Giải pháp khắc phục tình trạng quá tải khám, chữa bệnh tại các bệnh viện
TCCS - Vấn đề trăn trở trong nhiều năm qua của ngành y tế là đến năm 2020 phải giải quyết căn bản tình trạng quá tải khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện tuyến cuối. Từ thực trạng cấp bách hiện nay, cần những giải pháp khắc phục kịp thời nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Thực trạng quá tải tại các bệnh viện
Hiện nay, tình trạng quá tải khám, chữa bệnh là phổ biến tại hầu hết các bệnh viện ở các tuyến, đặc biệt quá tải trầm trọng ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Tỷ lệ sử dụng giường nội trú thường xuyên trên 100% và dao động từ 120% đến 150% ở một số bệnh viện lớn, như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh),...
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), nhiều năm qua, tình trạng số lượng bệnh nhi quá tải so với số giường bệnh được quy định. Theo số liệu thống kê Bệnh viện Nhi đồng 1 (năm 2018), số giường kế hoạch tại Trung tâm chuyên sâu sơ sinh là 165 giường, nhưng thực kê lên đến 210 giường. Số lượng bệnh nhi sơ sinh nhập viện là khoảng 250 trẻ, có khi lên đến 300 trẻ. Đặc biệt là vào lúc cao điểm, số lượng bệnh nhi lên đến 310 trẻ/ngày. Với thực trạng này, bệnh viện phải tận dụng tất cả những vị trí để kê thêm giường. Vì thế, công suất sử dụng giường là 120% - 130%. Nhiều trẻ bệnh nhẹ, bệnh viện phải cho xuất viện sớm để nhường chỗ cho các bệnh nhi bệnh nặng hơn nằm lại khoa. Nhiều bệnh nhi phải nằm giường ghép đôi, ghép ba. Không đủ chỗ, bệnh viện phải trang bị thêm giường xếp để bệnh nhân nằm ngoài hành lang. Người nhà bệnh nhi phải tăng cường thêm võng nằm trước cửa khoa hoặc nằm ngay trong phòng điều trị.
Ở Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tưởng quá tải cũng đã xảy ra nhiều năm, vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, bệnh viện đã nỗ lực cải tiến hoạt động của phòng khám như cải cách các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ (người bệnh có thể đăng ký lấy số thứ tự tại nhà, đăng ký khám bệnh qua tổng đài 1080). Bệnh viện cũng hỗ trợ tăng cường năng lực cho các tuyến trước nhưng do hằng năm số lượng bệnh nhân đến khám vẫn tăng đều từ 7%-10% nên bệnh viện vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Hiện số giường thực kê tại bệnh viện là 800 giường nhưng số lượng bệnh nhân điều trị nội trú hằng ngày dao động từ 1.100-1.200 người, tỷ lệ quá tải là 150%, trung bình là 1,5 bệnh nhân/giường bệnh nhưng vì có những bệnh nhân nặng, cần chăm sóc đặc biệt nằm một người/giường bệnh nên những khu vực còn lại phải nằm từ 2-3 bệnh nhân. Cả hai khu của bệnh viện chỉ có 15.000m2, trong khi mỗi ngày bệnh viện phải khám ngoại trú cho 2.500 bệnh nhân. Nếu ít nhất mỗi người đi khám bệnh có một người nhà đi cùng thì riêng khu khám bệnh đã tiếp nhận 5.000 bệnh nhân và người nhà, ngoài ra còn 1.200 bệnh nhân nội trú và 1.600 nhân viên của bệnh viện, trong khuôn viên diện tích của bệnh viện luôn có đến 7.800 người mỗi ngày.
Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, là bệnh viện tuyến cuối tại miền Bắc có nhịp độ làm việc căng thẳng bậc nhất cả nước. Tại cơ sở 1 của Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày tiếp nhận từ 7.000 đến 8.000 lượt khám, số lượng bệnh nhân chờ đăng ký khám cao nhất là khu vực khoa khám bệnh.
Một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng quá tải tại các bệnh viện:
Một là, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng trong khi chỉ tiêu giường bệnh thấp và tăng không tương xứng với nhu cầu khám, chữa bệnh.
Ngoài ra, hiện nay, y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, chất lượng hiệu quả hoạt động chưa cao. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa thực sự tốt, nhiều người dân chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ đến khi có bệnh mới chịu đi chữa. Bên cạnh đó, phần lớn các trạm y tế chưa quản lý được các bệnh mạn tính. Đặc biệt, số lượng và chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế tuyến đầu còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít. Trạm y tế xã, phường mới chỉ thực hiện được 50% - 70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến... Cùng với đó, hạn chế về nhân lực tại các trạm y tế, chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến dưới chưa bảo đảm, dẫn tới mất lòng tin của bệnh nhân và sự thiếu tuân thủ quy định chuyển tuyến, chuyển tuyến ngược (80% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại tuyến Trung ương là do họ tin tưởng vào dịch vụ ở tuyến Trung ương). Chưa kể, khả năng kinh tế của người dân được cải thiện trong khi khả năng cung ứng dịch vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới còn hạn chế, dẫn tới tình trạng vượt tuyến.
Hai là, chính sách viện phí và bảo hiểm y tế, trong đó giá và cơ chế chi trả chưa phù hợp. Các quy định của bảo hiểm trong việc chỉ chi trả các loại vật tư kỹ thuật cao, đắt tiền với bệnh nhân nội trú. Để được thanh toán những loại vật tư kỹ thuật cao này buộc phải cho bệnh nhân nằm nội trú, trong khi tình trạng của bệnh nhân chưa đến mức lưu viện, từ đó dẫn đến quá tải.
Sự quá tải ở các bệnh viện còn vì từ chính sách của bảo hiểm khi quy định phân loại thuốc theo tuyến bệnh viện. Cùng một loại bệnh nhưng điều trị tại bệnh viện ở tuyến khác nhau, cấp thuốc khác nhau với chất lượng khác nhau. Điều này khiến cho nhiều người bệnh tự ý chuyển tuyến lên bệnh viện tuyến trên, mong nhận được thuốc có chất lượng tốt hơn, đội ngũ y bác sĩ có trình độ tay nghề cao hơn.
Ba là, chính sách tự chủ tài chính và xã hội hóa dẫn tới các bệnh viện tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết trong đầu tư cung ứng dịch vụ (chủ yếu là trang thiết bị y tế kỹ thuật cao) làm tăng tính đa dạng trong cung ứng dịch vụ. Các bệnh viện tăng các hoạt động tiếp thị thu hút bệnh nhân tới sử dụng dịch vụ và giữ cả những bệnh nhân thuộc phân tuyến kỹ thuật của tuyến dưới lại để điều trị làm tăng thu cho bệnh viện.
Những hệ lụy và giải pháp khắc phục
Các bằng chứng khoa học cho thấy, tỷ lệ sử dụng giường bệnh cao quá quy định, bệnh nhân quá đông sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.
Thứ nhất, tình trạng quá tải giường bệnh, quá đông bệnh nhân sẽ dẫn tới nguy cơ không bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh và sự an toàn cho người bệnh. Thời gian khám, chữa bệnh cho bệnh nhân ít đi, đặc biệt là tại khu vực khoa khám bệnh quá tải, các bác sỹ không có đủ thời gian khám và tư vấn cho bệnh nhân. Việc kê thêm giường bệnh, nhận quá đông bệnh nhân trong khi diện tích mặt bằng không tăng, cơ sở vật chất đầu tư không hợp lý và đúng thiết kế, thiếu nhân lực sẽ dẫn tới tình trạng các bệnh viện không bảo đảm được các tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành theo quy định.
Thứ hai, tình trạng quá tải ảnh hưởng tới chính các nhân viên y tế: nhân lực do nhiều bệnh viện phải bố trí làm thêm giờ, tăng thời gian làm việc để tránh ùn tắc bệnh nhân dẫn tới tình trạng nhân viên y tế không được nghỉ bù, nghỉ trực đầy đủ theo quy định, có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe nhân viên y tế và chất lượng dịch vụ.
Thứ ba, tình trạng quá tải làm chất lượng khám, chữa bệnh không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa các tuyến, các vùng. Hầu hết các cơ sở y tế mới chỉ chủ yếu tập trung vào chữa bệnh mà chưa có đủ điều kiện thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh. Thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế một số nơi còn phiền hà. Thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận cán bộ chưa tốt. An ninh, trật tự an toàn bệnh viện chưa được bảo đảm. Việc kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong một số cơ sở còn hình thức, lợi thế của y dược cổ truyền chưa phát huy tốt.
Thứ tư, tình trạng quá tải làm tăng nguy cơ xảy ra những sự cố y khoa gây nguy hại đến bệnh nhân. Nếu sự cố nhẹ có thể gây kéo dài thời gian nằm viện của bệnh nhân, ảnh hưởng đến chức năng một số cơ quan trên cơ thể, sự cố nặng có thể gây mất chức năng vĩnh viễn hoặc dẫn đến tử vong. Chưa kể, khi sự cố y khoa xảy ra, thường theo sau đó là những vụ khiếu kiện của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đối với nhân viên y tế và cơ sở khám, chữa bệnh.
Trước thực trạng trên, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-7-2017, về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện. Cụ thể là:
Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bên cạnh hệ thống bệnh viện thuộc lực lượng vũ trang; tăng cường phối hợp quân - dân y.
Hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước. Ban hành tiêu chí đánh giá, thực hiện kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện theo chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh; lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, giữa các cơ sở khám, chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngay tại tuyến dưới.
Phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Ban hành danh mục dịch vụ kỹ thuật các tuyến phải có đủ năng lực thực hiện, tiến tới bảo đảm chất lượng từng dịch vụ kỹ thuật đồng đều giữa các tuyến.
Xây dựng và thực hiện chương trình phát triển y học cổ truyền, tăng cường kết hợp với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe.
Phát triển đồng bộ, tạo môi trường bình đẳng cả về hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật giữa các cơ sở khám, chữa bệnh công và tư.
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh.
Tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa.
Tăng cường khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách. Phát huy thế mạnh y tế của lực lượng vũ trang; triển khai các mô hình tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng nơi để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (1).
Trên thực tế, giải quyết tình trạng khám, chữa bệnh quá tải tại các bệnh viện không thể một sớm, một chiều. Thời gian qua, Bộ Y tế đã khắc phục đầu tư dàn trải, tập trung ngân sách để xây dựng nhiều cơ sở y tế mới, như: Cơ sở 2 cho các bệnh viện: Bệnh viện K Hà Nội (tại Thanh Trì, cơ sở 3 ở Tân Triều), Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (tại quận 9), Bệnh viện Nội tiết (tại Thanh Trì), Bệnh viện Bạch Mai (tại Phủ Lý, Hà Nam), Bệnh viện Việt Đức (tại Phủ Lý, Hà Nam),... Các cơ sở này tạo sự khác biệt so với cơ sở cũ, điều kiện khám, chữa bệnh tốt hơn. Hiện, Bộ Y tế cũng đang tập trung xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh (gồm một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, và một số tỉnh, thành phố về các chuyên khoa đang quá tải trầm trọng như khoa Ngoại - chấn thương, khoa Tim mạch, khoa Ung bướu, khoa Sản và Nhi) để giảm tải.
Ngoài ra, Chính phủ đã có quy định về nghĩa vụ luân phiên, bác sĩ nam - nữ đều phải về cơ sở công tác từ 6-12 tháng; bác sĩ trẻ, tốt nghiệp loại giỏi xung phong tình nguyện về cơ sở từ 2-3 năm sẽ được hưởng nhiều quyền lợi. Quy định về nghĩa vụ xã hội tới đây khi được thực hiện sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm tải khám, chữa bệnh tại các bệnh viện. Đối với các trạm y tế chưa có bác sĩ thì sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm. Đây là giải pháp nâng cao năng lực cho y tế cơ sở.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã triển khai những đề án như: Đề án giảm tải bệnh viện; Đề án cải tiến quy trình khám bệnh; Đề án Bác sĩ gia đình; Đề án Nâng cao năng lực công tác kiểm chuẩn chất lượng hệ thống xét nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh; Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
Trong số những giải pháp trên, Đề án giảm tải bệnh viện đã mang lại một số kết quả bước đầu với việc phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Ngày 09-01-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 92/QĐ-TTg phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020, trong đó có nhiệm vụ: Thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; ưu tiên thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của năm chuyên khoa: Ung bướu, Ngoại - chấn thương, Tim mạch, Sản và Nhi theo hướng lấy một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân. Đồng thời, phát triển một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện hạt nhân.
Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020 nhằm nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên. Theo đó, sau 5 năm thực hiện, Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2018 đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 127 bệnh viện vệ tinh, 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển. Mô hình bệnh viện vệ tinh cũng phát triển và có nhiều hình thức phù hợp cho từng địa phương. Bệnh viện vệ tinh phát triển rộng khắp ở các tỉnh, thành trong cả nước, không chỉ dừng lại phát triển ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh mà còn được thực hiện ở nhiều bệnh viện tuyến huyện (2).
Những kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh đã từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện, đặc biệt là tại hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đề án góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh; củng cố lòng tin của người dân với bệnh viện vệ tinh, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện vệ tinh; giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân; tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ bệnh viện hạt nhân về bệnh viện vệ tinh; giảm quá tải tại bệnh viện hạt nhân ở tuyến Trung ương.
Trong năm 2019, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW. Một số giải pháp tiếp tục được triển khai tích cực, như: Công tác chỉ đạo tuyến có sự sàng lọc bệnh nhân và cam kết của tuyến dưới sẽ đón nhận bệnh nhân sau khi đã được điều trị ổn định; tính giảm ngày điều trị trung bình đối với bệnh nhân nội trú; tăng thời gian hẹn tái khám đối với từng bệnh; giảm thời gian bệnh nhân nằm nội trú chờ mổ tại bệnh viện. Nắm bắt thông tin địa phương nào có đông bệnh nhân chuyển tuyến để có những điều chỉnh kịp thời, hạn chế bệnh nhân vượt tuyến. Tăng cường quản lý chặt chẽ lưu lượng người nhà đi theo chăm sóc bệnh nhân.
Để đáp ứng số lượng bệnh nhân tới khám và điều trị, giúp người bệnh tiết kiệm được tối đa thời gian, các bệnh viện cũng tích cực triển khai hệ thống đặt lịch khám bệnh qua tổng đài, website của bệnh viện. Giải pháp này không chỉ đem lại lợi ích cho cả người bệnh và bác sĩ, mà còn là giải pháp quan trọng để giảm quá tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Đối với các trạm y tế cơ sở, trước thực trạng danh mục thuốc bảo hiểm y tế còn thiếu nhiều loại thuốc, không có bác sĩ để chỉ định sử dụng các loại thuốc, Bộ Y tế sẽ trang bị đồng bộ cho các trạm y tế cơ sở từ giường tủ, tủ quầy thuốc, biển tên phòng, tên trạm y tế, đến bố trí trang bị máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang... Các tỉnh sẽ xây dựng lộ trình triển khai, phấn đấu trong 5 năm (2019-2023) hoàn thành các hạng mục đầu tư, nhân lực và hoạt động của trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình./.
Theo thống kê của Bộ Y tế, có đến 35,4% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã (3). Điều này gây lãng phí lớn cho xã hội và gây quá tải trầm trọng cho các bệnh viện tuyến Trung ương.
---------------------
(1) Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-20-nqtw-ngay-25102017-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-ve-tang-cuong-cong-tac-bao-3636
(2) TTXVN, Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, ngày 15-11-2018
(3) Ðể giảm tình trạng người bệnh vượt tuyến, https://www.nhandan.com.vn/ suckhoe/tin-tuc/item/37813002-%C3%B0e-giam-tinh-trang-nguoi-benh-vuot-tuyen.html, ngày 04-10-2018
Hà Nội đưa vào hoạt động máy điều trị ung thư hiện đại nhất thế giới  (30/08/2019)
Xóa bỏ mặc cảm, tăng cường thụ hưởng cho trẻ em bị nhiễm HIV  (24/08/2019)
Tham vấn về đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số  (23/08/2019)
Việt Nam có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới  (20/08/2019)
Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo  (16/08/2019)
Bước phát triển mới của y học biển Việt Nam  (16/08/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay