Bước khởi đầu suôn sẻ?

Đỗ Sơn Hải
16:50, ngày 14-07-2009

TCCSĐT - Cuộc gặp cấp cao chính thức đầu tiên (diễn ra từ ngày 6 đến 7-7) giữa hai nước lớn Nga và Mỹ đã khép lại bằng hai thoả thuận quan trọng nhất: 1- Thỏa thuận sơ bộ về cắt giảm 1/3 số đầu đạn hạt nhân, cơ sở để tiến tới một hiệp định mới nhằm thay thế hiệp định START 1 (sẽ hết hiệu lực vào ngày 5 -12-2009); 2- Nối lại liên lạc quân sự giữa hai nước sau thời gian bị gián đoạn kể từ sau cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a tháng 8-2008. Mát-xcơ-va cũng cho phép Oa-sinh-tơn vận chuyển vũ khí qua không phận và lãnh thổ Nga đến Áp-ga-ni-xtan.

Nhìn vào kết quả “khiêm tốn” trên đây, không ít người đã tỏ ra thất vọng, bởi họ trông đợi một sự thay đổi lớn hơn trong quan hệ Nga - Mỹ dưới thời hai vị Tổng thống Đ.Mét-vê-đép và B.Ô-ba-ma. Sự kỳ vọng này có lý do, bởi hơn bao giờ hết, cả Nga và Mỹ đều cần có sự ấm lên trong quan hệ song phương.

Quan hệ Nga - Mỹ đã xấu đi rất nhiều sau khi Tổng thống G.Bu-sơ tuyên bố về việc triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn ở châu Âu, và trở nên vô cùng băng giá sau cuộc chiến 5 ngày ở Nam Ô-xê-ti-a. Tuy nhiên, đã có khá nhiều thay đổi kể từ khi Tổng thống B.Ô-ba-ma vào Nhà Trắng dẫn đến việc cả hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới phải thay đổi cách ứng xử với nhau.

Thứ nhất, cả Nga và Mỹ hiện đều đang lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Nhiệm vụ khắc phục tình trạng khó khăn của nền kinh tế không những chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách của vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ mà còn khiến chính quyền Ô-ba-ma thiếu đi sự quyết đoán ngay cả trong chính sách đối với các đồng minh của họ chứ chưa nói đến việc đối phó với nước Nga - quốc gia vẫn còn đang sống trong cảm giác hơn 8 năm tăng trưởng liên tục (từ năm 2000 đến quý III năm 2008, nền kinh tế Nga tăng trưởng liên tục ở mức 7,6%/năm).

Trong 6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế Nga bắt đầu bị cơn bão khủng hoảng tài chính tàn phá. Đội quân thất nghiệp ở Nga đã lên tới hơn 5 triệu người, khiến tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 13% vào cuối 2009. Giá dầu trong suốt thời gian qua không vượt được ngưỡng 100 USD/thùng khiến các nhà lãnh đạo Nga mất một chỗ dựa vững chắc trong việc thực thi chính sách cứng rắn với phương Tây.

Thứ hai, quan hệ căng thẳng Nga - Mỹ thời Bu-sơ khiến kế hoạch rút lui “an toàn” của Tổng thống B.Ô-ba-ma khỏi khu vực vùng Vịnh Pếch-xích trở nên khó khăn rất nhiều, nhất là khi Kiếc-ghi-xtan quyết định đóng cửa căn cứ quân sự của Mỹ tại Ma-nát (điểm trung chuyển hàng quân sự quan trọng của Mỹ qua Trung Á để tới Áp-ga-ni-xtan). Chính sách cứng rắn của cả đôi bên làm cho nhiều kế hoạch của họ bị ngưng trệ, điển hình là việc triển khai hệ thống tên lửa tại châu Âu của Mỹ hoặc trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran và CHDCND Triều Tiên.

Thứ ba, việc CHDCND Triều Tiên và I-ran đẩy mạnh các hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân và tên lửa buộc Mỹ và Nga phải có sự tiếp cận mới trong phối hợp hành động nhằm ngăn chặn nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân hoặc một cuộc chạy đua vũ trang mới, bởi lẽ những nghị quyết của Hội đồng Bảo an dường như chưa thực sự đủ sức ép đối với những nước này.

Thứ tư, chính sự tiếp nhận quyền lực khá “ồn ào” của cả hai nhà lãnh đạo đã tạo cho cộng đồng quốc tế hy vọng về khả năng xuất hiện làn gió thay đổi mới trong mối quan hệ song phương vốn luôn vô cùng phức tạp này. Cả hai vị Tổng thống Đ.Mét-vê-đép và B.Ô-ba-ma đều nói nhiều về sự cần thiết phải thay đổi cách ứng xử theo hướng tăng cường đối thoại và hợp tác.

Tuy nhiên, mọi việc không hoàn toàn suôn sẻ, bởi lẽ, trong quan hệ giữa hai cường quốc này còn có quá nhiều vấn đề mà cách xa nhau, không thể giải quyết ngay trong một cuộc gặp ngắn ngủi được. Cuộc gặp “chớp nhoáng” giữa hai tổng thống tại Hội nghị thượng đỉnh G20 (Luân Đôn) tháng 4-2009 cũng như cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng Hi-la-ry Clin-tơn và Xéc-gây Láp-rốp trước đó ở Giơ-ne-vơ cho thấy sự cách biệt về lập trường trong giải quyết ít nhất ba cụm vấn đề.

Một là, những bất đồng trong quan hệ an ninh trực tiếp giữa hai nước. Quan trọng nhất là việc Tổng thống B.Ô-ba-ma có tiếp tục triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tại Ba Lan, Séc trong năm 2009 hay không? Quan hệ Nga - NATO thời gian tới sẽ ra sao sau thời kỳ gián đoạn của chương trình “Đối tác vì hoà bình” (do phản ứng của Nga trước chính sách can thiệp của chính quyền Bu-sơ vào một số nước Cáp-ca-dơ)? Chính sách của B.Ô-ba-ma đối với không gian hậu Xô-viết, nhất là với các nước Cáp-ca-dơ và Trung Á, liệu có khác biệt so với cựu Tổng thống Bu-sơ không?

Hai là, những bất đồng trong cách xử lý các vấn đề liên quan đến I-ran, CHDCND Triều Tiên. Chính sách cứng rắn của những nước này khiến Nga và Mỹ càng cách xa trong trong cách nhìn nhận về vấn đề hạt nhân.

Ba là, quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn luôn là điểm yếu từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Mới đây, Bộ Thương mại và Phát triển kinh tế Nga đưa ra dự báo: đến năm 2020, Nga sẽ trở thành 1 trong 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng đến nay, Nga vẫn chưa là thành viên của WTO. Sự cản trở của Mỹ chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc Nga vẫn đang ở ngoài tổ chức thương mại lớn nhất thế giới với 150 thành viên này.

Một vấn đề nữa cũng hết sức gai góc, cản trở lớn đến sự xích lại gần nhau hơn giữa hai nước, là sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực buôn bán vũ khí thời gian qua. Nhìn chung, chính mức độ quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước còn rất thấp so với quan hệ của từng nước với các đối tác khác như EU, Nhật Bản và thậm chí là với Trung Quốc, khiến khả năng hợp tác để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải từ cả hai phía.

Nhưng, trên hết, lịch sử quan hệ từ thời Liên Xô đến nay vẫn luôn là nỗi ám ảnh trong quan hệ Nga - Mỹ. Sự nghi kỵ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới này luôn là một nguy cơ tiềm ẩn đe doạ bất cứ một sự “ấm lên” nào trong quan hệ giữa họ. Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước rất dễ bị thổi bùng lên bởi không phải ai cũng muốn Nga và Mỹ hợp tác chặt chẽ với nhau.

So với những rào cản quá lớn trong quan hệ hai nước thì những kết quả “khiêm tốn” nói trên chỉ có ý nghĩa như một bước “khởi động suôn sẻ”. Mai-cơn Mắc Phôn (Michael McFaul), cố vấn về Nga của Tổng thống B.Ô-ba-ma đánh giá về kết quả của chuyến đi: “Đó là những kết quả thật sự…Không thể giải quyết hết mọi thứ chỉ trong hai ngày. Điều đó đương nhiên là không thể. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta đã đi được một chặng đường dài trên hai phương diện, thứ nhất là xây dựng một mối quan hệ mang lợi ích quốc gia, thứ hai là đặt ra triết lý cho chính sách đối ngoại”.

Việc hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ ký được thoả thuận khung về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân nhằm thay thế hiệp ước START 1 cho thấy: 1-Quyết tâm của cả hai phía tiếp tục đi trên con đường cắt giảm vũ khí hạt nhân, đây chính là tư duy đã kết liễu cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài hơn 4 thập kỷ; 2- Một thông điệp có tính chất rất quan trọng trong việc nỗ lực loại bỏ loại vũ khí nguy hiểm này.

Hiệp định sơ bộ này gợi nhớ đến Tuyên bố chung Xô - Mỹ tháng 5-1972, nhân chuyến viếng thăm Mát-xcơ-va lần đầu tiên của cố Tổng thống R. Ních-xơn. Chính Tuyên bố này đã mở đường cho việc ký kết một loạt hiệp định liên quan đến việc cắt giảm vũ khí hạt nhân như SALT l, ABM, SALT 2 và sau này là STAR 1, START 2, v.v.. Liệu lịch sử có lặp lại?

Có thể còn quá sớm để nói về các hình thức phối hợp giữa Mỹ và Nga trong vấn đề hạt nhân của I-ran hay CHDCND Triều Tiên, nhưng tuyên bố trên đây cho thấy một số điểm tương đồng giữa các nhà lãnh đạo hai cường quốc trong cách tiếp cận với vấn đề này.

Việc Nga đồng ý nối lại mối liên hệ quân sự với Mỹ, cho phép Mỹ vận chuyển hàng quân sự qua lãnh thổ của mình cho thấy sự nhận thức chung của cả hai phía về mối nguy cơ khủng bố quốc tế tại Trung Á. Điều này còn cho thấy khả năng các nhà lãnh đạo hai nước đã cố gắng vượt qua sự nghi kỵ để hướng tới một đích chung.

Những vấn đề gai góc đã nêu ở trên, đặc biệt là việc triển khai hệ thống tên lửa tại châu Âu, tuy không được giải quyết dù có trong chương trình nghị sự nhưng cũng không trở thành quân bài để đôi bên đưa ra mặc cả. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép gọi kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ là “một chủ đề khó khăn đối với cuộc thảo luận”, song ông cho rằng sự cởi mở giữa hai nước sẽ giúp cải thiện tình hình.

Khẳng định về sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề của hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ, Pa-ven Pa-la-chen-kô cựu phiên dịch viên lâu năm của M. Goóc-ba-chốp sau khi tiếp xúc với B.Ô-ba-ma đã nhận xét: “Hai Tổng thống này thuộc thế hệ khác. Nhiều vấn đề trong những cuộc tranh cãi cũ giờ không phải là chuyện đau đầu với họ nữa. Họ sẵn sàng có cách nhìn mới trong một số lĩnh vực”

Nhìn chung, những thoả thuận đạt được qua chuyến viếng thăm nước Nga lần đầu tiên của Tổng thống B.Ô-ba-ma cho thấy đã có một cách tiếp cận mới với việc giải quyết các vấn đề quốc tế, trước hết là đối với những vấn đề quan trọng hàng đầu như vấn đề vũ khí hạt nhân, đó là sự cởi mở trong đối thoại về lợi ích quốc gia.
 
Bài học quá khứ cho thấy, chính sự thiếu cởi mở khiến nghi kỵ giữa Mỹ và Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ hai ngày một gia tăng; hệ quả là cuộc Chiến tranh Lạnh hết sức thảm khốc đã nổ ra. Dĩ nhiên, giữa các nước lớn luôn tồn tại những sự khác biệt trong các lợi ích quốc gia, sự va chạm giữa họ sớm hay muộn, dưới hình thức này hay khác, là điều khó tránh khỏi. Sự cởi mở sẽ giúp giảm thiểu những va chạm không cần thiết hoặc tìm ra biện pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ mâu thuẫn.

Tất nhiên, còn quá sớm để khẳng định đây là xu hướng tất yếu trong quan hệ Nga - Mỹ nói chung và của chính quyền Ô-ba-ma nói riêng. Dư luận chờ đợi chuyến đi tiếp theo của Tổng thống B.Ô-ba-ma tới Trung Quốc với hy vọng cách xử lý tại đất nước hơn một tỉ dân này sẽ đưa ra “miếng ghép” cuối cùng của chính sách đối ngoại dưới triều đại vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ./.