tăng cường giao lưu, hợp tác cùng phát triển giữa các tỉnh trong khu vực.
Cũng trong dịp này, ngay dưới chân Đền Thượng linh thiêng, bên dòng Nậm Thi thơ mộng, hơn 20 tiết mục thơ chọn lọc của các tác giả ở những lứa tuổi khác nhau, ca ngợi Đảng, Bác Hồ và mừng đất nước đổi mới đã được trình bày trong đêm thơ Nguyên tiêu Lào Cai, thu hút hàng vạn lượt người đến xem. Đây là hoạt động mở đầu cho Lễ họi Đền Thượng, khai mạc vào sáng 15 tháng Giêng năm Nhâm Thìn.
* Ngày 4-2, Lễ hội thơ Nguyên tiêu năm 2012 đã được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Với chủ đề "Mùa xuân - Đất nước - Tình yêu", Lễ hội thơ đã mang đến hơi thở mới, sức sống mới trong lòng mỗi người yêu thơ, là dịp để những người yêu thơ được gặp gỡ, giao lưu, chung vui ngày hội tôn vinh những thành tựu thơ ca Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng. Tại Lễ hội, các đại biểu và người yêu thơ đã được xem các màn ca múa, nghe những bài thơ hay về đất nước, quê hương Thái Nguyên. Đặc biệt, trong Lễ hội thơ năm nay, một số tác phẩm thơ mang chủ đề hướng về biển đảo quê hương đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của những người yêu thơ. Cũng tại Lễ hội này, khán giả được thưởng thức, giao lưu thơ và các hình thức văn hóa dân gian khác tại 5 vườn thơ gồm: Đương đại; Muôn nhà; Thi ca và học đường; ATK đón bầu bạn bốn phương; Thành phố Thái Nguyên 50 mùa hoa.
Nhân dịp này, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng tổ chức trưng bày các tác phẩm ảnh đặc sắc của các nghệ sĩ trong và ngoài nước phản ánh vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Trước đó, tối 3-2, tại huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) cũng đã diễn ra Lễ kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam lần thứ X với sự tham dự của đại diện nhiều câu lạc bộ thơ và công chúng mến mộ đến từ các xã, thị trấn, các đơn vị, trường học trên địa bàn.
* Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 (diễn ra ngày 14 tháng Giêng âm lịch tức 5-2), NXB Kim Đồng đã giới thiệu mảng thơ thiếu nhi phong phú của mình, góp vào sân chơi chung của ngày hội thơ ca.
Tiêu biểu là những tập thơ văn viết cho thiếu nhi mang chủ đề biển đảo, thể hiện tình yêu đất nước quê hương tha thiết, nồng nàn như: “Ta viết bài thơ gọi biển về” (Huy Cận), “Biển vàng đảo ngọc” (Nhiều tác giả), “Dắt biển lên trời” (Hoài Khanh).
Những tập thơ thiếu nhi kinh điển cũng tiếp tục được giới thiệu trong Ngày thơ năm nay, đó là: “Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa), “Bầu trời trong quả trứng” (Xuân Quỳnh), “Bài ca trái đất” (Định Hải). Đây là ba trong số không nhiều những tập thơ viết cho thiếu nhi hay nhất của văn học Việt Nam . Sức sống của những tập thơ này đã trở thành niềm tự hào không chỉ của tác giả mà của tuổi thơ nhiều thế hệ.
Cũng trong dịp này, trẻ em Việt Nam sẽ có cơ hội biết đến nhiều tác phẩm thơ ca dành cho thiếu nhi quốc tế qua tuyển thơ “Thơ gửi cô tiên” do Thái Bá Tân chọn và dịch. Những bài thơ trong tập thơ này sẽ là cầu nối giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, để thiếu nhi Việt Nam có cơ hội hiểu hơn về bạn bè thế giới.
Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó giám đốc NXB Kim Đồng cho biết: Những tập thơ thiếu nhi Việt Nam đầu tiên đã được xuất bản cùng với sự ra đời của NXB Kim Đồng (năm 1957). Từ đó cho đến nay, trong suốt quá trình hình thành và phát triển của NXB Kim Đồng, thơ ca luôn chiếm một vị trí quan trọng. Bởi thơ ca góp phần bồi dưỡng tâm hồn trẻ em, hướng các em đến với Chân - Thiện – Mĩ./.
Quảng Nam triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội chào mừng kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh  (06/02/2012)
Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị các nhà đầu tư tại Nghệ An  (05/02/2012)
Huế tiếp nhận hơn 100 hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh  (05/02/2012)
"Thơ là riêng tư của đời sống, sức mạnh tinh thần"  (05/02/2012)
Sự trỗi dậy của E7 làm thay đổi kinh tế toàn cầu  (05/02/2012)
Khủng hoảng nợ công Eurozone có dấu hiệu dịu bớt  (05/02/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển