Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 16 đến 22-7-2018
Xây dựng chính phủ điện tử cần quyết tâm cao của hệ thống chính trị
Ngày 18-7, Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”. Diễn đàn đã đưa ra thông điệp nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số và xã hội số trong giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025.
Thông điệp đầu tiên của diễn đàn thể hiện quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị cùng cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu các cấp, các ngành trong nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Đồng thời, quyết tâm thay đổi từ nhận thức đến hành vi của các cấp, các ngành và toàn xã hội về chính phủ điện tử, kinh tế số và hạ tầng số. Tiếp đến, diễn đàn kêu gọi sự đồng thuận và nỗ lực chung tay hành động quyết liệt, kịp thời và kiên trì của tất cả các chủ thể, từ chính quyền đến người dân, doanh nghiệp.
Việc xây dựng chính phủ điện tử trong điều kiện và hoàn cảnh hiện tại cần ưu tiên triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2018-2020, hướng đến 2025. Theo đó, Việt Nam cần tập trung xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho xây dựng chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số và xã hội số, trước hết là các qui định pháp luật về đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; tạo dựng, khai thác, sử dụng và bảo vệ dữ liệu, dữ liệu mở; kết nối và chia sẻ dữ liệu; xác thực điện tử và bảo vệ thông tin cá nhân... Việc xây dựng và phát triển hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng dữ liệu cần tiến hành song song với việc tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Việt Nam cần sớm hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt ưu tiên cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm, đất đai... Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản trị công và giúp cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao cho người dân, doanh nghiệp…Bên cạnh đó, để xây dựng chính phủ điện tử, Việt Nam cần chú trọng đào tạo, tái đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số cho cách mạng công nghệ 4.0 cả ở diện rộng cũng như có kỹ năng và chất lượng cao, kết hợp với đổi mới hệ thống động lực đối với người lao động.
Diễn đàn Diễn đàn ICT Summit 2018 đánh giá cao việc thiết lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch, trực tiếp chỉ đạo và có sự tham gia của đại diện khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong việc xác định và thực thi nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Thí điểm sáp nhập sở phải thận trọng, được cơ quan có thẩm quyền cho phép
Trao đổi với phóng viên về việc hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Bộ Nội vụ ủng hộ những tỉnh hiện nay thực hiện theo dự thảo của Nghị định sửa đổi. “Còn tất cả những nơi chưa làm thì nên chờ nghị định của Chính phủ ban hành. Vì người quyết định cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đó là Chính phủ”. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, hiện nay có nhiều tỉnh đang thực hiện sáp nhập cơ quan chuyên môn nhưng chủ yếu làm theo thẩm quyền phân cấp. Việc thí điểm phải thận trọng, phải có cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP đã được Bộ Nội vụ lấy ý kiến rộng rãi và đang hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành. Theo dự thảo này, Bộ Nội vụ đề xuất 4 sở: Tư pháp; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước nhằm bảo đảm tính kế thừa, ổn định.
Các Sở Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính hợp nhất thành Sở Tài chính - Kế hoạch. Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng hợp nhất thành Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng. Hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Công Thương thành Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại. Sở Thông tin và Truyền thông được hợp nhất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa, Thể thao) thành Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao. Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hợp nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo thành Sở Giáo dục và Khoa học, Công nghệ.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Du lịch và Sở Quy hoạch - Kiến trúc (ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), để tiếp tục đẩy mạnh trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc sắp xếp, thu gọn đầu mối tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đề xuất giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc thực hiện thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức thành Sở Tổ chức - Nội vụ; Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra thành Kiểm tra - Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND cấp tỉnh với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND cấp tỉnh thành Văn phòng địa phương cấp tỉnh.
Lào Cai là một trong số ít tỉnh tiên phong trong sáp nhập sở theo tinh thần dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP. UBND tỉnh này vừa ban hành văn bản sáp nhập hai Sở Xây dựng và Giao thông Vận tải thành Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng từ ngày 15-7. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng gồm 26 nhiệm vụ và quyền hạn, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND tỉnh Lào Cai...
Bất cập trong quá trình thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
Nhìn lại hơn 8 năm thi hành Luật Cán bộ, công chức và hơn 6 năm thi hành Luật Viên chức cho thấy Luật đã tạo cơ sở pháp lý để hình thành cơ chế quản lý, sử dụng riêng, phù hợp giữa đội ngũ cán bộ, công chức (những người thực thi quyền lực nhà nước) và đội ngũ viên chức (những người hoạt động nghề nghiệp phục vụ quản lý nhà nước và xã hội). Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc thực hiện Luật đã đạt được nhiều kết quả, đã bước đầu phân định rõ đội ngũ cán bộ với công chức, tách viên chức ra khỏi cán bộ, công chức, quy định phù hợp với đặc thù hoạt động và thực thi công vụ của cán bộ, công chức và cán bộ cấp xã, công chức cấp xã.
Tuy nhiên, một số quy định của hai Luật này đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện.
Bất cập đầu tiên phải kể đến, đó là Luật Cán bộ, công chức vẫn quy định công chức bao gồm cả những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập. Luật Viên chức và các quy định hướng dẫn thi hành mặc dù đã làm rõ một bước đối tượng thuộc đội ngũ lãnh đạo, quản lý nhưng vẫn có cách hiểu khác nhau về “bộ máy lãnh đạo, quản lý” dẫn đến việc áp dụng gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc tuyển dụng công chức theo quy định hiện hành được phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy công tác tuyển dụng còn chưa nghiêm, thiếu tính khách quan, chưa thực sự tuyển dụng được người đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm; chưa gắn thẩm quyền của người trực tiếp sử dụng lao động với thẩm quyền quyết định tuyển dụng; một số nơi, một số lúc còn xảy ra sai phạm trong công tác tuyển dụng.
Do chế độ tiền lương, thu nhập còn thấp so với mặt bằng chung nên việc thi nâng ngạch công chức hiện nay chủ yếu vẫn giải quyết chế độ cho công chức về lương, chưa làm thay đổi về nghĩa vụ, trách nhiệm công vụ của người được nâng ngạch.
Các văn bản hiện hành chưa tạo hành lang pháp lý cho việc đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện công việc, từ đó dẫn đến sự cào bằng trong công tác đánh giá cán bộ, chưa tạo động lực trong việc rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, công chức, không có cơ sở để loại bỏ những người không hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi bộ máy công vụ.
Các quy định liên quan đến kỷ luật cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị nói chung và trong bộ máy nhà nước nói riêng hiện không thống nhất.
Nhiều hạn chế khác cũng được Bộ Nội vụ chỉ ra như đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện chiếm số lượng khá lớn, tuy nhiên cơ chế quản lý, chế độ chính sách, sự liên thông với đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp huyện trở lên hiện còn nhiều bất cập. Việc bố trí số lượng, chức danh cán bộ, công chức ở mỗi xã, phường, thị trấn còn định tính, chưa hợp lý. Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay được tổ chức chưa khoa học, còn cồng kềnh, chưa tinh gọn và phù hợp so với thực tiễn phát triển của đất nước, dẫn đến hoạt động của một số đơn vị hiệu quả thấp, thậm chí không hiệu quả và gây thua lỗ. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng tăng…
An Giang tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực hoạt động
Trong giai đoạn 2016-2030, tỉnh An Giang sẽ tinh giản 5.043 biên chế. Trong đó, giảm do thực hiện kiêm nhiệm, hợp nhất và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh huyện, cấp huyện là 505/4.153 người, giảm do kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức xã 312/3.353 người, giảm do kiêm nhiệm và khoán đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã 1.560/2.983 người, khóm ấp 2.664/7.061 người.
Lộ trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong 3 năm (từ nay đến hết 2020) là sắp xếp bố trí lại, từng bước giảm dần nhân sự (bao gồm cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn). Phần kinh phí tiết kiệm trong 3 năm sẽ dần được hiện thực hóa (134 tỷ đồng), có thể đủ để giải quyết chính sách cho số cán bộ đã giảm (121 tỷ đồng). Từ năm thứ 4 trở đi (giai đoạn 2021-2030) dự tính ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 134 tỷ đồng/năm.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho biết: An Giang là tỉnh có quy mô dân số đông, bộ máy cán bộ lớn. Năm 2015, toàn tỉnh có trên 39.070 biên chế (Nhà nước là 38.861 biên chế; khối Đảng, đoàn thể là 209 biên chế) với 985 đơn vị sự nghiệp công lập). Theo lộ trình từ nay đến năm 2030, An Giang sẽ giảm 6.307 biên chế (trong đó lĩnh vực giáo dục giảm 2.176 biên chế; các lĩnh vực khác giảm 4.131 biên chế); giảm 188 đơn vị sự nghiệp công lập; có 78 đơn vị tự chủ tài chính; 15 đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác chuyển đổi thành công ty cổ phần; giảm chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước 457,582 tỷ đổng. Việc triển khai thực hiện phải làm từng bước, theo lộ trình, không nôn nóng, làm đến đâu chất lượng đến đó, tất cả hướng đến một bộ máy chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với xu hướng cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân đề nghị tỉnh cần sớm hoàn chỉnh đề án để trình Trung ương xin ý kiến để An Giang thí điểm việc hợp nhất một số sở, ban ngành từ năm 2019. Cụ thể, hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ; Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện với Phòng Nội vụ thành Ban Tổ chức-Nội vụ; hợp nhất Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh Tra tỉnh; Ủy Ban Kiểm tra cấp ủy huyện với thanh tra huyện thành cơ quan Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra; hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Sở Thông tin và Truyền thông thành Ban Tuyên giáo-Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Phòng Văn hóa thông tin cấp huyện thành Ban Tuyên giáo văn hóa thông tin; hợp nhất Đảng ủy khối Dân chính Đảng và Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh do tương đồng về chức năng, nhiệm vụ; hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng UBND tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung; sáp nhập Ban Tôn giáo (thuộc Sở Nội vụ) với Ban Dân tộc tỉnh thành Ban Dân tộc-Tôn giáo thuộc UBND tỉnh.
Trà Vinh tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm cho biết, đến nay đã có một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện sắp xếp giảm 4 phòng chuyên môn trực thuộc, gồm: Sở Tài chính; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 14 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế; 2 tổ chức hội có tính chất đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Trà Vinh và huyện Tiểu Cần. Hiện có 3 cơ quan đơn vị là Ban Dân tộc tỉnh, Trường Cao đẳng Y tế, Sở Công Thương tỉnh đã gửi hồ sơ kết quả việc sắp xếp lại số phòng, ban và đang được UBND tỉnh xem xét, quyết định. Thực hiện tinh giản biên chế, đến nay tỉnh đã cắt giảm 88 biên chế công chức, 762 biên chế viên chức, 33 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Trà Vinh, từ nay đến năm 2021, tỉnh giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn; giảm tối thiểu 10% biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh so với năm 2015; sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định, giảm số lượng ấp, khóm phù hợp.
Cụ thể đến năm 2021, Trà Vinh tiếp tục cắt giảm ít nhất 99 biên chế công chức, giảm ít nhất 1.293 biên chế viên chức, 112 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, bố trí kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách cấp xã còn lại tối đa 11 người và 5 chức danh hoạt động không chuyên trách ấp, khóm.
UBND tỉnh Trà Vinh cũng kiến nghị Trung ương sớm quy định cụ thể các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố và cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thủ tướng Chính phủ sớm cho chủ trương hợp nhất 3 Trung tâm Xúc tiến trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thuộc UBND tỉnh. Trung ương cần có văn bản hướng dẫn việc hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh. Trung ương cần ban hành quy định về thẩm quyền thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, biên chế, chế độ phụ cấp… đối với việc thực hiện hợp nhất Văn phòng cấp ủy cấp huyện và Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện./.
Lào Cai công bố thành lập Sở Giao thông Vận tải và Xây dựng  (23/07/2018)
Hải quân hai nước Việt Nam-Ấn Độ tăng cường hoạt động hợp tác  (23/07/2018)
Nhiều chính sách phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long  (23/07/2018)
Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ô-xtrây-li-a  (23/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay