Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 26-02 đến ngày 04-3-2018

Hồng Ngọc tổng hợp
15:45, ngày 05-03-2018
TCCSĐT - Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Nội vụ thi tuyển 4 chức danh lãnh đạo, quản lý và Quảng Trị có nhiều sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức; là những tin nổi bật tuần qua.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn

Cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Đối với việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc một cơ quan, tổ chức làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính và thực hiện phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ với các bộ, ngành và giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, báo cáo Chính phủ trong quý I năm 2018.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp kết quả rà soát của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2018). Đối với các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rõ về phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung, bảo đảm yêu cầu về hồ sơ, thủ tục thì đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bổ sung năm 2018, 2019. Đối với các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần được tiếp tục tổng kết, nghiên cứu thì đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm tiếp theo.

Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để khắc phục những hạn chế, vướng mắc và bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Triển khai có hiệu quả Kết luận số 86-KL/TW ngày 24-01-2014 của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, Kết luận số 202-TB/TW ngày 26-5-2015 của Bộ Chính trị về Đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng" và Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05-12-2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong

Về tổ chức, sắp xếp các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, chi cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Giảm tối đa các ban quản lý dự án. Kiên quyết hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế.

Bên cạnh đó, thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình, giảm số lượng cấp phó của các đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan mình và quy định của Đảng, Chính phủ; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao quản lý một số lĩnh vực được tổ chức theo ngành dọc, như: Thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội... tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện để thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế.

Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục và tổ chức tương đương thuộc cơ quan mình, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; rà soát, sắp xếp lại các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách và các ban quản lý dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng đề án rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng quân đội, công an theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tinh giản biên chế phù hợp trong điều kiện mới; bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang, phù hợp với quy định chung của hệ thống chính trị và tính đặc thù của từng lực lượng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; Bộ Công an nghiên cứu, sắp xếp thu gọn đầu mối cơ quan điều tra đáp ứng yêu cầu công tác điều tra hình sự, phòng, chống tội phạm và phù hợp với tổ chức, hoạt động của viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân theo tinh thần cải cách tư pháp.

Tinh giản biên chế theo lộ trình

Chính phủ yêu cầu các địa phương có trách nhiệm chủ động rà soát, sắp xếp giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, ban quản lý dự án (thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019).

Bên cạnh đó, thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân ở cấp tỉnh; thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện ở những nơi có điều kiện theo quy định (thực hiện từ năm 2018).

Đồng thời, xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền và triển khai sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và sáp nhập các thôn, tổ dân phố theo quy định (thực hiện từ năm 2018); xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền quyết định và thực hiện thí điểm mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo ở những nơi có điều kiện (thực hiện từ năm 2021); thực hiện khoán kinh phí chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (thực hiện từ năm 2019).

Chủ động sơ kết và tiếp tục thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố (thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019); rà soát, sắp xếp lại tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định khung của Chính phủ; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực và nhu cầu của thị trường, xã hội; thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình, giảm số lượng cấp phó của các cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương (thực hiện từ năm 2019).

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 16/NQ-CP đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nội dung đơn giản hóa liên quan đến thủ tục hành chính trong 7 lĩnh vực: Bưu chính; Viễn thông và internet; Tần số vô tuyến điện; Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử; Công nghệ thông tin và điện tử; Báo chí; Xuất bản, in và phát hành.

Với lĩnh vực phát thanh và thông tin điện tử, việc “Cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội trên mạng” sẽ bỏ quy định về sơ yếu lý lịch của người chịu trách nhiệm quản lý nội dung có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có ảnh và dấu giáp lai; sử dụng số định danh cá nhân của người đề nghị cấp giấy phép tại “Đơn đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội trên mạng” (Mẫu 02 Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày 19-8-2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội).

Với lĩnh vực báo chí, việc “Cấp giấy phép hoạt động báo chí điện tử” các thông tin về người dự kiến là Tổng biên tập (Ngày sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo) sẽ được thay thế bằng số định danh cá nhân tại “Bản khai sơ yếu lý lịch” (Mẫu 03 Thông tư số 48/2016/TT-BTTTT ngày 26-12-2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, mở chuyên trang của báo điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san).

Việc “Cấp thẻ nhà báo” cũng được sử dụng số định danh cá nhân thay cho các thông tin của người đề nghị cấp thẻ (Mẫu 01 Thông tư số 49/2016/TT-BTTTT ngày 26-12-2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo).

Bộ Nội vụ thi tuyển 4 chức danh lãnh đạo, quản lý

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quốc Khánh cho biết, trong quý II-2018, Bộ này sẽ tổ chức thi tuyển 4 chức danh lãnh đạo, quản lý tại 4 đơn vị gồm: 1 Phó Chánh Văn phòng Bộ phụ trách công tác tham mưu, tổng hợp; 1 Phó Chánh Thanh tra Bộ phụ trách công việc của phòng Tổng hợp (tổng hợp; văn thư, lưu trữ, hành chính, quản trị; quản lý ngành; tiếp công dân và thanh tra về phòng, chống tham nhũng; thanh tra hành chính...); 1 Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương phụ trách lĩnh vực chế độ chính sách cấp xã và thôn, tổ dân phố; 1 Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước phụ trách quản lý khoa học và các dự án điều tra cơ bản.

Đợt thi tuyển này nằm trong Kế hoạch số 5400/KH-BNV về việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương tại một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ năm 2017 và năm 2018.

Theo Kế hoạch, trong 2 năm 2017 - 2018, Bộ Nội vụ thi tuyển 8 chức danh lãnh đạo gồm Phó Chánh Văn phòng Bộ, Phó Chánh Thanh tra Bộ, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước. Vào tháng 12-2017, Bộ đã tổ chức thi tuyển hai chức lãnh đạo là Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Đợt đầu tiên của năm 2018, sẽ tổ chức thi tuyển 4 chức danh, còn 2 chức danh sẽ tổ chức vào cuối năm nay.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, rút kinh nghiệm từ đợt thi trước, việc quy định tiêu chuẩn cụ thể với từng vị trí chức danh đã không thu hút được nhiều hồ sơ tham gia dự thi, trong đợt thi này, Bộ không quy định điều kiện tiêu chuẩn riêng cho từng chức danh nhằm mở rộng đối tượng.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Khánh, ngoài hai chức danh theo kế hoạch, trong đợt cuối năm 2018, Bộ Nội vụ có thể tổ chức thi tuyển thêm một số chức danh khác. “Từ nay trở đi không bổ nhiệm theo cách truyền thống mà sẽ tổ chức thi tuyển, sẽ chọn được nhiều người tốt”, ông Khánh khẳng định.

Bộ Nội vụ tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 26-02 đến ngày 23-3. Dự kiến Bộ tổ chức thi viết vào ngày 19-4 và thi trình bày đề án vào hai ngày 11 và 12-5.

Quảng Trị nhiều sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức

Những sai phạm trong quản lý biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức trong giai đoạn từ 01-01-2015 đến 30-6-2017 của tỉnh Quảng Trị được Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ ra trong Kết luận số 79/TB-TTBNV là Khối Nghiên cứu - Tổng hợp của Văn phòng UBND tỉnh được tổ chức theo từng lĩnh vực công tác chuyên môn, nghiệp vụ, không có tổ chức phòng (theo Quyết định số 08/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Quảng Trị) tuy nhiên, tại đây vẫn có 12 trường hợp giữ hàm Trưởng phòng và hàm Phó Trưởng phòng. Còn 2 cơ quan, đơn vị sử dụng 20 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra rằng công chức được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và kéo dài thời gian giữ chức vụ đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn chức danh được bổ nhiệm như trong danh sách quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuổi bổ nhiệm, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, không trong thời gian bị kỷ luật, tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ lãnh đạo, quản lý cấp sở còn có trường hợp thiếu chứng chỉ ngoại ngữ; hồ sơ lãnh đạo quản lý cấp phòng còn có trường hợp thiếu chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên.

Về cơ bản, trình tự bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ trước khi đến tuổi nghỉ hưu của công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, một số hồ sơ thuộc thẩm quyển bổ nhiệm của Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện không có tài liệu thể hiện việc đề nghị, phê duyệt chủ trương, biểu quyết của tập thể lãnh đạo trước khi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; thiếu tờ trình lãnh đạo của bộ phận tham mưu; tài liệu về kê khai tài sản, giấy khám sức khỏe, lý lịch 2C chưa đầy đủ trong hồ sơ; một số trường hợp thời điểm ban hành quyết định bổ nhiệm lại chậm so với quy định; có 2 trường hợp trong hồ sơ chưa có đầy đủ tài liệu để xác định việc tuyển dụng. Hiện Sở Nội vụ, Sở Công Thương còn vượt một Phó Giám đốc Sở so với quy định.

Cũng theo Kết luận thanh tra, trong giai đoạn này, UBND tỉnh Quảng Trị tuyển dụng 81 công chức trong trường hợp đặc biệt; xét chuyển 12 cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; 33 trường hợp được tuyển dụng theo chính sách thu hút của tỉnh. Các trường hợp này đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn; việc kiểm tra, sát hạch, lấy ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ trước khi tiếp nhận và thực hiện việc xếp ngạch, bậc lương theo quy định. Tuy nhiên, Hội đồng kiểm tra, sát hạch có số lượng từ 10 – 21 thành viên là không đúng quy định. Có 29 trường hợp tuyển dụng theo chính sách thu hút của tỉnh không đúng đối tượng được xem xét, tiếp nhận thông qua thi tuyển theo quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý biên chế, tuyển dụng công chức, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý, số lượng cấp phó, tiêu chuẩn ngạch công chức và không ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong các cơ quan hành chính. Có kế hoạch tuyển dụng công chức theo quy định, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng chính sách tinh giản biên chế.

Tỉnh rà soát, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi các quy định, quyết định về công tác cán bộ không đúng, không phù hợp, có sai phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình tuyển dụng công chức, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cơ quan chính quyền các cấp từ tháng 6-2012 đến nay; chấm dứt việc sử dụng và ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong các cơ quan hành chính; sắp xếp, bố trí lao động hợp đồng 68 theo đúng loại công việc quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành; có kế hoạch cử công chức chưa đáp ứng tiêu chuẩn ngạch đi đào tạo, bồi dưỡng và quy định thời hạn bắt buộc để công chức hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu; xem xét bố trí công tác khác phù hợp nếu sau thời hạn đó vẫn không đáp ứng yêu cầu.

Bố trí, sắp xếp số lượng cấp phó của người đứng đầu các đơn vị đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; sắp xếp, kiện toàn lãnh đạo, quản lý cấp phòng của Văn phòng UBND tỉnh phù hợp với quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-VPCP-BNV của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Kết luận thanh tra nêu rõ.

Thanh tra Bộ Nội vụ cũng đề nghị Chủ tịch tỉnh Quảng Trị tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan để xảy ra các hạn chế, tồn tại đã nêu trong Kết luận thanh tra để xử lý theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức để phát hiện những sơ hở, hạn chế và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời./.