Kiểm tra, giám sát việc thực hiện những điều đảng viên không được làm, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

Đặng Văn Hồng Thành ủy viên, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh
19:20, ngày 19-06-2012
TCCSĐT - Đảng ta luôn xác định kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của Đảng, mà trước hết và trực tiếp là của các cấp ủy đảng, phải do cấp ủy đích thân trực tiếp tiến hành.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố đảng về tư tưởng, về tổ chức”(1). Vận dụng tư tưởng của Người, Đảng ta luôn xác định kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của Đảng, mà trước hết và trực tiếp là của các cấp ủy đảng, phải do cấp ủy đích thân trực tiếp tiến hành. Đồng thời, Đảng ta quy định trách nhiệm kiểm tra cho các ủy ban kiểm tra và các ban tham mưu của cấp ủy các cấp. Qua mỗi kỳ đại hội Đảng, quan điểm, nguyên tắc, nhiệm vụ, phương pháp công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng đã được phát triển, hoàn thiện. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, nhiệm vụ kiểm tra của các cấp ủy, tổ chức đảng chính thức được ghi và vào thành một điều (Điều 30) trong Điều lệ Đảng. Đến Đại hội X của Đảng, nhiệm vụ giám sát được Điều lệ Đảng quy định, nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên từ lúc còn manh nha. Điều lệ Đảng khóa X và khóa XI quy định rõ tại Điều 30, Điều 32 về chức năng, nhiệm vụ giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp.

Có thể khẳng định sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân càng phát triển, càng tiến lên, công việc của Đảng, của cán bộ, đảng viên ngày càng nặng nề, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp cần tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giải quyết một số vấn đề bức xúc trong xã hội (suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, trật tự kỷ cương); đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế và việc thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, cùng với tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được ngăn chặn và còn diễn biến phức tạp, làm cho một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hoá, biến chất, "tự diễn biến, tự chuyển hoá", không phát huy được vai trò tiền phong gương mẫu, tính chiến đấu của người đảng viên, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Từ thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu khách quan, mang tính cấp thiết phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên về việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước, trong đó chú trọng hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm.

Trong thời gian qua, nhằm thường xuyên giáo dục, rèn luyện và nâng cao phẩm chất đạo đức, ngăn ngừa vi phạm của cán bộ, đảng viên, từ nhiệm kỳ Đại hội VIII đến nhiệm kỳ Đại hội X, Bộ Chính trị đã liên tục ban hành Quy định về những điều đảng viên không được làm, cụ thể như: Quy định số 55-QĐ/TW ngày 15 tháng 12 năm 1999, Quy định số 19-QĐ/TW ngày 03 tháng 01 năm 2002, Quy định số 115-QĐ/TW ngày 7 tháng 12 năm 2007 và hiện nay là Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2011. Trên cơ sở các quy định của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy tùy theo đặc điểm, tình hình, điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị phải triển khai thực hiện nghiêm túc và quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên về nội dung những điều đảng viên không được làm, với trọng tâm là thực hành tiết kiệm, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhấn mạnh đến tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thực tế tại Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, qua công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành Quy định số 115 –QĐ/TW ngày 7 tháng 12 năm 2007 của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm, đã cho thấy:

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đều nhận thức được đây là quy định rất cần thiết để nâng cao ý thức tự phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện bản thân, đồng thời là căn cứ quan trọng để tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện các sai phạm hoặc những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống để có biện pháp giáo dục, xử lý, ngăn ngừa và hạn chế sai phạm nghiêm trọng xảy ra; mặt khác quy định cũng là cơ sở để quần chúng nhân dân giám sát thường xuyên đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua các mối quan hệ tại nơi công tác và nơi cư trú, là kênh thông tin quan trọng giúp cho tổ chức đảng quản lý hiệu quả đội ngũ cán bộ, đảng viên, qua đó từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa X, đồng thới góp phần thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Với nhận thức như trên, trong những năm qua, Thành ủy và cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; hằng năm, nội dung thực hiện Quy định 115-QĐ/TW được đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và của cấp ủy các cấp gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và kiểm điểm phân tích chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; một số quận ủy, huyện ủy đưa nội dung Quy định số 115-QĐ/TW của Bộ Chính trị vào chương trình học lý luận chính trị cho đảng viên mới, qua đó, nội dung quy định về những điều đảng viên không được làm từng bước đã trở thành ý thức rèn luyện của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Thành phố. Ngoài ra, các cấp ủy cũng chỉ đạo ủy ban kiểm tra thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành những điều đảng viên không được làm, tham mưu cho cấp ủy xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với những trường hợp vi phạm. Trong 3 năm (từ năm 2008 đến năm 2010), qua công tác kiểm tra, giám sát đã phát hiện trong toàn Đảng bộ thành phố có 1.591 trường hợp đảng viên vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm; trong đó đã tiến hành xử lý kỷ luật 1.289 đảng viên, cụ thể như sau: Điều 1: 277 trường hợp, Điều 2: 1 trường hợp, Điều 3: 33 trường hợp, Điều 4: 13 trường hợp, Điều 5: 4 trường hợp, Điều 6: 1 trường hợp, Điều 7: 19 trường hợp, Điều 8: 393 trường hợp, Điều 9: 226 trường hợp, Điều 11: 7 trường hợp, Điều 12: 44 trường hợp, Điều 13: 2 trường hợp, Điều 15: 2 trường hợp, Điều 16: 4 trường hợp, Điều 17: 262 trường hợp, Điều 18: 1 trường hợp. Cấp ủy viên bị thi hành kỷ luật trong 3 năm là 354 đồng chí (27,46%) gồm quận ủy viên, huyện ủy viên và tương đương 26 đồng chí, đảng ủy viên 147 đồng chí, chi ủy viên 181 đồng chí. Phân tích số đảng viên bị thi hành kỷ luật trong 3 năm công tác ở các lĩnh vực: Đảng 86 (6,63%); chính quyền 423 (32,81%); đoàn thể 71 (5,52%); lực lượng vũ trang 353 (27,37); sản xuất - kinh doanh - dịch vụ 158 (12,22%); khác 198 (15,36%).

Qua công tác kiểm tra, giám sát và xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm đã giúp cho tổ chức đảng, cấp ủy đảng và mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao hơn nữa ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; giữ vững đoàn kết, nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân. Mặt khác, kết quả kiểm tra, giám sát giúp cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp xác định những lĩnh vực cán bộ đảng viên thường xuyên vi phạm, đó là vi phạm ở các Điều 1, Điều 8, Điều 9, Điều 12, Điều 17 trong 19 điều đảng viên không được làm. Nguyên nhân của những sai phạm này đa số do vẫn còn một số đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về phẩm chất, đạo đức lối sống, vì lợi ích riêng tư, không coi trọng lợi ích của Nhà nước, của xã hội, của nhân dân, việc tự phê bình và phê bình ở một số không ít chi bộ có dấu hiệu nể nang, dễ dãi trong đấu tranh xử lý. Từ đó, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã đề ra những biện pháp giáo dục, ngăn ngừa cán bộ, đảng viên vi phạm hoặc có biện pháp động viên, thuyết phục, hướng dẫn đảng viên khắc phục, sửa chữa các khuyết điểm, sai lầm để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện bản thân. Trong số những vi phạm của đảng viên đã phát hiện, có nhiều vụ việc qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời xử lý, ngăn chặn góp phần hạn chế được những sai phạm nghiêm trọng, giúp tổ chức đảng, đảng viên thấy rõ thiếu sót, khuyết điểm và tự đề ra phương phướng, giải pháp khắc phục. Đối với những trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý để giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cũng đã chỉ đạo xử lý kịp thời, chính xác, nghiêm minh, mang lại hiệu quả răn đe, giáo dục đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên về việc chấp hành Quy định số 115-QĐ/TW, trong 3 năm qua, tỷ lệ đảng viên vi phạm và số đảng viên vi phạm trong toàn Đảng bộ thành phố bị xử lý giảm rất nhiều so với trước đây khi thực hiện Quy định 19-QĐ/TW, theo đó: tổng số đảng viên vi phạm phát hiện giảm 2.194 đồng chí, tổng số đảng viên bị xử lý giảm 1.793 đồng chí. Điều đó chứng minh tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện những điều đảng viên không được làm là nhân tố rất quan trọng để phát huy mặt tích cực, phòng ngừa hạn chế, yếu kém, tiêu cực, ngăn ngừa vi phạm của đảng viên.

Để có những kết quả nêu trên, Thành ủy, cấp ủy các cấp luôn quan tâm theo dõi chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc triển khai, quán triệt Quy định số 115-QĐ/TW của Bộ Chính trị; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát gắn  nội dung về công tác xây dựng Đảng và Quy định số 115-QĐ/TW của Bộ Chính trị; quan tâm công tác quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng hoạt động, sinh hoạt của tổ chức cơ sở Đảng.

Ngoài ra, các cấp ủy cơ sở có sự chủ động và quan tâm hơn công tác quản lý đảng viên, xem việc thực hiện những điều đảng viên không được làm là chuẩn mực để đảng viên tự kiểm tra, rèn luyện giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp được chú trọng và tăng cường, trong đó không ngừng đẩy mạnh kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, mở rộng giám sát chuyên đề, nâng cao hiệu quả việc xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng khi có sai phạm, từ đó đã có tác dụng phòng ngừa vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của đội ngũ đảng viên và xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh trên địa bàn thành phố. Vì vậy, từ năm 2008 đến năm 2010, tỷ lệ tổ chức được xếp loại trong sạch, vững mạnh trong toàn Đảng bộ tăng 10,52% (2008: 58,50%; 2009: 64,90%; 2010: 69,02%), tỷ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tăng 1,58% (2008: 10,68% ; 2009: 11,87% ; 2010: 12,26%).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua công tác kiểm tra, giám sát cũng đã chỉ ra những mặt còn hạn chế như:  

Một số cấp ủy chỉ đạo chưa chặt chẽ công tác triển khai, quán triệt Quy định số 115-QĐ/TW của Bộ Chính trị tại cơ quan, đơn vị, chưa tạo thành nền nếp thường xuyên trong các buổi sinh hoạt định kỳ tại các chi bộ trực thuộc để nhắc nhở đảng viên chấp hành, tự rèn luyện, tu dưỡng; chưa chủ động và thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm từ lúc còn manh nha và do ngại đụng chạm, thiếu đấu tranh, tự phê bình và phê bình dẫn đến sai phạm của đảng viên phải xử lý kỷ luật. Một số ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở chưa nghiên cứu nắm chắc, chưa làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy trong tổ chức thực hiện Quy định số 115-QĐ/TW của Bộ Chính trị, nhất là Hướng dẫn số 12-HD/KTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Mặt khác một số đảng viên do thiếu tu dưỡng rèn luyện về đạo đức lối sống, ý thức chấp hành kỷ luật của Đảng chưa cao dẫn đến việc sai phạm bị xử lý kỷ luật.

Một số cấp ủy chưa kịp thời sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Quy định 115-QĐ/TW của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm; xây dựng tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên còn thiếu cụ thể; chưa có những biện pháp quyết liệt, cụ thể để góp phần ngăn ngừa vi phạm xảy ra; chưa thực hiện tốt kiểm tra, giám sát; chưa phát hiện kịp thời dấu hiệu vi phạm của đảng viên để có kế hoạch kiểm tra; có nơi còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi trong đấu tranh xử lý.

Quá trình thực hiện Quy định 115-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Một số điều qua thực hiện thấy chưa đủ rõ, nội dung khó hiểu, gây khó khăn khi phải xem xét vi phạm của đảng viên, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; có nội dung quy định của Đảng và Nhà nước đã thay đổi nhưng chưa được điều chỉnh trong Quy định hoặc trong Hướng dẫn thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm. Do đó, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Quy định số 47 –QĐ/TW ngày 1 tháng 11 năm 2011 về những điều đảng viên không được làm trên cơ sở sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề phù hợp với thực tiễn.

Để thực hiện có hiệu quả Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2011 và Hướng dẫn số 03–HD/UBKTTW ngày 15 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những điều đảng viên không được làm, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa vi phạm của đảng viên theo tinh thần chỉ đạo Nghị quyết số 12–NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trên cơ sở xác định ba nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách, bốn nhóm giải pháp cụ thể về những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay nêu trong Nghị quyết, cần thực hiện một số giải pháp thường xuyên như sau:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, phương châm và nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 14-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; Nghị quyết 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các quy định, quyết định, quy chế của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, ngăn ngừa đảng viên và tổ chức đảng vi phạm kỷ luật.

Cấp ủy các cấp tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy. Có nhiều biện pháp đồng bộ và kiên quyết, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt của người đứng đầu; vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp; từng cấp ủy đảng phải xây dựng tiêu chuẩn cụ thể về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cho phù hợp với từng lĩnh vực công tác phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, ủy ban kiểm tra các cấp cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt đối với những dấu hiệu vi phạm thường xuyên xảy ra.

Cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp lựa chọn nội dung kiểm tra, giám sát cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của tổ chức mình. Tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp; việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là những vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ.

Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Chính phủ, thanh tra Nhà nước các cấp, công tác giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và của các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo đúng chức năng và thẩm quyền của mỗi cơ quan. Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa uỷ ban kiểm tra đảng với các tổ chức đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc xem xét khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hoạt động của hệ thống uỷ ban kiểm tra các cấp.

Để việc tiến hành công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp cần nắm chắc các quy định, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các quy định, hướng dẫn của Trung ương về nguyên tắc, quy trình, cách tiến hành thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, nhất là chi bộ trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, thực hiện nhiệm vụ đảng viên./.



(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.521