TCCSĐT - Nhân dịp 50 năm Ngày Dân số Việt Nam (26-12-1961 - 26-12-2011), TCCSĐT đã phỏng vấn GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
PV: Thưa GS, là  người có nhiều năm nghiên cứu và rất tâm huyết với công tác dân số, nhân dịp kỷ niệm tròn 50 năm thực hiện chính sách giảm sinh ở nước ta, GS có thể khái quát  những nét nổi bật mà công tác dân số kế hoạch hoá gia đình đã đạt được trong nửa thế kỷ qua?.

Ngày 26-12-1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Quyết định số 216-CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn, đánh dấu điểm khởi đầu lịch sử của công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở nước ta. Với quyết định này, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng và thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

Sau 50 năm kiên trì và đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, việc sinh sản của nước ta đã có sự thay đổi căn bản: Tỷ lệ sinh đã giảm từ 36,3 phần nghìn năm 1969, xuống còn gần một nửa: 17,6 phần nghìn năm 2009! Số con trung bình của một bà mẹ tính đến hết tuổi sinh đẻ, giảm từ 6,4 con giai đoạn (1960-1964) xuống còn 2,09 con (mức sinh thay thế) vào năm 2006, và mức sinh thấp này vẫn được duy trì cho đến nay. Như vậy, ngày nay phụ nữ Việt Nam chỉ sinh số con chưa bằng 1/3 cách đây nửa thế kỷ! Việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên sang hành vi có kế hoạch, văn minh, từ bị động sang chủ động, từ sinh sản ít trách nhiệm đến sinh sản có trách nhiệm cao; từ số lượng nhiều, chất lượng thấp sang số lượng ít, chất lượng đang được nâng cao dần. Đây thực sự là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở Việt Nam trong nửa thế kỷ qua.

PV: Xin Giáo sư cho biết việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này đóng vai trò thế nào đối với công tác dân số của Việt Nam?

Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu rộng. Tác động của hội nhập quốc tế đến phát triển nói chung và công tác dân số nói riêng ở nước ta là rất to lớn.

Năm 1977, Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc thì ngay trong năm này, Quỹ Dân số của tổ chức này (UNFPA) đã có mặt tại Hà Nội. Ngay trong chu kỳ đầu tiên (1978-1983), UNFPA đã hỗ trợ Chương trình Dân số của Việt Nam 15 triệu USD. Nếu để ý rằng, thu ngân sách của nước ta năm 1981 chỉ là 22.787 tỉ đồng thì khoản hỗ trợ nói trên có ý nghĩa to lớn đối với chương trình. Hơn 30 năm qua, UNFPA đã hỗ trợ gần 170 triệu USD (bao gồm cả quỹ thường xuyên và quỹ vận động) cho Việt Nam và trở thành nhà tài trợ chính cho Chương trình DS-KHHGĐ.

Thực hiện KHHGĐ không thể thiếu phương tiện tránh thai (PTTT), nhưng một thời gian dài, Việt Nam chưa sản xuất được bất kỳ loại PTTT nào. Đến nay, khả năng này vẫn còn rất hạn chế. Nhờ hội nhập quốc tế, nước ta đã nhận được PTTT do UNFPA viện trợ và sản xuất một vài loại PTTT trong nước.

Một trong những kết quả lớn và có ý nghĩa quan trọng nữa của hội nhập quốc tế là việc UNFPA đã giúp Việt Nam đào tạo cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ truyền thông, cán bộ kỹ thuật. Hoạt động này đã góp phần nâng cao năng lực giải quyết vấn đề KHHGĐ ở nước ta. Nhiều kiến thức mới, phương pháp mới đã được áp dụng  tại Việt Nam. Có thể nói, trong thành công của chính sách dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) ở nước ta, UNFPA đã đóng góp phần rất quan trọng, trong đó nhiều đóng góp mang tính “khai phá”.

Ngoài UNFPA, còn có nhiều tổ chức quốc tế, quốc gia, nhà tài trợ song phương, đa phương hỗ trợ Việt Nam thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dành cho công tác này thông qua Dự án “Sức khỏe gia đình”, giai đoạn 1996 – 2002 cũng lên tới khoảng 100 triệu USD.

Hội nhập quốc tế đã mang lại cho Việt Nam không chỉ những cơ hội, những nguồn lực phát triển kinh tế mà còn cả cơ hội tiếp nhận các nguồn tài lực, vật lực, trí lực để giải quyết các vấn đề DS-KHHGĐ. Đây là một trong những bài học sâu sắc, cần được phát huy.

PV: Thưa Giáo sư, kết quả của chính sách DS-KHHGĐ có ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của đất nước?

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII), chỉ rõ: “Công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu ở nước ta, là một giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”. Sự thành công của một chính sách có vị trí cao như vậy, quan trọng như vậy, đương nhiên sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Việt Nam. Trong cuốn sách “50 năm chính sách giảm sinh ở Việt Nam (1961-2011): Thành tựu, tác động và bài học kinh nghiệm”, mới xuất bản trong tháng 12 này, tôi đã phân tích và chứng minh 11 tác động của chính sách này đến phát triển kinh tế - xã hội cả trên tầm vĩ mô và vi mô. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh 3 tác động lớn:

Một là, tác động của giảm sinh đến tăng trưởng kinh tế. Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê, cho thấy, mức sinh giảm, tỷ lệ người trong độ tuổi hoạt động kinh tế tăng nhanh, đã đóng góp 25,7% vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, giai đoạn 1979-2009 và sẽ đóng góp khoảng 27,7% trong giai đoạn (1979-2019). Các tỷ lệ này ở Nhật Bản là 10%, Trung Quốc: 16%, Hàn Quốc: 36%, Singapore: 51%, cũng cho thời khoảng 40 năm, từ 1965 đến 2005. Mức sinh giảm làm cho quy mô gia đình Việt Nam không ngừng giảm. Các cuộc điều tra mức sống dân cư từ năm 1998 đến nay ở nước ta đều chứng minh rằng, quy mô gia đình càng nhỏ, thu nhập và tiêu dùng bình quân đầu người càng tăng.

Hai là, giảm sinh tác động mạnh mẽ đến hệ thống giáo dục phổ thông. Mức sinh giảm mạnh, như đã nói ở trên nên mặc dù tỷ lệ nhập học ngày càng cao nhưng số học sinh phổ thông đã bắt đầu giảm mạnh. Từ năm  2001 đến năm 2009, tổng số học sinh phổ thông giảm 2.963,5 ngàn. Đối với từng cấp, so với năm cao nhất, số học sinh tiểu học giảm 3.475,6 ngàn học sinh; số học sinh trung học cơ sở giảm 1.453,5 ngàn; số học sinh trung học phổ thông đã giảm 234,3 ngàn. Áp lực dân số lên ngành giáo dục đã được tháo gỡ dần. Các nguồn lực đã có thể dành cho việc nâng cao chất lượng chứ không phải mở rộng hệ thống này.

Đối với từng gia đình, do chỉ có 1-2 con nên đảm bảo được việc chăm sóc và giáo dục cho cả con trai và con gái. Tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm mạnh và tỷ lệ đi học của con trai và con gái tương đối cân bằng, thậm chí mấy năm gần đây tỷ lệ nữ sinh đại học, cao đẳng đã cao hơn nam giới. Đây là một biến đổi xã hội sâu sắc, tạo nên một nền tảng vững chắc để thực hiện bình đẳng giới ở nước ta.

Ba là, do mức sinh giảm, tốc độ tăng dân số đã được kiềm chế, ngăn chặn đà giảm nhanh và giảm sâu một số chỉ tiêu về tài nguyên, môi trường.

Thí dụ, bình quân diện tích đất nông nghiệp ở Việt Nam, năm 2000 là 0,12ha/người. Do phải chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp cho công nghiệp và dịch vụ, dân số tăng lên nên đến năm 2008 chỉ còn 0,097ha/người. Tương tự, diện tích rừng bình quân đầu người, năm 1943 là 0,64 ha/người năm 1995 chỉ còn 0,13 ha/người. Trong những năm cuối thế kỷ XX, cùng với việc thực hiện các chính sách và biện pháp bảo vệ rừng và trồng mới, tỷ lệ tăng dân số giảm dần nên diện tích rừng bình quân đầu người giảm chậm lại, năm 2009 vẫn giữ được ở mức 0,13 ha/người .

PV: Chúng ta liệu có thể sẽ phải đối mặt với những những vấn đề gì về dân số trong tương lai, thưa Giáo sư?

Mỗi bước phát triển lại nảy sinh những thách thức mới và đôi khi thách thức lại nảy sinh từ chính thành tựu về kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật và dân số. Chính vì vậy, hiện nay và trong tương lai gần, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Chẳng hạn, do mức sinh giảm, già hóa dân số diễn ra nhanh hơn trong khi an sinh xã hội chưa đảm bảo; “Mỗi gia đình chỉ có hai con” trong khi ảnh hưởng mặt tiêu cực của Nho giáo còn nặng nề cũng thúc đẩy việc lựa chọn làm cho mất cân bằng giới tính khi sinh đang tăng lên, có  tỉnh sinh 130 bé trai, tương ứng với 100 bé gái! Kinh tế phát triển, dinh dưỡng đầy đủ, trẻ em dạy thì sớm, kết hôn muộn, internet phát triển, bên cạnh mặt tích cực, có mặt nguy hiểm là những trang mạng “đen”, xã hội cũng “cởi mở” hơn với việc quan hệ tình dục trước kết hôn và ngoài kết hôn... Tất cả đã dẫn đến thách thức lớn đối với SKSS nói chung và sức khỏe sinh sản vị thành niên nói riêng. Tình trạng phá thai, nhiễm HIV, …là những minh chứng.

Do phân bố dân cư không đều, đầu tư cũng chỉ tập trung ở một số vùng, tai biến môi trường ngày càng rõ rệt, đã thúc đẩy các dòng di cư ngày càng mạnh mẽ. Hơn 6 triệu người đã di cư trong giai đoạn (2004-2009), tăng 50% so với 10 năm trước. Di cư chứa đựng cả thời cơ và thách thức cho cả “đầu đi” lẫn “đầu đến”.

Nhưng theo tôi, thách thức lớn nhất hiện nay là quy mô dân số lớn nhưng chất lượng chưa cao. Để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” cần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực. Chính vì vậy, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản, giai đoạn 2011-2020 mới được Thủ tướng phê duyệt là nâng cao chất lượng dân số.

PV: Xin cám ơn Giáo sư.