Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 20 đến ngày 26-02-2017)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại Bạc Liêu
Trong 2 ngày 19 và 20-02-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Bạc Liêu, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng trên địa bàn.
Cùng đi với Tổng Bí thư có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.
Làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật của tỉnh Bạc Liêu trong phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn, nghiêm túc triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Bạc Liêu là tỉnh ven biển thuộc bán đảo Cà Mau, giàu tiềm năng để phát triển, với 3 vùng sinh thái: nước ngọt, nước lợ, nước mặn, có nhiều đường giao thông huyết mạch đi qua, ngư trường rộng hơn 20.000 km2. Được thiên nhiên ưu đãi, Bạc Liêu có điều kiện khai thác tiềm năng gió và ánh sáng để phát triển năng lượng sạch. Bạc Liêu có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, với nhiều di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh, là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Nhân dân Bạc Liêu vốn giàu truyền thống yêu nước cách mạng kiên cường. Tỉnh xác định được phương hướng phát triển đúng đắn, phù hợp, được Trung ương quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện. Đây là những điều kiện thuận lợi cho Bạc Liêu vươn lên, phát triển.
Nhất trí với những mục tiêu định hướng phát triển của tỉnh thời gian tới, sau khi nghe ý kiến đóng góp của lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, Tổng Bí thư đề nghị Bạc Liêu phải chú trọng hơn nữa việc hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển toàn diện, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh chọn những việc cần ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện, trước hết là ưu tiên phát triển nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, trong đó có nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản mà mũi nhọn là con tôm, ứng dụng công nghệ cao, đưa Bạc Liêu trở thành một trung tâm của ngành tôm cả nước. Đồng thời, Bạc Liêu cần chú trọng phát triển kinh tế biển, đánh bắt xa bờ, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo; nghiên cứu phát triển mạnh điện gió, tạo nguồn năng lượng sạch cho địa phương, cả vùng và đất nước.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Bình Phước
Ngày 20-02-2017, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã làm việc tại Bình Phước, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh thời gian qua.
Tổ công tác cũng đã thị sát dự án đầu tư xây dựng đường Minh Hưng-Đồng Nơ theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) đang phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc về thanh toán cho công trình.
Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, dự án đầu tư xây dựng mới đường Minh Hưng-Đồng Nơ dài 9,7km đi qua địa bàn huyện Chơn Thành và Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
Dự án đầu tư giai đoạn một là 60,6 tỷ đồng, do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư và đã khởi công trong năm 2008. Đến ngày 18-9-2009, do nguồn vốn ngân sách địa phương gặp khó khăn, tỉnh Bình Phước thống nhất thay đổi chủ đầu tư và điều chỉnh nguồn vốn đầu tư thực hiện toàn bộ dự án theo hình thức BT, giao cho Công ty Cổ phần Sản xuất-Xây dựng-Thương mại và Nông nghiệp Hải Vương (Công ty Hải Vương) thực hiện. Tổng mức đầu tư dự án là 478,5 tỷ đồng, thời gian hoàn thành là năm 2013.
Đến nay, dự án mới hoàn thành giá trị khối lượng đầu tư khoảng 442,7 tỷ đồng (đạt 63,8% giá trị đầu tư theo hợp đồng dự án) đã được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Phước nghiệm thu, xác nhận và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước chỉ đạo ghi thu, thanh toán đối ứng cho dự án 421,1 tỷ đồng (trong đó: thanh toán đối ứng đợt 1 là 191,1 tỷ đồng trong năm 2012, đợt 2 là 50 tỷ đồng trong năm 2014).
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến đánh giá cao những kết quả Bình Phước gặt hái được sau 20 năm tái lập tỉnh, trong đó tiêu biểu là thu ngân sách tăng trên 21 lần. Bộ trưởng nhấn mạnh quyết tâm của Thủ tướng là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, theo đó Bình Phước cũng phải đẩy nhanh việc kiến tạo, chuyển mình tạo lập cho được nền kinh tế tăng trưởng mạnh về công nghiệp-nông nghiệp thông minh mà Thủ tướng khi đến thăm tỉnh đã rất kỳ vọng.
Đối với dự án BT đường Minh Hưng-Đồng Nơ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng đây là tuyến đường quan trọng kết nối các khu công nghiệp trong tỉnh, chủ đầu tư cần sớm đẩy nhanh hoàn thành dự án đúng theo thiết kế. Về cơ chế thanh toán, Tổ công tác ghi nhận nội dung buổi làm việc và các ý kiến liên quan để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến kết luận. Phương hướng giải quyết vướng mắc theo Tổ công tác là vận dụng linh hoạt, làm sao nhà đầu tư và nhà nước cùng có lợi.
Chính phủ chỉ đạo Bình Phước giải quyết 5 vấn đề nổi cộm
Trong cuộc làm việc tại tỉnh Bình Phước, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về 5 vấn đề mà Bình Phước phải quan tâm.
Cụ thể, vấn đề nổi cộm hàng đầu là yêu cầu tỉnh Bình Phước đóng ngay cửa rừng tự nhiên. Vấn đề thứ hai, Bình Phước phải chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp, thành tỉnh tiên phong về phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Thứ ba là thực trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đang đặt ra đối với Bình Phước trong giai đoạn tập trung phát triển công nghiệp. Thứ tư, là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cần được quan tâm hơn. Điểm sau cùng là Bình Phước cần tập trung bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt là tình trạng ma túy, băng nhóm, sử dụng vũ khí nóng…
Tổng Bí thư: Cà Mau tập trung phát triển kinh tế biển, kinh tế rừng
Tiếp tục chuyến công tác tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng trên địa bàn, trong hai ngày 20 và 21-02, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Cà Mau.
Sáng 21-02, làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu bật những tiềm năng tiềm tàng, thế mạnh cơ bản của Cà Mau, một tỉnh cực Nam của Tổ quốc, thuộc Tứ giác động lực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với các trọng điểm kinh tế trong khu vực Đông Nam Á.
Tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư đề nghị đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng cán bộ chủ chốt tỉnh Cà Mau tập trung phân tích, nhận rõ những thuận lợi khó khăn của tỉnh trong quá trình phát triển, đóng góp ý kiến về các mục tiêu, định hướng và giải pháp giúp Cà Mau phát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Trong phát biểu kết luận, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Cà Mau cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển cho sát hợp, nhằm khai thác, phát huy mạnh hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp mà trọng tâm là nuôi trồng, chế biến tôm, phát triển mạnh kinh tế biển, kinh tế rừng… Trên cơ sở quy hoạch, cần làm rõ tiềm năng lợi thế, lựa chọn mục tiêu ưu tiên, xác định lộ trình, bước đi phù hợp với khả năng thực tế của địa phương và quy hoạch tổng thể của cả nước.
Tổng Bí thư chỉ rõ trước mắt cần tập trung phát triển kinh tế biển, đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia; đồng thời nghiên cứu phát triển mạnh hơn điện gió, điện Mặt Trời; quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái, trồng và bảo vệ rừng, ứng phó biến đổi khí hậu.
Tổng Bí thư hoan nghênh các kiến nghị, đề xuất phong phú của tỉnh, với nhiều công trình dự án thiết thực, thể hiện tâm huyết, trăn trở, mong muốn xây dựng phát triển quê hương đất nước; đồng thời mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy thành tựu, kinh nghiệm đã có, khai thác phát huy tiềm năng lợi thế, tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng
Sáng 23-02-2017, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành năm 2016, triển khai công tác năm 2017 và quán triệt, triển khai Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương. Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chủ trì hội nghị.
Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương đánh giá hầu hết các nội dung công việc của ngành theo chương trình, kế hoạch công tác năm 2016 đã hoàn thành tiến độ đề ra. Ngành nội chính đã thực hiện khá tốt việc tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo và các tỉnh ủy, thành ủy ban hành nhiều chủ trương, giải pháp về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và những kết quả của toàn ngành trong năm qua.
Đồng tình với 9 nhóm nhiệm vụ công tác của ngành nội chính năm 2017, Thường trực Ban Bí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh cần nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy với tư cách là cơ quan tham mưu của Đảng về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Để thực hiện tốt yêu cầu này, Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp, đề nghị, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan liên quan làm việc, phối hợp, trao đổi, báo cáo, cung cấp tài liệu, thông tin theo quy định; các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan liên quan cần phối hợp, tạo điều kiện, thực hiện các đề nghị, yêu cầu của Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính cấp tỉnh theo quy định.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy cần tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo và cấp ủy địa phương những chủ trương, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Bảo đảm nguyên tắc không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng nhưng cũng không làm thay hoạt động chuyên môn của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực công tác nội chính và phòng chống tham nhũng.
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin về khối tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 1583/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ về việc liên quan tới Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại văn bản số 3308-CV/VPTW ngày 16-02-2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra, kết luận những nội dung các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để bổ sung, sửa đổi hoặc kiến nghị bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II-2017.
Trước đó, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn số 3308-CV/VPTW ngày 16-02-2017 thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các bài báo liên quan đến đồng chí Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chúc mừng ngành y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, chiều 24-2, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến thăm, chúc mừng tập thể cán bộ, nhân viên Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến lãnh đạo, cán bộ, nhân viên ngành y tế Thành phố, đồng thời cảm ơn đội ngũ cán bộ đang công tác trong ngành y tế Thành phố đã luôn tận tụy, hết lòng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân mong muốn trong thời gian tới đội ngũ y bác sỹ, cán bộ ngành y tế Thành phố tiếp tục chủ động sáng tạo, nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội thăm Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Sáng 24-2, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới thăm và nói chuyện chuyên đề về Hiến pháp năm 2013 và vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Việt Nam tiến hành tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Đây là buổi nói chuyện chuyên đề đầu tiên trong chương trình về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học năm 2017. Bài nói chuyện của Chủ tịch Quốc hội giúp có cái nhìn toàn cảnh những vấn đề lớn của đất nước, những vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, những thông tin tại buổi nói chuyện nhằm cung cấp, làm phong phú thêm cho các chương trình giảng dạy của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Học viện có sự gắn bó với Quốc hội thông qua chương trình liên kết. Theo đó, tại mỗi một kỳ họp Quốc hội, Học viện có thể cử cán bộ giảng dạy đến dự khán tùy theo nhu cầu của bộ môn, cũng như sự quan tâm đến vấn đề mà Quốc hội đang thảo luận.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ về công tác của Quốc hội hiện nay, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, phát huy dân chủ hơn nữa phương thức hoạt động của Quốc hội, tăng cường tranh luận, phản biện, giám sát, đưa ra các quyết định dưới hình thức luật, phát huy vai trò của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Tổng Bí thư: Công tác kiểm tra, kỷ luật đảng chưa đáp ứng được yêu cầu
Ngày 24-2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng nêu rõ nhiệm vụ của Hội nghị là kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và hoạt động của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát và kỷ luật Đảng năm 2016, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, đồng thời bàn biện pháp khắc phục, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát năm 2017.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận, biểu dương kết quả hoạt động kiểm tra của Đảng nói chung, cũng như ngành Kiểm tra nói riêng, đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn sự trong sạch của Đảng, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đất nước.
Tổng Bí thư chỉ rõ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe; đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc. Giữa kiểm tra, giám sát và kỷ luật, dường như công tác kiểm tra, giám sát chưa thật mạnh. Vừa qua, Trung ương đã rất chủ động, quyết liệt, nhưng ở các địa phương chưa có chuyển biến rõ nét, chưa có những vụ việc cụ thể, điển hình. Nếu mỗi tỉnh, thành phố làm được một vài vụ điển hình, sẽ tạo chuyển biến tốt hơn, tránh nặng trên nhẹ dưới.
Phân tích bối cảnh tình hình trong nước và thế giới năm 2017 và những năm tiếp theo, Tổng Bí thư nêu rõ công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy phòng ngừa, xây là chính. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng là để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu trong cuộc sống với mục đích "trị bệnh cứu người"; đồng thời, kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước. Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân tình, nhưng không thể không kỷ luật, xử một người để cứu muôn người.
Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Năm 2016 đã làm được nhiều việc, năm 2017 đang tiếp tục làm và còn nhiều việc phải làm.
Tổng Bí thư đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải có hình thức thích hợp để tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật các tổ chức, đảng viên ở cấp huyện và cơ sở khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, tránh tình trạng bao che sai phạm của các địa phương, cơ quan, đơn vị; chủ động phối hợp chặt chẽ, thực sự hiệu quả với các cơ quan tư pháp, thanh tra, kiểm toán trong thực hiện nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ xem xét, kiểm tra, giám sát các vụ việc với tinh thần quyết tâm cao, kiên quyết bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với những hành vi vi phạm kỷ luật đảng.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-02, ngày 25-02, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến thăm, chúc mừng tập thể y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên tại một số bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và thăm gia đình cố viện sỹ, tiến sỹ Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại các nơi đến thăm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gửi lời chúc mừng nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-02 tới đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành y tế, gửi lời cảm ơn trân trọng tới đội ngũ thầy thuốc đã luôn nỗ lực, đóng góp cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời khẳng định xã hội luôn trân trọng ngành y và quý trọng các thầy thuốc.
Bày tỏ sự xúc động trước tấm lòng của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn tập thể cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành y tế tiếp tục nỗ lực, sáng tạo để đưa ngành y tế ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng chuyên môn, luôn giữ được tâm huyết với nghề để phục vụ nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm và chúc mừng tập thể y, bác sỹ tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình; Bệnh viện Quân Y 175; và, đã đến thăm gia đình cố viện sỹ, tiến sỹ Dương Quang Trung, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng yêu cầu Tuyên Quang tập trung cho kinh tế lâm nghiệp
Chiều 26-02, dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tuyên Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, nhất là gỗ rừng trồng là một thế mạnh cần khai thác để thúc đẩy công nghiệp chế biến. “Kinh tế lâm nghiệp là lối ra cho Tuyên Quang,” Thủ tướng nêu rõ.
Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không chỉ giữ vững phong trào cách mạng truyền thống mà Tuyên Quang còn có nhiều chuyển biến đáng mừng, nhất là trong thu ngân sách, giảm nghèo. Chỉ số cạnh tranh của tỉnh vươn lên mạnh mẽ từ vị trí chót bảng lên mức 48/63 tỉnh, thành phố. Nhiều loại cây công nghiệp được phát triển và giữ vững, đặc biệt mật độ che phủ rừng được duy trì tốt ở mức 64%. Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm; an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững … đó là một cố gắng lớn của địa phương, Thủ tướng nhận xét.
Biểu dương thành tích toàn diện của tỉnh, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phân tích, quy mô kinh tế của Tuyên Quang còn thấp, rừng chưa thực sự trở thành một thế mạnh để tạo nên nguồn thu của địa phương. Tỷ lệ nghèo còn ở mức cao trong vùng.
Đề cập đến những tiềm năng của địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không chỉ có truyền thống cách mạng, con người Tuyên Quang còn hết sức cần cù, chịu khó; Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị có khát vọng mạnh mẽ xây dựng, phát triển quê hương.
Về tầm nhìn phát triển của địa phương, Thủ tướng mong muốn, Tuyên Quang sẽ là hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước; là một điển hình về thoát nghèo, cải thiện sinh kế bền vững, tối ưu hóa tài nguyên, giải quyết, nâng cao đời sống cho người dân.
Gợi mở những biện pháp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Thủ tướng đề nghị Tuyên Quang ưu tiên hàng đầu cho nâng cấp, mở rộng hạ tầng cứng, đường giao thông; đi đôi với đó là làm tốt công tác tái cơ cấu dân cư nhằm giảm chi phí hạ tầng. Về hạ tầng mềm, tỉnh cần đẩy mạnh giáo dục cơ bản, nâng cao dân trí, đặc biệt là đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn; thay đổi phương thức đầu tư theo hướng có trọng điểm đối với khối các trường nội trú và dạy nghề để tạo điều kiện hướng nghiệp cho bà con.
3G, 4 cơ quan  (27/02/2017)
Tăng cường xúc tiến đầu tư tại Tuyên Quang  (27/02/2017)
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Đối tác chiến lược toàn diện  (27/02/2017)
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Đối tác chiến lược toàn diện  (27/02/2017)
Hội nghị SOM 1 và các cuộc họp bước vào ngày làm việc thứ 10  (27/02/2017)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 20 đến ngày 26-02-2017  (27/02/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên