Đấu tranh chống thế lực tơ-rốt-xkít bảo vệ đường lối của Đảng (1930 - 1945) và bài học cho đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân túy hiện nay
TCCS - Ở Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (năm 1930), một số người theo xu hướng tơ-rốt-xkít chủ yếu từ Pháp về mưu đồ lập một đảng riêng để chống lại đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản với những khẩu hiệu “tả” để lừa bịp, lôi kéo quần chúng, làm nhân dân lầm tưởng họ là những người cách mạng. Cuộc đấu tranh chống thế lực thù địch là những phần tử tơ-rốt-xkít được Đảng tiến hành kiên quyết, kịp thời vào những năm 1936 - 1939, không những có ý nghĩa bảo vệ hệ tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bảo vệ đường lối, công tác tổ chức cán bộ của Đảng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng lúc bấy giờ mà còn để lại những bài học có giá trị cho hiện nay.
Cuộc đấu tranh của Đảng chống thế lực tơ-rốt-xkít những năm 1930 - 1945
Trong quá trình hoạt động trước và sau Cách mạng Tháng Mười Nga, Lê-ôn Tờ-rốt-xky đã bộc lộ những nhận thức và quan điểm chính trị sai trái nhưng lại được ngụy trang bởi những khẩu hiệu, ngôn từ “tả” khuynh, cách mạng giả hiệu. Quan điểm của L. Tờ-rốt-xky đối lập với chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên các vấn đề cơ bản, nhất là chiến lược, sách lược của cách mạng vô sản. L. Tờ-rốt-xky quyết liệt chống lại đường lối, chính sách của V.I. Lê-nin và Đảng Cộng sản Nga. Ở L. Tờ-rốt-xky thể hiện rõ chủ nghĩa cơ hội chính trị.
Tháng 3 - 1919, theo sáng kiến của V.I. Lê-nin, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) được thành lập, khắc phục những sai lầm của Quốc tế II và đề ra đường lối, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở các nước trên thế giới. L. Tờ-rốt-xky đã chống lại đường lối của Quốc tế Cộng sản trong bối cảnh ảnh hưởng của Quốc tế Cộng sản ngày càng phát triển. Do những quan điểm và hành động thù địch chống phá cách mạng, năm 1927, L. Tờ-rốt-xky bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Bôn-sơ-vích Nga. Năm 1929, L. Tờ-rốt-xky bị trục xuất khỏi Liên Xô và lập ra Đệ tứ quốc tế để chống lại Quốc tế Cộng sản. Một số phong trào cách mạng ở các nước chịu tác động bởi quan điểm phản động của L. Tờ-rốt-xky đã hình thành những nhóm, lực lượng đi theo, được gọi là các nhóm, lực lượng tơ-rốt-xkít. Ngày 30-7-1936, tại Pa-ri (Pháp) diễn ra hội nghị của các đảng tơ-rốt-xkít, để thành lập ủy ban lâm thời, dự bị thành lập Đệ tứ quốc tế. Lúc này, có 7 nước có đảng của Đệ tứ quốc tế. Các đảng trong Đệ tứ quốc tế dù chia rẽ nội bộ nhưng đều đứng dưới ngọn cờ phản động của L. Tờ-rốt-xky để chống chủ nghĩa cộng sản, chống lại Quốc tế Cộng sản và Liên bang Xô-viết. Ở Pháp có tới 5 đảng tơ-rốt-xkít hoạt động. Ở Trung Quốc, nhóm tơ-rốt-xkít phá hoại từ năm 1927 và sau này, vào những năm 30, chống lại chủ trương lập Mặt trận thống nhất kháng Nhật.
Ở Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (năm 1930), một số người theo xu hướng tơ-rốt-xkít chủ yếu từ Pháp về mưu đồ lập một đảng riêng để chống lại đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản. Những năm 1936 - 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ, đề ra mục tiêu đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp, tổ chức phong trào Đông Dương đại hội để tập hợp quần chúng, gửi dân nguyện lên Chính phủ Pháp. Đảng phát triển rộng rãi đấu tranh trên mặt trận báo chí công khai để tuyên truyền và tổ chức lực lượng; tham gia đấu tranh nghị trường, giới thiệu người ứng cử vào Hội đồng thành phố Hà Nội, Sài Gòn, Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, Đại hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương. Những chủ trương đó là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cách mạng và đường lối của Quốc tế Cộng sản, phù hợp lợi ích, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, các tầng lớp nhân dân trong xã hội đã hưởng ứng sôi nổi, phong trào dân chủ đạt được những thành quả rất quan trọng.
Những nhân vật tơ-rốt-xkít tiêu biểu ở Việt Nam trong những năm 30 là Hồ Hữu Tường, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm,... Nhóm tơ-rốt-xkít đó chống lại chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời đưa ra những khẩu hiệu “tả” để lừa bịp, lôi kéo quần chúng, làm nhân dân lầm tưởng họ là những người cách mạng. Tháng 4-1937, Hồ Hữu Tường phản đối Quốc tế Cộng sản về chủ trương các đảng cộng sản lập Mặt trận nhân dân chống phát-xít, đòi giải tán Mặt trận bình dân ở Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, phản đối Mặt trận dân chủ ở Đông Dương. Cũng tháng 4-1937, Tạ Thu Thâu chủ trương ở Đông Dương không nên lập Mặt trận dân chủ với luận điệu rất “tả”: giai cấp vô sản không cần và cũng không có thời giờ đâu mà lo cho các giai cấp khác. Đó là luận điệu có vẻ như đề cao giai cấp vô sản nhưng kỳ thật là trái với mục tiêu cách mạng của giai cấp vô sản mà C. Mác và V.I. Lê-nin đã đề ra. Tạ Thu Thâu và nhóm tơ-rốt-xkít còn chủ trương ở xứ thuộc địa phải làm cách mạng vô sản ngay, không cần làm cách mạng tư sản dân quyền (cách mạng dân tộc dân chủ) rồi mới chuyển lên cách mạng vô sản. Họ phản đối và ngăn cản việc xây dựng và phát triển phong trào của dân chúng.
Kịp thời phê phán và chống lại sự phá hoại của nhóm tơ-rốt-xkít ở Việt Nam, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã viết tác phẩm “Tờ-rốt-xky và phản cách mạng” với bút danh Thanh Hương. Cuốn sách được Tiền Phong thư xã xuất bản tại Sài Gòn năm 1937. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã trình bày hệ thống những quan điểm phản động của Tờ-rốt-xky và sự nguy hại của lý thuyết đó đối với phong trào cách mạng vô sản thế giới, đối với cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ của các nước thuộc địa. Cuốn sách cũng công khai phê phán những nhân vật trong nhóm tơ-rốt-xkít ở Đông Dương đang phá hoại phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo và việc họ đang ra sức lừa bịp, lôi kéo quần chúng. Tổng Bí thư Hà Huy Tập nêu rõ: “Chủ nghĩa của Tờ-rốt-xky là một chi nhánh của chủ nghĩa phát xít. Đệ tứ quốc tế là đội tiên phong của giai cấp tư bản tài chính phản cách mạng.
Đệ tứ của Tờ-rốt-xky rất mật thiết liên lạc với hết các đảng phái phản động ở thế giới và nhất là với tụi phát xít Đức và Nhật để chia rẽ công nhân vận động, phá rối các phong trào Mặt trận bình dân dự bị đế quốc chiến tranh âm mưu đánh đổ Liên bang Xô-viết là xứ dân chủ hơn hết trong thế giới, xứ độc nhất ủng hộ chính sách hòa bình một cách cương quyết và triệt để”(1).
Cuốn sách của Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã chỉ rõ bản chất phản động, nguy hại của chủ nghĩa Tờ-rốt-xky và những phần tử, đảng tơ-rốt-xkít trên thế giới và ở Đông Dương, Việt Nam; kiên quyết bảo vệ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối chiến lược, sách lược của Quốc tế Cộng sản, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Đông Dương. “Hiện thời chúng ta cần phải nhận rõ chủ nghĩa Tờ-rốt-xky trong bước đường tiến hóa của nó đã thay đổi hẳn. Nó không còn là một xu hướng chính trị trong giai cấp thợ thuyền. Ở thế giới nó đã trở thành bọn phá hoại, bọn mật thám, bọn giết người tuân theo mệnh lệnh của những sở mật thám ngoại quốc”(2).
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, bằng kinh nghiệm hoạt động quốc tế và với sự nhạy cảm về chính trị, đã sớm nhận rõ bản chất và mưu đồ của những phần tử tơ-rốt-xkít. Năm 1939, khi hoạt động ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã có những bức thư gửi Trung ương Đảng ở trong nước để trao đổi nhiều vấn đề về đường lối, chính sách của Đảng, trong đó có đề cập đến việc chống phái tơ-rốt-xkít. Trong Thư từ Trung Quốc viết ở Quế Lâm, ngày 10-5-1939, Nguyễn Ái Quốc viết Về chủ nghĩa Tơ-rốt-xkít và sự hoạt động phá hoại của chúng. Trong Thư từ Trung Quốc đăng trên báo Notre Voix, ngày 7-7-1939, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ hoạt động của phái tơ-rốt-xkít ở Trung Quốc, chỉ rõ: “Bọn tờ-rốt-xkít không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ. Đó là bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất”(3).
Chủ nghĩa Tơ-rốt-xky và những phần tử tơ-rốt-xkít đã phá hoại cách mạng Nga, cách mạng Trung Quốc và nhiều nước khác. Đối với cách mạng Việt Nam và Đông Dương, nhất là trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương 1936 - 1939, những phần tử tơ-rốt-xkít đã công khai chống lại đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, phá hoại phong trào quần chúng, lôi kéo, lừa bịp nhân dân với những khẩu hiệu “tả” khuynh. Từ nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đề nghị các đồng chí trong Đảng cần phải cảnh giác đối với những phần tử tơ-rốt-xkít: “Đối với bọn tờ-rốt-xkít, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”(4).
Trong phong trào cách mạng 1936 - 1939, Đảng đã thành công trong sự kết hợp đúng đắn chiến lược và sách lược cách mạng, nắm vững mục tiêu chiến lược lâu dài là giành độc lập dân tộc và đi tới chủ nghĩa xã hội; đồng thời đề ra những mục tiêu dân sinh, dân chủ cụ thể trước mắt phù hợp với điều kiện thực tiễn và lợi ích của quần chúng; kết hợp nhiều hình thức tổ chức và hình thức, phương pháp đấu tranh thích hợp, có hiệu quả. Trong các hình thức, phương pháp đó có giới thiệu người của Đảng và Mặt trận Dân chủ tham gia ứng cử vào các cơ quan của chính quyền thuộc địa và đã thành công ở nhiều nơi. Tuy vậy, trong bầu cử Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, người của Mặt trận Dân chủ đã không thành công. Một số đồng chí đã coi nhẹ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, hợp tác vô nguyên tắc với các phần tử tơ-rốt-xkít và với những khẩu hiệu lừa bịp, các phần tử tơ-rốt-xkít đã lôi kéo được quần chúng bỏ phiếu cho họ. Đó là khuyết điểm và là bài học trong sự lãnh đạo của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã chỉ rõ vấn đề đó trong tác phẩm Tự chỉ trích (tháng 7-1939): “Sau cuộc tuyển cử Hội đồng quản hạt, các lớp nhân dân có quan tâm đến thời cuộc trong xứ đều đương bàn luận về kết quả cuộc tuyển cử, về những nguyên nhân đã làm cho sổ Mặt trận dân chủ của nhóm Dân chúng đưa ra bị thất bại, còn sổ tờ-rốt-xkít: Thâu, Hùm, Thạch, được đắc cử ở quận nhì”(5).
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã phân tích các nguyên nhân thất bại trong tuyển cử của những ứng cử viên của Mặt trận Dân chủ: “Về cuộc thất bại tuyển cử vừa qua, ta còn cần vạch ra một nguyên nhân rất quan trọng, ấy chính là sự khinh thường nạn tờ-rốt-xkít, sự khinh thường này đã thành một cái bệnh ăn sâu trong đầu óc nhiều đồng chí ta. Chúng ta chẳng phải những kẻ thấy thất bại sơ sơ là đâm hoảng hốt bi quan, song ta phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật”(6). Tổng Bí thư nêu rõ bản chất và thủ đoạn của những phần tử tơ-rốt-xkít: “Bọn tờ-rốt-xkít, xét đến cốt tủy của chúng thì chúng chỉ gồm những cặn bã của phong trào nhóm họp nhau để chống cộng sản, chống cách mệnh, chia rẽ và phá hoại phong trào quần chúng. Nhưng vì chế độ áp bức bóc lột tàn nhẫn của bọn tư bản phản động, nhờ những câu “cách mệnh cực tả”, nhờ che đậy bằng trăm nghìn mặt nạ nên bọn tờ-rốt-xkít có thể phỉnh phờ lừa gạt được một số trí thức tiểu tư sản, mà ngay cả một số thợ thuyền quá nóng nẩy”(7). Chúng còn “núp dưới bóng cờ cộng sản”, “nhiều khi mạo nhận là cộng sản để chia rẽ”, cần phải vạch trần mưu mô khiêu khích của phái tơ-rốt-xkít.
Cuộc đấu tranh chống thế lực thù địch là những phần tử tơ-rốt-xkít được Đảng tiến hành kiên quyết, kịp thời những năm 1936 - 1939, do đó, đã bảo vệ hệ tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bảo vệ đường lối của Đảng và công tác tổ chức cán bộ của Đảng, rút ra những bài học cần thiết trong lãnh đạo của Đảng và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Cuối những năm 30 đầu những năm 40 của thế kỷ XX, những người cộng sản, các tổ chức đảng không chỉ đấu tranh chống sự phá hoại của những phần tử tơ-rốt-xkít, mà còn phải chống những phần tử A.B. Ngày 25-12-1944, trên báo Cờ giải phóng, Tổng Bí thư Trường Chinh, với bút danh XXX, đã viết bài Kinh nghiệm công tác, làm thế nào nhận biết một phần tử A.B? “A.B là bọn khiêu khích làm tay sai cho giặc đế quốc, đội lốt cộng sản chui vào Đảng để dò xét và phá hoại Đảng. A.B tức là chữ Anti-bolchévik viết tắt và nghĩa đen của nó là phản Bôn-sơ-vích, phản cộng”(8). Sự nguy hiểm của các phần tử A.B là ở chỗ chúng ở ngay trong tổ chức đảng (nội gián), phá hoại từ bên trong nội bộ Đảng. Chúng có nhiều thủ đoạn để nắm được những bí mật của Đảng và cách mạng, đồng thời có nhiều cách lừa bịp khôn khéo, gây tín nhiệm. Vì vậy, tổ chức đảng phải hết sức cảnh giác để bảo vệ nội bộ Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức, cán bộ.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản và sự quản lý của Nhà nước cách mạng Việt Nam, cả dân tộc thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc nhằm bảo vệ nền độc lập và chính quyền nhân dân non trẻ, xây dựng và phát triển đất nước. Cách mạng Việt Nam đứng trước những thách thức nặng nề, phải chống giặc ngoài, thù trong ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”: Thực dân Pháp quay lại xâm lược, đánh chiếm Nam Bộ (ngày 23-9-1945); quân đội Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc tước vũ khí quân Nhật, đồng thời thực hiện âm mưu lật đổ Nhà nước cách mạng Việt Nam. Đảng đề ra mục tiêu chiến lược, đồng thời thực hiện sách lược khôn khéo triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù và thực hành nhân nhượng có nguyên tắc. Từ tháng 9-1945 đến tháng 2-1946, Đảng chủ trương hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc để tập trung kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam; từ tháng 3-1946 chuyển sang chủ trương hòa hoãn nhân nhượng với Pháp để thúc đẩy quân Tưởng rút về nước.
Trong quan hệ với Pháp, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nêu cao ý chí, quyết tâm kháng chiến bảo vệ nền độc lập, đồng thời tỏ rõ mong muốn hòa bình, hợp tác với Pháp. Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp được ký ngày 6-7-1946 tại Hà Nội. Cuộc đàm phán chính thức giữa Việt Nam và Pháp bắt đầu vào ngày 6-7-1946 ở Phông-ten-nơ-blô (Pháp). Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Pháp. Những hoạt động đó hướng tới mục tiêu hòa bình bền vững của nước Việt Nam độc lập. Các phần tử tơ-rốt-xkít cố tình xuyên tạc, vu cáo Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo Pháp và bán nước cho Pháp. Họ kích động, lôi kéo quần chúng nhân dân chống lại những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, gây mất ổn định xã hội. Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết loạt bài quan trọng để giải thích đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ với tinh thần: Hãy bình tĩnh nhận định tình hình và tránh những hành động khiêu khích; đối phó với mọi sự bất trắc và đoàn kết hơn nữa.
Để chống lại âm mưu khiêu khích, phá hoại của những thế lực thù địch, nhất là những phần tử tơ-rốt-xkít, trước khi đi thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi đồng bào Nam Bộ. Trong thư, Người nêu rõ: “Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”, “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”(9).
Những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn cho đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy hiện nay
Cuộc đấu tranh của Đảng chống các thế lực thù địch, nhất là những phần tử tơ-rốt-xkít vào những năm 1930 - 1945 nhằm bảo vệ đường lối, chủ trương, nền tảng tư tưởng và tổ chức của Đảng đã có những thành công, bảo đảm sự thống nhất về mọi mặt của Đảng, lãnh đạo thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Cuộc đấu tranh đó để lại cho các thời kỳ tiếp theo và công cuộc đổi mới hiện nay những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn.
Một là, trong bất cứ tình thế và hoàn cảnh nào cũng cần chủ động, bình tĩnh phân tích để nhận rõ âm mưu, ý đồ chính trị của thế lực thù địch và cơ hội chính trị để xác định cách thức cần thiết làm thất bại sự chống phá. Ý đồ của thế lực thù địch và cơ hội chính trị là phá hoại, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng với mục tiêu đưa sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn đi theo hướng khác, xa rời lý tưởng, mục tiêu cách mạng, hoặc ít nhất cũng gây tổn thất cho cách mạng, gây phân tâm, hoang mang, thiếu tin tưởng ngay trong nội bộ Đảng và trong nhân dân. Khi điều kiện cho phép, chúng sẽ đoạt quyền lãnh đạo, nắm chính quyền nhằm thay đổi chế độ chính trị. Các thế lực thù địch và cơ hội chính trị luôn tập trung phá hoại về tư tưởng để đi đến phá hoại đường lối, chính sách, pháp luật, làm suy yếu tổ chức hòng làm mất vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản và xóa bỏ Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Dù được che đậy bởi lời lẽ, thủ đoạn gì thì mục tiêu chính trị của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị cũng không bao giờ thay đổi.
Hai là, đề cao cảnh giác trước những luận điệu, thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi, lừa bịp của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị làm lẫn lộn phải trái, đúng sai, vu cáo, phủ định hiện thực lịch sử. Thủ đoạn này của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị gây tác hại nghiêm trọng đến những cán bộ, đảng viên và quần chúng với nhận thức còn hạn chế, bản lĩnh thiếu vững vàng, dễ hùa theo những luận điệu, chiêu bài lừa bịp của địch. Rất nhiều trường hợp, các thế lực cơ hội chính trị tự nhận và tô vẽ mình với những khẩu hiệu “cách mạng”, “yêu nước”, “dân túy”, hô hào tinh thần dân tộc, để kích động, lôi kéo quần chúng. Những vụ việc gần đây xảy ra ở các địa phương như một sự lặp lại tinh vi hơn thủ đoạn của các phần tử tơ-rốt-xkít những năm 1936 - 1939, 1945 - 1946 và cả giọng điệu của các phần tử A.B trước đây. Phải kiên quyết đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng và không được có bất cứ sự thỏa hiệp nào về chính trị đối với các thế lực thù địch và cơ hội chính trị.
Ba là, chú trọng bảo đảm sự thống nhất nhận thức và đoàn kết trong Đảng, tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ. Trước những sự phá hoại của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị càng cần sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng và trong cả hệ thống chính trị. Sự thống nhất về hệ tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thống nhất nhận thức về Cương lĩnh, đường lối đổi mới của Đảng, thống nhất từ trên xuống dưới, từ cơ quan, tổ chức đến mỗi cán bộ, đảng viên là sự bảo đảm đoàn kết vững chắc trong Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Hết sức coi trọng bảo vệ chính trị nội bộ, không để cho những phần tử xấu, cơ hội chính trị chui vào nội bộ Đảng, nhất là vào các cơ quan lãnh đạo các cấp. Ở đây, đặt ra yêu cầu trách nhiệm cao, nghiêm túc và chặt chẽ trong công tác cán bộ của Đảng.
Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đồng thời cũng chỉ rõ: “Công tác bảo vệ chính trị nội bộ có mặt còn hạn chế. Chưa nắm và giải quyết tốt vấn đề chính trị hiện nay, trong khi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(10). Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị hiện nay chính là nội dung và giải pháp cơ bản làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị./.
-------------------------------
(1), (2) Hà Huy Tập: Một số tác phẩm, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 537, 595
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 154, 167
(5), (6), (7) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 619, 627, 627 - 628
(8) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 516
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 280
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 195
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng  (06/09/2019)
Đại hội IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Một sinh hoạt chính trị trọng đại trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng  (06/09/2019)
3 lời khuyên vàng cho người khởi nghiệp  (05/09/2019)
Nữ cán bộ kiểm ngân VietinBank là gương sáng trong phong trào “Người tốt việc tốt”  (05/09/2019)
BIDV nhận giải thưởng “Best SME Deal” của ADB  (05/09/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển