Thay mặt Chính phủ, sáng 13-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày một số tình hình và những yêu cầu mới Chính phủ cần tập trung chỉ đạo điều hành trước những diễn biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, cũng như phân tích làm rõ thêm một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội.

Tại Hội trường, đã có 15 vị đại biểu nêu ý kiến chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các nhóm vấn đề chính: điều hành của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát; chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô; chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; vấn đề môi trường; công tác cán bộ; công tác cải cách hành chính; vai trò của các doanh nghiệp; vai trò của trí thức...

Về vấn đề điều hành của Chính phủ kiềm chế lạm phát, Thủ tướng trả lời, thời gian qua, các bộ, ngành và các cơ quan tham mưu đã có rất nhiều cố gắng trong việc tham mưu cho Chính phủ, cho Thủ tướng. Bộ máy tham mưu tuy đôi lúc còn lúng túng, chưa chính xác, nhưng so với trước, các Bộ trưởng đã trưởng thành nhiều và ngày càng có năng lực tốt hơn. Công tác tham mưu, dự báo trong thời gian qua đã góp phần giúp Chính phủ đưa ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, tuy nhiên, so với yêu cầu, vẫn chưa đáp ứng. Công tác dự báo mặc dù khó có thể đạt mức chính xác tuyệt đối 100%, nhưng trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác dự báo, các vấn đề về thể chế, chức năng, nhiệm vụ; đầu tư đào tạo, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ sẽ được quan tâm, chú trọng hơn.

Về công cuộc xóa đói, giảm nghèo, Thủ tướng xác định, xóa đói, giảm nghèo là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, đó là: tăng trưởng kinh tế; xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ môi trường. Muốn giải quyết khâu đột phá trong xóa đói, giảm nghèo, phải làm nhiều việc, từ trách nhiệm của Nhà nước đến nhân dân... Trước mắt, Chính phủ đã xây dựng đề án giảm tỷ lệ hộ nghèo ở hơn 60 huyện nghèo nhất trong cả nước; năm 2009 sẽ triển khai sớm đề án này. Hai là, triển khai quỹ bảo hiểm thất nghiệp, để quỹ này cùng với các chính sách hỗ trợ khác giúp người nghèo nhanh chóng thoát nghèo. Sớm ban hành chuẩn nghèo mới.

Về công tác cán bộ và cải cách hành chính, Thủ tướng khẳng định, so với yêu cầu, còn nhiều mặt chưa đạt, song trên tổng thể, đã có bước tiến dài về cải cách bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; về quản lý chính công..., đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những gì chưa đạt so với yêu cầu, cần được tiếp tục cải cách, làm cho tốt hơn, cho phù hợp với yêu cầu kiện toàn, hoàn thiện thể chế, bộ máy, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy, cải cách hành chính công; tăng cường thanh tra, giám sát, giữa vững kỷ cương.

Về vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng đánh giá các doanh nghiệp nhà nước đã vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên và khẳng định được vị trí của mình trong nền kinh tế...

Riêng về ngành điện, Thủ tướng nói rõ, không có việc ngành điện trả lại 13 dự án đầu tư, (cách nói đó là của báo chí). Trên thực tế, sở dĩ có việc giảm 13 dự án của ngành điện là do thiếu vốn nên Chính phủ đã chuyển giao cho các tổng công ty khác có điều kiện đầu tư hơn.

Về đối thoại với trí thức, quan điểm của Thủ tướng là, lắng nghe ý kiến và luôn tranh thủ những đóng góp của trí thức đối với đất nước, nhưng không theo cách đăng đàn, treo khẩu hiệu, phô trương hình thức. Trên thực tế, Thủ tướng nói: “ngày nào cũng đối thoại với trí thức”.

Kết thúc hai ngày rưỡi làm việc của Quốc hội cho nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Đây là một kỳ chất vấn hiệu quả cao, sôi động, và đầy tinh thần trách nhiệm, với sự tham gia của hơn 96% đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ (không là đại biểu Quốc hội), các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị lão thành cách mạng, các cơ quan truyền thông và sự quan tâm của hàng triệu cử tri cả nước. Đã có 307 chất vấn bằng văn bản của đại biểu quốc hội thuộc 47 đoàn và 131 đại biểu thuộc 50 đoàn với 129 lượt ý kiến trao đổi tại Hội trường, thể hiện sự sâu sát cử tri của các vị đại biểu Quốc hội; trong đó có nhiều câu hỏi sắc sảo, quan tâm đến những vấn đề lớn “quốc kế, dân sinh”, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại cử tri đối với đất nước. Thông qua chất vấn, nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ về thực chất, đồng thời đóng góp nhiều giải pháp, thấy việc phải làm và cần làm, đặc biệt, vấn đề hậu chất vấn, giám sát để thúc đẩy thực tiễn phát triển./.