TCCSĐT - Ngã ba Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam như một địa danh quân hành huyền thoại. Nơi đây cháy mãi, sáng mãi ngọn lửa thiêng tôn vinh dòng máu kiên trung, bất khuất mà đằm thắm tươi trong như nguồn mạch Sông La, thiết tha hiến dâng thân mình cho non sông đất nước của những người con trung hiếu tuổi thanh xuân.

Đầu năm 1968, đường quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị bom đạn Mỹ phá hủy và khống chế hoàn toàn. Từ đây, Ngã ba Đồng Lộc trở thành yết hầu của mạch máu giao thông Bắc - Nam, nơi mọi chuyến vận chuyển bằng ô tô chi viện vào chiến trường miền Nam đều phải đi qua. Vì thế, địch tập trung đánh phá dồn dập vào Ngã ba Đồng Lộc, cuộc chiến của quân và dân ta tại Ngã ba Đồng Lộc thực sự bắt đầu.

Với ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ đã thấm vào tâm can của từng con người, hàng vạn người dân nơi đây đã cùng đánh giặc, bảo đảm giao thông vận tải. Với khẩu hiệu “địch phá ta sửa ta đi, địch lại phá ta lại sửa ta đi”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “nghiêng nồi bớt gạo chi viện chiến trường”... đó là mệnh lệnh và hành động của toàn dân. Nơi nào có máy bay đến là nơi ấy có người đánh giặc, mỗi người dân đã trở thành chiến sỹ, từng làng mạc trở thành trận địa, mỗi trọng điểm giao thông trở thành pháo đài bám máy bay Mỹ mà đánh.

Tại Ngã ba Đồng Lộc với mục tiêu thông tuyến, thông xe nhanh nhất, ban chỉ huy giải tỏa điểm chốt được thành lập với các tổ rà phá bom ứng cứu cầu đường cùng mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao thông, tất cả đều khẩn trương bắt tay vào công việc, vừa đánh máy bay địch, vừa phát hiện rà phá bom mìn, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, làm cọc tiêu dẫn đường chỉ lối cho những đoàn xe vào mặt trận được an toàn, vừa phát triển mở rộng thêm các đường mới, đường vòng tránh.

Ngã ba Đồng Lộc ngày đêm mịt mù khói bom, mỗi mét vuông đất nơi đây phải hứng chịu hơn 3 quả bom tấn, bom chồng lên bom, cả mặt đất bị biến dạng, không có một bóng cây, một ngọn cỏ nào có thể mọc nổi. Vượt lên tất cả những hiểm nguy gian khổ đó, vẫn vang lên những nụ cười hồn nhiên, tất cả vì miền Nam ruột thịt, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của các anh, các chị tuổi đời từ mười tám, đôi mươi. Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, những con người này vẫn hăng say trong công việc, nhanh chóng thông đường cho các chuyến xe qua, mang những chuyến hàng vào tiền tuyến, gửi tất cả vào miền Nam thương yêu.

Ngã ba Đồng Lộc trở thành một trận địa cho sự rèn luyện bản lĩnh, tinh thần chiến đấu của lực lượng thanh niên xung phong, người dân cùng với các lực lượng khác. Một đoạn đường bị bom phá, hàng chục đoạn đường khác được sinh ra. Những tên đất, tên làng nơi đây đã gắn bó với những chiến công của họ, ở trong họ luôn ấm tình đồng đội, đồng chí, với tinh thần “còn hơi thở còn chiến đấu”, anh dũng đương đầu với bom đạn, giữ từng khúc đường như chính khúc ruột của mình.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc có sự góp mặt của hàng vạn con người, tất cả đều xứng đáng gọi một tên gọi “những người anh hùng”. Ngoài sự hy sinh của lực lượng thanh niên xung phong, còn có rất nhiều những con người đã ngã xuống cho mảnh đất Đồng Lộc được sống mãi. Đó là những chiến sỹ trung đoàn pháo cao xạ 210, tiểu đoàn 8 pháo cao xạ địa phương Hà Tĩnh, những chiến sỹ công binh, lái xe, công an, y tế, bưu điện, những công nhân giao thông cùng hàng ngàn người dân ngày đêm bám trụ trọng điểm. Nhưng tiêu biểu đó là hình ảnh của 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, 10 cái tên, 10 khuôn mặt thân thương, những đôi mắt hồn nhiên bỗng nhiên khép lại, không còn trời xanh, không còn vầng mây trắng, không tiếng hát, không tiếng cười, tất cả chỉ còn những giọt nước mắt và tiếng nấc tắc nghẹn trong cổ của những người ở lại. Đó là giây phút đau thương nhất ở Ngã ba Đồng Lộc, cái chết của họ như một định mệnh nghiệt ngã của chiến tranh, là chứng nhân của tội ác mà giặc Mỹ đã gây nên cho mảnh đất Đồng Lộc, là bằng chứng hào hùng cho một thế hệ đã hy sinh oanh liệt vì độc lập chủ quyền thống nhất đất nước.

Chúng ta xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, cảm phục trước 16.000 con người và người dân đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường “một tấc không đi, một ly không rời” tại Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại trong những tháng ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh ái quốc để nối mạch, thông đường cho những đoàn xe chở vũ khí, khí tài, quân lương ra tiền tuyến diệt thù. Tất thảy những con người dũng cảm ấy mà tiêu biểu là những chàng trai, cô gái phải về cõi vĩnh hằng khi tóc còn xanh, khi chưa vướng bụi trần đã hóa thành ngọn lửa thiêng rực cháy vĩnh hằng giữa lòng dân tộc.

Năm mươi năm đã trôi qua, hình ảnh của những chàng trai, cô gái mở đường ở Ngã ba Đồng Lộc đội bom đạn, bám trụ trọng điểm đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những hành động cùng với sự hy sinh mất mát của những con người ở Ngã ba Đồng Lộc có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở thời bấy giờ mà đến tận ngày nay, những hành động đó làm cảm kích triệu triệu trái tim người Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Sự sống và cái chết của lớp lớp thanh niên năm xưa là bài học vô giá để thanh niên hôm nay thêm tự hào và lấy đó làm biểu tượng, làm tấm gương để noi theo. Sự tồn tại của Ngã ba Đồng Lộc trong chiến tranh là sự tồn tại của huyết mạch giao thông thì trong thời bình là sự tồn tại của dòng chảy lịch sử, của sự lưu truyền giá trị dân tộc Việt đời đời./.