Những xu hướng lớn của thế giới trong 20 năm tới
LTS: Từ hơn 700 báo cáo của các cơ quan chuyên trách, các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức quốc tế trên toàn thế giới, Viện Nghiên cứu An ninh (IES) của Liên minh châu Âu đã nghiên cứu và đưa ra dự báo về những xu hướng lớn của thế giới 20 năm tới. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.
1. Sự lão hóa dân số
Sự lão hóa của dân số không chỉ là vấn đề riêng của các nước tiên tiến. Tại Trung Quốc, những người trên 65 tuổi chiếm 7% dân số hiện nay và sẽ lên đến 20% vào năm 2025. Tình hình lão hóa sẽ diễn biến nhanh chóng và gây ra những vấn đề đáng kể về xã hội, kéo chậm sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Đối với Ấn Độ, vào năm 2025, dân số sẽ là 1,44 tỉ người, nhưng trẻ hơn nhiều so với Trung Quốc.
Lão hóa dân số cũng sẽ là một thách thức hàng đầu đối với Nhật và Nga. Tổng số dân ở Nhật sẽ giảm nhẹ, độ tuổi trung bình của dân số Nhật sẽ tăng từ 42,9 lên 50 tuổi. Số dân trong độ tuổi lao động sẽ giảm mạnh và sức nặng của hệ thống hưu trí sẽ gia tăng. Ở Nga, dân số đã bắt đầu giảm và sẽ giảm tới 10% vào năm 2025 so với năm 2005.
Dân số của EU cũng sẽ lão hóa. Mỹ sẽ là nước công nghiệp lớn duy nhất thoát khỏi tình trạng này, chủ yếu là nhờ vấn đề nhập cư. Dân số Mỹ không chỉ tăng 17% để đạt tới 364 triệu người vảo năm 2030 mà số người ở độ tuổi 20-60 (độ tuổi lao động) cũng chỉ giảm rất ít. Ngược lại, dân số ở châu Phi và Trung Đông sẽ tăng mạnh, từ 43% đến 48% ở Tiểu vùng sa mạc châu Phi, tăng 38% ở vùng Bắc Phi – Trung Đông, mặc dù trình độ phát triển ở những vùng này vẫn sẽ rất thấp.
2. Xu hướng chuyển dịch sẽ tăng mạnh
Chuyển dịch sản xuất hoặc dịch vụ có hàm lượng lao động cao sẽ vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Sự chuyển dịch này trong năm 2002 trị giá đã lên tới 1 tỉ Ơrô, sẽ tăng lên gấp 20 lần vào năm 2007. Giới doanh nghiệp của các nước phát triển cũng sẽ chuyển dịch bởi các tiến bộ công nghệ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin liên lạc. Điều này sẽ gây ra tình hình căng thẳng về xã hội và khiến các nước phải sử dụng đến những giải pháp mang tính bảo hộ. Tuy nhiên, 3 thế lực kinh tế tiên tiến là Mỹ, EU và Nhật sẽ vẫn duy trì trong nước những lĩnh vực liên quan đến nghiên cứu – phát triển nhiều nhất.
EU vẫn có khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghiệp then chốt như liên lạc viễn thông, ôtô và hàng không. Khả năng của Trung Quốc bắt kịp thế giới trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và hàng không. Và vào năm 2025, nhóm 5 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Đức.
3. Dầu và than vẫn là những nhiên liệu không thể thiếu
Năm 2025, sức ép đối với các nguồn năng lượng sẽ còn mạnh hơn hiện nay. Nhu cầu của thế giới về năng lượng sẽ tăng 50% so với hiện nay, trong đó, các nước đang phát triển sẽ chiếm 2 phần 3 mức tăng này. Dầu vẫn là loại năng lượng có nhu cầu nhiều nhất và vẫn chiếm 35% tổng khối lượng năng lượng tiêu dùng trên thế giới. Từ nay đến năm 2030, mức tiêu dùng khí tự nhiên trên thế giới sẽ tăng 87%; tiêu dùng than sẽ tăng ở các nước đang nổi lên như Ấn Độ và Trung Quốc – vốn là những nước sử dụng than trong sản xuất điện.
Năng lượng hạt nhân sẽ giảm ở châu Âu nhưng lại được đầu tư mạnh ở châu Á. Diễn biến này sẽ khiến cho lượng thải khí hiệu ứng nhà kính tăng lên rõ rệt, ảnh hưởng mạnh đến sự thay đổi khí hậu, nhất là kể từ năm 2030. Nhiệt độ tăng cao và lượng nước mưa giảm sút sẽ liên quan chủ yếu đến các vùng khô cằn và kém màu mỡ như Trung Đông, rừng châu Phi, Bắc Phi, Nam Phi, Tây Bắc Trung Quốc và Trung Á.
Các nguồn năng lượng có thể sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu của thế giới với điều kiện phải có những khoản đầu tư lớn và các nước sản xuất năng lượng phải cho phép tiếp cận các nguồn dự trữ của họ. Hiện nay, các công ty nước ngoài hoạt động ở các nước sản xuất năng lượng vẫn không thể tiếp cận được 57% nguồn dự trưc năng lượng dầu của thế giới. Trên thực tế, nhờ tầm quan trọng của các trữ lượng năng lượng của mình mà Trung Đông tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực hydrôcacbua bất chấp vai trò đang lên của dầu lửa ở biển Caxpi và vịnh Ghinê.
4. Xuất hiện những căn bệnh mới
Cùng với sự xuống cấp về môi trường và sự ấm lên của trái đất, sự bùng nổ về dân số và đô thị có thể dẫn đến sự xuất hiện nhiều “căn bệnh mới” do các giống virút mới gây ra. Khả năng tái phát các căn bệnh cũ kỹ nhất hoặc sự lây lan ở cấp độ rộng lớn hơn của các căn bệnh hiện chỉ giới hạn ở một số vùng.
Mỗi năm, trên thế giới có 6 triệu người chết vì sốt rét, AIDS/HIV và lao, chủ yếu là ở châu Phi và châu Á. Riêng những trường hợp bị bệnh lao cũng đã tăng 20% trong 10 năm qua. Nếu tình hình này vẫn tiếp tục, từ nay đến năm 2025, thế giới sẽ có 35 triệu người chết vì bệnh lao. Ngoài ra, các bệnh sốt xuất huyết, sốt, viêm nhiễm đường hô hấp và ỉa chảy đang đe dọa sự phát triển kinh tế của nhiều khu vực. Đến nay vẫn chưa có triển vọng chắc chắn nào hạn chế sự phát triển của các căn bệnh này bởi nó phụ thuộc vào việc sản xuất các loại vắcxin và biện pháp điều trị phòng ngừa cũng như sự phát triển kinh tế và xã hội ở những khu vực có liên quan. Các chuyên gia cho biết mỗi năm có 1 hoặc 2 tác nhân gây bệnh mới được xác định trong khi đó sự đột biến tiềm tàng của chúng rất khó có thể dự đoán trước được, chẳng hạn như SARS hoặc dịch cúm gia cầm.
5. Một thế giới phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn
Năm 2025, thế giới sẽ phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau nhiều hơn song cũng sẽ khác biệt và bất bình đẳng hơn, do đó sẽ có khả năng mất ổn định và có nhiều xung đột hơn. Do thiếu một hệ thông chính trị quốc tế được thiết lập một cách rõ ràng như trong cuộc xung đột Đông – Tây thời Chiến tranh Lạnh, sự thế giới hóa sẽ tiếp tục là nhân tố thống lĩnh. Do thiếu một sức mạnh bá quyền nên sẽ không một nước nào có thể một mình áp đặt các quy luật của cuộc chơi. Hành động một cách tập thể sẽ trở nên khó khăn hơn trong các lĩnh vực như đấu tranh chống đói nghèo và bảo vệ môi trường.
Vai trò của thế giới phương Tây đối với các vấn đề quốc tế sẽ thay đổi do dân số và ảnh hưởng của họ đối với kinh tế thế giới bị giảm sút. Phương Tây sẽ ngày càng khó có thể xác định được lịch trình quốc tế và cần tìm ra các hình thức mới về hợp tác quốc tế. Hệ thống đa cực này có thể sẽ tạo thuận lợi cho hợp tác đa phương cũng như sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong việc tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng, các thị trường và các vùng ảnh hưởng. Có thể Mỹ và EU sẽ lựa chọn một hệ thống điều hành tập thể duy nhất trên cơ sở đa phương hoặc một hình thức mới về hai cực tư tưởng để đối lại với một linh minh gồm các nền dân chủ ở phần còn lại của thế giới.
6. Mỹ vấn là siêu cường
Mỹ sẽ vẫn là siêu cường nhưng không nhất thiết phải giữ được vị trí bá quyền mà họ vẫn chiếm kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Là một ngoại lệ thực sự trong thế giới phát triển, dân số Mỹ sẽ tăng, phần lớn là do tác động của người nhập cư Tây Ban Nha. Yêu cầu về tăng cường vai trò của nhà nước có thể sẽ tăng cao, trước những thách thức của khủng bố và nhập cư bất hợp pháp. Sự bất bình đẳng trong phân phối tài nguyên sẽ tiếp tục phát triển. Tôn giáo sẽ vấn là nhân tố quan trọng trong cách ứng xử, thái độ và quan điểm của xã hội song tác động của tôn giáo đối với đời sống công cộng sẽ không thay đổi nhiều.
Diễn biến trong quan hệ Mỹ - Trung, giữa sự đối địch và phụ thuộc lẫn nhau, sẽ là một trong những tham số chủ chốt của trật tự quốc tế mới. An ninh đối với cung ứng năng lượng sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng mang tính cơ cấu trong chiến lược của Mỹ, trong đó châu Phi và Mỹ Latinh sẽ trở nên quan trọng hơn thay vì Trung Đông.
7. Châu Phi và Trung Đông vẫn bất ổn định
Châu Phi và Trung Đông sẽ vẫn là những khu vực bất ổn định nghiêm trọng vào năm 2025, với nhiều nguy cơ kịch phát do các diễn biến về dân số, khí hậu và kinh tế. Nếu những kịch bản lạc quan dựa trên sự lãnh đạo điều hành tốt hơn đang đem lại niềm hy vọng về cải thiện kinh tế thì các nhà phân tích lại nhấn mạnh rằng hai yếu tố - cực hóa kinh tế đối với nguyên liệu và sự dai dẳng của các cuộc xung đột – sẽ trở nên trầm trọng hơn. Theo dự kiến từ nay đến năm 2030, sản xuất dầu ở Tiểu vùng sa mạc châu Phi, nhất là ở Ăngôla và Nigiểia cũng như trong thế giới Arập dự kiến sẽ tăng mạnh, khai thác dầu sẽ tăng 74% và sản xuất khí sẽ tăng gấp 3 lần. Trong cùng thời gian này, ở Tiểu vùng sa mạc châu Phi sẽ không có cách mạng xanh khiến khu vực này phải phụ thuộc nặng nề vào bên ngoài về lương thực, thực phẩm.
Hơn bao giờ hết, cuộc xung đột Ixraen – Palextin sẽ trở thành "chất xúc tác và yếu tố giảm tốc" đối với tình hình căng thẳng trong khu vực trong bối cảnh tiến thoái lưỡng nan ngày càng gia tăng giữa dân chủ hóa và Hồi giáo hóa. Al-Qaeda chỉ là một hiện tượng tạm thời, quá độ nhưng Jihad thì sẽ tiếp tục phát triển. Chủ nghĩa Shiite cũng sẽ mạnh lên. Ở miền Nam Sahẩ, nhiều vùng xung đột ở cấp độ khu vực (Tây Phi, vùng Hồ lớn và tam giác Xuđăng-Sát-Trung Phi) sẽ kéo dài bất chấp sự hiện diện của một Nam Phi đầy hứa hẹn.
8. Thêm 4 nước gia nhập câu lạc bộ "Các nước lớn"
Từ nay đến năm 2025, GDP của Trung Quốc sẽ tăng lên gấp 3 lần khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Nhưng để có được sự tăng trưởng bền vững. Trung Quốc sẽ phải giải quyết vấn đề môi trường. Lúc đó, 800 triệu người Trung Quốc sẽ sống trong các thành phố. Trung Quốc sẽ chiếm 19% lượng thải CO2 trên thế giới và ba phần tư các sông ngòi của nước này sẽ bị ô nhiễm.
Năm 2025, Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc về kinh tế lớnthứ 4 thế giới. Sự phát triển kinh tế của Ấn Độ có nguy cơ làm tăng thêm sự bất bình đẳng giữa các khu vực và gạt ra ngoài lề người Hồi giáo thiểu số bao gồm 130 triệu người. Trên phương diện quốc tế, Ấn Độ sẽ lấy Mỹ làm đối trọng với sự đi lên của Trung Quốc và trào lưu chính thống của người Hồi giáo ở Đông Nam Á.
Ở Mỹ Latinh cũng sẽ có hai nước mạnh lên. Đó là Mêhicô, vốn theo Mỹ, và Braxin, vốn là cực kinh tế vững chắc đối với các láng giềng. Nga sẽ giàu hơn nhưng lại sẽ yếu hơn. Những kỷ niệm về Liên Xô đã lùi vào quá khứ. Trong 20 năm tới, ở những vùng đất mênh mông Âu-Á sẽ xã hội các tiểu vùng. Toàn bộ Trung Á sẽ quay sang hướng Bắc Kinh nhiều hơn là Mátxcơva trong khi đó Mônđavi, Ucraina và Bêlarút cũng như miền Nam Cápcadơ sẽ bị Liên minh châu Âu và NATO hấp dẫn.
Về phần mình, Nga sẽ trở thành một nước giàu có nhờ vào các nguồn tài nguyên dầu và khí. Trong 20 năm tới, GDP của Nga sẽ đạt mức tương đương với GDP của Pháp và Italia cộng lại mặc dù hiện nay GDP của Nga còn thấp hơn GDP của Pháp. Song Nga sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Liên minh châu Âu sẽ phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt, sẽ ngày càng phải đối mặt với các tác động của toàn cầu hóa về kinh tế. Tuy nhiên, EU sẽ duy trì được một vị thế mạnh trong các lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng lớn như hóa, dược, liên lạc viễn thông hoặc năng lượng tái sinh với điều kiện là châu Âu vẫn giữ được hiệu năng cao trong đổi mới và sáng tạo công nghệ. Để làm được điều đó, EU cần nỗ lực trong nghiên cứu và phát triển với mức đầu tư trên 3% GDP, vốn là mức mà hiện nay EU chưa đạt được. Trong các lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ nanô, EU sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với Mỹ và Trung Quốc.
Năm 2025, EU vẫn sẽ là một trong những khu vực chắc chắn nhất và giàu nhất thế giới nhưng láng giềng của họ sẽ xáo động. Tình hình bạo lực về chính trị, tôn giáo và bộ tộc ở Trung và Cận Đông có thể sẽ dẫn đến sự sụp đổ của các chế độ thân phương Tây. Sự nghèo khổ ở châu Phi sẽ duy trì sức ép về di cư – nhập cư. Nước Nga có thể sẽ trở thành một đối tác không thể kiểm soát.
Ba mươi nhăm năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ  (15/01/2007)
Về xã hội thông tin và xã hội tri thức hiện nay  (15/01/2007)
Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2006 và triển vọng năm 2007  (15/01/2007)
Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh trước nhiệm vụ chính trị năm 2007  (15/01/2007)
Hòa Bình nhìn lại sau 15 năm tái lập và đi tới  (15/01/2007)
- Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên