Giải pháp nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ ở Thái Nguyên

Trần Thị Diệu Linh Trường Cao đẳng Kinh tế tài chính và Công nghệ Thái Nguyên
09:19, ngày 12-04-2017

TCCSĐT - Tỉnh Thái Nguyên những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội: tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 15,2% vượt 3,2% so với kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người... Những thành quả mà tỉnh đạt được là do sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự quyết tâm, chung sức, chung lòng của nhân dân trong tỉnh nói chung và sự đóng góp không nhỏ của phụ nữ nói riêng.

Một chỉ báo rất quan trọng về vai trò của phụ nữ trong hệ thống chính trị nước ta là tỷ lệ và năng lực phụ nữ trong các cấp ủy. Thế mạnh của cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý là tính kiên trì, thuyết phục, vận động quần chúng, làm việc có kế hoạch cụ thể, chi tiết, thực hiện công việc chu đáo. Cán bộ nữ đã khẳng định được một số mặt của năng lực lãnh đạo không thua kém gì nam giới, thậm chí có những chỉ báo trong năng lực quản lý, lãnh đạo của nữ vượt xa nam giới như năng lực tổ chức, vận động quần chúng.

Tuy nhiên trong quá trình quản lý, lãnh đạo, nữ cán bộ cũng gặp phải một số khó khăn như khi đưa ra xem xét, quyết đoán thì họ lại thường do dự, chậm xử lý. Nhìn chung, cán bộ nữ khó cạnh tranh với cán bộ nam về năng lực đề xuất chủ chương, chính sách trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Điều này xảy ra không phải do phụ nữ không có năng lực, trình độ mà yếu tố căn bản dẫn tới trình trạng nêu trên là do định kiến giới, do quan niệm truyền thống cho rằng: lĩnh vực kinh tế, chính trị là địa hạt của nam giới, nam giới sẽ làm tốt hơn nữ giới, bản thân phụ nữ lại hay tự ti, mặc cảm. Chính điều đó đã hạn chế mức độ thăng tiến của phụ nữ trong hệ thống chính trị.

Trong Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nói riêng và trong phạm vi cả nước, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy các cấp hiện nay còn hạn chế. Đa phần các chức vụ quan trọng như bí thư, phó bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ… vẫn do nam giới đảm nhiệm.

Từ khi thành lập Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đến nay, chưa từng có phụ nữ tham gia trong đội ngũ cán bộ chủ chốt ở tỉnh ủy. Phụ nữ ở tỉnh Thái Nguyên mới chỉ xuất hiện với số lượng hạn chế trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Số lượng cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh còn thấp. Qua 19 kỳ đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh, tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dao động từ 9,1% đến 14,54%, tỷ lệ này còn thấp so với tiềm năng và vai trò, cũng như sự đóng góp của phụ nữ tỉnh.

Tỷ lệ nữ Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy có chiều hướng tăng giảm không ổn định trong những nhiệm kỳ gần đây. Cụ thể, tỷ lệ nữ cán bộ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII, XVIII, XIX lần lượt là: 12,76%; 14,28%; 14,54%, 12,72%. Sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ tỉnh Thái Nguyên vẫn mang nặng tính cơ cấu. Trong quá trình tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, phụ nữ tỉnh có nhiều thuận lợi, song cũng khá nhiều rào cản ảnh hưởng tới con đường tham gia hoạt động lãnh đạo, quản lý của họ.

Những thuận lợi của phụ nữ tỉnh Thái Nguyên khi tham gia công tác lãnh đạo, quản lý


Môi trường chính trị thuận lợi là một trong những yếu tố tích cực thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới. Để phụ nữ ngày càng có tiếng nói trong hệ thống chính trị của tỉnh nói riêng cũng như trong phạm vi cả nước nói chung, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thuận lợi để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở tỉnh cùng quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thông qua các cơ chế, chính sách.

Trên cơ sở các văn bản pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương, lãnh đạo tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ như: Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006 - 2010; Kế hoạch số 10/KH - UB ngày 22-4-2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện nghị quyết số 70/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Bình đẳng giới. Đây là những căn cứ quan trọng định hướng hoạt động chỉ đạo của tỉnh về công tác phụ nữ nói chung và công tác bình đẳng giới nói riêng.

Các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong tỉnh luôn phát huy tinh thần trách nhiệm đối với công tác, phong trào phụ nữ. Trong đó, công tác đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên nữ đã được quan tâm, chăm lo và tạo điều kiện thuận lợi.

Tỉnh Thái Nguyên cũng đã thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ với các hoạt động tích cực, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh những chính sách cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Nhận thức của nhân dân trong tỉnh về công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ có nhiều chuyển biến tích cực. Nữ cán bộ đã nhận được sự ủng hộ tích cực hơn từ phía gia đình và cộng đồng để hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với gia đình và xã hội.

Bản thân phụ nữ ở tỉnh nói chung và các nữ cán bộ nói riêng không ngừng phấn đấu, vươn lên để khẳng định tài năng, trí tuệ của mình nhằm đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh.

Môi trường kinh tế - xã hội của tỉnh cũng ngày càng phát triển góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đây cũng là một yếu tố quan trọng tạo điều kiện để phụ nữ nói chung và nữ cán bộ lãnh đạo nói riêng nâng cao tỷ lệ và chất lượng “tiếng nói” của phụ nữ trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình tham gia công tác lãnh đạo, quản lý của phụ nữ ở tỉnh Thái Nguyên

Thứ nhất, nhận thức về giới và bình đẳng giới chưa đầy đủ và sâu sắc, sự quan tâm của các cấp ủy đảng chưa thường xuyên, liên tục.

Các cấp ủy đảng và chính quyền ở địa phương đã có nhiều kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ, song các biện pháp tổ chức thực hiện nhiều khi còn chưa khoa học, thiếu sự kiểm tra, giám sát, dẫn đến kết quả thực thi chủ trương, kế hoạch chưa đạt được mục tiêu đề ra. Cơ chế, chính sách tạo nguồn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ chưa có tính chiến lược lâu dài, thiếu tính đột phá.

Một số cấp ủy đảng, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ. Còn biểu hiện hẹp hòi, thiếu tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ, ngại tuyển dụng phụ nữ, đánh giá cán bộ nữ thiếu khách quan, chưa công bằng và còn khắt khe. Việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên đối với cán bộ nữ chưa được thực hiện. Do đó, nhiều xã, phường, thị trấn, thậm chí ở cấp huyện và tương đương thiếu cán bộ nữ làm quản lý, lãnh đạo, đặc biệt một số nơi không có cán bộ nữ tham gia cấp ủy.

Đa số cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý được bố trí ở cấp thấp, ít có thực quyền và thường là cấp phó. Dự nguồn các chức danh lãnh đạo chưa thực sự được chú trọng, điều này dẫn tới thiếu hụt nguồn cán bộ nữ kế cận ở các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị tỉnh.

Công tác tham mưu, giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho Đảng và hệ thống chính trị thiếu tính chiến lược nên hiệu quả chưa cao, chưa đạt yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW và kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ.

Phong trào phụ nữ chưa phát triển đồng đều, chưa khơi dậy được tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ. Hoạt động của tổ chức hội chưa thực sự có chiều sâu, một số hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ hiệu quả chưa cao, chưa sâu sát với từng nhóm đối tượng đặc thù, chưa phát huy tính chủ động của phụ nữ.

Định kiến giới cũng là một rào cản đối với sự phấn đấu của phụ nữ nói chung và nữ cán bộ nói riêng. Điều này được thể hiện rõ nét ở các tỉnh miền núi - nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn thấp, trình độ tri thức chưa cao. Tuy được các cấp ủy đảng và chính quyền tạo mọi điều kiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới song vẫn còn một bộ phận không nhỏ nhân dân chưa thực sự ủng hộ cho phụ nữ và cán bộ nữ. Chính yếu tố này cũng đã kìm hãm sự phát triển của phụ nữ ở tỉnh.

Gánh nặng gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự phấn đấu của phụ nữ nói chung và nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng. Là người phụ nữ, đã phải chịu những định kiến thiệt thòi về trách nhiệm của phụ nữ với gia đình, nhưng là một phụ nữ ở tỉnh miền núi thì định kiến này càng ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phấn đấu, rèn luyện của phụ nữ tỉnh. Dẫu rằng, ngày nay phụ nữ ở tỉnh đã nhận được nhiều hơn sự đồng thuận của gia đình, của cộng đồng. Nhưng gánh nặng gia đình vẫn đè nặng lên đôi vai người phụ nữ ở tỉnh Thái Nguyên. Với quan niệm “việc nhà là của phụ nữ”, một bộ phận không nhỏ phụ nữ đã không nhận được sự chia sẻ của nam giới, thậm chí có những nữ cán bộ còn không nhận được sự ủng hộ của chồng. Đây chính là khó khăn của phụ nữ ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Thứ hai, tình trạng tự ti hoặc níu kéo lẫn nhau trong giới nữ cũng tác động tiêu cực đến tỷ lệ và chất lượng đội ngũ nữ cán bộ.

Một bộ phận phụ nữ vẫn còn biểu hiện tự ti, an phận, chưa có ý chí phấn đấu vươn lên, chấp nhận hoàn cảnh và không sẵn sàng nhận vị trí công tác khi được phân công. Phụ nữ nhiều khi còn tự níu áo nhau trong quá trình phấn đấu, bản thân phụ nữ đôi lúc cũng không giành cho nhau sự ưu ái, tự kìm hãm lẫn nhau trong quá trình công tác.

Một số giải pháp nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ tỉnh Thái Nguyên nói riêng và phụ nữ nói chung

Nhóm giải pháp về chủ trương, đường lối, chính sách

Khuôn khổ pháp lý hiện hành của nước ta về vấn đề giới, bình đẳng giới chủ yếu mới chỉ dừng lại ở những quy định chung chung, thiếu những quy định cụ thể. Vì vậy cần xây dựng một hệ thống hoàn thiện các chủ trương, đường lối, chính sách để bảo đảm bình đẳng giới. Trong đó, cần chú trọng đến các chủ trương, chính sách về tạo nguồn nữ cán bộ. Việc tạo nguồn cán bộ là khâu quan trọng, cần phải có tính chiến lược, khoa học và có bước đi phù hợp. Việc xác định chủ trương, đường lối đúng đắn trong công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí công việc phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ nữ thể hiện hết năng lực, sở trường. Bố trí cán bộ phải xuất phát từ việc mà đặt người, tránh tình trạng nhìn người mà sắp xếp công việc. Căn cứ vào tiêu chuẩn đối với từng chức danh và kết quả đánh giá cán bộ để bổ nhiệm đúng chỗ, đúng lúc, đúng sở trường. Tránh bố trí cán bộ cho đủ cơ cấu, số lượng, không quan tâm đến chuyên môn mà cán bộ được đào tạo và bố trí họ vào làm việc tại lĩnh vực mà họ chưa am hiểu.

Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức của gia đình, xã hội và hệ thống chính trị đối với công tác cán bộ nữ

Chúng ta biết rằng, việc làm chuyển biến nhận thức, hành vi, thái độ ứng xử với phụ nữ trong toàn xã hội còn khó khăn. Nhiều người, ngay cả đối với phụ nữ hầu như đã chấp nhận một trật tự bất bình đẳng giới từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Chính vì vậy cần thay đổi nhận thức và thái độ của xã hội về quan hệ giới, phải chỉ ra cho mọi người thấy nguồn gốc của bất bình đẳng giới, của định kiến giới. Để xóa bỏ được rào cản định kiến giới, đòi hỏi phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao trình độ nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận vai trò, vị thế người phụ nữ.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của mỗi người, đặc biệt là phải làm sao cho nhận thức đó chuyển hóa thành hành vi, thái độ ứng xử bình đẳng với phụ nữ. Nội dung, phương thức tuyên truyền phải làm sao để mọi người nhận thấy rằng, vị thế thấp kém của phụ nữ so với nam giới không phải là “điều kiện tự nhiên” mà là kết quả của sự phân biệt đối xử với phụ nữ theo một hệ thống. Đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc thiểu số là những nơi kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, tư tưởng phong kiến còn nặng nề, cần tăng cường các hoạt động tập huấn để các tài liệu tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới và bình đẳng giới đến được với tất cả phụ nữ và cộng đồng. Cần có nhiều chương trình, dự án lồng ghép với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo điều kiện để phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ, trên cơ sở này sẽ xóa bỏ được những tư tưởng phong kiến, lạc hậu ăn sâu trong tâm trí người dân, tạo điều kiện cho bình đẳng giới được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.

Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị

Bên cạnh các giải pháp thuộc yếu tố khách quan, quan trọng hơn cả vẫn là sự tự phấn đấu của bản thân phụ nữ. Để có được sự thành công trong công cuộc bình đẳng giới thì yếu tố quan trọng hơn cả là sự tự khẳng định bản thân của mỗi phụ nữ. Khi người phụ nữ hiểu được khả năng, giá trị của bản thân mình, họ sẽ phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, xóa bỏ các tập quán lạc hậu, trói buộc bản thân phụ nữ. Phụ nữ cần phấn đấu rèn luyện để trở thành những con người hoàn thiện về cả đức, tài và kỹ năng “hồng thắm, chuyên sâu”. Song song với đó, người phụ nữ cũng cần rèn luyện các kỹ năng cần thiết của nhà lãnh đạo, đặc biệt là khắc phục một số yếu điểm của giới mình trong công tác lãnh đạo, quản lý như thiếu tính mạnh mẽ, quyết đoán… Điều này là chìa khóa của thành công giúp phụ nữ phát huy được các thế mạnh của giới mình và khắc phục các yếu điểm còn tồn tại để tiềm năng, vị thế, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định./.