TCCS - Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu cùng chính sách thắt chặt tiền tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc từ đầu năm đến nay vẫn có nhiều khởi sắc với số vốn đầu tư trong và ngoài nước tăng cao. Điều này cho thấy sức hấp dẫn môi trường đầu tư của tỉnh với các chính sách, chủ trương phù hợp, khẳng định vị thế top đầu cả nước về thu hút dòng vốn ngoại.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Jahwa Vina, Khu công nghiệp Khai Quang _ Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Tính từ đầu năm đến ngày 15-9-2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 59 dự án FDI, trong đó có 24 dự án cấp mới, 35 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký đạt hơn 491 triệu USD, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm ngoái; 22 dự án DDI, trong đó có 10 dự án cấp mới và 12 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, tăng 106,69% so với cùng kỳ. Nổi bật là một số dự án đầu tư lớn hoàn thành, đi vào hoạt động, như: Nhà máy Enplas Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD; nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Uni - Calsonic Việt Nam với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD…

Thu hút đầu tư tăng, phản ánh niềm tin của giới đầu tư trong và ngoài nước đối với Vĩnh Phúc như một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Đây cũng là minh chứng cho sự năng động, quyết liệt, cầu thị, sát sao của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và việc kiên định mục tiêu thu hút đầu tư các nhà đầu tư chiến lược, các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với quan điểm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm nâng cao từng chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chỉ đạo Tổ giúp việc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp nhận và kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế, tháo gỡ những “nút thắt” về đất đai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Đặc biệt, nhằm tìm hướng phát triển du lịch và xây dựng đô thị, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực điện tử, ô tô, xe máy, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, Italia với nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại, như: Công ty Luật Gibson, Dunn & Crutcher, Sàn giao dịch chứng khoán New York, Công ty Google...

Xác định công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư là một nhiệm vụ then chốt, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó, thủ tục hành chính về lao động được thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ” với thời gian giải quyết được rút gọn, nhanh chóng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng chủ động tiếp cận, mời gọi các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn, các dự án phù hợp với quy hoạch, tính chất ngành nghề thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp; hướng dẫn, đưa các nhà đầu tư đi tham quan các khu công nghiệp, khảo sát địa điểm, hướng dẫn các thủ tục đầu tư, như: Công ty TNHH KCI (Hàn Quốc) tìm hiểu thủ tục đầu tư tại khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc; Công ty TNHH Anh Quang tìm hiểu thủ tục đầu tư tại khu công nghiệp Bá Thiện II; Tập đoàn Liftec (Hàn Quốc) tìm hiểu về khu công nghiệp Phúc Yên...

Dự báo những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong bối cảnh xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia có dấu hiệu chậm lại, những giải pháp, chính sách mới cùng sự điều chỉnh thích hợp là điều kiện tiên quyết để tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục là địa phương có lợi thế so sánh trong vùng về thu hút đầu tư.

Bước vào một giai đoạn phát triển mới, với những thời cơ, vận hội mới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đề ra các giải pháp mang tính đột phá. Cụ thể là áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh và tiếp tục xây dựng các bộ chính sách nhằm đa dạng các lĩnh vực đầu tư, tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đầu tư tư hạ tầng tới chân hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch và hỗ trợ các điều kiện đầu vào thiết yếu cho sản xuất, kinh doanh; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp, tập trung các nguồn lực và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm môi trường đầu tư an toàn./.

Nguyễn Việt (tổng hợp)