Tuyết đâu dễ nhuốm màu

Nguyễn Sơn
21:30, ngày 22-12-2011
TCCSĐT - Cuộc “cách mạng màu” mà những kẻ phiêu lưu thiếu thiện chí ở phương Tây ra sức cổ động đã không diễn ra như họ mong đợi. Những người biểu tình đã tập hợp lại để bày tỏ nỗi bất bình của họ với chính quyền chứ không đấu tranh chống lại chính quyền đó. Khi ý nguyện của họ được ghi nhận, những người biểu tình đã giải tán trong hòa bình và thiện chí.
Suốt tuần qua, các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây không ngớt lời chỉ trích cuộc bầu cử Đuma Quốc gia (Hạ nghị viện) Nga là thiếu công bằng và nhiều gian lận. Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hôm 6-12 được đưa đậm nét: “Chúng tôi quan tâm nghiêm trọng về cung cách tiến hành cuộc bầu cử. Những chính đảng độc lập đã bị từ chối không cho đăng ký. Phúc trình sơ khởi của OSCE trưng ra những bằng cớ độn phiếu vào thùng phiếu trong ngày bầu cử, thay đổi danh sách cử tri và những cách hành xử gây lo ngại khác”. Thủ tướng Nga Putin đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ phát biểu của ngoại trưởng Mỹ Clinton về cuộc bầu cử “gian dối và không công bằng”. Ông cho rằng bà ngoại trưởng “đã mớm lời cho các nhà hoạt động trong nước, đã phát tín hiệu cho họ”. Ông cũng cho biết, hàng trăm triệu USD từ nước ngoài đã được tuồn vào Nga để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử này. Đây là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nước Nga.

Chưa hết, nhiều tờ báo còn nhấn mạnh đến “sự suy sụt bất ngờ của đảng Nước Nga Thống nhất”, làm như không hề hay biết rằng hơn một năm trước ngày bầu cử, Phó đổng lý Văn phòng Tổng thống Nga Vladimir Surkov, chiến lược gia của chính quyền đương nhiệm, đã tiên liệu chính xác rằng trong tình hình kinh tế khó khăn hiện tại do khủng hoảng kinh tế toàn cầu đưa lại thì Đảng Nước Nga Thống nhất sẽ mất đa số lập hiến, nhưng tiếp tục giữ được đa số tuyệt đối. Tất cả các cuộc thăm dò dư luận nhiều tháng trước ngày bầu cử của VTSIOM và Levad-tsentr cũng cho thấy Đảng Nước Nga Thống nhất sẽ chỉ có thể thu được 45-55% số phiếu bầu. Vậy thì có gì là “bất ngờ” ở đây đối với “sự suy sụt” mà người trong cuộc đã tiên liệu? Và số phiếu sau “sự suy sụt” đó, nói thẳng ra, vẫn còn là mơ ước của không ít đảng cầm quyền hiện hữu tại các nước châu Âu, chứ chưa nói đến các đảng đã bị khó khăn kinh tế đẩy ra khỏi chính phủ ở châu lục này.

Một số nhà phân tích phương Tây còn cho rằng kết quả bầu cử đã nêu là “một thất bại trực tiếp của Vladimir Putin”. Họ cho rằng “thất bại” đó đã đặt dấu chấm hết cho chuỗi ngày “bất khả chiến bại” của nhân vật kiệt xuất này. Từ đó suy diễn ra rằng, một “mùa xuân Ả rập” nhất định sẽ nổ ra tại nước Nga và Putin sẽ phải chịu một số phận không khác gì Mubarak ở Ai Cập hay Gaddafi ở Libya. Tờ The Times còn vội vã gợi ý cho “cuộc cách mạng nhất định sẽ nổ ra” ấy một cái tên: “mùa xuân Slavơ”, “cuộc nổi dậy của giới trẻ” hay “cuộc cách mạng Tuyết”.

Và cái “cuộc cách mạng nhất định sẽ nổ ra” ấy đã thực sự nổ ra hôm thứ bảy, 10-12. Có điều nó khác rất nhiều so với những gì mà “các nhà phân tích” nói trên mơ ước. Gần 25 nghìn người liên kết với nhau qua các trang mạng xã hội trên internet và iPhone đã tụ tập trên quảng trường Bolotnaya tại Mátxcơva - một con số ấn tượng, nhưng quá ít ỏi so với một thành phố trên 11 triệu dân như Mátxcơva. (Để so sánh, hồi “cách mạng Cam” ở Ukraina, các cuộc biểu tình đã quy tụ tới hơn 500 nghìn người ở thủ đô Kiev 2,7 triệu dân). Song song với Mátxcơva, các cuộc biểu tình cũng nổ ra tại gần 20 thành phố khác một cách lèo tèo. Đáng kể chỉ có cuộc biểu tình ở St. Petersburg với 7 nghìn người và ở Novosibirsk với 3 nghìn người tham gia. Theo báo chí địa phương, các cuộc biểu tình đều diễn ra tương đối hoà bình.

Điều đáng chú ý nữa là tất cả các cuộc biểu tình hôm 10-12 đều là những cuộc biểu tình dân sự. Họ chưa hài lòng với cách tổ chức bầu cử và nghi ngờ một số hành vi gian lận nhưng chỉ tập trung lại để bày tỏ điều đó với chính quyền chứ không chống lại chính quyền. Một số chính khách thân phương Tây như Nhemtsov muốn “đục nước béo cò”, nhảy ra giành lấy vai trò lãnh đạo biểu tình, biến cuộc biểu tình thành cuộc đấu tranh chính trị, thành cách mạng, nhưng đã không thành công. Các cuộc biểu tình đều đã diễn ra hòa bình và sau khi đại diện chính quyền cho biết ý nguyện của họ đã được nghe thấu, những gian lận sẽ bị điều tra, thì những người biểu tình đã vui vẻ giải tán. Tại thành phố Voronezh ở miền trung nước Nga, cảnh sát và người biểu tình thậm chí còn bắt tay nhau sau khi cuộc tuần hành kết thúc. The Guardian, một tờ báo có tiếng về các bài viết chống Nga đã phải ngậm ngùi than thở: “Dư âm bầu cử Nga không phải là khoảnh khắc Quảng trường Tahrir".

Tại sao Quảng trường Bolotnaya ở Mátxcơva đã không biến thành “Quảng trường Tahrir của Ai Cập”? Thứ nhất, kết quả bầu cử cho thấy véc-tơ chính trị của người Nga rất tập trung. Tuyệt đại đa số cử tri Nga bỏ phiếu cho 4 đảng gần như có chung một định hướng. Đảng Cộng sản (92 ghế trong Đuma Quốc gia Nga) kêu gọi “phục hồi Liên bang các dân tộc xô viết anh em”. Đảng Tự do Dân chủ (56 ghế) đòi “tái hợp nhất đất đai của Liên xô cũ”. Đảng Nước Nga Thống nhất (238 ghế) kiên trì thành lập Liên bang Á - Âu với nòng cốt là Liên minh Thuế quan Nga, Belarussia và Kazakstan hiện hữu. Tuy không đưa vào cương lĩnh chính trị của mình định hướng nói trên, nhưng Đảng Nước Nga Công bằng (64 ghế) cũng quy tụ quần chúng của mình trong Liên minh Những người ủng hộ Nước Nga Công bằng (Союза сторонников “Справедливой России”), viết tắt là CCCP. Thứ hai, số người nằm ngoài véc-tơ chính trị đó quá ít ỏi và gần như không còn tin vào “nền dân chủ nhập khẩu từ Mỹ” mà các chính khách thân phương Tây thành danh khi Liên Xô tan rã 20 năm trước ra sức tuyên truyền. Họ có vấn đề cần phản đối, nhưng đã bày tỏ sự phản đối của mình một cách văn minh, khác rất nhiều với một đám đông tức giận la ó - nòng cốt của một cuộc “cách mạng màu”. Vì thế, một cuộc “cách mạng màu” mà những kẻ phiêu lưu thiếu thiện chí ở phương Tây mong đợi đã không thể xảy ra ở nước Nga tuyết giá. Những giọt phẩm màu nhỏ bé đã nhanh chóng bị tuyết trắng làm cho phai nhạt và vùi lấp. Tuyết không dễ nhuốm màu./.