Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 23 đến ngày 29-4-2018
Quy trình giải quyết thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Trong đó, Nghị định quy định rõ quy trình giải quyết thủ tục hành chính.
Theo quy định, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại bộ, cơ quan ngang bộ, tổng cục và tương đương, tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của cơ quan, đơn vị mình. Tại cấp tỉnh, huyện, xã, Trung tâm Phục vụ hành chính công hoặc bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của UBND cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, của UBND cấp tỉnh, huyện, xã.
Về cách thức giải quyết, các tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua các cách thức theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính gồm: Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa; Thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật; Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.
Mỗi hồ sơ thủ tục hành chính sau khi được tiếp nhận sẽ được cấp một Mã số hồ sơ được ghi trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả. Tổ chức, cá nhân sử dụng Mã số hồ sơ để tra cứu tình trạng giải quyết thủ tục hành chính tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.
Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định trên, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phân công cán bộ, công chức, viên chức xử lý xem xét, thẩm định hồ sơ, trình phê duyệt kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Lai Châu chú ý tạo đồng thuận khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế
Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW 2017 và Nghị quyết 19-NQ/TW 2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Tỉnh ủy Lai Châu đã xây dựng kế hoạch, chương trình chỉ đạo các cấp ủy đảng tổ chức triển khai. Bước đầu, Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu đã đi kiểm tra tất cả các huyện, thành phố và một số ngành; hầu hết các huyện, thành phố và một số ngành của tỉnh đã thực hiện rất nghiêm chủ trương này.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ cho biết: Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 122 về thực hiện Nghị quyết 18 và Chương trình số 24 về thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương. Về lộ trình thực hiện các Nghị quyết 18 và 19, trong năm 2018, Tỉnh ủy Lai Châu tập trung rà soát, kiện toàn, sắp xếp giảm các đầu mối trực thuộc các cơ quan ban ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn; cơ cấu lại các tổ chức bên trong của các đơn vị trực thuộc, tiến hành giảm các đầu mối trung gian, không thành lập các trung tâm, đơn vị trung gian. Đặc biệt, tỉnh Lai Châu quan tâm sắp xếp lại các đơn vị có chức năng chồng chéo, sắp xếp sáp nhập các đơn vị trùng lặp, hoạt động không hiệu quả.
Trong năm 2018, thực hiện tiến hành sắp xếp một số các trung tâm hoạt động chồng chéo như các trung tâm, đơn vị sự nghiệp của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương; sáp nhập một số trường để giảm đầu mối trường học, giảm số lượng cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ. Về biên chế, sau khi có quy định về khung của Trung ương, Tỉnh ủy Lai Châu sẽ chỉ đạo thực hiện nhằm giảm số lượng cấp phó. Tỉnh ủy Lai Châu cũng ban hành văn bản tạm dừng bổ nhiệm cấp phó để trong quá trình sắp xếp kiện toàn sẽ bố trí vị trí hợp lý.
Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Lai Châu là quyết liệt thực hiện các Nghị quyết 18 và 19 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII trong năm 2018 và có một số việc dự kiến trong năm 2019 sẽ làm xong. Trong quý I-2018, hầu hết các cơ quan, đơn vị các cấp của tỉnh Lai Châu đã xây dựng xong kế hoạch thực hiện Nghị quyết 18 và 19. Hiện nay, hầu hết các huyện, thành phố Lai Châu đã nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Đồng chí Giàng Páo Mỷ nêu ý kiến, Trung ương cần sớm có các hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị quyết 18 và 19 do sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có liên quan đến rất nhiều cấp, nhiều ngành và phải sửa đổi các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn. Trước mắt, tỉnh Lai Châu sẽ thực hiện những công việc không vướng luật, còn lại sẽ chờ hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương… Trong quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước sẽ có những ý kiến đồng thuận và người không đồng thuận, tỉnh Lai Châu xác định đây là một việc làm khó nhưng phải quyết tâm làm. Tỉnh ủy Lai Châu đã yêu cầu các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, nắm bắt diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời phát hiện những vấn đề nổi cộm để xử lý kịp thời.
Thái Bình xác định lộ trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm chấn chỉnh những “lỗ hổng” trong quản lý, tổ chức bộ máy, đồng thời đổi mới để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ thực tiễn.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, ngày 11-01-2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 62-KH/TU. Thái Bình xác định việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời phải thu hút được người có đức, có tài làm việc trong bộ máy hệ thống chính trị.
Quan điểm của tỉnh Thái Bình là thận trọng thực hiện từng bước, nội dung nào đã rõ sẽ tiến hành làm trước, nội dung còn mới sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm với những bước đi cụ thể hoặc thực hiện thí điểm từ đó rút kinh nghiệm để triển khai, nhân rộng.
Tổ chức, sắp xếp bộ máy là vấn đề quan trọng của cả hệ thống chính trị, liên quan đến cơ cấu tổ chức và tinh giản biên chế góp phần nâng cao chất lượng sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, tháng 4-2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết tại các huyện, thành phố và một số đơn vị trên địa bàn, lắng nghe các khó khăn từ phía cơ sở, qua đó có các giải pháp tháo gỡ.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình, thời gian qua nhiều cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp công lập đã tiến hành rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy. Cụ thể như năm 2017 tỉnh Thái Bình thực hiện sáp nhập 22 trung tâm (gồm 10 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 6 Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, 6 Trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố) thành 9 Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, giảm 13 trung tâm và 28 biên chế; sáp nhập 6 Ban quản lý dự án các công trình xây dựng thuộc 4 sở (gồm Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giao thông vận tải và Sở Y tế) thành 3 Ban quản lý dự án trực thuộc UBND tỉnh…
Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy đã góp phần giảm nhiều đơn vị đầu mối và giảm số lượng người làm việc trong các cơ quan có chung chức năng, chuyên môn, nhiệm vụ. Thống kê của Tỉnh ủy Thái Bình cho thấy, sau khi sắp xếp đã giảm được 233 biên chế, tương ứng giảm chi trên 16 tỷ đồng/năm.
Đồng Nai tiến tới giảm ít nhất 10% biên chế
Từ nay đến năm 2019, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bên trong các đơn vị theo hướng giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó; thí điểm thực hiện một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, hiệu quả hoạt động đối với những nơi đủ điều kiện. Đó là mục tiêu Tỉnh ủy Đồng Nai đang triển khai thực hiện về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Theo Kế hoạch 116-KH/TU ngày 02-4-2018 của Tỉnh ủy Đồng Nai, tỉnh kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; tiến hành giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả; thực hiện nghiêm việc tinh giảm biên chế theo mục tiêu đã đề ra (đến năm 2021 giảm 10% biên chế so với năm 2015).
Theo Tỉnh ủy Đồng Nai, trong khi chờ quy định khung của Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ, tỉnh tiếp tục thực hiện số lượng biên chế để thành lập phòng (ban) trực thuộc các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương tối thiểu là 5 biên chế, đối với cơ quan khối Nhà nước tối thiểu là 8 biên chế; đối với các phòng không đủ biên chế để bố trí hoặc chức năng, nhiệm vụ có tính chất tương đồng thì xem xét sáp nhập; phòng có số lượng từ 8 - 10 biên chế thì bố trí 1 phó trưởng phòng, từ 11 biên chế trở lên thì bố trí 2 phó trưởng phòng; giảm tỷ lệ người phục vụ trong từng cơ quan đơn vị, nhất là khối văn phòng.
Tỉnh ủy Đồng Nai đề ra kế hoạch đến năm 2021 tỉnh sẽ cơ bản sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp sáp nhập các ấp, khu phố không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Những năm tiếp theo, hoàn thiện các mô hình thí điểm tiến tới nhân rộng thực hiện trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống: Giảm đầu mối tổ chức và giảm biên chế là nhiệm vụ trọng tâm năm 2018
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19, Thành ủy Cần Thơ đã có các Chương trình số 27, 28 về thực hiện các Nghị quyết trên. UBND thành phố Cần Thơ đã có Chỉ thị số 05, Kế hoạch số 47 và Kế hoạch số 48 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương và các Nghị quyết, Chương trình hành động của Thủ tướng Chính phủ và Thành ủy Cần Thơ.
Về tổ chức sắp xếp các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước, Cần Thơ đã chủ động rà soát, sắp xếp giảm các tổ chức, phối hợp liên ngành, Ban quản lý dự án thực hiện từ nay và hoàn thành trong năm 2019. Thành phố sẽ thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng UBND ở cấp thành phố. Thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện ở những nơi có điều kiện theo quy định. Thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối, tinh giảm biên chế, giảm chi thường xuyên, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động theo quy định của Trung ương.
Thành phố xây dựng Đề án và thực hiện thí điểm mô hình tổ chức bộ máy hành chính đô thị, nông thôn ở những nơi có điều kiện; thực hiện khoán kinh phí chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khu vực; thực hiện rà soát sắp xếp kiện toàn các phòng chuyên môn thuộc sở, ngành theo quy định. Bên cạnh đó, rà soát sắp xếp lại tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Ủy ban nhân dân thành phố, quận, huyện theo quy định khung của Chính phủ, sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực và nhu cầu của thị trường, xã hội, thực hiện tinh giảm biên chế theo lộ trình, giảm số lượng cấp phó của các cơ quan tổ chức, đơn vị phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương...
Trong 3 năm (2018-2020), Cần Thơ sẽ giảm 59 đơn vị sự nghiệp công lập, tương đương với 10% đơn vị sự nghiệp của thành phố và 2.526 biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Trong đó, năm 2018, riêng Sở Y tế và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ giảm 11 đơn vị sự nghiệp. Các sở ngành khác đang tiếp tục rà soát để giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập. Thành phố Cần Thơ đã có kế hoạch thực hiện giảm 2.326 biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách, đạt 92,08% kế hoạch. Số lượng biên chế còn lại trong giai đoạn 2018-2020 là 200 biên chế sẽ được thực hiện tinh giảm trong hai năm 2019-2020. Cũng trong năm nay, Cần Thơ sẽ giải quyết dứt điểm số hợp đồng lao động làm nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ không đúng quy định tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Giai đoạn từ năm 2021-2025, thành phố Cần Thơ tiếp tục rà soát giảm 54 đơn vị sự nghiệp và 2.273 biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách, tương đương với 10% số đơn vị và biên chế của năm 2021. Toàn thành phố có ít nhất 108 đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính, 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Đến năm 2030, thành phố tiếp tục thực hiện giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; đồng thời tiếp tục giảm 2.046 biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025./.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23 đến 29-4-2018)  (30/04/2018)
Ngày 29-4, tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí  (29/04/2018)
Chuyên gia nhận định về chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Ấn Độ  (29/04/2018)
Đại sứ Việt Nam và Mỹ đối thoại về quan hệ song phương  (29/04/2018)
Chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tăng nhẹ trong tháng Tư  (29/04/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên