Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản: Kết quả ấn tượng và triển vọng tươi sáng
TCCSĐT - Từ ngày 27-6 đến ngày 1-7-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê. Sự thành công của chuyến công tác thể hiện tinh thần chủ động hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực của Việt Nam đối với Hội nghị thượng đỉnh G-20 và tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Những kết quả ấn tượng
Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21-9-1973. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, hai nước đã tiến hành trao đổi đại sứ quán, khởi động giao lưu, trao đổi đoàn và ký Thỏa thuận về việc Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại đối với Việt Nam. Tuy nhiên từ năm 1979, các hoạt động giao lưu giữa hai nước bị hạn chế, các khoản viện trợ đang thực hiện bị tạm ngưng. Năm 1992 là dấu mốc đặc biệt trong quan hệ hai nước khi Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam. Kể từ đó, quan hệ kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa… giữa hai nước được mở rộng, sự hiểu biết và tin cậy từng bước tăng lên. Năm 2002, Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Tháng 10-2006, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục có bước tiến mới sau khi hai bên ký Tuyên bố chung “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Với quyết tâm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, tháng 4-2009, hai nước chính thức nâng quan hệ lên tầm “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Hai năm tiếp đó, quan hệ song phương được mở thêm một trang mới với việc lãnh đạo cấp cao hai nước ký các tuyên bố chung “Phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (tháng 10-2010) và “Triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (tháng 10-2011). Trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược, trong bối cảnh tình hình quốc tế mới, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất, là cơ sở để tháng 3-2014, hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Đặc biệt, tháng 9-2015, nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã ra Tuyên bố về “Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản”. Đây được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển mới toàn diện và tốt đẹp chưa từng có của mối quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực, như chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, giao lưu cấp địa phương, giao lưu nhân dân...
Về chính trị - ngoại giao, trong những năm qua, quan hệ chính trị giữa hai bên luôn được củng cố và mở rộng, ngày càng đi vào thực chất. Hiện nay, quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao và có sự tin cậy cao thông qua các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao thường xuyên, cũng như các cơ chế đối thoại giữa các bộ, ngành.
Về giao lưu cấp cao, từ khi nối lại quan hệ ngoại giao (năm 1992) đến nay, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên duy trì các chuyến thăm lẫn nhau. Có thể kể đến là: Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam 10 lần (1); Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản thăm Việt Nam 2 lần (2); Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Y-a-ma-da-ki thăm Việt Nam vào tháng 12-2015; Hoàng Thái tử Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam tháng 2-2009, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Việt Nam từ ngày 28-2 đến ngày 5-3-2017. Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư thăm chính thức Nhật Bản 4 lần (3); Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản 2 lần (4); Thủ tướng thăm chính thức Nhật Bản 9 lần (5); Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức 3 lần (6).
Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Đảng ta và Đảng Cộng sản Nhật Bản được củng cố, tăng cường trong những năm qua thông qua các hoạt động trao đổi thông tin, lý luậnvà phối hợp trên các diễn đàn đa phương chính đảng. Hợp tác giữa hai quốc hội được tăng cường thông qua trao đổi đoàn cấp cao và giữa các ủy ban chuyên môn, đặc biệt là Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam. Các cơ chế đối thoại, như Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản về ngoại giao - an ninh - quốc phòng, Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản, Đối thoại An ninh; Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và nông nghiệp... được hai nước duy trì hiệu quả.
Hai bên còn phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, như Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên hợp quốc… Việt Nam ủng hộ Nhật Bản vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016 - 2017 và Nhật Bản ủng hộ Việt Nam vào vị trí này nhiệm kỳ 2020 - 2021. Hai bên cùng nhau phối hợp chặt chẽ thúc đẩy để ký kết, phê chuẩn và đang hợp tác triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Về kinh tế - thương mại, Nhật Bản luôn giữ vững vị trí là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về kinh tế, luôn sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc đổi mới, trở thành nhà tài trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Kể từ khi nối lại việc cấp ODA cho Việt Nam (năm 1992) đến nay, ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam chiếm hơn 1/3 tổng ODA của cộng đồng quốc tế cho Việt Nam, với số vốn cam kết khoảng 30,5 tỷ USD (7), được phân bổ vào tất cả các lĩnh vực chủ chốt, như nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, điện lực, công nghệ - thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo… góp phần quan trọng vào việc thực hiện ba đột phá chiến lược của Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững. Thông qua các nguồn ODA của Nhật Bản, nhiều dự án của Việt Nam đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả, trở thành biểu tượng sinh động cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, như nhà ga quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Nội Bài, Cầu Nhật Tân, Cầu Cần Thơ, Cầu Thanh Trì, Hầm đường bộ Hải Vân, Cảng Hải Phòng, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy, các tuyến đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội…
Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, Nhật Bản hiện có gần 4.000 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 50 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản..., với hai hình thức chính là 100% vốn nước ngoài và hình thức hợp đồng BOT. Năm 2017 và 2018, Nhật Bản liên tục trở thành nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư kỷ lục lần lượt đạt hơn 9,11 tỷ USD và 8,59 tỷ USD (8). Để đẩy mạnh hơn nữa dòng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, hai bên tích cực triển khai chương trình hành động “Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản nhằm cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam”, gọi tắt là “Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản”, đã được hai nước ký kết vào tháng 4-2003.
Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng tăng, kể từ khi hai nước dành cho nhau quy chế thuế suất tối huệ quốc (năm 1999). Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực (tháng 10-2009), đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật Bản - ASEAN (AJCEP), VJEPA tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 33,4 tỷ USD, tăng gấp gần 2 lần so với 10 năm trước. Năm 2018, tổng giá trị xuất - nhập khẩu giữa hai nước đạt 37,860 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2017 (9).
Quan hệ quốc phòng - an ninh được hai nước đặc biệt quan tâm đẩy mạnh, nhằm đáp ứng hiệu quả với các cam kết Bản Ghi nhớ hợp tác quốc phòng - an ninh Việt Nam - Nhật Bản. Theo đó, hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy và trao đổi quốc phòng trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như luật pháp, quy định và chính sách quốc gia của mỗi nước. Cụ thể là, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp thăm lẫn nhau, tiến hành đối thoại chính sách quốc phòng định kỳ cấp thứ trưởng, đào tạo nhân lực, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, hợp tác tại các diễn đàn quốc phòng quốc tế và khu vực; đồng thời hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn song phương và đa phương, nhằm kết nối một cách hiệu quả khuôn khổ hợp tác khu vực, đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Hợp tác lao động và du học tăng trưởng vượt bậc, góp phần quan trọng vào thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Tính đến tháng 6-2018, số người Việt Nam sang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản đạt gần 300.000 người, trở thành cộng đồng nước ngoài lớn thứ ba tại Nhật Bản. Trong đó, số du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản là hơn 75.000 người và số thực tập sinh kỹ năng là trên 140.000 người. Với việc dân số Nhật Bản đang già hóa và giảm về số lượng thì nguồn lao động thực tập sinh nước ngoài, nhất là từ Việt Nam, đang là nguồn bổ sung quan trọng cho sự thiếu hụt nhân lực của Nhật Bản trong hầu hết các ngành, nghề. Đây cũng là nguồn tài sản quý, là cầu nối vun đắp cho quan hệ hai nước trong nhiều thập niên tới và là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi đang ngày càng phát triển giữa hai nước.
Du lịch cũng là “điểm sáng” trong quan hệ hai nước khi Nhật Bản trở thành đối tác hợp tác du lịch lớn thứ ba của Việt Nam với lượng khách trao đổi giữa hai nước năm 2018 đạt khoảng 1,2 triệu lượt người, trong đó Việt Nam đón được hơn 826.000 lượt khách Nhật Bản và khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản đạt khoảng 390.000 lượt, có tỷ lệ tăng trưởng đứng đầu trong các nước (10).
Giao lưu nhân dân thông qua các lễ hội thường niên, như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản tại Việt Nam… là những sự kiện được đông đảo nhân dân hai nước mong chờ. Năm 2018, nhiều sự kiện kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức càng góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa nhân dân hai nước.
Hợp tác trên các lĩnh vực mới, như nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường… cũng phát triển mạnh mẽ. Hợp tác giữa các địa phương ngày càng sôi động với 37 cặp địa phương của hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Đây chính là cơ sở thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa giao lưu, hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ...
Triển vọng tươi sáng
Cùng nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự tin cậy về chính trị, sự tương đồng về văn hóa giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản, sự chia sẻ lợi ích chung của hai nước sẽ là nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ để quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, hướng tới tương lai của mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Điều này hoàn toàn có cơ sở để khẳng định dựa trên hai điểm nhấn rút ra từ những thành quả đầy ấn tượng của hợp tác song phương trong suốt 46 năm qua. Đó là:
Ở cấp độ song phương, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được vun đắp từ những nỗ lực của hai nước trong gần nửa thế kỷ qua trên cơ sở “tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, phát huy lợi ích tương đồng, nâng cao hiệu quả hợp tác, nỗ lực hướng tới tương lai” cùng với sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân hai nước. Rõ ràng, Việt Nam và Nhật Bản là đối tác quan trọng của nhau, có nhiều lợi ích cơ bản tương đồng. Việt Nam khẳng định Nhật Bản tiếp tục là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài. Nhật Bản khẳng định coi trọng vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2017, nhiều sự kiện trọng đại đã để lại ấn tượng sâu sắc trong quan hệ hai nước. Đơn cử như, lần đầu tiên trong lịch sử, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã thăm Việt Nam (tháng 2), chỉ một tháng ngay sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê. Mặc dù tuổi đã cao, song Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản vẫn quyết định đến thăm Việt Nam đáp lại lời mời của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Đây cũng là chuyến thăm cấp nhà nước cuối cùng tới nước ngoài của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Cũng trong năm 2017, các hoạt động giao lưu cấp cao được tiến hành sôi nổi chưa từng có. Cụ thể là, Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê hai lần thăm Việt Nam (tháng 1 và tháng 11), Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Ô-si-ma Ta-đa-mô-ri (Oshima Tadamori) thăm chính thức Việt Nam (tháng 5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nhật Bản (tháng 6). Đây là lần đầu tiên trong một năm, tất cả những nhà lãnh đạo cao nhất của Nhật Bản, gồm Nhà vua, Hoàng hậu, Thủ tướng và Chủ tịch Hạ viện đến thăm Việt Nam.
Lãnh đạo Nhật Bản nhiều lần khẳng định, một nước Việt Nam phát triển và ổn định, có vai trò và vị thế lớn hơn trong khu vực là phù hợp với lợi ích của Nhật Bản và điều này thể hiện rõ qua những hoạt động cụ thể, như: 1- Nhật Bản là thành viên Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G-7) đầu tiên đã đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 4-1995), nước đầu tiên trong G-7 thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 4-2009), đồng thời cũng là nước đầu tiên trong G-7 công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam (năm 2011); 2- Thủ tướng Nhật S. A-bê chọn Việt Nam là nước thăm đầu tiên khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình (tháng 1-2013); 3- Năm 2018, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Nhật Bản đã đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang với tư cách chuyến thăm cấp nhà nước duy nhất trong năm - thể hiện sự coi trọng đặc biệt đối với Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa khi Chủ tịch nước Việt Nam là khách cấp nhà nước cuối cùng của Nhà vua và Hoàng hậu trước khi thoái vị.
Ở cấp độ đa phương, sự hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản trong các vấn đề khu vực và quốc tế được triển khai trên cơ sở quyết tâm phối hợp chặt chẽ và thể hiện sự coi trọng, tin cậy ngày càng được nâng cao. Năm 2016, Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên mời Thủ tướng Việt Nam tham dự diễn đàn G-7 mở rộng. Ba năm sau, tháng 6-2019, lần thứ hai Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế lớn này với tư cách khách mời của nước chủ nhà. Với tư cách khách mời đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị và đóng góp ý kiến vào dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị.
Trước đó, Hội nghị cấp cao APEC cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 chứng kiến sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong dẫn dắt và đi đến ký kết CPTPP ở thời điểm việc đàm phán về Hiệp định này rất khó khăn khiMỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Sự hợp tác tại APEC Việt Nam 2017 và việc Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 (lần thứ 4 trong 10 năm qua) được tổ chức tại thành phố Ô-xa-ka, trong hai ngày 28 và 29-6-2019, không chỉ khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín và vị thế của một Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế; một đối tác tin cậy và có trách nhiệm đối với hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực, mà còn là minh chứng cho quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” đang phát triển tốt đẹp, cùng chia sẻ, ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực.
Trên nền tảng những thành tựu hợp tác tốt đẹp của hai nước ở cả cấp độ song phương và đa phương, triển vọng hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trên một số lĩnh vực trong cũng được đánh giá rất tươi sáng trong thời gian tới.
Một là, nguồn vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong những năm tới sẽ được cung cấp dựa trên “Chính sách mới nhất về hỗ trợ quốc gia cho Việt Nam” cùng với “Kế hoạch theo từng năm” đã được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt vào tháng 12-2017. Chính sách này bao gồm ba trụ cột của các lĩnh vực ưu tiên, đó là: 1- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế; 2- Hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương; 3- Tăng cường quản trị nhà nước. Một số loại hình hợp tác mới sẽ được triển khai, như Chương trình tài chính đầu tư tư nhân (PSIF), các loại hình hợp tác có sự tham gia của người dân, chính quyền địa phương và tổ chức xã hội nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng và đầu tư từ vốn ODA. Đặc biệt, tại phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 10 (tháng 9-2018), Nhật Bản cam kết sẽ hỗ trợ ODA phát triển kết cấu hạ tầng chất lượng cao tại Việt Nam. Việt Nam xác định, trong giai đoạn 2021 - 2025, sẽ ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Nhật Bản như là “đòn bẩy” thúc đẩy, thu hút đầu tư tư nhân, không sử dụng vốn vay nước ngoài cho các dự án mà tư nhân quan tâm, có khả năng thực hiện với công nghệ hiệu quả và chi phí thấp hơn. Việt Nam cũng sử dụng nguồn vốn này với vai trò là chất xúc tác cho các nguồn vốn trong nước, nhất là vốn đầu tư của khu vực tư nhân; giảm dần tỷ trọng vốn vay nước ngoài trong tổng mức đầu tư của dự án...
Hai là, việc kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Nhật Bản phát triển bền vững lâu dài sẽ tiếp tục được hai nước thúc đẩy với trọng tâm là kết nối chiến lược phát triển kinh tế, năng lực sản xuất và kết nối nguồn nhân lực trên nguyên tắc bổ sung, tương trợ lẫn nhau, cùng có lợi. Nhật Bản không chỉ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà còn tích cực hợp tác phát triển và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ cao; thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam tăng tỷ lệ nội địa hóa; đa dạng hóa các hình thức đầu tư, trong đó khuyến khích hợp tác đối tác công tư (PPP); thúc đẩy phát triển ngành cơ khí chế tạo, xây dựng và phát triển các khu công nghiệp lớn của Việt Nam; thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp; đẩy mạnh hợp tác trực tiếp giữa các địa phương của hai nước… Đặc biệt, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản mới đây (tháng 8-2019) của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên khẳng định sẵn sàng nỗ lực tạo thuận lợi về thủ tục cấp phép xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Nhật Bản vào Việt Nam và của Việt Nam vào Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Ba là, việc kết nối nguồn nhân lực cũng được hai nước thống nhất hợp tác chặt chẽ vì lợi ích của mỗi bên thông qua việc triển khai hiệu quả Chương trình chiến lược về hợp tác giáo dục. Nhật Bản cam kết hỗ trợ nâng cấp một số trường đại học và trường dạy nghề chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý, thực tập sinh kỹ thuật của Việt Nam. Việt Nam ủng hộ Nhật Bản thiết lập tư cách cư trú mới theo chương trình “lao động kỹ năng đặc định” nhằm tăng cường tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Bốn là, tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, hai nước khẳng định tiếp tục tích cực hợp tác nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Là nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018 - 2021, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang phát huy vai trò để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ASEAN và khu vực sông Mê Công với Nhật Bản, bao gồm cả khuôn khổ Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS). Hai nước cũng nhất trí tiếp tục cùng nhau và cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy hợp tác trên biển bằng nhiều hình thức, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải hàng không, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống tội phạm trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển….
Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản đang đứng trước những vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Những nền tảng tốt đẹp của lịch sử hợp tác và tương đồng về lợi ích chiến lược giữa hai bên sẽ là động lực để quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn mới tươi sáng hơn nữa, nhằm tạo ra sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai đất nước ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
------------------------
(1) Chuyến thăm của các Thủ tướng: Tomiichi Murayama (tháng 8-1994), Ryutaro Hashimoto (tháng 01-1997), Keizo Obuchi (tháng 12-1998), Junichiro Koizumi (tháng 4-2002, tháng 10-2005 nhân dự Hội nghị cấp cao ASEM 5), S. Abe (tháng 11-2006, tháng 01-2013, tháng 01-2017, tháng 11-2017), Naoto Kan (tháng 10-2010)
(2) Chủ tịch Hạ viện Watanuki (tháng 01-2002); Tadamori Oshima (tháng 5-2017)
(3) Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 4-1995); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 10-2002, tháng 4-2009); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 9-2015)
(4) Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 11-2007); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 3-2014), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 5-2018)
(5) Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 4-1993); Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 4-1999); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 10-2006, tháng 10-2011, tháng 12-2013); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 5-2016, tháng 6-2017, tháng 10-2018, tháng 8-2019)
(6) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 3-2008), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 12-2012)
(7) Xem: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2018-08-10/von-oda-cua-nhat-ban-duoc-su-dung-hieu-qua-tai-viet-nam-60826.aspx
(8) Xem: http://vneconomy.vn/viet-nam-hut-hon-35-ty-usd-von-fdi-nam-2018-20181225153418621.htm
(9) Xem: http://vietnamexport.com/tinh-hinh-xuat-nhap-khau-viet-nam-nhat-ban-12-thang-2018/vn2530168.html
(10) Xem: http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/28148
Việt Nam đã hoàn tất nghiên cứu vắc-xin sốt xuất huyết  (30/07/2019)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại tỉnh Kiên Giang  (29/07/2019)
Về sự nêu gương của người đứng đầu  (29/07/2019)
Phát triển nguồn nhân lực ngành y tế: Thực trạng và giải pháp  (29/07/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên