Hà Nội tập trung ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh sởi và tay chân miệng
TCCSĐT - Mặc dù số người mắc dịch sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi trên địa bàn Hà Nội.
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến ngày 9/10, toàn thành phố ghi nhận 409 trường hợp mắc sởi (tăng 125 ca so với cùng kỳ năm 2017) và 1.742 ca tay chân miệng (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2017), chưa có trường hợp tử vong, chưa ghi nhận ổ dịch lớn.
Trước tình hình trên, ngày 15-10, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đã ký văn bản khẩn gửi các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc ngành, cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ thuốc phòng chống bệnh tay chân miệng.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh chủ động đề xuất phương án cung ứng thuốc, liên hệ với đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc và chuẩn bị sẵn sàng cơ số phòng chống dịch bệnh. Đồng thời thường xuyên cập nhật diễn biến mô hình bệnh tật để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị tại cơ sở, đảm bảo không xảy ra thiếu thuốc cho công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng và điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn.
Đối với các cơ sở kinh doanh thuốc, Sở Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng nguồn thuốc chất lượng, giá thành hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dịch sởi hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, các ca bệnh đều được phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời. Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Hạnh cũng lưu ý, theo chu kỳ dịch 4 năm/lần, dự báo bệnh sởi có thể tiếp tục gia tăng tại Hà Nội trong các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Thêm vào đó, dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi của Hà Nội luôn đạt so với tỷ lệ chung của toàn quốc (từ 95% - 97%) nhưng hàng năm vẫn còn khoảng từ 3% đến 5% trẻ không được tiêm vắc xin sởi và đó là đối tượng dễ mắc bệnh. Trong 3 tháng cuối năm 2018, thành phố sẽ triển khai tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ.
Nhận định về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội trong những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết là các bệnh lưu hành hàng năm tại tất cả các quận, huyện, thị xã, diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ gây dịch. Công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn do nhiều dịch bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân… Một số địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh, chưa thực hiện vệ sinh môi trường triệt để, chưa chủ động đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn…
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2018 của Ủy ban Nhân dân thành phố; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các tổ dân phố, thôn, làng và các hộ gia đình nhằm nâng cao ý thức phòng chống bệnh sốt xuất huyết; triển khai quyết liệt các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy, đặc biệt tại các khu vực đất trống, đất xen kẹt, các công trường xây dựng.... Bên cạnh đó tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đưa trẻ trong độ tuổi tiêm phòng vắc xin theo quy định; theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có phương án xử lý kịp thời.
Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và chủ động tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt công tác cấp cứu điều trị cho người mắc bệnh. Ngoài ra chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả; tổ chức tốt chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi đạt tỷ lệ trên 95%.
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ chính trị hàng đầu; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, xây dựng mạng lưới cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết... Đối với người dân chủ động thực hiện các biện phòng chống dịch bệnh, nhất là các biện pháp diệt bọ gậy, diệt muỗi; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, ăn sạch, uống sạch, đồ chơi sạch; đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch…/.
Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á Âu lần thứ 16  (18/10/2018)
Khai mạc Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN lần thứ 6 về vấn đề ma túy  (18/10/2018)
Quốc hội bầu Chủ tịch nước và phê chuẩn CPTPP tại Kỳ họp thứ 6  (18/10/2018)
Tiếp tục các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Bỉ  (18/10/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm