Vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc kiểm soát lợi ích nhóm hiện nay
TCCSĐT - Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định cần xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”; chống đặc quyền, đặc lợi; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Để thực hiện được việc kiểm soát “lợi ích nhóm” một cách hiệu quả, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Về vấn đề lợi ích nhóm
Lợi ích nhóm đã được đề cập đến từ lâu ở Mỹ cũng như các nước phương Tây và đang là một vấn đề có tính thời sự ở Việt Nam hiện nay. Lợi ích nhóm theo nghĩa tiêu cực đi ngược lại với lợi ích chung của toàn xã hội. Những người thuộc nhóm lợi ích này tìm mọi cách tác động đến các cơ quan, người có thẩm quyền theo hướng có lợi cho nhóm của mình. Lợi ích nhóm tiêu cực biểu hiện dưới các hình thức như: “chạy” dự án, “chạy” vốn, “chạy” chức quyền và thậm chí “chạy” cả chính sách; tính cục bộ, địa phương; chủ nghĩa cá nhân... Nguy hại hơn, lợi ích nhóm đã có những biểu hiện vi phạm lợi ích của xã hội; làm tha hóa cán bộ, gây mất lòng tin của nhân dân; và làm tăng nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm gần đây, lợi ích nhóm càng ngày càng gia tăng và phát triển, tác động tiêu cực vào quá trình thực hiện các lợi ích hợp pháp và chính đáng khác, vào hiệu quả của thực thi chính sách và gần đây, có cả những dấu hiệu cho thấy, nó tác động vào cả quá trình hoạch định chính sách... Lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ và tính cục bộ là ba rào cản lớn nhất đối với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nước ta.
Bên cạnh đó cũng cần thấy rằng, các nhóm lợi ích khác nhau là hệ quả của đa dạng hóa về lợi ích - một hiện tượng khách quan của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần kịp thời ngăn chặn những sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích tiêu cực đang hình thành, góp phần xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Vậy, làm thế nào để kiểm soát được lợi ích nhóm ở Việt Nam, công cụ nào để giúp phát huy tính tích cực và hạn chế tính tiêu cực của lợi ích nhóm? Kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới đã chỉ ra có một số công cụ kiểm soát lợi ích nhóm, trong đó, Nhà nước pháp quyền giữ một vai trò quan trọng. Nhà nước pháp quyền với nguyên tắc thượng tôn pháp luật là cơ sở cho sự tồn tại và hoạt động của các nhóm lợi ích. Hệ thống pháp luật là căn cứ xác định các lợi ích hợp pháp và các hành vi thực hiện lợi ích hợp pháp của các nhóm. Thực tiễn cho thấy, các quốc gia phát triển đều xây dựng các bộ luật chuyên biệt hướng dẫn các hoạt động thực hiện của các nhóm lợi ích. Việc thực thi pháp luật nghiêm minh buộc các nhóm lợi ích phải xem xét, cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích khi tiến hành các hoạt động của mình. Ở góc độ này, công cụ pháp lý tạo ra sức ép bên trong buộc các chủ thể lợi ích hoạt động mà không vi phạm tới lợi ích chung, đặc biệt là lợi ích quốc gia.
Ở Việt Nam, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền đã được chính thức đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VII và tiếp tục được hoàn thiện ở các đại hội sau. Đây chính là cơ sở cho việc kiểm soát lợi ích nhóm ở Việt Nam, để lợi ích nhóm có thể phát huy tính tích cực và hạn chế tính tiêu cực của nó, đặc biệt để bảo đảm cho lợi ích thuộc về số đông, đồng thời bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cơ sở cho Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiểm soát lợi ích nhóm
Một là, Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (từ ngày 20 đến ngày 25-01-1994), lần đầu tiên trong văn bản chính thức, Đảng ta xác định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đầy đủ cơ sở để giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích, hướng đến số đông, chứ không vì thiểu số. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chính là công cụ để kiểm soát lợi ích nhóm tiêu cực - những lợi ích nhóm đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích xã hội, nhất là lợi ích nhân dân.
Hai là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lý xã hội chủ yếu bằng pháp luật, không ngừng tăng cường và đổi mới công tác lập pháp, hành pháp và tư pháp; đồng thời, thường xuyên quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân. Hệ thống pháp luật càng hoàn chỉnh, minh bạch, tạo cơ sở cho lợi ích nhóm tích cực hoạt động hiệu quả; không để lợi ích nhóm tiêu cực “hoành hành”.
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ngày càng khẳng định vai trò của phản biện xã hội thông qua việc ban hành một số văn bản, như Quyết định số 217- QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg, ngày 14-02-2014, của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Cùng với quá trình này, lợi ích công và hoạt động của các nhóm lợi ích công bước đầu có hiệu quả trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách.
Những hạn chế trong việc kiểm soát lợi ích nhóm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Một là, chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động của lợi ích nhóm tích cực và hạn chế lợi ích nhóm tiêu cực.
Ở Việt Nam hiện nay, lợi ích nhóm đang hoạt động trong một không gian chủ yếu phi chính thức bởi khung pháp luật, môi trường thể chế chính thức cho hoạt động của các nhóm lợi ích chưa được xác lập, mặc dù cũng đã có các hiệp hội, nhóm lợi ích có tổ chức và đăng ký hoạt động chính thức, như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam…
Hai là, hệ thống pháp luật nước ta vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, chậm đi vào cuộc sống và chưa thực sự được tôn trọng. Bên cạnh đó, môi trường luật pháp thiếu minh bạch, hệ thống quản lý còn yếu kém, nhân dân còn thiếu thông tin; quy trình ra quyết định chính sách chưa khoa học và minh bạch, tạo nhiều kẽ hở để lợi ích nhóm tiêu cực “lách luật”, thực hiện hành vi tư lợi, tham nhũng.
Ba là, lợi ích nhóm tiêu cực nằm trong các cơ quan quyền lực là một thực tế đáng chú ý và có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Trong thực tế, có những lợi ích nhóm bất hợp pháp lại núp bóng cơ quan công quyền, núp bóng pháp luật, hoặc mượn danh các tổ chức nhà nước, các tổ chức và nhóm hợp pháp khác để ẩn nấp, giấu mình, ngấm ngầm thực hiện lợi ích riêng, gây tổn thất lớn cho xã hội, trở thành lực lượng phá hoại ghê gớm, gây hậu quả khó khắc phục. Việc lợi ích nhóm nằm bên trong các cơ quan quyền lực khiến nó trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát.
Vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân trong việc kiểm soát lợi ích nhóm
Thứ nhất, vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong định hướng xã hội chủ nghĩa đối với hoạt động của lợi ích nhóm.
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc điều chỉnh quan hệ lợi ích giữa các nhóm phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ, khi bắt đầu đổi mới cơ chế bao cấp và phân phối bình quân còn ảnh hưởng nặng nề, cần khuyến khích những người có khả năng làm giàu trước. Nhưng khi kinh tế thị trường phát triển, việc phân phối chịu tác động của các quy luật kinh tế tất yếu dẫn đến tăng mức chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, tăng hệ số bất bình đẳng, gây nguy cơ mất ổn định xã hội. Bởi vậy, Nhà nước cần điều tiết lợi ích thông qua phân phối lại bằng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài sản, kể cả thuế thừa kế. Dĩ nhiên, mức thuế cao nhất cũng chỉ ở một giới hạn nhất định sao cho không triệt tiêu động cơ và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp cũng như sự nỗ lực của những người có tài năng, sáng tạo.
Cần chú ý đến lợi ích của những nhóm yếu thế. Khi Nhà nước chủ trương hỗ trợ những nhóm dân cư yếu thế, cần phải nghiên cứu những giải pháp khả thi để lợi ích đến đúng đối tượng cần hỗ trợ. Trong điều kiện kinh tế thị trường thì sự phân hóa giàu nghèo giữa các nhóm xã hội là tất yếu, kéo theo đó là sự mâu thuẫn về lợi ích. Chính sách của Đảng, Nhà nước phải ưu tiên cho việc giải quyết lợi ích của các tầng lớp đông đảo những người lao động, đặc biệt là tầng lớp dân nghèo ở thành thị và nông thôn; mặt khác, động viên, khuyến khích đúng mức, kịp thời các tầng lớp xã hội, có vai trò quan trọng đối với phát triển sức sản xuất, tiến bộ kinh tế - xã hội. Cần giải quyết mối quan hệ lợi ích này theo nguyên tắc hiệu suất kinh tế và tăng trưởng, kết hợp với bảo đảm công bằng và ổn định xã hội để đại đa số nhân dân được hưởng lợi từ thành tựu của kinh tế thị trường và phát triển, khuyến khích mọi người cống hiến và hưởng thụ tương xứng với thành quả sản xuất kinh doanh, nâng đỡ những người nghèo, thu nhập thấp.
Thứ hai, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.
Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, cần sớm xây dựng hành lang pháp lý về các nhóm lợi ích và hoạt động của các nhóm lợi ích theo những giá trị chuẩn chung trên cơ sở điều chỉnh của luật pháp.
Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, quá trình vận động chưa được công khai và luật hóa, nên nhóm lợi ích ở Việt Nam rất đa dạng, phức tạp và chưa được xác định rõ ràng, khiến tính tích cực của lợi ích nhóm chưa được phát huy, đồng thời cũng tạo điều kiện cho những lợi ích nhóm tiêu cực phát triển, ảnh hưởng không tốt trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, càng không thể tạo ra một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Bởi vậy, cần có những đầu tư nghiên cứu một cách bài bản để xác định bản chất, hình thức, phạm vi hoạt động của các loại nhóm lợi ích khác nhau để giúp xã hội nhìn nhận một cách toàn diện hơn những “lỗ hổng” của luật pháp mà các nhóm lợi ích tiêu cực đã và đang lợi dụng, từ đó tìm cách khắc phục; xây dựng và phát huy hoạt động của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền và lợi ích của nhóm cộng đồng mà nó đại diện.
Để phát huy tính tích cực của lợi ích nhóm, cần xây dựng một môi trường chính sách, pháp luật minh bạch, đầy đủ thông tin và được thực thi một cách có tổ chức.
Thực tế đã chứng tỏ rằng, trong điều kiện của một chính quyền tốt, vững mạnh, những người ra quyết định chính sách tận tâm phục vụ quốc gia thì việc ảnh hưởng của các nhóm lợi ích cũng giúp những nhà hoạch định chính sách có những thông tin đầy đủ và toàn diện hơn để ra các quyết định chính sách tốt hơn. Tuy nhiên, khi các hoạt động xã hội phát triển (đặc biệt trong kinh tế), những lợi ích to lớn bắt đầu xuất hiện từ các chính sách phát triển thì hoạt động của các nhóm lợi ích trở nên mạnh mẽ và tinh vi hơn. Đặc biệt là trong môi trường luật pháp thiếu minh bạch, các quy trình ra quyết định chính sách không rõ ràng, thiếu thông tin… thì các nhóm lợi ích sẽ ảnh hưởng, cấu kết, mua chuộc những người ra quyết định để hướng chính sách về phía có lợi cho lợi ích của nhóm mình, bất chấp lợi ích của các nhóm khác, của số đông và lợi ích quốc gia.
Vì thế, để các nhóm lợi ích không thể “lũng đoạn”, “thao túng”, cần có một hệ thống luật pháp và cơ chế ra quyết định công bằng và minh bạch. Điều này dựa trên cơ chế đối thoại, tương tác cần thiết giữa các nhóm lợi ích có liên quan trong quá trình phát triển thông qua đối thoại, phản biện khoa học.
Hướng tới một sự phát triển đất nước thực sự bền vững trong điều kiện ghi nhận sự hiện diện và vận động của lợi ích nhóm, cần có các cơ chế giám sát để bảo đảm sự tách bạch giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách. Để thực hiện được mục tiêu này, những đại biểu của nhân dân ở các cơ quan dân cử và các cơ chế giám sát cần phát huy đầy đủ vai trò, nghĩa vụ của mình và phải có đủ năng lực để thực sự bảo vệ những lợi ích chính đáng và hợp pháp của những người có liên quan. Cơ chế lên tiếng của người dân cũng cần được hoàn thiện và bảo đảm để người dân nói lên tiếng nói của mình khi lợi ích của họ bị xâm phạm. Ở đây, cần nâng cao năng lực cho các nhóm lợi ích có tổ chức (các hội và hiệp hội thương mại, nghề nghiệp, xã hội…) trong việc thực sự đại diện và bảo vệ cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên của mình.
Bên cạnh đó, từ hai phân tích trên, cần xem xét ban hành luật về vận động hành lang, luật về trưng cầu dân ý, luật về hội:
Luật về vận động hành lang tạo nên hành lang pháp lý để mọi chủ thể cùng tiếp cận và vận động được lợi ích chính đáng của nhóm mình và làm rõ ranh giới giữa vận động hành lang và tham nhũng.
Luật về trưng cầu dân ý là một trong các công cụ để nhân dân có ý kiến, phản ánh đầy đủ tiếng nói của toàn dân đối với những vấn đề trọng đại của quốc gia.
Luật về hội để bảo đảm quyền lập hội của công dân và xây dựng hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của hội để các tổ chức này hoạt động phù hợp với pháp luật, đồng thời để Nhà nước có cơ sở quản lý hoạt động; qua đó giúp hình thành lợi ích nhóm hợp pháp, có tổ chức và hạn chế lợi ích nhóm tiêu cực.
Để kiểm soát lợi ích nhóm một cách có hiệu quả, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cần xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, bảo đảm cho khả năng hóa giải xung đột nhóm lợi ích, đạt tới cách thức phân bổ lợi ích thỏa đáng, làm cho lợi ích phát huy giá trị động lực, kích thích tối đa khả năng đóng góp, hạn chế tối đa khả năng gây hại của các nhóm lợi ích cho xã hội./.
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 15 đến ngày 21-8-2016)  (23/08/2016)
Các lãnh đạo Quốc hội dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh  (23/08/2016)
Tọa đàm "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cách mạng Việt Nam"  (23/08/2016)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 15-8 đến ngày 21-8-2016)  (23/08/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi Thư khen những tấm gương dũng cảm  (22/08/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên