Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Lành mạnh hóa thị trường vốn, song không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế
TCCS - Ngày 22-4-2022, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Dự hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo một số ban, cơ quan của Đảng, ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo một số ngân hàng, tập đoàn kinh tế, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo tổng quan tại hội nghị cho biết, thời gian qua, thị trường vốn của Việt Nam phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu; quy mô, sản phẩm, thanh khoản tăng mạnh, góp phần huy động nguồn lực tài chính rất quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ và bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng. Thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh.
Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016 - 2021. Hiện tại, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015; trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP.
Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chính sách ứng phó linh hoạt để thị trường vốn phát triển ổn định, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gầy đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn. Trong đó có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân thao túng thị trường, làm giá và thao túng giá cổ phiếu; huy động trái phiếu sử dụng sai mục đích; vi phạm quy định pháp luật khi tham gia thị trường...
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình và xu thế vận động, phát triển của thị trường vốn; cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường; về thông tin thị trường, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; cơ chế, chính sách, biện pháp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia thị trường; kinh nghiệm của thế giới và các khuyến nghị cho Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, đại dịch COVID-19 hơn 2 năm qua đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Nhưng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi khả quan và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I-2021. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I-2022, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức cao nhất so với quý I các năm từ 2018 - 2022... Đây là những con số ý nghĩa để minh chứng tín hiệu tích cực của sự phục hồi kinh tế, huy động và phát triển kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những rủi ro tiềm ẩn của thị trường trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây và khẳng định Chính phủ sẽ xử lý nghiêm và quyết liệt những hành vi sai trái, để minh bạch hóa thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp. Vì vậy, phải tập trung giải quyết ngay những bất cập đã và đang được nhận diện trong thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng nguyên nhân của hạn chế, bất cập nêu trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; đồng thời chỉ ra các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình quản lý, phát triển thị trường vốn vừa qua. Thủ tướng lấy các trường hợp xảy ra gần đây tại Tập đoàn FLC hoặc Tân Hoàng Minh để phân tích, nêu rõ thực trạng tình hình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, thời gian tới, tình hình quốc tế, trong nước sẽ tiếp tục còn nhiều biến động, khó lường; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung thực hiện một số nội dung trọng yếu nhằm phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trước hết, phải ổn định môi trường đầu tư, trong đó đặc biệt là sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm. Do đó, các bộ, ngành liên quan xây dựng hành lang pháp lý, trình các cấp có thẩm quyền để bảo vệ nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường trái phiếu; có giải pháp để phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tiền tệ; phát triển lành mạnh, bền vững thị trường chứng khoán để mở rộng quy mô huy động vốn trung và dài hạn.
Đối với thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát lại cơ chế, chính sách, tập trung sơ kết, tổng kết để đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi hành lang pháp lý, như Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, đang khẩn trương sửa Nghị định 153/NĐ-CP và Nghị định 155/NĐ-CP để nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp góp phần lành mạnh, minh bạch hóa thị trường.
Đối với thị trường chứng khoán, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, đặc biệt liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường, như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, công ty chứng khoán, nhà đầu tư, tăng cường các giải pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin; đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng thao túng, làm giá, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.
Đối với thị trường tiền tệ, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát, củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý tình trạng tồn tại bất cập thời gian qua, nhất là liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát để xử lý tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, tăng cường quản lý thị trường để ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để nỗ lực giảm lãi suất cho vay phù hợp, hiệu quả, góp phần thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Đối với việc xử lý sai phạm, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ với quyết tâm cao lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có hiệu quả. Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông chính xác, đầy đủ, kịp thời những thông tin liên quan đến thị trường vốn; phát hiện, đề nghị và phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin thiếu kiểm chứng, không chính xác, ảnh hưởng đến thị trường. Chỉ đạo các cơ quan báo chí phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tăng cường công tác thông tin, truyền thông bài bản, kịp thời, liên tục, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về các quy định của pháp luật, kiến thức, kỹ năng, minh bạch hóa thông tin của các chủ thể tham gia thị trường để bảo vệ, giảm thiểu rủi ro và nâng cao niềm tin nhà đầu tư với thị trường tài chính.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, làm ăn hiệu quả, chính đáng, minh bạch, làm giàu chính đáng cho mình, đóng góp cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về phát triển ổn định thị trường vốn./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương  (15/04/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Dịch COVID-19 được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc  (10/04/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương  (06/04/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Bảo đảm điện năng phục vụ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững  (04/04/2022)
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên