TCCSĐT - Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan rất nhanh. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, thậm chí là tử vong. Hiện nay, dịch sởi trên thế giới đang có xu hướng gia tăng ở nhiều nước. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, dịch sởi cũng đang có chiều hướng gia tăng bất thường ở nhiều địa phương.

Bệnh sởi và những biến chứng nguy hiểm

Thông thường, bệnh sởi thường hay mắc ở các trẻ trên 9 tháng tuổi vì lứa tuổi dưới 9 tháng thường có miễn dịch từ mẹ bảo vệ trẻ không mắc sởi. Trẻ dưới 6 tháng tuổi thường có miễn dịch từ mẹ truyền sang nên sẽ bảo vệ không bị sởi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn gặp nhiều trẻ dưới 6 tháng tuổi mắc sởi, nguyên nhân có thể do trẻ chưa có được miễn dịch từ mẹ sang con. Nhìn chung, bất kể ai chưa có miễn dịch với sởi đều có thể bị mắc sởi. Sởi thường bùng phát mạnh vào mùa Xuân tuy nhiên năm nay sởi vẫn xuất hiện từ đầu năm và chủ yếu ở các trẻ chưa được tiêm chủng. Vì vậy, chúng ta phải hết sức cảnh giác với bệnh sởi và phải tiêm chủng đầy đủ để chủ động bảo vệ trẻ không mắc sởi.

 
 Bệnh sởi có những biến chứng nguy hiểm.

Nhiều người nhầm lẫn bệnh sởi với việc dị ứng. Trên thực tế, bệnh sởi khác hoàn toàn với dị ứng. Khi mắc sởi trẻ thường sốt cao kèm theo viêm kết mạc, viêm long đường hô hấp và trong những ngày đầu có thể xuất hiện những hạt Koplik màu trắng ở miệng, sau đó trẻ mới xuất hiện phát ban đỏ theo thứ tự từ mặt xuống chân, lúc ban lặn cũng theo thứ tự ban đầu và để lại vết thâm trên da, người ta thường gọi là vết lằn da hổ. Khi trẻ nghi bị mắc sởi các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và tư vấn. Trẻ mắc sởi nên được cách ly, chăm sóc theo dõi tại nhà để tránh lây nhiễm chéo và lây lan trong cộng đồng, chỉ nên nhập viện khi có biến chứng như viêm phổi, viêm giác mạc, viêm màng não… Bệnh sởi có nhiều biến chứng như: Viêm phổi, viêm giác mạc, viêm tai giữa, viêm màng não… có thể gây nguy hiểm nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 9 tháng, người suy giảm miễn dịch hoặc có những bệnh mãn tính khác.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh sởi năm nay

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận gần 500 trẻ bị mắc sởi và hầu hết là các trẻ đều chưa được tiêm chủng. Thời gian gần đây, có những ngày Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 10-12 ca trẻ mắc sởi phải nhập viện. Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng Tám, ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi nhập viện tại các bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố.

Năm nay, dịch bệnh sởi xuất hiện đầu tiên tại các tỉnh miền Bắc và gần đây đã xuất hiện tại một số tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Bộ Y tế đánh giá dịch bệnh sởi năm nay đến sớm, rải rác ở nhiều địa phương. Cùng với số lượng tích lũy lớn các trẻ chưa có kháng thể bảo vệ bệnh sởi trong cộng đồng thì nguy cơ gia tăng, thậm chí có thể bùng phát dịch bệnh sởi trong mùa Đông-Xuân tới là rất cao.

Trong các năm gần đây, tỷ lệ mắc sởi là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi gia tăng, tại nhiều địa phương, đặc biệt trong thời gian xuất hiện ổ dịch. Tình trạng này có thể giải thích là do trẻ lớn đã được tiêm chủng và phòng bệnh nên số ca mắc giảm đi.

Trong khi đó, trẻ trước độ tuổi tiêm chủng thường có miễn dịch tồn lưu do mẹ truyền cho nhưng ở mức rất thấp hoặc không còn kháng thể. Do vậy, nhóm trẻ này rất dễ mắc sởi nếu tiếp xúc với nguồn lây từ những người xung quanh như cha mẹ, anh chị em. Do vậy, cha mẹ cần rửa tay, vệ sinh trước khi chăm sóc cho trẻ. Những người tiếp xúc gần với trẻ trong gia đình cần được tiêm chủng vắcxin sởi đơn hoặc phối hợp. Đặc biệt, anh chị em trong độ tuổi đi học cần được tiêm đủ hai mũi vắcxin sởi để phòng bệnh cho chính mình và trẻ nhỏ dưới 9 tháng.

Từ năm 2018 đến nay cả nước ghi nhận hơn 2.300 trường hợp sốt phát ban tại 49 tỉnh, thành phố, trong đó có 954 trường hợp mắc sởi dương tính tại 37 tỉnh, thành phố. Phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có tới hơn 83% số trẻ là không được tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng vắcxin sởi. So với cùng kỳ năm 2017, tình hình dịch bệnh sởi năm nay đang có chiều hướng gia tăng cao và sớm ngay từ những tháng mùa Hè.

Dịch sởi đang gia tăng và có diễn biến bất thường trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới đang cảnh báo sự gia tăng đáng kể dịch bệnh sởi tại các nước châu Âu.

Trong 6 tháng đầu năm, các nước châu Âu đã ghi nhận hơn 41.000 trường hợp mắc sởi, cao hơn 70% so với cả năm 2017, trong đó có ít nhất 37 trường hợp tử vong. 7 quốc gia có số mắc cao nhất với trên 1.000 trường hợp mắc gồm: Ukraine, Gruzia, Italy, Nga, Serbia, Pháp, Hy Lạp. Trong đó Ukraine có số trường hợp mắc cao nhất với 23.000 trường hợp mắc.

Đặc biệt việc ghi nhận sự lây truyền bệnh sởi xảy ra liên tục ở cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi (Đức và Nga), điều này dấy lên mối lo ngại dịch bệnh sởi có thể quay trở lại thành dịch lưu hành ở những nước này.

Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân dịch sởi gia tăng tại các nước châu Âu là do tỷ lệ bảo phủ vắc xin sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước. Năm 2017, tỷ lệ bao phủ vắcxin sởi toàn châu Âu đạt tỷ lệ trung bình là 90%, trong khi một số nước đạt trên 95% thì còn nhiều nước mới đạt tỷ lệ dưới 70%. Tỷ lệ này đặc biệt thấp tại Ukraine với tỷ lệ tiêm vắcxin sởi 31% vào năm 2016.

Vắcxin sởi-rubela do Việt Nam sản xuất

Vắcxin sởi được coi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Điều này đã được các quốc gia trên thế giới khẳng định. Vì vậy, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sởi là chúng ta cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch của Bộ Y tế. Phụ nữ đến tuổi sinh đẻ cần được tiêm vắcxin phòng bệnh sởi và rubella.

Hiện nay vắcxin sởi được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng hơn 30 năm qua. Mũi một vắcxin sởi được áp dụng cho trẻ lúc 9 tháng tuổi và mũi hai cho trẻ lúc 18 tháng tuổi dưới dạng vắcxin phối hợp sởi-rubela. Lịch tiêm chủng hai mũi vắcxin sởi có thể đảm bảo cho khoảng 95% số trẻ em đã tiêm chủng được phòng bệnh hiệu quả. Đặc biệt, vắcxin sởi-rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất bắt đầu được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên trên toàn quốc. Vắcxin sởi-rubella (MRVAC) do Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (Polyvac), Bộ Y tế sản xuất. Trước tình hình dịch bệnh sởi có nguy cơ bùng phát trong năm nay, để chủ động phòng- chống dịch, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch để tổ chức chiến dịch tiêm vắcxin sởi cho những đối tượng nguy cơ cao trên toàn quốc.

 
 Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là biện pháp phòng chống bệnh tích cực.

Vắcxin phối hợp sởi-rubela nhập khẩu do Liên minh toàn cầu vắcxin và tiêm chủng (GAVI) đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2014 trong chiến dịch tiêm chủng bổ sung cho khoảng 20 triệu trẻ từ một đến 14 tuổi trên toàn quốc. Vắcxin này đã góp phần khống chế thành công dịch sởi và dịch rubela.

Năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu vắcxin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Bộ Y tế, đã sản xuất thành công vắcxin sởi-rubela. Vắcxin này đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành và hiện nay đã được đưa vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ đầu năm 2018. Trong nhiều năm qua, những thành quả đạt được của Chương trình tiêm chủng mở rộng như thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh… có phần đóng góp không nhỏ của chủ trương tự chủ nguồn vắc xin trong nước mà Bộ Y tế đã đề ra.

Hiện nay đã có 10 trong số 11 loại vắcxin sử dụng trong chương trình tiêm chủng do các đơn vị sản xuất trong nước cung cấp. Đây là lợi thế của Việt Nam so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới bởi có tự chủ được nguồn cung ứng vắcxin thì Chương trình tiêm chủng mở rộng mới có thể triển khai kịp thời các biện pháp, các hoạt động tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng bổ sung định kỳ, đột xuất cho hàng triệu lượt trẻ em mỗi năm.

Vắcxin sởi đơn và vắcxin phối hợp sởi-rubela đều được sản xuất tại Việt Nam. Trong tình hình bệnh sởi gia tăng và cần có những biện pháp tiêm chủng bổ sung, Chương trình tiêm chủng mở rộng đang đề xuất Bộ Y tế cho phép triển khai hoạt động này tại các vùng nguy cơ cao sử dụng nguồn vắc xin sản xuất trong nước.

Việt Nam đã đề xuất Tổ chức Y tế thế giới xem xét, đánh giá vắcxin sởi đơn đạt tiêu chuẩn tiền kiểm định. Dự kiến, sau khi được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép, Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất, xem xét, đánh giá đối với vắcxin phối hợp sởi-rubela.

Vắcxin sởi-rubela do Việt Nam sản xuất là sản phẩm chuyển giao công nghệ do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ. Vắcxin này có hiệu quả phòng bệnh tương đương với vắcxin sởi-rubela nhập khẩu đã sử dụng trong các năm trước đây.

Vắcxin sởi-rubela cùng loại, trên cùng quy trình sản xuất tại Nhật Bản đã được cung ứng và sử dụng tại nhiều quốc gia.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm chủng đầy đủ

Lịch tiêm chủng vắcxin sởi-rubela do Việt Nam sản xuất vẫn được áp dụng cho trẻ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên. Bên cạnh đó, vắcxin này cũng đã được tiêm chủng cho trẻ từ một đến bốn tuổi tại các vùng nguy cơ cao trong quý ba năm nay. Đã có hàng triệu liều vắcxin sởi-rubela do Việt Nam sản xuất được đưa vào sử dụng an toàn cho trẻ em trên toàn quốc.

 Các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng hai mũi vacxin sởi.
- Mũi một lúc 9 tháng tuổi.
- Mũi hai lúc 18 tháng tuổi.
Và đưa trẻ đi tiêm chủng trong các chiến dịch tiêm chủng bổ sung.
Để bảo vệ cho trẻ dưới 6 tháng tuổi không bị mắc sởi thì các bà mẹ nên tiêm phòng sởi trước khi mang thai 3 tháng.

Việc tiêm chủng vắcxin sởi-rubela được thực hiện tại tất cả các xã phường trên toàn quốc và tuân thủ các quy định của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho trẻ em. Trước đó, vắcxin sởi-rubela do POLYVAC sản xuất đã được triển khai trên quy mô nhỏ cho hàng chục ngàn trẻ em tại bốn tỉnh, thành phố của cả bốn khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên và cho thấy vắcxin này là rất an toàn.

Sau hơn 5 tháng sử dụng không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nghiêm trọng sau tiêm chủng vắcxin sởi-rubela do POLYVAC sản xuất. Các địa phương báo cáo một số trường hợp phản ứng nhẹ như sốt, phát ban sau tiêm vắcxin. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này đều tự khỏi trong vòng một đến hai ngày. Đối với các trẻ có phát ban nhưng dấu hiệu thường nhẹ, không điển hình và không cần phải điều trị. Tuy nhiên, tỷ lệ này nằm trong mức quy định đã được nhà sản xuất thông báo.

Để đảm bảo độ bao phủ và hiệu quả của công tác tiêm chủng, Bộ Y tế đã tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng như: đầu tư trang thiết bị, dây chuyền lạnh, đào tạo cán bộ tiêm chủng, đảm bảo việc cung ứng vắcxin và tổ chức các điểm tiêm chủng tại các xã, phường, thị trấn để người dân dễ tiếp cận đồng thời kéo dài ngày tổ chức tiêm chủng để người dân thuận lợi hơn trong việc đưa trẻ đi tiêm. Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nơi người dân ở xa trạm y tế hoặc thường xuyên đi làm nương rẫy, Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh tổ chức các điểm tiêm ở cụm thôn, bản hoặc đến tiêm trực tiếp tại các hộ gia đình, nương rẫy. Đặc biệt tại những vùng biên giới, vùng núi cao, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương phối hợp với đơn vị bộ đội biên phòng để triển khai công tác tiêm chủng.

Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ nên đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đặc biệt với dịch bệnh sởi, những người sinh từ năm 1984 đến năm 1997 là những người chưa được bảo vệ bởi các chiến dịch tiêm vắcxin sởi-rubela trước đây nên đi tiêm vắcxin sởi-rubela để bảo vệ cho bản thân, qua đó góp phần tránh lây lan bệnh cho con, gia đình cũng như cộng đồng.

Ngoài việc trẻ phải tiêm phòng đầy đủ theo lịch thì với phụ nữ đến tuổi sinh đẻ cần được tiêm phòng sởi và rubella để có được kháng thể bảo vệ cho trẻ dưới 6 tháng tuổi không bị mắc sởi. Để bảo vệ cho trẻ dưới 6 tháng tuổi không bị mắc sởi thì các bà mẹ nên tiêm phòng sởi trước khi mang thai 3 tháng.

Tỷ lệ tiêm chủng vắcxin sởi mũi một trên toàn quốc đạt trên 95% trong nhiều năm qua. Tỷ lệ tiêm chủng mũi hai cũng đạt trên 90%. Tỷ lệ tiêm chủng cao đã góp phần khống chế bệnh sởi và phòng bệnh cho hàng triệu trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn một số thôn bản, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 90% đồng thời, với xu hướng di biến động dân số gia tăng thì nguy cơ lây nhiễm virus sởi là hiện hữu. Nếu xuất hiện các vùng lõm về tiêm chủng thì nguy cơ tái xuất hiện bệnh sẽ xảy ra. Để phòng bệnh sởi và các biến chứng của bệnh, cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm chủng vắcxin sởi, sởi-rubella đúng lịch, đủ mũi. Đây là biện pháp căn cơ nhất. Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng mở rộng cũng sẽ triển khai các chiến dịch tiêm chủng bổ sung tại vùng nguy cơ cao để đảm bảo cho 95% trẻ em được phòng bệnh sởi, chủ động ngừa dịch xảy ra. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vacxin sởi trên toàn quốc hiện đạt tỷ lệ cao song vẫn còn một số địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng dưới 90%. Sự tích lũy các cá thể chưa có miễn dịch phòng bệnh do chưa được tiêm chủng qua các năm sẽ là yếu tố thuận lợi để dịch sởi xảy ra. Tiêm vắcxin sởi lúc 9 tháng tuổi sẽ giúp cho khoảng 85% số trẻ tiêm vắcxin được phòng bệnh. Với tỷ lệ tiêm chủng hàng năm khoảng 90% sẽ có 80% trẻ em sinh ra hàng năm được phòng bệnh. Như vậy, nếu không tiêm mũi hai vắcxin sởi-rubella lúc 18 tháng tuổi thì vẫn còn 20% trẻ em có nguy cơ mắc bệnh sởi.

Trong thời gian tới, chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy tăng cường triển khai tiêm chủng vắcxin sởi-rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Đây là biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ cộng đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức tiêm chủng bổ sung cho trẻ em chưa được tiêm chủng vacxin sởi hoặc chưa tiêm đủ mũi để giảm thiểu số trẻ nguy cơ mắc bệnh./.