TCCSĐT - Cuối tuần trước, Hải quân Iran đã bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 10 ngày trên eo biển Hormuz; động thái này làm dấy lên những quan ngại rằng Iran có thể sẽ đóng cửa con đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng bậc nhất thế giới trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Tehran và phương Tây.

 

 Iran tuyên bố sẵn sàng đóng cửa eo biển Hormuz - con đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng nhất thế giới

Thứ tư tuần trước, Tư lệnh Hải quân Iran Habibollah Sayyari cho biết, trong cuộc tập trận lần này, Iran sẽ cho ra mắt một loại thuyền siêu tốc mới, được mô tả là “siêu nhanh và siêu thông minh” có tên Ya Mahdi. Bên cạnh đó, Hải quân Iran còn đem vận hành thử 313 con thuyền siêu tốc nhỏ hơn có khả năng phóng tên lửa và ngư lôi.

Theo Đại tướng Iran Ahmad Vahidi, cuộc tập trận kéo dài 10 ngày trên eo biển Hormuz còn bắn thử một loại vũ khí mới nhưng ông không cung cấp chi tiết cụ thể. Đây được coi là cuộc tập trận đầu tiên kể từ tháng 5-2010 và cũng là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Iran.

Một số nhà ngoại giao cho rằng, quy mô “hoành tráng” đó nhằm phô trương thanh thế của lực lượng quân đội Iran trong bối cảnh nước này đang phải xoay xở với các lệnh trừng phạt và cấm vận từ Mỹ và một số nước phương Tây khác. Rất có khả năng, Iran sẽ phong tỏa eo biển Hormuz để đề phòng xảy ra chiến tranh với các nước phương Tây vì những nghi ngờ xung quanh việc Iran đang chế tạo bom nguyên tử.

Hormuz được xem là eo biển chiến lược nhất thế giới bởi 1/3 các tàu chở dầu mỏ cung cấp cho toàn cầu hiện nay đều phải thông hành qua eo biển này. Đây cũng là kênh vận chuyển dầu mỏ duy nhất của 8 đồng minh với Mỹ và các nước vùng Vịnh đến thị trường ngoại quốc. Tư lệnh Hải quân Iran Habibollah Sayyari cho biết: “Việc đóng cửa eo biển Hormuz chắc chắn nằm trong khả năng của quân đội Iran nhưng quyết định đó cần sự chấp thuận các quan chức hàng đầu đất nước”. Trước đó, Iran đã tuyên bố sẽ đáp trả lại bất kỳ công kích nào từ phía Mỹ và Israel cũng như sẵn sàng đóng cửa eo biển Hormuz. Tuy nhiên trong lần tập trận này, Chính phủ Iran không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nước Hồi giáo này sẽ thực hiện lời tuyên bố đó.

Tháng trước, ba nước Mỹ, Anh và Canada đã đưa ra các biện pháp mới nhằm đóng băng ngành năng lượng và tài chính của Iran. Bộ trưởng Tài chính Anh, George Osborne tuyên bố rằng, tất cả các tổ chức tài chính và tín dụng của Anh đều phải dừng giao dịch với các ngân hàng Iran từ chiều 20-11-2011. Đây là lần đầu tiên Anh “tuyệt giao” với lĩnh vực ngân hàng của một quốc gia theo cách này. Trong khi đó, Canada thông báo sẽ cấm xuất khẩu sang ngành công nghiệp dầu mỏ, khí gas và hóa dầu của Iran. Liên minh châu Âu hiện đang cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Iran.

Từ năm 2006 đến nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã thông qua năm nghị quyết chống Iran vì đã từ chối ngừng làm giàu urani. Theo Hội đồng Bảo an, việc làm giàu urani ở mức độ cao có thể được dùng trong chế tạo vũ khí hạt nhân.

Phản ứng trước động thái trên, Iran đã "mạnh dạn" tuyên bố, nước này đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực quốc phòng và khoa học, vì thế có đủ khả năng tự chủ bất chấp những lệnh trừng phạt, những nỗ lực của Mỹ cũng như các đồng minh nhằm cô lập Iran vì chương trình hạt nhân./.