Sáng 16-7, tại Nhà Quốc hội, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và trực tiếp quán triệt Nghị quyết 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Điểm lại những kết quả nổi bật trong công tác cán bộ kể từ sau Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII đến nay và những yêu cầu đặt ra đối với công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược trong tình hình mới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết số 26 đã kế thừa, bổ sung và phát triển Nghị quyết Trung ương 3, khoá VIII về Chiến lược cán bộ, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong suốt thời gian qua với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế.

Chủ tịch Quốc hội đã truyền đạt những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 26. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến 5 quan điểm nhất quán của Đảng ta đối với công tác cán bộ và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ gắn với việc học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, bí thư cấp uỷ các cấp; kiểm soát, quản lý tốt đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận về công tác tổ chức cán bộ...

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, điểm nhấn của Nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Trên cơ sở này, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Cụ thể hoá để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.

Để thực hiện có kết quả Nghị quyết số 26, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, từ trên xuống dưới, phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, nói đi đôi với làm, tạo chuyển biến rõ rệt, thu được kết quả cụ thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn thấy được, cảm nhận được. Trong đó, nửa cuối nhiệm kỳ Khoá XII, phải cố gắng phấn đấu hoàn thành một bước việc thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế; từng bước thực hiện việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội và các cấp ủy đảng trực thuộc hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết 26. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chương trình hành động phải phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng đơn vị, có sơ kết, tổng kết theo từng mốc thời gian đã được nêu trong Nghị quyết 26 để Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội và các cấp ủy trực thuộc luôn là đơn vị nghiêm túc trong triển khai thực hiện Nghị quyết 26 và đạt được những kết quả tốt đẹp. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cán bộ đảng viên cơ quan Văn phòng Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết 26 của Đảng đoàn Quốc hội, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội và các cấp ủy./.